Chuyển trạng thái học trực tuyến nhưng nỗ lực giữ chất lượng
Do diễn biến của dịch Covid-19 ngày càng phức tạp, nhiều trường học đã quyết định chuyển trạng thái từ trực tiếp sang học trực tuyến.
Bắt đầu từ hôm nay, 28/2, học sinh từ lớp 1 đến lớp của 18 huyện và thị xã trên địa bàn Hà Nội đã phải tạm dừng đến trường sau hơn hai tuần học trực tiếp.
Nhiều giáo viên thành F0
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, đây là những đối tượng học sinh chưa được tiêm vaccine phòng dịch Covid-19 trong khi số ca nhiễm của Thủ đô không ngừng tăng mỗi ngày. Số ca nhiễm là trẻ em chiếm xấp xỉ 10% tổng số ca nhiễm trên địa bàn, tương đương gần 17.400 ca. Trong đó số ca phải điều trị tại bệnh viện là gần 600 ca, chiếm tỷ lệ gần 3,4%. Số F0, F1 nhiều khiến số lớp học phải dừng học trực tiếp là 5.199 lớp trên tổng số 11.501 lớp, chiếm tỷ lệ 45,2%.
Thực tế, trước diễn biến dịch Covid-19 vẫn hết sức phức tạp hiện nay, nhiều giáo viên cũng đã trở thành F0, gây ra rất nhiều khó khăn cho việc dạy và học trực tiếp.
Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, cô Lê Thị Thu Hằng - Hiệu trưởng trường tiểu học Phạm Tu (quận Thanh Trì, Hà Nội) - cho hay: Tính từ khi học sinh đi học trực tiếp trở lại, số ca mắc Covid-19 tại trường này đã xuất hiện tương đối nhiều. Cụ thể, theo cô Hằng, tới thời điểm hiện tại, đã có hơn 200 F0 là học sinh (tính cộng dồn từ ngày đi học trở lại). Ngoài ra, hơn 170 cháu thuộc diện F1.
“Thực tế, lớp nào cũng có F0, nguy cơ rất cao. Có những lớp chỉ có 7-8 học sinh trở lại. Với những trường hợp này, ngay trước khi Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ra văn bản cho các con trở lại học online, chúng tôi đã xin phép được dạy trực tuyến”, Hiệu trưởng trường tiểu học Phạm Tu nhấn mạnh.
Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của dịch, ngay cả các giáo viên cũng trở thành F0. Tại trường Phạm Tu, theo thống kê hiện tại đã có 8 trường hợp các cô giáo mắc Covid-19, trong đó có 3 ca bị lây nhiễm trong quá trình giảng dạy.
Tại trường tiểu học Thanh Liệt (huyện Thanh Trì, Hà Nội), số giáo viên thuộc diện F0 cũng đạt xấp xỉ 17 trường hợp. Cô Trần Thị Loan - Hiệu trưởng nhà trường - cho hay: Thực tế, trong khoảng thời gian học sinh cấp 1 đi học trở lại, nhà trường gặp tương đối nhiều khó khăn.
“Việc test nhanh đối với học sinh rất khó khăn. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng gặp trở ngại khi phải sắp xếp thời gian đưa, đón các cháu tới trường trong 1 buổi”, cô Loan nói.
Đối với các lớp có quá nhiều F0, theo cô Loan, trường tiểu học Thanh Liệt cũng đã chủ động và xin phép cho chuyển trạng thái sang học trực tuyến.
“Rất may, hiện tại thành phố đã quyết định cho chuyển trạng thái hoàn toàn cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 không thì các trường sẽ càng khó khăn hơn”, vị hiệu trưởng này chia sẻ.
Trong khi đó, tại hệ thống trường Lương Thế Vinh cơ sở Cầu Giấy, hiện số giáo viên thuộc diện F0 của trường đã chiếm gần 10% tổng số giáo viên cơ hữu, chưa kể số giáo viên F1. Số giáo viên bị nhiễm bệnh tăng đã khiến cho nhà trường gặp khó khăn trong bố trí đội ngũ, không còn đủ giáo viên để dạy thay, dạy bù.
Tại quận nội thành Hoàn Kiếm, mặc dù chưa trực tiếp đón học sinh trở lại, nhưng trường tiểu học Thăng Long cũng… vất vả khi các thầy, cô nhiễm bệnh. “Hiện tại trường chúng tôi đã có khoảng 10 cô là F0, chưa kể F1. Điều này khiến cho việc dạy và học gặp khá nhiều khó khăn”, hiệu trưởng trường thông tin.
