Chuyện tình Lưu Quang Vũ và họa sĩ Nguyễn Thị Hiền (2): Suýt mất mạng vì đòn ghen
Dù vợ chồng Lưu Quang Vũ đã ly hôn, nhưng do bị coi là 'người thứ ba', họa sĩ Nguyễn Thị Hiền có lần phải hứng chịu cơn ghen của người vợ cũ, khiến bà sởn gai ốc cho đến tận bây giờ.
> Chuyện tình của Lưu Quang Vũ và họa sĩ Nguyễn Thị Hiền
Ly dị vẫn phải lén lút gặp nhau
Sau khi bị vợ cũ của Lưu Quang Vũ tố cáo gây đổ vỡ hạnh phúc gia đình, những tháng ngày sau đó là một sự mệt mỏi với gia đình nữ họa sĩ. Vốn đã phản đối chuyện của con gái, nhà văn Kim Lân lại càng có cớ để ra sức ngăn cản quyết định của bà. Duy chỉ có cha của Lưu Quang Vũ là ông Lưu Quang Thuận tỏ ra cảm thông cho tình cảnh của con trai. Hơn ai hết, ông biết tình yêu không có tội, chỉ là do họ gặp nhau ở thời điểm quá trớ trêu. Nếu vợ chồng Lưu Quang Vũ vẫn còn ở với nhau đã đành, đằng này mỗi người đã ở một nhà. Tố Uyên vẫn ở nhà cũ, còn Lưu Quang Vũ thì ở với bố ở căn hộ bên cạnh.
Dù đã đường ai nấy đi, nhưng do họ vẫn sống cùng khu nhà 96 phố Huế nên những cuộc ghé thăm của họa sĩ Nguyễn Thị Hiền ở nhà Lưu Quang Vũ không hề dễ dàng. “Có lần đến nhà Vũ chơi, Tố Uyên trông thấy tôi đến đã nhảy bổ vào. Nếu không có Vũ lao vào cản trở thì không biết sự thể sẽ ra sao”.
Dù Lưu Quang Vũ không còn ràng buộc với ai, nhưng để không gây chú ý, đã có lúc hai người phải lén lút gặp nhau, cho nên mới có bài thơ của Lưu Quang Vũ nói về hoàn cảnh trớ trêu này: “Quán cafe dưới gầm cầu xe lửa/Hạt mưa đen rơi trên ô kính vỡ/Ngón tay dài trong bóng tối run run/Lá đầu thu xao xác bên đường”.
Năm 1973, bà có cơ hội được đi du học nước ngoài- niềm mơ ước của biết bao người, nhưng vì tình yêu với Lưu Quang Vũ, bà đã ở lại không đi nữa. Thậm chí, có lúc bị cha “đuổi” ra khỏi nhà để gây sức ép khiến bà phải lựa chọn từ bỏ Lưu Quang Vũ, nhưng vì tiếng gọi của con tim, bà chấp nhận ra ngoài ở. Hết cách với con gái, nhà văn Kim Lân phải giả ốm. Sợ cha có mệnh hệ gì, bà mới chịu trở về nhà.
Chia tay vì Lưu Quang Vũ quá yếu đuối và đào hoa
Nhưng Lưu Quang Vũ là người quá đa cảm và đào hoa. Ly dị với Tố Uyên xong thì Vũ lại vướng vào chuyện với Xuân Quỳnh. Khi đó cũng ở 96 phố Huế. “Vũ nhiều lần nói cho tôi biết, Quỳnh rất yêu Vũ và làm nhiều chuyện để giành Vũ về phía mình. Còn tôi chỉ là người sống trong sách vở, có biết gì về đời sống thường đâu. Lúc Vũ gặp khó khăn nhất, không tiền, không việc làm, chán nản vì thế thời, tôi nhận những hợp đồng vẽ tranh cổ động cho Vũ vẽ. Chúng tôi có cùng niềm say mê về hội họa và văn chương. Mỗi khi Vũ làm thơ thì tôi vẽ minh họa- cuốn sổ tay như kỷ vật riêng của hai người. Nhưng dường như, bấy nhiêu thôi vẫn chưa đủ, bởi ngoài tình yêu còn cần một cuộc sống thường ngày cơm áo. Ngoài vẽ và đọc sách, mọi sự đời thường tôi không rành rọt, mà Xuân Quỳnh lại là người rất giỏi gia chánh. Cô biết chợ búa, giặt giũ, biết an ủi khi Vũ cô đơn…
Buồn đau và cả thất vọng, tôi nhận ra Vũ là người vô cùng yếu đuối. Tôi đã có một cuộc nói chuyện với Vũ rằng, nếu Vũ không thoát ra được thì Hiền không muốn mình là người đi tranh giành tình cảm. Và khi biết Vũ không thể thoát ra, không dứt khoát giữa tình cảm với tôi, với Xuân Quỳnh, tôi đã chủ động chia tay”, bà Hiền kể lại.
