Chuyện từ các bếp ăn tập thể

HNN - Với 57 bếp ăn doanh nghiệp trong và ngoài các khu công nghiệp trên địa bàn, để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP), Sở Y tế tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nhằm đảm bảo bữa ăn an toàn và hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng người lao động (NLĐ).

 Quy trình chế biến cơm cho người lao động tại bếp ăn Công ty Scavi Huế

Quy trình chế biến cơm cho người lao động tại bếp ăn Công ty Scavi Huế

Vẫn phát hiện những thiếu sót

Nguồn nguyên liệu thực phẩm, truy xuất nguồn gốc thực phẩm và quy trình chế biến được xem là những yếu tố quan trọng để bảo đảm VSATTP ở các bếp ăn tập thể. Đặc biệt, việc thực hiện kiểm thực ba bước và lưu mẫu thực phẩm, bao gồm ghi chép từ lúc mua, nhập nguyên liệu vào, sơ chế, chế biến thực phẩm đến lúc lên bàn ăn, được xem là cơ sở để cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát, đồng thời cũng giúp ích cho các bếp ăn đề phòng khi có sự cố ngộ độc thực phẩm xảy ra. Quá trình kiểm tra tại bếp ăn tập thể ở một số nhà máy tại Khu công nghiệp Phú Bài mới đây, Đoàn kiểm tra liên ngành VSATTP thành phố Huế đã chỉ rõ những sai sót liên quan đến các nội dung này.

Tại bếp ăn của Công ty CP Sợi Phú Thạnh, mỗi ngày đơn vị chuẩn bị nguồn thực phẩm để chế biến hơn 160 suất cơm công nhân, bao gồm các bữa ăn chính và tăng ca. Những thực đơn được nhà bếp thay đổi trong tuần hội đủ các thực phẩm nhằm thay đổi khẩu vị và đảm bảo sức khỏe cho người lao động. Qua kiểm tra quy trình cung ứng thực phẩm và chế biến ở bếp ăn, Đoàn kiểm tra liên ngành VSATTP thành phố Huế phát hiện nhiều thiếu sót khi các chứng từ, hợp đồng cung ứng các loại thịt và một số nguyên liệu đầu vào không đầy đủ, trong khi đây là nguyên liệu chính để chế biến thành các bữa ăn ca.

 Bữa ăn trưa tại Công ty TNHH B'Lao Sport ở KCN Phong Điền

Bữa ăn trưa tại Công ty TNHH B'Lao Sport ở KCN Phong Điền

Công ty TNHH MSV tại Khu công nghiệp Phú Bài đi vào hoạt động từ năm 2012; trong đó, bếp ăn tập thể do công ty tự tổ chức. Hiện, mỗi ngày bếp ăn phục vụ hơn 1.200 suất ăn cho NLĐ. Tuy nhiên, qua kiểm tra, hợp đồng cung cấp không có ngày tháng cụ thể, việc theo dõi lưu mẫu và lưu mẫu còn ít… “Gần đây, các vụ ngộ độc thực phẩm lớn đều tập trung tại các bếp ăn tập thể, trong khi chúng tôi không thể đánh giá được bữa ăn ở đây có đảm bảo VSATTP hay không nên rất mong các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, lấy mẫu để đảm bảo bữa ăn an toàn cho NLĐ”, chị Hà, một công nhân của Công ty TNHH MSV chia sẻ.

Theo ghi nhận của Đoàn kiểm tra liên ngành VSATTP thành phố Huế tại một số doanh nghiệp ở KCN Phú Bài, Phong Điền, cơ sở vật chất của bếp ăn được đầu tư tương đối đầy đủ; quy trình chế biến, lưu mẫu thức ăn, bảo quản thực phẩm cơ bản đảm bảo theo quy định; nguồn nguyên liệu có xuất xứ rõ ràng. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại cần khắc phục, đó là khu sơ chế chưa tách biệt hoàn toàn với khu nấu nướng, một số dụng cụ chưa được bố trí hợp lý, việc ghi chép nhật ký vệ sinh chưa đầy đủ, một số thực phẩm thiếu hợp đồng và hóa chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ… Đây là những nguyên nhân có thể dẫn đến các vụ ngộ độc thực phẩm nếu như nguồn cung không được kiểm soát chặt chẽ.

