Chuyện tình 'trọn kiếp chỉ yêu một người' của vợ chồng xứ Huế

Đọc những lá thư tình ba gửi cho mẹ, tôi ngỡ ngàng trước chuyện tình siêu lãng mạn của hai người. Tình yêu ấy khiến tôi tin rằng trên đời có chuyện trọn kiếp chỉ yêu một người.

“Bé yêu của anh…”

“Đêm thứ Sáu ngày 7.4.1989.

Bé yêu của anh.

Một buổi tối buồn dễ sợ không biết làm chi thôi đành tâm sự với bé thêm trang giấy nầy cho đỡ nhớ vậy. Đầu lời tâm sự anh gửi đến lời cầu chúc cho bé dễ thương mãi mãi và suốt đời là đứa con đáng yêu nhất trong gia đình”.

Đó là một trong những lá thư tay đã nhàu nát, nhòe nét mực của ba gửi cho mẹ vào năm 1989, khi hai người mới bắt đầu hẹn hò. Tôi tình cờ tìm được những lá thư ấy khi dọn dẹp nhà cửa đón Tết Nhâm Dần.

Những lá thư tình giờ chỉ còn là xấp giấy mục nát sau khi trải qua hàng chục mùa lụt ở Huế ấy vẫn được mẹ gói ghém, nâng niu như bảo vật. Đó là minh chứng cho chuyện tình siêu lãng mạn của hai người.

Lá thư tay với nét chữ đẹp như in của ba gửi cho mẹ vào năm 1989.

Lá thư tay với nét chữ đẹp như in của ba gửi cho mẹ vào năm 1989.

Tình yêu của ba mẹ bắt đầu từ lần ba ra Huế chơi. Năm đó, ba từ Bình Phước ra Huế và đến thăm nhà người bạn của mình. Tình cờ, mẹ cũng quen biết người bạn này của ba.

Cả hai gặp nhau lần đầu ở đó. Và, ngay trong lần đầu gặp gỡ ấy, ba đã trúng tiếng sét ái tình của mẹ.

Thời xuân sắc, mẹ đẹp lắm. Nhưng ba yêu mẹ bởi nét dễ thương, hồn nhiên, ngây thơ của mẹ. Năm 23 tuổi, mẹ vẫn chơi búng dây thun, nhảy lò cò… như con nít ở quê.

Chính sự hồn nhiên, ngây thơ ấy mà ba gọi mẹ là "cô bé" và lúc nào cũng “bé ơi”, “bé yêu của anh ơi”…

Có lần, mẹ đang đi mua đồ cho ngoại, ba đi ngang qua thấy liền trêu: “Bé ơi rảnh không, đi uống cà phê với anh”. Mẹ hồn nhiên gật đầu đáp: “Đợi tí. Em mang đồ về cho ba đã” rồi đi chơi cùng ba luôn.

Hai người yêu nhau bằng một tình yêu trong trẻo, thuần khiết. Thế nhưng chuyện tình ấy cũng vấp phải sự khó khăn của bà ngoại. Ngày ấy, mỗi lần bắt gặp mẹ trốn đi chơi với ba, bà ngoại lại la mắng, “cốc đầu” mẹ.

Trải qua nhiều năm tháng, ảnh hưởng của lụt lội, những lá thư đã nhàu nát, úa màu, rách bươm.

Trải qua nhiều năm tháng, ảnh hưởng của lụt lội, những lá thư đã nhàu nát, úa màu, rách bươm.

Thương mẹ, dẫu nhớ nhung, ba cũng đành thôi không gặp bà. Đó chính là khoảng thời gian ba lén nhờ người quen gửi những bức thư tay siêu lãng mạn với nét chữ đẹp như in cho mẹ.

Thời điểm ấy, trong thư, ba thường viết những câu: “cũng chỉ vì anh mà em mắc lỗi với ba má”; “cũng chỉ vì anh trốn ngoài cửa….”; “mọi sự anh đã hiểu”; “tha lỗi cho anh”…

Mỗi lần nhận thư của ba, mẹ luôn trân trọng và cất giữ chúng cẩn thận. Thế nhưng Huế nhiều lần lụt lội, nhiều bức thư bị ướt, nhòe, rách… Dẫu vậy, mẹ vẫn cố giữ chúng cho đến tận bây giờ.

