Chuyện trái ngược của HLV Hoàng Anh Tuấn và ông Park ở 'đội bóng triệu đô'
HLV Hoàng Anh Tuấn đã dùng cầu thủ nhập tịch đá giải hạng Nhì, trong khi HLV Park Hang Seo từng phản ứng sân chơi chuyên nghiệp vì tiền đạo nội thiếu đất diễn.
Chuyện trái ngược nằm ở chỗ, đội bóng của ông Tuấn hiện nay có HLV Park Hang Seo làm cố vấn cấp cao. Ông Park là người từng kiên quyết lên tiếng bảo vệ quan điểm phải dành “đất diễn” cho tiền đạo nội nếu bóng đá Việt Nam muốn tiến xa.

HLV Hoàng Anh Tuấn đã dùng cầu thủ nhập tịch đá giải hạng Nhì. Ảnh: CLB Bắc Ninh
Lối đi của HLV Hoàng Anh Tuấn
Ở giải hạng Nhì 2025, CLB Bắc Ninh gây chú ý khi chiêu mộ hàng loạt cựu binh như Đinh Hoàng Max, Phạm Hoàng Lâm. Đặc biệt, trường hợp của Đinh Hoàng Max – tiền vệ nhập tịch năm nay đã 39 tuổi là minh chứng rõ ràng cho cách tiếp cận có phần thực dụng. Mùa giải trước, Đinh Hoàng Max vẫn còn thi đấu cho đội Vĩnh Long, và giờ đây tiếp tục được trao cơ hội trong màu áo một đội bóng đặt mục tiêu thăng hạng.
Thực tế, triết lý dùng người của HLV Hoàng Anh Tuấn đã thể hiện rõ từ khi ông trở lại dẫn dắt Bình Dương ở sân chơi chuyên nghiệp đầu mùa giải năm nay. Dù đội bóng đất Thủ khi đó đang sở hữu không ít cầu thủ trẻ, ông Tuấn vẫn ưu tiên chiêu mộ Nghiêm Xuân Tú (sinh năm 1988). Và không chỉ dừng lại ở đó, ông Tuấn còn gây bất ngờ khi bày tỏ mong muốn đưa Luka Modric về thi đấu tại V.League.
Ông Park từng phản ứng gì?
Phát biểu nổi tiếng của HLV Park Hang Seo cách đây không lâu vẫn còn nguyên tính thời sự: “Các tiền đạo ngoại đã tranh hết suất rồi. Các cầu thủ U22 lên đây được đá tiền đạo, chứ về CLB có được đá đâu?”.

Trong suốt quãng thời gian dẫn dắt các đội tuyển quốc gia, ông Park có nhiều lần bày tỏ lo lắng khi chứng kiến sự vắng bóng của những tiền đạo nội đúng nghĩa trong đội hình chính của các CLB V.League. Đây chính là lý do khiến ông và đội ngũ trợ lý liên tục phải đôn các cầu thủ trẻ từ U22 lên ĐTQG, dù nhiều người chưa có cơ hội thi đấu thực tế ở giải chuyên nghiệp.
Giờ đây, nghịch lý là CLB Bắc Ninh, nơi HLV Park đang là cố vấn cấp cao, lại sử dụng cầu thủ nhập tịch 39 tuổi để thi đấu ở sân chơi hạng Nhì – giải đấu vốn dĩ nên là nơi ươm mầm và thử nghiệm tài năng trẻ. Nếu nhìn lại quan điểm của ông Park trước đây, thì chính đội bóng mà ông làm cố vấn đang đi ngược lại ý kiến trong quá khứ.
Rõ ràng, một đội bóng ưu tiên cầu thủ nhập tịch 39 tuổi thì vô tình biến họ thành vật cản cho sự phát triển của các cầu thủ trẻ.
Đến vấn đề của bóng đá Việt Nam
Không ai phủ nhận rằng việc sử dụng cầu thủ kỳ cựu đôi khi mang lại hiệu quả tức thì, nhất là trong những giải đấu ngắn hơi và có mục tiêu cao. Tuy nhiên, nếu các đội bóng ở giải hạng Nhì, đều chạy theo những giải pháp mang tính “ngắn hạn”, thì đâu là chỗ cho những cầu thủ trẻ được trui rèn, cọ xát và trưởng thành?
Bóng đá Việt Nam vừa tự hào khi lứa U17 liên tiếp gây ấn tượng ở U17 châu Á 2025. Nhưng nếu không có môi trường để những tài năng trẻ ấy tiếp tục phát triển, thì tương lai sẽ ra sao? Khi ngay cả ở giải hạng Nhì – vốn là một trong những bệ phóng lý tưởng – người ta vẫn thấy các cầu thủ đã giải nghệ rồi trở lại thi đấu, thì liệu có còn cơ hội nào cho thế hệ trẻ?

U17 Việt Nam đã thi đấu rất hay ở U17 châu Á 2025. Ảnh: VFF
Liên đoàn bóng đá Việt Nam đã có mục tiêu dự World Cup 2030, câu hỏi đặt ra: Chúng ta sẽ đi bằng con đường nào đến World Cup? Nếu không tạo điều kiện thực sự cho thế hệ trẻ thi đấu, cọ xát và trưởng thành, thì những giấc mơ như World Cup liệu có mãi là lời hứa trên giấy?