Chuyện tình đẹp đến rơi nước mắt của người đàn ông sửa xe
Với cặp vợ chồng ấy, có lẽ gian nan phía trước còn rất nhiều. Điều quan trọng là họ vẫn bên nhau như 13 năm đã qua, bởi đời người hạnh phúc nhất là khi biết dù trong khó khăn mình vẫn được yêu thương và đồng hành.
13 năm vẹn tròn tình nghĩa
Cách đây hơn một năm chương trình Khát vọng sống của Truyền hình nhân đạo đã mang đến một câu chuyện khiến người xem rơi nước mắt. Anh tên là Trần Phước Trí, ở ấp Phước Tiền, xã Thủy Liễu, huyện Gò Quao, Kiên Giang. 13 năm trước vợ anh mang thai, anh chị mong ngóng từng chút suốt 9 tháng 10 ngày.
Rồi ngày con gái ra đời cũng đến, anh chị vỡ òa trong hạnh phúc. Nào ngờ sau sinh không lâu chị bị băng huyết, dù được cấp cứu nhưng người mẹ trẻ đã bị tai biến sản khoa khi mà chị còn chưa kịp thực hiện được ước mơ cho con bú những giọt sữa đầu tiên.
Từ đó, tay chân chị co cứng, không thể nói chuyện và thường lên cơn động kinh, chỉ nằm trông chờ sự chăm sóc của người thân trong suốt 13 năm. Vợ chẳng may gặp nạn, anh Trí vừa lo cho vợ, vừa chăm sóc cho cha già neo đơn nên anh đưa vợ về nhà mẹ vợ phụ chăm tiếp.
Ngày ngày, khi bé Thảo là con gái anh chị ở nhà lo cho mẹ thì anh Trí chở mẹ vợ đi bán rau ở chợ từ 7-9 giờ sáng trên chiếc xe máy cũ. Sau đó anh ra tiệm sửa xe làm và cơm nước cho cha đến 2 giờ chiều anh lại về chở mẹ vợ đi bán rau tiếp. Thời gian còn lại anh dành hết cho vợ.
13 năm qua anh Trí lao đao vất vả, nhưng anh hiểu nỗi khổ nhọc của mình không thể nào bằng nỗi khổ tâm của vợ vì dù chị không nói được nhưng vẫn nghe, hiểu chuyện, đó là nỗi đau vô cùng lớn. Do vậy có bận rộn đến mấy, buồn bã bao nhiêu anh vẫn cố dành thời gian bên cạnh chị. Thảo dù chưa từng được mẹ chăm sóc nhưng rất thương mẹ qua lời kể của ba. Vợ anh thường chờ anh Trí về để bón cho ăn.
Theo ông Trần Thanh Bảy - Trưởng ấp Hiệp An thì gia đình anh Trí thuộc diện khó khăn ở địa phương. Trước đây, gia đình anh chị cũng có ít ruộng đất nhưng từ ngày chị trở bệnh phải bán hết. Anh Trí đưa vợ đi chữa khắp các bệnh viện mà bệnh tình của chị vẫn không thuyên giảm.
Anh vay được 11 triệu đồng để mở tiệm sửa xe nhưng vợ bệnh nên dần cũng hết không còn vốn liếng. Cha ruột anh là ông Trần Văn Hoạt cũng đau ốm liên miên, anh không thể bỏ mặc vợ con hay cha, nên anh cứ chạy tới chạy lui vừa chăm vợ con, vừa chăm cha, khó khăn nhưng vẫn cố cho con được đi học.
“Con đi học, bạn hỏi mẹ bạn bệnh vậy có tiền đi học không. Con khóc. Mình an ủi con mình hoàn cảnh thì phải chịu thôi. Con ráng lo chăm học. Cha cũng ráng làm ăn có tiền lo cho con. Mình cực thế nào thì cực, mình còn sức khỏe còn kiếm tiền lo cho con được thì mình lo. Cũng có lúc chán nản dữ lắm, nhưng không lẽ vỗ ngực kêu trời. Còn con thì mình phải ráng kiếm tiền, nuôi con.
Lúc mình quen vợ mình, mình cũng có hứa hẹn ước ao này kia. Cũng yêu thương nhau, hiểu tính nhau, chứ đâu có nghĩ chuyện thế này, thôi thì ráng vậy, còn nước còn tát, chứ biết sao giờ”, người chồng rơm rớm nước mắt kể.
