Chuyện trên đất nước Lào

Trong lực lượng của Bộ đội Trường Sơn, Sư đoàn 968 có vị trí và vai trò đặc biệt quan trọng. Đây là sư đoàn bộ binh duy nhất trong hàng chục sư đoàn, và còn đặc biệt hơn vì được thành lập trên đất Nam Lào trong khói lửa chiến tranh. Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào 5/9 (1962 - 2022), phóng viên Báo Quảng Trị có cuộc trò chuyện với Thượng tá ĐINH THANH NIÊN, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 2, Tiểu đoàn 18 Thông tin, Sư đoàn 968, Quân khu 4.

 Thượng tá Đinh Thanh Niên trò chuyện với phóng viên Báo Quảng Trị - Ảnh: T.T

Thượng tá Đinh Thanh Niên trò chuyện với phóng viên Báo Quảng Trị - Ảnh: T.T

- Thưa ông, ông có thể giới thiệu đôi nét về bản thân để bạn đọc Báo Quảng Trị được rõ?

- Tôi là Đinh Thanh Niên, sinh năm 1956 tại Ninh Bình. Từ tháng 4-11/1974, tôi tham gia huấn luyện tân binh ở xã Thạch Bình, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Từ tháng 11 - 12/1974, tôi là chiến sĩ Tiểu đoàn 18 Thông tin, Sư đoàn 968, tham gia làm nghĩa vụ quốc tế tại nước bạn Lào. Sau đó, từ tháng 1 - 4/1975, tôi trở về tham gia chiến dịch Tây Nguyên và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Từ tháng 5/1975 đến tháng 6/1976, chúng tôi tham gia chống quân phản động Phun-rô ở Đắk Lắk. Sau đó, tôi được chuyển về tiếp tục huấn luyện sẵn sàng chiến đấu ở các tỉnh: Kon Tum, Quảng Trị rồi đến tháng 11/1977 thì qua Lào tiếp tục làm nghĩa vụ quốc tế. Đợt 2 này, tôi làm nghĩa vụ quốc tế tại Lào hơn 10 năm, từ tháng 11/1977 - 12/1987.

Giai đoạn từ tháng 11/1977 - 12/1982, tôi làm Trung đội trưởng rồi Đại đội trưởng Đại đội 2, Tiểu đoàn 18 Thông tin, Sư đoàn 968. Sau đó, từ tháng 1/1983 - 12/1987, tôi làm Trưởng ban Thông tin Trung đoàn 425, Sư đoàn 968. Chúng tôi hoàn thành nghĩa vụ quốc tế, trở về nước từ tháng 12/1987. Lúc này, Sư đoàn 968 đóng quân tại Km3, Quốc lộ 9, tỉnh Quảng Trị, tôi làm Trợ lý Ban Thông tin, Sư đoàn 968. Từ tháng 9/1992-10/2008, tôi làm Trưởng ban Thông tin Sư đoàn 968 rồi Trưởng ban Lịch sử quân sự tổng kết chiến tranh của sư đoàn. Từ tháng 10/2008 đến nay, tôi nghỉ hưu tại Khu phố 7, Phường 3, TP. Đông Hà với quân hàm Thượng tá.

- Được biết, trong những chiến công vang dội của Sư đoàn 968, có đóng góp to lớn của Tiểu đoàn 18 Thông tin. Vậy, nhiệm vụ của Tiểu đoàn 18 Thông tin là gì?

- Nhiệm vụ chính của Tiểu đoàn 18 Thông tin là bảo đảm thông tin cho Bộ Tư lệnh Sư đoàn 968 chỉ huy các đơn vị làm nhiệm vụ chiến đấu và xây dựng cơ sở. Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, trong quá trình làm nhiệm vụ quốc tế tại đây, chúng tôi đã góp phần giúp nhân dân các bộ tộc Lào cải thiện chất lượng cuộc sống. Bộ đội ta chủ động tìm đến các “phò bản” - người có quyền lực tối cao trong cộng đồng các bộ tộc Lào để đặt vấn đề giúp người dân dọn dẹp vệ sinh, làm sạch môi trường sống; tuyên truyền người dân không chăn nuôi gia súc, gia cầm dưới gầm nhà sàn để đảm bảo vệ sinh, hạn chế bệnh tật; vận động người dân từ bỏ các hủ tục lạc hậu; giúp họ trồng cây cà phê, cây sa nhân để cải thiện thu nhập...

- Hơn 10 năm sinh sống, làm nhiệm vụ quốc tế tại nước bạn Lào, kỷ niệm nào đáng nhớ đối với ông?

- Kỷ niệm thì nhiều lắm. Thời gian đầu chúng tôi mới qua Lào nhận nhiệm vụ là vào mùa khô, rau rừng rất hiếm. Vì vậy, bộ đội ta thiếu rau trầm trọng. Vì thiếu rau xanh, thiếu vitamin tự nhiên nên chúng tôi bị tróc cả da tay, bàn tay rướm máu. Người dân Lào lúc bấy giờ không có gạo tẻ mà chỉ có gạo nếp. Thương bộ đội Việt Nam làm nhiệm vụ trong rừng sâu, họ mang gạo nếp đến biếu.

