Chuyện tình của người Anh hùng
Quả là ông trời khéo sắp đặt cho người tổ trưởng Phùng Văn Khầu ở cùng một cô gái quê Thái Bình xinh xắn nhưng cũng vô cùng dút dát. Cô gái trong tổ bốn người của Phùng Văn Khầu khiến ai cũng cảm động có tên Hà Thị Cay sớm mồ côi cha mẹ...
Anh hùng Điện Biên Phùng Văn Khầu năm nay đã bước sang tuổi 90. Ở cái tuổi mọi buồn vui được mất đã không còn quá quan trọng, đã không còn đắn đo hay nghi ngại mỗi khi một ngày mới bắt đầu. Mà thực ra, với toàn bộ cuộc đời mình đã sống, những ngày đã qua với Anh hùng Điện Biên Phùng Văn Khầu đều là tháng ngày đẹp nhất, đáng sống và xứng đáng với tất thảy những người thương yêu nhất, từ tổ tiên ông bà cha mẹ đến đồng chí đồng đội, cấp trên cấp dưới, trong họ ngoài làng, quê hương bản quán tới gia đình vợ con, người anh hùng đều đã sống giản dị mà tròn đầy, yêu thương đùm đậu nghĩa tình sau trước. Nhưng với ông, đẹp nhất vẫn là mối tình đã cho ông hạnh phúc trọn vẹn hơn 60 năm.
Cuộc đời thật lắm điều kỳ diệu, sau khi nhận danh hiệu Anh hùng Điện Biên, còn đang khó khăn xóa mù với những ký tự a b c gian nan chẳng khác nào những buổi khênh vác pháo vượt suối đèo Việt Bắc, năm 1955, Phùng Văn Khầu được cử đi tham dự Đại hội Liên hoan Thanh niên Sinh viên thế giới tổ chức tại Ba Lan.
Quả là ông trời khéo sắp đặt cho người tổ trưởng Phùng Văn Khầu ở cùng một cô gái quê Thái Bình xinh xắn nhưng cũng vô cùng dút dát. Cô gái trong tổ bốn người của Phùng Văn Khầu khiến ai cũng cảm động có tên Hà Thị Cay sớm mồ côi cha mẹ. Nạn đói năm 1945 ập xuống đất nước ta khi nhân dân vừa thoát khỏi đêm trường nô lệ. Người chết đói đầy đường. Người sống không đủ để đi chôn người chết. Mảnh đất Thái Bình là nơi có nhiều người chết đói nhất trên toàn quốc.
Cha mẹ họ hàng Hà Thị Cay chết đói rất nhiều đã để lại sự ám ảnh khôn khuây đối với người con gái nhỏ mồ côi. Được tham dự đoàn đại biểu vì những thành tích xuất sắc, Hà Thị Cay được mọi người trong đó có người chiến sĩ dân tộc Nùng hết sức quan tâm. Người anh hùng thấy cô gái hành trang giản dị đến sơ sài, chỉ có hai bộ quần áo hàng ngày thay đổi. Những đồ tối giản như khăn mặt, bàn chải đánh răng đều không có. Ngay đến chiếc lược chải tóc luôn phải là thứ có sẵn bên mình đối với người con gái thì Hà Thị Cay cũng không có nốt.
Sau nhiều lần đắn đo suy nghĩ, Phùng Văn Khầu quyết định tìm mua và tặng người bạn đồng hành, cô em gái khăn mặt, bàn chải và chiếc lược. Hà Thị Cay xúc động lắm. Nhưng phải đến lần thứ ba mới bẽn lẽn nhận món quà nhỏ của chàng trai dân tộc. Món quà nhỏ nhưng là nơi gửi gắm tình cảm, sự xúc động, sự đồng điệu của hai con người sớm mồ côi cha mẹ.
Thế mà, thật bất ngờ, hai hôm sau, trong một cuộc họp chung toàn đoàn công tác, cô gái đã đột nhiên đứng dậy "tố cáo" việc Phùng Văn Khầu tặng đồ dùng cá nhân trước toàn thể mọi người. Phùng Văn Khầu ngỡ ngàng đứng như trời trồng không biết nói năng ra sao? May mắn thay, hai người còn lại ở trong tổ đã đứng ra phân trình lại sự việc. Mọi người hiểu vỡ câu chuyện. Ai nấy đều vun vào khiến cặp má đôi trai gái cứ hồng rực mãi lên.
