Chuyện tình hy hữu của cố Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Ngọc Ký
Sinh thời, tôi may mắn được Nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký kể lại chuyện tình lãng mạn mà hy hữu của ông. Từ năm 1966 đến 1970, thầy Ký học khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, thầy trở về quê nhà Hải Hậu, Nam Định dạy học. Chàng tân cử nhân Nguyễn Ngọc Ký đã phải lòng một cô giáo ngoan, hiền, dễ thương. Cô tên là Bùi Thị Nhiễu, xuất thân trong một gia đình gia giáo, nề nếp ở thành phố Nam Định.
Chuyện tình thứ nhất
Vì sự khiếm khuyết của đôi tay nên khi nghĩ về hạnh phúc lứa đôi, thầy Ký rất thận trọng vì không muốn người con gái làm vợ mình phải khổ. Dù đến với nhau bằng tình yêu trong sáng, không tính toán, nhưng cặp đôi đã vấp phải sự phản đối gay gắt từ phía gia đình cô giáo Nhiễu. Chẳng ai tin được một người con gái xinh đẹp lại chọn người yêu, người chồng tật nguyền bị liệt cả hai cánh tay.
Qua năm tháng, nhờ sự vun đắp chân tình của bà con hàng xóm cùng bạn bè, người thân hai bên, đặc biệt là sự góp ý kiên trì có tình, có lý của nhà thơ Đoàn Văn Cừ mà bố mẹ cô Nhiễu đã đồng ý cho gia đình thầy Ký được mang trầu cau đến hỏi cưới con gái mình. Tình yêu đẹp của họ đơm hoa kết trái được 3 người con, tất cả đều nối nghiệp thầy Ký, cô Nhiễu làm nghề giáo. Nhưng rất tiếc, thầy cô không thể cùng nắm tay nhau đến đầu bạc răng long trọn vẹn. Năm 1994, cô Nhiễu bị tai biến mạch máu não, thầy ký nhiệt tình chăm sóc, chữa trị cho vợ suốt 7 năm rồi sau đó cô Nhiễu qua đời.
Chuyện tình thứ hai: "Nối duyên" với em gái của vợ
Trước khi trút hơi thở cuối cùng, cô Bùi Thị Nhiễu trăng trối: "Nếu như em mãn phần thì anh hãy thương lấy dì Đậu vì chồng dì ấy mất sớm. Còn dì Đậu hãy thay chị chăm sóc anh Ký...". Sau khi lo hậu sự cho cô Nhiễu, thầy Ký chuyển vào TP. Hồ Chí Minh sinh sống và dạy học ở quận Gò Vấp. Theo lời nhắn nhủ của chị gái, bà Đậu lặng lẽ thu xếp hành trang vào TP. Hồ Chí Minh, thay chị mình chăm sóc, đỡ đần thầy Ký những khi ông đau ốm, bệnh tật. Cả hai người đã phải vượt qua nhiều lời đàm tiếu của dư luận cũng như sự phản đối gay gắt của các con rồi sau đó về chung sống với nhau cho đến khi thầy Ký qua đời.
Cuộc đời và quá trình luyện viết bằng chân của ông được Bộ Giáo dục - Đào tạo cho vào những trang sách giáo khoa, đưa ý chí nghị lực của thầy Nguyễn Ngọc Ký như một tấm gương sáng để học sinh noi theo. Thầy cũng được mời đi giao lưu, giáo dục lẽ sống và lan tỏa tinh thần học tập suốt đời cho nhiều thế hệ trẻ trong cả nước. Suốt cả cuộc đời, thầy Ký đã truyền cảm hứng cho biết bao thế hệ học trò với nghị lực, quyết tâm phi thường và ra mắt nhiều tác phẩm để lại tiếng vang như hồi ký "Tôi đi học", "Tôi học đại học", "Tôi đi dạy học", "Tâm huyết trao đời"…