Chuyện tình xuyên biên giới, 10 năm yêu chỉ gặp nhau vài lần
10 năm yêu xa, số lần gặp nhau chỉ đếm trên đầu ngón tay. Có khi hai năm họ mới gặp được nhau một lần. Họ chưa một lần tặng quà, cùng nhau đi mua sắm hay du lịch.
6 năm làm bạn chỉ một lần gặp mặt, 10 năm yêu xa xuyên biên giới
Không cần tìm kiếm trong ngôn tình, phim ảnh, cuộc sống thực vẫn khiến chúng ta trầm trồ, ngưỡng mộ và thêm tin tưởng vào tình yêu bởi những câu chuyện tình hết sức diệu kỳ. Tình yêu luôn luôn chứa đựng những điều kỳ diệu: Từ cách hai người gặp nhau, yêu nhau cho đến hành trình gắn bó trên đường đời.
Câu chuyện tình yêu của chị Vũ Thị Tần (37 tuổi, tiến sĩ tài năng, từng là kỹ sư làm việc tại tập đoàn thép ở châu Âu) và anh Trần Trọng Tuấn (Trung úy quân đội, tham mưu phó, Trung đoàn 294, Sư đoàn 367, Quân chủng Phòng không - Không quân) là một ví dụ.
Cách họ yêu thương, kiên trì chờ đợi nhau bằng lòng thủy chung son sắt khiến nhiều người không khỏi ngưỡng mộ.
Ngược dòng thời gian trở về mùa hè của 19 năm về trước, chị Tần Thị Vũ thi đỗ Đại học Quốc gia Hà Nội, còn anh Trần Trọng Tuấn theo học tại Học viện Phòng không Không quân. Vài tháng sau, khi đang học Đại học, chị Tần Vũ nhận học bổng đi du học tại Nga.
Họ vốn là bạn học phổ thông. Khi ấy, chị Vũ và anh Tuấn vẫn đang là bạn bè. Suốt 6 năm du học ở trời Âu, chị Vũ chỉ gặp được anh Tuấn một lần duy nhất khi về nước. Còn lại, đôi bạn thân giữ liên lạc qua thư tay, điện thoại bàn tin nhắn Yahoo. Anh từng tỏ tình, nhưng chị chưa nhận lời ngay.
Suốt 6 năm đôi bạn tri kỷ chỉ chuyện trò qua những bức thư tay, ngắm nhìn nhau qua ảnh gửi đi về từ Việt Nam - Nga.
Tình cảm cứ thế đến một cách tự nhiên. Đến năm 2010 tốt nghiệp ở Nga, về nước không lâu, chị Tần Vũ lại đi Tây Ban Nha nhận học bổng Tiến sĩ theo chương trình JAE DOC do Chính phủ Tây Ban Nha cấp.
Trung úy Trọng Tuấn kể: "Công việc của đứa nào cũng bận, lại lệch múi giờ nên tụi mình chỉ nói chuyện vào mỗi tối thứ bảy. Hai đứa kể về cuộc sống hằng ngày của nhau ở cách nửa vòng trái đất, cuộc chuyện trò kéo dài bất tận, không bao giờ thấy chán".
Chị Tần nhớ lại: "Năm 2009, anh tốt nghiệp, nhận công tác ở tận Sơn La. Hè năm 2010, mình tốt nghiệp về nước. Mình lặn lội đi xe khách từ Hà Nội lên Sơn La thăm anh.
Mùa hè năm 2010 là mùa hè đáng nhớ nhất trong thời gian yêu nhau. Giữa núi rừng Sơn La, chúng mình không rời nhau nửa bước chân. Hết hè 2010, mình lại sang Tây Ban Nha, bọn mình chỉ được gặp nhau có mỗi năm một lần khi mình nghỉ hè.
Cuộc sống ở châu Âu rất thoáng, náo nhiệt, nhưng tình cảm mình dành trọn cho anh, trong mắt mình, Tuấn là tất cả. Hai đứa trò chuyện mỗi lần cũng rất nhanh. Chỉ là những câu chuyện ngắn, nhưng đủ ấm lòng mình. Chỉ cần đọc được tin nhắn, em yêu, em ổn không, mình thấy có động lực để bước tiếp.
Mình yêu anh ở sự chân thành, anh không dùng nhiều từ hoa mỹ, mặc dù con gái yêu bằng tai, thích nghe các câu nói yêu thương từ bạn trai. Tuấn chỉ có một câu duy nhất: Em yêu..."
Đến năm 2014, chị Tần Vũ cầm tấm bằng Tiến sĩ với rất nhiều cơ hội việc làm đáng mơ ước. Chị trở thành kỹ sư tại tập đoàn thép ArcelorMittal - châu Âu, sau khi vượt qua 3.000 hồ sơ ứng tuyển.
Chị sống ở Tây Ban Nha hơn bảy năm, là 1 trong 10 kỹ sư tài năng của tập đoàn, đóng góp 15 sáng chế về vật liệu. Nàng tiến sĩ trẻ năm ấy còn nhận được lời mời của một tập đoàn thép châu Á về Hàn Quốc làm việc với mức lương 200.000 USD/năm.
Thế nhưng, chị Vũ Tần vẫn từ chối vì quá yêu thích cuộc sống ở trời Âu. Chị tha thiết muốn anh sang Tây Ban Nha sống cùng mình.