Những ngày đẹp đẽ trong Liên hoan Thanh niên Sinh viên thế giới rồi cũng kết thúc. Chẳng kịp ngỏ lời, mới chỉ là trao nhau ánh mắt, dùng mắt thay lời nói nhưng trong sâu thẳm trái tim cả hai đã thầm hẹn ước sớm có ngày gặp lại. Người anh hùng trở về cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ tiếp quản sân bay Bạch Mai. Đất nước mới hòa bình ngổn ngang như một đại công trường, người lính luôn là những người tiên phong có mặt ở nơi khó khăn nhất.
Nhưng cặp mắt, mái tóc, khuôn mặt xinh xắn dễ thương của người con gái quê lúa Thái Bình không thể nào rời tâm trí người anh hùng. Đã cố quên đi thì lại càng day dứt nhớ. Đã dùng công việc để khỏa lấp sao hình ảnh người con gái cứ hiện lên như nhắn nhủ, khơi gợi nỗi niềm không thể gọi tên ra? Đúng là tình yêu đến từ muôn ngàn nỗi nhớ khiến trái tim không thể đập bình thường được nữa. Cũng may người anh hùng còn giữ được tấm ảnh chụp tập thể trong đó có người con gái. Tấm ảnh nhỏ lắm. Người con gái Thái Bình ở trong tấm ảnh càng bé tí tẹo phải dõi nhìn rất sâu, rất lâu khuôn mặt ấy mới hiện lên. Tấm ảnh nhỏ như một cứu cánh của người anh hùng. Song khốn nỗi, càng xem càng nhớ. Cứ như vậy, niềm mong mỏi cháy bỏng dạt dào nhưng cũng chỉ biết khoanh lại ở trong tim.
Đang đêm mong ngày nhớ thì thật diệu kỳ, Phùng Văn Khầu tình cờ gặp lại Hà Thị Cay lúc này đang công tác tại tỉnh đoàn Thái Bình về dự Triển lãm Nông nghiệp tại thủ đô năm 1956. Phùng Văn Khầu như không tin ở mắt mình. Trái tim người anh hùng Điện Biên đập thình thịch. Người anh hùng lập tức lấy hết can đảm từ mờ sáng đã tới triển lãm vì biết khi ấy người xem còn chưa đến tìm cách tiếp cận đối phương.
Trước câu hỏi như bâng quơ của người con gái: "Sao hôm nay anh vào triển lãm một mình sớm thế?" người anh hùng đã lấy hết can đảm nói thẳng trung thực trái tim mình: "Là vì anh nhớ em, anh muốn hỏi em có đồng ý lấy anh không?". Câu nói còn chưa dứt, cả hai trái tim đã thình thịch đập. Cũng hiếm ai lần đầu tỏ tình cũng là lần hỏi ngay người ta có đồng ý làm vợ mình không? Nó vừa đường đột nhưng cũng rất đỗi chân thành khiến đối phương rơi vào thế bí. Là gái chưa chồng chẳng ai lại đồng ý ngay giữa triển lãm như thế.
Vậy là suốt đêm Hà Thị Cay mất ngủ. Hà Thị Cay trăn trở nghĩ về những bước đường mình đã qua, đoạn đường mình sắp đến. Sao người ấy như đã thuộc về mình thế nhỉ? Người ấy cũng mồ côi cha mẹ. Người ấy dường như đã là duyên số trời định cho mình. Nhưng mình là con gái, không thể nào quá dễ dàng ưng thuận. Mà có bằng lòng rồi cũng phải xem xem ý tổ chức thế nào.
Sau buổi gặp mặt tỏ lời yêu thương Phùng Văn Khầu càng suy nghĩ lao lung. Sao người ta cứ im im thế nhỉ? Sao người ấy cứ bẽn lẽn trước mình? Rõ ràng ánh mắt của người ấy nhìn mình ấm áp yêu thương lắm sao cái miệng không ngỏ lời đồng ý để mình phải trằn trọc suy tư? Hay là cô ấy đã có người khác rồi? Con gái xinh xắn như thế lại là cán bộ tỉnh đoàn chắc chắn sẽ tìm nơi hơn mình để gửi gắm chứ chắc gì đã chọn một anh lính? Không! Không phải vậy! Chắc chắn cô Cay đã yêu thương mình rồi! Chắc chắn cô ấy vờ ấp úng bởi con gái khi yêu thường như vậy. Đã thế ta phải kiên quyết đánh nhanh, đánh mạnh, đánh chắc tiến chắc như ở Điện Biên mới được.
Nghĩ sao làm vậy, Phùng Văn Khầu đánh liều nhờ bạn viết một lá thư gửi tới Hà Thị Cay.