Sau khi chương trình truyền hình được phát sóng, nhờ các nhà hảo tâm, cuộc sống của gia đình anh Trí đã đỡ túng bấn hơn trước. Nhưng với cặp vợ chồng ấy, có lẽ gian nan phía trước còn rất nhiều. Điều quan trọng là họ vẫn bên nhau như 13 năm đã qua, bởi đời người hạnh phúc nhất là khi biết dù trong khó khăn mình vẫn được yêu thương và đồng hành.
Tiêu chí xuyên suốt của các đạo luật về hôn nhân, gia đình
Câu chuyện của vợ chồng anh Trí là câu chuyện của tình vợ chồng thủy chung và nghĩa tình. Điều đáng nói là sự thủy chung, nghĩa tình trong đời sống vợ chồng không chỉ được quy định trong các văn bản Luật Hôn nhân và Gia đình của ngày hôm nay mà đã được đúc kết trong ca dao Việt Nam từ xa xưa để lưu lại cho thế hệ mai sau bài học về hạnh phúc gia đình, cái nôi của mái ấm tình yêu: “Đạo nào bằng đạo phu thê/Tay ấp, má kề, sinh tử có nhau; Thương nhau tạc một chữ tình/Trăm năm thề quyết bạn mình có nhau/Trăng tròn chỉ có đêm rằm/ Tình ta tháng tháng, năm năm vẫn tròn; Thuận vợ, thuận chồng tát biển đông cũng cạn; Râu tôm nấu với ruột bầu/ Chồng chan vợ húp, gật đầu khen ngon…”.
Thời cổ đại, vợ chồng đối đãi với nhau đều là coi trọng lễ nghĩa và ân tình. Người vợ luôn nhu mềm, giúp chồng dạy con. Người chồng mạnh mẽ, làm trụ cột gia đình. Họ lấy ân nghĩa làm nền tảng, cho nên tình cảm vợ chồng bền chặt, kiên trung như sắt thép, mãi mãi không đổi thay. Nói về cách ứng xử giữa vợ chồng, người xưa có thuyết pháp “tương kính như tân”, vợ chồng đối đãi với nhau phải kính trọng như đối với khách.
Bởi vì người xưa đối đãi với khách là vô cùng trang nghiêm, cung kính, nhất cử nhất động đều phải phù hợp lễ tiết. Trong lòng chân thành, lời nói phải ôn hòa cẩn trọng, nét mặt vui vẻ, hòa nhã, tất cả đều phải hợp với quy phạm đạo đức.
Vợ chồng thời cổ đều hiểu lễ nghĩa, được giáo dục và tiếp thu những quy phạm đạo đức của văn hóa truyền thống nên luôn đặt ân nghĩa làm nền tảng trong quan hệ vợ chồng. Cũng bởi vì thế mà tình cảm vợ chồng luôn gắn bó bền chặt, suốt đời không thay đổi.
Trong các giai đoạn và hình thành của nền pháp luật nước nhà từ Bộ luật nhà Lê cho tới đạo luật về hôn nhân, gia đình các năm 1959,1986, 2000, 2014, sự chung thủy là tiêu chí xuyên suốt của nghĩa vụ và trách nhiệm vợ chồng và cũng từ đó vấn đề này đi vào Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình với tư cách là một trong những tiêu chí chính để gìn giữ hạnh phúc, mái ấm gia đình.
Theo Bộ tiêu chí ứng xử, trong điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay, những quan niệm về tình yêu, hôn nhân, gia đình đã ít nhiều không còn mang nguyên ý nghĩa truyền thống. Mỗi thế hệ, mỗi cá nhân quan niệm khác nhau về cái gọi là “chung thủy” và “nghĩa tình” để từ đó nảy sinh vấn đề: một bên là tình cảm tự nhiên của con người và còn bên kia là những quy định luật pháp, một cái mang tính bản năng tự nhiên và một cái mang tính xã hội.
Nhưng dù thế nào thì “bản chất của quan hệ vợ chồng bao gồm tình yêu và nghĩa vụ. Mục đích của hôn nhân trong chế độ hiện nay là xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững.
Để hôn nhân đạt được mục đích đó thì cơ bản hai người trong quan hệ hôn nhân phải yêu thương nhau, chăm sóc giúp đỡ nhau cùng tiến bộ và nhất là phải cùng chung thủy với nhau vì đây không chỉ là quy định về mặt pháp lý mà đó còn là đòi hỏi về mặt đạo đức. Như vậy, cái tự nhiên và cái xã hội luôn đan xen nhau, quan hệ biện chứng với nhau và không thể tách rời nhau” – theo hướng dẫn của Bộ tiêu chí.