Mặc dù bộ đội ta không quen ăn gạo nếp nhưng trong điều kiện thiếu thốn nơi rừng sâu núi thẳm nên hằng ngày đều phải ăn gạo nếp với thịt hộp. Lúc bấy giờ, gạo tẻ, rau xanh phơi khô được cấp cho đơn vị chủ yếu ưu tiên để nấu cháo cho các thương binh. Sau này, trồng được rau xanh, tự cung tự cấp được phần nào nên cuộc sống đỡ vất vả hơn.

Những năm 1977-1980, quân phỉ, ngụy Lào nhiều lần phá hoại các đường dây thông tin của Sư đoàn 968. Chúng cắt dây, sau đó cài lựu đạn vào để cài bẫy bộ đội ta. Có nhiều đồng chí thương vong trong khi làm nhiệm vụ bảo đảm thông tin được xuyên suốt. Sau này, chúng tôi rút kinh nghiệm. Mỗi lần có đường dây bị đứt, phải kiểm tra kỹ, làm cho lựu đạn của địch nổ trước khi tiến hành nối dây. Mỗi lần đi kiểm tra đường dây là có cả 1 tiểu đội tăng cường với 12 người, chia làm 3 tốp để đảm bảo an toàn. Nhờ vậy, quân ta ít thương vong hơn.

- Trong quá trình sống, chiến đấu nơi nước bạn, ông cảm nhận về tính cách con người Lào như thế nào?

- Trong những năm hoạt động trên các chiến trường, cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn 968 không quản ngại khó khăn, gian khổ, hy sinh, sát cánh cùng các lực lượng của cách mạng Lào tuyên truyền, giác ngộ quần chúng, xây dựng cơ sở và phát triển lực lượng chính trị; xây dựng, phát triển lực lượng vũ trang, phát động Nhân dân đấu tranh, củng cố, mở rộng vùng giải phóng; chiến đấu chống địch càn quét, lấn chiếm; bảo vệ Nhân dân, chính quyền và thành quả cách mạng nước bạn Lào.

Hơn 10 năm làm nhiệm vụ tại nước bạn Lào, tôi thấy người Lào sống rất tình cảm, trong sáng, thủy chung, chân tình. Người Lào không nói dối, không có tính ăn trộm hay ăn cắp vặt. Và, họ rất yêu quý trẻ con, kính trọng người già.

 Vợ chồng ông Niên vui vầy bên con cháu - Ảnh: TRẦN TUYỀN

Vợ chồng ông Niên vui vầy bên con cháu - Ảnh: TRẦN TUYỀN

- Quá trình làm nhiệm vụ quốc tế tại Lào, tình nghĩa giữa bộ đội ta và người dân Lào như thế nào, thưa ông?

- Quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào đã được các lãnh tụ vĩ đại là Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Cay Xỏn Phôm Vi Hản đặt nền móng, được dày công xây dựng, giữ gìn, vun đắp bằng mồ hôi, công sức và xương máu của các thế hệ quân và dân hai nước, thực sự trở thành tài sản vô giá, mối quan hệ có một không hai trong lịch sử thế giới.

Tình đoàn kết, hợp tác giúp đỡ lẫn nhau giữa Việt Nam và Lào là quy luật khách quan, là nhân tố có ý nghĩa sống còn của mỗi Đảng, mỗi nước; đồng thời là tài sản chung vô giá và là nền tảng để hai nước chúng ta cùng phát huy trong các giai đoạn lịch sử tiếp theo. Việt Nam và Lào không chỉ là hai nước láng giềng mà là hai nước anh em, đồng chí.

Trong hơn 10 năm làm nghĩa vụ quốc tế, Tiểu đoàn 18 Thông tin đã góp phần cùng Sư đoàn 968 đánh thắng nhiều trận, bảo vệ vùng đất Nam Lào, xây dựng chính quyền cơ sở của bạn vững mạnh. Từ đó, góp phần thắt chặt mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

- Ông gửi gắm điều gì đến thế hệ trẻ hôm nay?

- Thế hệ trẻ hôm nay may mắn được sinh ra và lớn lên trong thời bình, không còn khói lửa chiến tranh, có nhiều cơ hội để học tập, rèn luyện để khẳng định mình và góp sức dựng xây đất nước, tự tin hội nhập với thế giới. Tôi mong rằng, thế hệ trẻ Việt Nam và Lào biết tự hào về tình hữu nghị bền chặt, gắn bó giữa hai dân tộc anh em, tiếp tục hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Ý thức được sứ mệnh của mình trong việc chung tay giữ gìn và viết tiếp chương mới cho mối quan hệ láng giềng hữu nghị, tình anh em bền chặt giữa hai nước Việt Nam-Lào.

Tôi cũng tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của hai Đảng, sự quản lý, điều hành hiệu quả của hai Chính phủ, sự đồng lòng của Quốc hội và Nhân dân hai nước, quan hệ hợp tác Việt Nam - Lào sẽ tiếp tục được đổi mới và ngày càng hiệu quả hơn, không ngừng phát triển và đơm hoa kết trái.

-Xin cảm ơn ông!

Trần Tuyền (thực hiện)

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=170049&title=chuyen-tren-dat-nuoc-lao