Lá thư vẻn vẹn có bảy chữ:
"Cay có đồng ý lấy anh không?"
Quả là một lá thư tình độc đáo nhất trên đời.
Thư gửi đi rồi, Phùng Văn Khầu càng trằn trọc lao lung suy nghĩ. Nếu cô ấy không nhận bức thư thì sao? Nếu cô ấy lại "tố cáo" mình như ngày trước thì sao? Quả là thiên nan vạn nan muôn vàn ngóc ngách của chuyện tình muôn thuở.
Và chuyện oái oăm đã diễn ra.
Nhận được thư, Hà Thị Cay xúc động lắm. Quả là người con trai ấy yêu mình thực lòng và quyết tâm cưới mình làm vợ. Mình sắp được làm vợ, làm mẹ thật rồi ư? Bây giờ bố mẹ đã không còn thì tự mình phải quyết chứ nhờ ai quyết hộ được? Đoàn thể chắc cũng ủng hộ mình thôi. Sắp được làm vợ người anh hùng cũng là vinh dự cho cơ quan đoàn thể.
Quá xúc động nhưng cũng phải mất mấy hôm Hà Thị Cay mới gửi lại bức thư.
Bức thư vẻn vẹn có năm chữ:
"Em cũng đồng ý thôi!"
Phùng Văn Khầu nhận được thư như bắt được vàng mừng vui khôn tả. Người anh hùng bóc thư ra. Người anh hùng lại nhờ người đọc cho mình biết. Sao lại thế này? Cô ấy trả lời như thế này là như thế nào? Tại sao lại "Em cũng đồng ý thôi!". Đồng ý thôi là đồng ý như thế nào?
Đúng là chữ nghĩa đánh đố con người. Càng những người chưa biết chữ, mới biết loáng thoáng một hai chữ càng sợ chữ. Thư đã ngắn đến tận cùng vẫn còn đánh đố nhau? Đã đâm lao phải theo lao. Phùng Văn Khầu quả quyết nhờ người bạn viết một bức thư nữa dài hơn, rành mạch hơn, đi thẳng vào vấn đề.
Nhưng lá thư cũng chỉ dài có chín chữ:
"Em đồng ý thôi hay là đồng ý thật?".
Hà Thị Cay nhận được thư không khỏi bật cười. Rõ chữ với chả nghĩa. Người ta đã nói hai năm rõ mười rồi còn nghi ngại nỗi gì? Đồng ý thôi cũng là đồng ý thật còn gì nữa. Đồng ý thôi nghĩa là đồng ý rồi. Đúng là chàng ngốc.
Trong tình yêu có những phút khác người như thế. Rõ ràng hai trái tim đã đập chung một nhịp lại bày ra chuyện thư từ mới ra nông nỗi. May mà toàn con em nông dân chân chỉ hạt bột ai lại chấp nhất chấp nhì cái chuyện thư từ.
Nhưng dẫu sao những lá thư cũng đã hoàn thành sứ mệnh của mình.
Điều gì đến sẽ phải đến.
Hà Thị Cay và Phùng Văn Khầu làm đám cưới cũng vô cùng độc đáo. Đám cưới diễn ra tại Tỉnh đoàn Thái Bình. Cơ quan đoàn thể đứng ra tổ chức lễ cưới cho cặp vợ chồng Phùng Văn Khầu - Hà Thị Cay. Đám cưới vô cùng giản dị vẻn vẹn có dăm bao thuốc, nửa cân chè với số tiền tổng cộng là 12 đồng mà cô dâu chú rể phải chi ra. Như bao đám cưới thời chiến khác, họ đến với nhau là ở tấm lòng, trong tấm lòng đồng đội chứ vật chất nhiều ít nào có ý nghĩa gì. Con người ta cứ đeo đuổi mãi vật chất rồi cuối cùng bị vật chất đánh bại mới nhận ra sự tầm thường của vật chất nhiều khi đã là quá muộn. Cặp vợ chồng Phùng Văn Khầu - Hà Thị Cay ngay từ đầu đã rất coi nhẹ vật chất. Ngay cả chiếc khăn mặt, chiếc lược, hộp thuốc đánh răng - món quà tỏ tình độc đáo còn bị đưa ra "tố cáo" giữa đoàn thể thử hỏi vật chất chẳng nhẹ hơn lông hồng hay sao.
Thế mà cặp vợ chồng này đã nắm tay nhau xuyên qua gần hai phần ba thế kỷ.
Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/nhan-vat/chuyen-tinh-cua-nguoi-anh-hung-600038/