Yêu trọn một đời

Ba yêu mẹ đến nỗi bỏ tất cả chỉ để được gần mẹ. Trước đây, ba không theo đạo. Nhà ông bà nội chuyển từ Huế vào Bình Phước làm kinh tế mới. Sau khi trúng tiếng sét ái tình của mẹ, ba quyết đi học giáo lý để có thể cưới mẹ.

Thế nhưng mẹ vẫn gói ghém, cất giữ chúng như bảo vật.

Thế nhưng mẹ vẫn gói ghém, cất giữ chúng như bảo vật.

Cưới xong một thời gian, mẹ theo ba rời Huế vào Bình Phước sinh sống. Nhưng ba lại thương mẹ buồn lòng vì xa quê, xa cha mẹ của mình. Để mẹ vui, ba quyết định dọn nhà ra Huế ở luôn cho đến tận bây giờ.

Về chung nhà, có chúng tôi, ba mẹ vẫn yêu thương nhau như ngày đầu. Không như nhiều cặp vợ chồng khác, sống lâu với nhau thường đổi sang gọi bà xưng tôi, ba mẹ vẫn gọi anh xưng em một cách ngọt ngào.

Mỗi lần mẹ giận, ba lại dùng óc hài hước, sự lạc quan của mình để làm mẹ phải bật cười. Tôi còn nhớ mỗi lần như vậy, ba sẽ hát bài Phượng buồn rồi kéo dài chữ “phượng” trong câu hát “Xuân qua hè tới ta nhớ nhau luôn phượng ơi”.

Ba cứ ngân nga chữ ấy cho đến khi mẹ bật cười mới thôi. Sau cái cười ấy, cơn giận hay chút buồn lòng của mẹ tan biến. Cả hai lại vui vẻ, cười đùa cùng nhau.

Cha mẹ lúc trẻ...

Cha mẹ lúc trẻ...

Sau này, tình yêu của ba dành cho mẹ vẫn đong đầy như ngày đầu cho đến khi ông ra đi mãi mãi vì ung thư. Tôi nhớ những ngày mẹ còn buôn bán. Mỗi ngày, bà phải thức dậy từ 2-3h sáng để chuẩn bị gánh hàng.

Thương vợ, ba tôi luôn giành phần thức khuya dậy sớm. Ông chuẩn bị gánh hàng cho mẹ, để bà có thể ngủ thêm một chút. Mỗi sáng thức dậy, mẹ luôn ngạc nhiên vì mọi thứ đã được xếp đặt, chuẩn bị tinh tươm. Bà chỉ việc đi bán.

Rồi những ngày lễ, kỷ niệm của hai người, ba mẹ luôn tạo bất ngờ cho nhau. Ngày sinh nhật, lễ tình nhân, ba mẹ thường “trốn” chúng tôi để 2 người đi chơi riêng. Mỗi khi như thế, ông bà thường nói là đi công chuyện.

Lần chụp ảnh trong lễ tình nhân cuối cùng của hai người trước khi ba ra đi mãi mãi vì ung thư.

Lần chụp ảnh trong lễ tình nhân cuối cùng của hai người trước khi ba ra đi mãi mãi vì ung thư.

Cho đến khi chúng tôi phát hiện xe ba mẹ dính đầy cát mới biết ông bà “trốn” con đi chơi biển riêng với nhau. Ngày 14/2/2019 là Lễ tình nhân cuối cùng ba mẹ “trốn” đi chơi cùng nhau.

Sau đó 9 tháng, ba ra đi mãi mãi vì căn bệnh ung thư. Mẹ tôi chới với, đau đớn tột cùng. Ngày đưa tiễn ba, tôi khóc như mưa nên không biết mẹ có khóc nhiều như tôi đã từng hay không.

Nhưng tôi mong mẹ đã khóc thật nhiều vì khóc ra được sẽ tốt hơn. Cũng như những lá thư tay ba gửi cho mẹ vào những năm 1989, sau khi ông mất, mẹ vẫn treo quần áo, nón, giày… của ba trong tủ.

Với ba mẹ, cả hai chỉ có một tình yêu, một người yêu duy nhất trong đời. Đó là người mình đã chọn và gắn bó cho đến hết cuộc đời.

Nhật Huyền

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/doi-song/gia-dinh/chuyen-tinh-tron-kiep-chi-yeu-mot-nguoi-cua-vo-chong-xu-hue-815967.html