Chuyện trò nông cạn

Tôi có một cuộc hẹn hò. Ở tuổi của tôi, mọi người đều hẹn hò để tìm một nửa kia, gấp gáp tạo lập gia đình. Bằng phương thức nào đó, tôi cũng rơi vào chuyện hẹn hò. Người được sắp xếp là bạn của bạn tôi. Bạn nói, anh ấy thích gặp người biết trò chuyện.

Quê em ở đâu?

Ở quê em có gì có thể du lịch không?

Em hay làm gì khi về thăm nhà?

Em thích đọc sách gì?

Trời mấy hôm nay nóng quá, em đi làm có mệt không?

Em lớn rồi, cũng nên tính chuyện chồng con đi chứ?

Mọi câu hỏi đều thiện ý, và tôi trả lời, sau đó đáp lại bằng những câu hỏi gần giống. Sau cuộc hẹn hò, tôi nhận ra mình không hề biết gì về bạn ấy, dù đã nói chuyện gần 2 giờ đồng hồ.

Trong bài báo trên New York Times tôi từng đọc cũng mô tả một tình huống y chang, khi các cặp đôi lần đầu gặp nhau, họ chỉ hỏi nhau về thời tiết, làm việc ra sao, mệt hay không mệt, bạn thích thì đọc ở đây: https://www.nytimes.com/2016/01/17/fashion/dating-the-end-of-small-talk.html

Tôi tránh các cuộc gặp gỡ được giới thiệu theo kiểu như vậy, nhưng bằng cách nào đó lại hay rơi vô hoàn cảnh kỳ quái thế. Cuối cùng tôi thường chẳng gặp lại bạn nào sau những hẹn hò đó.

Chuyện trò xã giao là một sản phẩm mất thời giờ của đô thị. Người ta chẳng biết gì về nhau nhưng vẫn nhiệt thành nói chuyện. Không thể nào vẽ ra được phác thảo về tâm hồn của nhau. Chẳng thể đồng cảm nhưng vẫn hào hứng hỏi han. Sau đó về nhà quên mất nhau sau 5 phút chạy xe.

Quay trở lại nông thôn thời xưa lắc, những người hàng xóm cười chào nhau. Nhưng thực ra là họ biết nhau, và đâu đó hiểu hoàn cảnh sống hay vấn đề người kia đang gặp phải. Đối thoại bên ngoài dù nghe có vẻ cũng xã giao không kém, nhưng có nội dung: vườn tược sao, con cái thế nào, năm nay rau thiếu nước quá… Đối thoại đem lại sự thấu hiểu, và dẫn đến những hành động liên kết con người gần lại nhau.

Đối thoại xã giao ở đô thị – đôi lần tôi tự hỏi chúng được sinh ra vì cái gì. Có phải mọi người quá cô đơn tới mức cần đối thoại? Hay ta lo lắng mình bị bỏ lại trong khoảng im lặng nên cần phải bật ra bất cứ gì thành lời? Thường phải 1.000 cuộc xã giao mới đẻ ra được 1 cuộc có nội dung đàng hoàng. Trong hẹn hò, tỷ lệ này đúng là có thể làm người tham dự kiệt sức vì chán.

Có một lần, tôi về nhà bạn tôi chơi và gặp ông nội của bạn. Đầu tiên cũng hỏi han ông thế nào, có khỏe không (thật xã giao). Nhưng sau câu chuyện phình ra vì tôi tò mò thời chiến tranh ông làm gì trong hầm trú ẩn. Ông kể rất nhiều, đầy cảm xúc, cả những chuyện như bà gói gì cho ông mang theo ăn trong ngày ở bưng. Hết cuộc trò chuyện vài giờ, tôi luôn nhớ về ông bà và quá khứ của họ với tình yêu của họ dành cho cái vườn nhà và đám con cháu được sống trong yên bình bây giờ.

Có một em nhỏ hơn, giờ trở thành bạn bè của tôi. Hồi lần đầu gặp nhau, thay vì hỏi chị làm gì, chị là ai, chị đi ra đi, thì em kể tôi nghe về chuyện em… thất tình. Xong trong cuộc thất tình bão tố đó, em đã xoay sở ra sao, kể gì với mẹ, làm sao để bớt nhớ người thương. Rời khỏi cuộc gặp, tôi thấy mình trong em, chà, hóa ra cuộc đời ta đều đi qua những đoạn gần giống nhau như thế.

Quay lại chuyện hẹn hò, tôi thử cố áp dụng cái điều mà tác giả trong bài báo trên New York Times nói, thử tạo ra những cuộc chuyện trò khác hơn, ngoài những xã giao đầy chán nản. Nhưng tôi chưa kịp xắn tay áo lên làm thì một người xuất hiện. Thay vì hỏi em là ai, em làm gì, nhà em ở đâu thì anh hỏi: “Em có biết các loài cá ở biển bây giờ ăn cả nhựa không? Hạt nhựa nhỏ đến mức như các hạt nano và nhiều loài tưởng nó là phiêu sinh vật nên đã ăn vào” – Tôi tò mò thiệt, vì chỉ mới nghe các loài cá nuốt phải túi nylon và bị chết vì không thể tiêu hóa, chứ chưa biết hạt nhựa có thể nhỏ đến cỡ khiến bị lầm thành phiêu sinh vật.

Hôm ấy là cuộc trò chuyện đặc biệt. Nó để lại những cảm xúc đầy đặn, rõ ràng, để khi cần tôi có thể vẽ ra chân dung của bạn. Hạt nhựa. Điệu nhảy Mỹ Latin. Sự lầy lội say đắm ở New Orleans. Tự tử. Người hiện đại đánh mất bản thân trong cuộc sống căng thẳng dữ dội.

Ta có thể thấy rõ về nhau hơn bằng cuộc trò chuyện. Đối thoại xã giao làm mọi thứ nông cạn và nhạt nhòa hơn. Ta không thể nhìn thấy mặt nhau. Ta sẽ phủi quần và quên mất nhau sau 5 phút tạm biệt. Nỗ lực để chuyện trò sâu sắc hơn, nhiều cảm xúc hơn, thấu hiểu hơn, sẽ khiến cảm xúc bền chặt, ở lại, và khiến ta nhớ đến từng khoảnh khắc giá trị được hiểu thêm về người đối diện.

Hẹn hò như vậy, đâu có gì phải gấp gáp vội vàng.

Khải Đơn

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/chuyen-tro-nong-can-22134.html