Nhà thơ Vi Thùy Linh, trong cuốn “ViLi tùy bút” đã cho rằng, tình yêu mà Lưu Quang Vũ dành cho họa sĩ Nguyễn Thị Hiền còn lớn hơn cả với Xuân Quỳnh. Nữ thi sĩ còn khẳng định, trong tình yêu, Quỳnh đã chiếm đoạt Vũ bằng tình cảm của một người từng trải nhưng lại chưa từng có được sự trọn vẹn về tinh thần từ tình yêu của Lưu Quang Vũ, như chính Xuân Quỳnh có lần tự thú: “Em chiếm đoạt rồi em hoảng sợ/Giữa vô cùng hoang vắng, giữa cô đơn” (Tự hát).
Điều này cũng phần nào được minh chứng qua lời kể và những bằng chứng trong thơ ca mà Lưu Quang Vũ viết cho nữ họa sĩ. Là người đàn ông tài hoa, Lưu Quang Vũ thường được đón nhận sự săn đón trong tình cảm. Nhưng dường như, chỉ với họa sĩ Nguyễn Thị Hiền, ông mới sắm đúng vai là người đi “chinh phục”.
“Vũ và Xuân Quỳnh sống với nhau rồi, không hiểu sao không một ngày nào là Vũ không đứng ở đường Quang Trung, đầu ngõ nhà tôi để chờ tôi đi qua. Hôm nào không thấy ở ngõ thì thể nào quay lại cũng thấy Vũ đạp xe ở phía sau. Nhìn thấy cảnh đó, tôi đau lòng vô cùng. Nhưng hoàn cảnh không cho phép tôi dừng lại, bởi nếu chỉ một phút yếu mềm, sự cương quyết của tôi sẽ trở nên uổng phí. Chúng tôi cứ âm thầm dõi theo nhau, hướng về nhau một cách câm lặng như thế”, nữ họa sĩ xúc động nhớ lại.
Chia tay Lưu Quang Vũ, 4 năm sau nữ họa sĩ mới kết hôn. Ngay cả khi bà lấy chồng, sinh con rồi, Lưu Quang Vũ vẫn giữ thói quen đứng đợi bà ở ngõ Hạ Hồi, Quang Trung. Có hôm Lưu Quang Vũ đèo con gái Lưu Khánh Thơ đằng sau, còn bà thì đèo con gái Minh Hiền. Cả hai không nói câu gì mà chỉ hướng về nhau như một thói quen. Không chỉ đi theo, những vần thơ của ông dành cho bà vẫn không ngừng tuôn chảy: “Sớm mùa đông tôi ra phố tìm em/Vẫn không hiểu vì sao em đã đến/Tôi mong em từ ngày thơ xa lắc/Tôi đợi em trên mọi ngã ba đường/Tôi gọi em khản giọng những đêm sương/Em thuở ấy nơi nào em có biết/Sao ngày xưa ta chẳng đến tìm nhau”. Những bài thơ có tiêu đề Người đàn bà không có tên 1,2,3... cứ thế ra đời ghi lại những day dứt, nuối tiếc về cuộc tình không trọn vẹn.
Thanh Hà
(Còn nữa)