“Hiện tại trường chúng tôi đã có khoảng 10 cô là F0, chưa kể F1. Điều này khiến cho việc dạy và học gặp khá nhiều khó khăn”, hiệu trưởng trường thông tin.
Nỗ lực giữ chất lượng dạy và học
Không chỉ cấp tiểu học, nhiều trường trung học cơ sở và phổ thông trung học trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng đã chủ động chuyển trạng thái để phù hợp với diễn biến mới của dịch Covid-19.
Theo quy định của Hà Nội, tại vùng có cấp độ dịch cấp 3 (vùng cam), các trường sẽ phải chuyển sang dạy online.
Cụ thể, hiện toàn thành phố có 74 xã, phường vùng cam, bao gồm: Kiến Hưng, Vạn Phúc, Văn Quán (Hà Đông); Bạch Mai, Nguyễn Du (Hai Bà Trưng); Kim Chung, Thị Trấn Trôi, Vân Côn (Hoài Đức); Chương Dương (Hoàn Kiếm); Đại Kim (Hoàng Mai); Bồ Đề, Phúc Lợi, Thượng Thanh (Long Biên); Liên Mạc, Mê Linh, Tiến Thắng, Văn Khê, Vạn Yên (Mê Linh); Mễ Trì, Mỹ Đình 1, Phú Đô, Tây Mỗ, Trung Văn, Xuân Phương (Nam Từ Liêm); Tân Hòa, Thạch Thán (Quốc Oai); Đông Xuân, Kim Lũ, Phú Minh, Trung Giã, Xuân Thu (Sóc Sơn); Quảng An (Tây Hồ); Bình Yên, Canh Nậu, Chàng Sơn, Đại Đồng, Hương Ngải, Lại Thượng, Liên Quan, Phú Kim (Thạch Thất); Cự Khê, Thanh Thùy (Thanh Oai); Ngọc Hồi, Tân Triều, Vĩnh Quỳnh (Thanh Trì); Kim Giang (Thanh Xuân); Hòa Bình, Lê Lợi, Nghiêm Xuyên (Thường Tín).
Tại quận Nam Từ Liêm, trường Marie Curie vừa đưa ra thông báo cho học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 tại cơ sở Mỹ Đình tạm dừng đến trường đến hết ngày 5/3 do phường Mỹ Đình 1 được xác định cấp độ dịch cấp 3.
Một số trường khác như Trung học cơ sở Lê Ngọc Hân (quận Hai Bà Trưng), Trung học phổ thông Lý Thái Tổ (quận Cầu Giấy), trường Trung học cơ sở Trung Văn (quận Nam Từ Liêm)… cũng đã có quyết định tương tự.
Mặc dù không thuộc vùng cam nhưng từ ngày 24/2, hệ thống trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Lương Thế Vinh tại quận Cầu Giấy đã duy trì việc học trực tuyến do dịch bệnh phức tạp. Nguyên nhân bởi số học sinh là F0, F1 tại đây tăng rất cao.
Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng nhà trường cho hay: “Số lượng F0, F1 ở các lớp lên tới 20% tổng số học sinh. Nhiều lớp học sinh đi học rất ít”.
Thầy Bình cũng cho biết thêm: Việc dạy theo mô hình kết hợp “on” - “off” (do ảnh hưởng của dịch) sẽ không thể đạt được hiệu quả bằng việc chuyển hoàn toàn sang học trực tuyến.
“Dạy vừa online vừa offline, nếu ở trong lớp học sinh sinh ồn thì các bạn học trực tuyến rất khó nghe. Chất lượng đường truyền kém thì thậm chí các em nghe không rõ, nhìn không thấy. Một lớp càng đông học sinh thì chất lượng dạy và học càng giảm, thậm chí không bằng nếu học online hoàn toàn”, thầy Bình nói.
Cũng theo thầy Bình, học trực tiếp là tốt nhất, nhưng trong bối cảnh dịch bệnh phải hết sức linh hoạt, tùy thực tế từng địa phương, từng khu vực, từng trường, thậm chí từng lớp để có hình thức dạy và học phù hợp nhất, như vậy mới bảo đảm được chất lượng giáo dục.
Đánh giá về việc chuyển trạng thái dạy trở lại hình thức trực tuyến, hầu hết các hiệu trưởng đều cho rằng: Các trường sẽ nỗ lực hết sức để giữ chất lượng. Cô Lê Thị Thu Hằng (trường tiểu học Phạm Tu) khẳng định: “Việc dạy online trước mắt sẽ giúp tâm lý học sinh cũng như phụ huynh trở lại ổn định. Về phía nhà trường, chúng tôi đã có kinh nghiệm từ các đợt trước đó nên sẽ cố gắng bảo đảm việc học cho các con”.