Chuyện tình xúc động của liệt sĩ gửi tới vợ qua những bức thư quý giá
Đến với nhau khi đất nước chưa thống nhất nên cuộc sống vợ chồng của bà Lương chỉ đếm trên đầu ngón tay. Một mình sinh con, chăm con giữa muôn vàn vất vả khi chồng ở ngoài chiến trường nên họ chỉ biết gửi gắm nỗi nhớ thương vào những trang thư viết vội.
Trong nỗi khát khao về một ngày đoàn tụ cùng gia đình, liệt sĩ Nguyễn Văn Kiền nhiều lần khẳng định “thống nhất anh sẽ về”.
Vào một ngày tháng 7 lịch sử, bà Nguyễn Thị Lương (76 tuổi), trú phường Đội Cung, thành phố Vinh (Nghệ An) cùng con gái, người thân đã tới Bảo tàng Quân khu 4 trao tặng 10 lá thư từ chiến trường. Trong đó có 9 lá thư của liệt sĩ Nguyễn Văn Kiền và một lá thư của bà gửi cho chồng.
Những lá thư đã úa màu thời gian, có lá kín 4 mặt giấy, có lá thư chỉ vài dòng nhưng luôn chứa chan tình yêu thương, nỗi nhớ của người chồng, người cha dành cho vợ và cô con gái nhỏ. Những trang giấy ấy trở thành nguồn động viên, là điểm tựa, sức mạnh để người vợ trẻ đủ mạnh mẽ đương đầu với khó khăn, nuôi con, chờ chồng.
Xúc động khi nhắc lại chuyện tình yêu của mình với người chồng là liệt sĩ Nguyễn Văn Kiền, bà Lương cho biết, cả hai quen nhau khi hai người tham gia học lớp Chi ủy viên do Thành ủy Vinh tổ chức vào năm 1969. Từ lần chạm mặt ấy, chàng trai quê xã Nam Cát, huyện Nam Đàn, Nghệ An đã cảm mến cô gái xinh đẹp. Khi anh Kiền ngỏ lời yêu thì cô gái trẻ cũng không từ chối.
Đám cưới ấm cúng, giản dị của họ được tổ chức vào tháng 7/1970. Bà Lương nhớ lại, dù đã thành đôi nhưng họ chỉ có mấy ngày được sống đúng nghĩa vợ chồng khi không có nhà riêng, mỗi người ở phòng tập thể của cơ quan. Thế rồi, từ những lần gặp nhau ít ỏi ấy, bà Lương đã mang thai đứa con đầu lòng.
Không lâu sau khi vợ mang bầu thì người lính Nguyễn Văn Kiền lên đường huấn luyện. Cho đến bây giờ, bà Lương vẫn nhớ lời dặn của chồng trước khi lên đường rằng “nếu anh đi 10 năm chưa về thì em hãy đi lấy chồng”. Lúc đó, bà giận nên nói “em chỉ lấy chồng một lần thôi, anh cứ yên tâm chiến đấu và sớm trở về...”.
Tháng 7/1971, bà Lương sinh con đầu lòng tên là Nguyễn Thị Thu Hiền mà không có chồng bên cạnh. Mãi 3 tháng sau, trong lần nghỉ phép trước khi vào miền nam ông bố trẻ ấy mới được gặp con. Người lính trẻ cứ bế cô con gái bé bỏng trên tay cho thỏa nỗi nhớ mong. Nhưng giây phút hạnh phúc ấy chỉ kéo dài ít ngày khi anh phải tiếp tục hành quân.
Dù tham gia huấn luyện hay chiến đấu thì người chiến sỹ ấy luôn nhớ mong đến vợ con ở quê nhà. Người lính Nguyễn Văn Kiền viết thư liên tục, dường như anh viết để vơi bớt nỗi nhớ thương luôn thường trực trong lòng, viết để bày tỏ tình yêu và tin tưởng vào người vợ trẻ đã sớm phải xa chồng khi hạnh phúc vừa chớm nở. “Em yêu, anh thương em quá, anh nhớ em quá nhưng không thể làm thế nào được trong lúc này... Nói làm sao được, vợ chồng mới chung sống thời gian quá ít đã phải xa nhau, không được gần nhau để được giúp đỡ nhau trong khi vui buồn hoặc động viên nhau”, trích thư của liệt sĩ Nguyễn Văn Kiền.
Những trang thư có lẽ là nơi anh sống thật nhất với con người mình, với yêu ghét, giận hờn. Đã có lúc, nỗi nhớ nhung khiến anh có suy nghĩ không đúng với tâm thế và tinh thần của một người lính. Nhưng rồi, tình yêu Tổ quốc đã chiến thắng những giây phút yếu mềm, riêng tư ấy.
Anh viết thư động viên vợ, cũng là động viên chính mình, bởi trong giai đoạn lịch sử ấy, họ không thể chỉ nghĩ về mình mà phải có trách nhiệm đối với độc lập và thống nhất đất nước. Cũng như biết bao người lính đã ra đi và nằm lại ở chiến trường, họ biến nỗi nhớ thành hành động, biến yêu thương thành động lực để tiến lên phía trước.
Trong hàng chục lá thư gửi về cho vợ con, anh thường đề cập đến cô con gái nhỏ. Với người lính ấy, “nguồn động viên nhất cho chúng ta lúc này là ai? Là đứa con gái đầu lòng của ta đó… Chính đứa con đầu lòng đó thôi thúc anh vượt qua chông gai, trở ngại để hoàn thành nhiệm vụ…. Anh vào tiền tuyến, em ở lại hậu phương cố gắng công tác, đảm nhiệm nuôi con thay anh. Nuôi con khỏe, dạy con ngoan, đợi ngày hết giặc anh về sum họp”.
Thế nhưng, lời hẹn ấy không trở thành hiện thực. Người lính Nguyễn Văn Kiền đã ngã xuống ở Tây Ninh, khi chỉ còn một ngày nữa là đất nước hoàn toàn giải phóng. Năm 1976, bà Lương nhận được giấy báo tử về sự hy sinh của chồng. Dù vậy, bà vẫn nuôi hy vọng là chồng mình vẫn còn sống nên vò võ một mình nuôi con. Bà cũng lắc đầu từ chối lời yêu thương của những người đàn ông khác.
35 năm sau ngày liệt sĩ Nguyễn Văn Kiền hy sinh, nhờ sự giúp đỡ của đồng đội cũ, bà Lương đã tìm thấy phần mộ của chồng mình. Bao nỗi mong mỏi, hy vọng dường như dập tắt, bà khóc nghẹn khi nhìn thấy hài cốt chồng.
Giờ đây, đã gần nửa thế kỷ trôi qua, bà Lương vẫn gói ghém cẩn thận những lá thư ấy kê dưới gối nằm, như thể ông vẫn ở đó. Cũng gần 50 năm trôi qua, người vợ liệt sĩ ấy vẫn giữ một lòng son sắt với người chồng, ở vậy “thủ tiết thờ chồng”.