Nhưng Trung úy Trần Trọng Tuấn không thể rời đi vì đặc thù công việc cũng như hoàn cảnh gia đình neo người.
Trải qua nhiều lần tan hợp, người thân, bạn bè xung quanh không khỏi e ngại với cái kết của câu chuyện tình yêu này bởi khoảng cách quá xa xôi, số lần gặp nhau hiếm hoi, ngắn ngủi.
Nhưng cuối cùng, tình yêu với anh Tuấn khiến chị Tần Vũ quyết từ bỏ tiền bạc, danh vọng, sự nghiệp rộng mở trước mắt để đi theo tiếng gọi của trái tim.
"Công việc quá tốt, mình đã có chỗ đứng ở tập đoàn nên lúc đó chỉ muốn ở lại Tây Ban Nha, muốn anh theo mình sang Tây Ban Nha.
Nhưng anh không nỡ xa gia đình, lại rất yêu và tự hào về công việc của mình. Sau bao nhiêu lần tan hợp, thương bố mẹ ở quê nhà, thương anh vẫn đợi chờ mình. Hè năm 2017, mình quyết định trở về nước."
Chị Tần Vũ trở thành giảng viên tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Hè năm 2017 là một mùa hè đáng nhớ nữa của họ, khi một lễ ăn hỏi nhỏ xinh được tổ chức tại quê nhà Hà Nam.
Chỉ cần sự hiện diện của nhau bên đời
"Nếu bạn yêu ai đó, món quà quý nhất bạn có thể tặng họ là sự có mặt của mình"- câu nói nổi tiếng của Thiền sư Thích Nhất Hạnh quả thực đúng với câu chuyện tình yêu đặc biệt của Trung úy Trần Trọng Tuấn và Tiến sĩ Tần Thị Vũ.
Vì đặc thù công việc trong môi trường quân đội, những năm tháng yêu xa, anh Tuấn không thể ra nước ngoài thăm bạn gái.
Suốt 10 năm yêu xuyên biên giới, mỗi năm họ chỉ gặp nhau một lần khi chị Vũ về nước. Đơn vị anh đóng quân ở miền núi, lần nào cô gái chân yếu tay mềm cũng đi xe khách vượt mấy trăm km lên thăm người thương.
Đặc biệt, 10 năm yêu nhau, chỉ có hai lần anh được đưa chị đi chơi, không có một món quà, không một lần đi du lịch.
Thời gian đó, anh Tuấn công tác ở Sơn La. Nơi đầu tiên hẹn hò của họ là... nhà tù Sơn La vì gần đơn vị, để có lệnh thì anh Tuấn có mặt ở đơn vị ngay.
Yêu bộ đội, lại yêu xuyên biên giới, chị Tần Vũ không khỏi đôi lúc cảm thấy cô đơn, tủi thân. Nhưng tình yêu thủy chung, ấm áp và chân thành của anh khiến chị tan chảy. Với anh Tuấn và chị Tần, chỉ cần được chuyện trò, ở bên nhau là đủ.
Một điều rất bình thường với các cặp đôi khác nhưng lại cực xa xỉ với họ. Sau khi kết hôn, chị Tần Vũ và anh Trọng Tuấn vẫn chưa thể về chung nhà.
Sau đám cưới, họ vẫn chỉ được gặp nhau mỗi lần anh về phép, hoặc chị lên đơn vị thăm chồng
Biến cố xảy ra khi kết hôn chưa được bao lâu, chị Tần Vũ bị ốm nặng. Anh Tuấn khi ấy vẫn phải bám đơn vị ở tận Sơn La.
"Thời gian đó, mình tưởng không qua khỏi, chỉ mong sao có sức để thở được. Ít khi được bàn tay anh chăm sóc, vì anh làm trạm trưởng, trực suốt, chẳng mấy khi rời đơn vị.
Mình cũng buồn lắm, nhiều lúc cảm giác như không vượt qua được. Anh gọi điện, động viên. Anh nói mình phải cố ăn cho khỏe vào. Mình cố gắng ăn, để đưa anh đi những nơi mà mình đã từng đến. May mắn, năm 2019, sức khỏe của mình cải thiện nhiều.
Hè năm 2020 bạn Fabina ra đời. Anh ở Sơn Tây, mùa hè bên nhau của chúng mình là những ngày phép ngắn ngủi của anh.
Hè năm 2021, dịch Covid đến, anh phải vào tận thành phố Hồ Chí Minh công tác. Cho đến bây giờ anh vẫn ở thành phố Hồ Chí Minh.
Khoảng thời gian ngắn ngủi bên nhau là những ngày mình tranh thủ nghỉ hè ở trường, gác những công việc siêu bận rộn của dự án khởi nghiệp T-Clean kinh doanh các sản phẩm tẩy rửa, để cho con đi thăm anh" - chị Tần Vũ tâm sự.
Gia đình nhỏ ngập tràn hạnh phúc khi có thêm thành viên mới
Với chị Tần và anh Tuấn, chỉ cần được gần nhau, quan tâm chăm sóc nhau mỗi ngày bằng tình cảm giản đơn mà chân thành đã là niềm hạnh phúc lớn lao nhất.