Vì những bữa ăn an toàn

“Cơm ca” là một trong những yếu tố quan trọng tác động trực tiếp đến sức khỏe công nhân, ảnh hưởng đến năng suất lao động ở mỗi doanh nghiệp. Để giữ chân NLĐ và đảm bảo bữa ăn an toàn, các đơn vị sử dụng lao động đã triển khai nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng và cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho bữa ăn ca, nhất là trong bối cảnh giá cả tăng cao cùng với nguồn "thực phẩm bẩn" xuất hiện tràn lan trên thị trường. Có dịp cùng NLĐ đến các bếp ăn, tôi được chứng kiến không khí của NLĐ tại các bữa cơm ca.

 Đoàn liên ngành VSATTP thành phố Huế kiểm tra và lưu mẫu thực phẩm đưa đi kiểm nghiệm tại DN ở KCN Phú Bài

Đoàn liên ngành VSATTP thành phố Huế kiểm tra và lưu mẫu thực phẩm đưa đi kiểm nghiệm tại DN ở KCN Phú Bài

11h15 phút, bữa cơm dành cho NLĐ tại Công ty TNHH B’Lao Sport đóng tại Khu công nghiệp Phong Điền bắt đầu. Từ nhà máy, từng đoàn người lần lượt đến nhà ăn. Trên bàn ăn, mỗi người mỗi khay Inox chia 5 ô cho mỗi phần cơm trắng, tôm thịt rim, su xào… kèm chén canh rau và 1 thức uống. Sau nhiều giờ làm việc, khoảng thời gian cơm ca được nhiều NLĐ mong chờ, bởi không chỉ là bữa cơm đơn thuần mà họ còn gặp gỡ bạn bè để chuyện trò, giải khuây sau những giờ làm việc. Chị Thủy, công nhân chia sẻ: “Cơm và thức ăn khá nhiều, thực đơn được thay đổi thường xuyên nên đỡ ngán. Không gian ăn trưa khá rộng rãi, sạch sẽ và bố trí quạt nhiều nên chúng tôi rất thoải mái. Còn về VSATTP, tôi được biết là nhiều năm nay, bếp ăn không xảy ra ngộ độc nên yên tâm”.

Là một trong những doanh nghiệp quy mô lớn trực thuộc Tập đoàn Scavi (Pháp) có nhà máy đóng tại Khu công nghiệp Phong Điền, Công ty Scavi Huế không có bếp ăn mà hợp đồng với Công ty TNHH MTV Huế Thành cung ứng bữa ăn cho NLĐ. Doanh nghiệp chủ động phối hợp với các bộ phận liên quan triển khai nhiều giải pháp kiểm soát VSATTP tại bếp ăn, khu vực liên quan đến chế biến, cung cấp thực phẩm, khu vực căn tin phục vụ cơm ca cho NLĐ...

Quản lý Công ty TNHH MTV Huế Thành, ông Trần Đình Thạnh cho biết: Để phục vụ 5.700 suất ăn mỗi ngày, đơn vị luôn chú trọng đến nguồn cung ứng thực phẩm và khâu chế biến món ăn. Các nguồn thực phẩm phục vụ quá trình chế biến món ăn đều được công ty ký hợp đồng với các đơn vị cung cấp. Trong đó, tiêu chí nhập hàng phải đảm bảo các yếu tố: Tươi, sống, đảm bảo VSATTP và có đầy đủ hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

“Ngoài nguyên liệu, bếp ăn được bố trí theo quy trình một chiều bảo đảm không lây nhiễm chéo giữa thực phẩm chưa qua chế biến và thực phẩm đã qua chế biến; thực hiện lưu mẫu thức ăn trong 72 giờ đối với mỗi bữa ăn, cao hơn mức quy định hiện hành (24 giờ) nhằm tăng cường khả năng truy xuất và xử lý sự cố phát sinh; 100% nhân viên nhà bếp được khám sức khỏe định kỳ hàng năm với các xét nghiệm phân, viêm gan A+E, chụp XQ phổi…” ông Thạnh thông tin.

Phó Giám đốc Sở Y tế thành phố Huế, bà Phan Thị Minh Nguyệt cho biết, ngành y tế đã có những tham mưu, chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra thường xuyên, định kỳ, đột xuất các bếp ăn tập thể. Ngoài việc kiểm tra cơ sở hạ tầng, sổ sách, lấy mẫu về kiểm nghiệm…, Sở đã tham mưu cho Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành về VSATTP thành phố tăng cường công tác quản lý, truyền thông cho đơn vị sử dụng lao động về tầm quan trọng của bữa ăn dành cho NLĐ để các doanh nghiệp chủ động trong việc chỉ đạo các bếp ăn hoặc đơn vị hợp đồng cung ứng bữa ăn thực hiện tốt các quy trình, quy định về VSATTP.

Bếp ăn tập thể tại các nhà máy trong và ngoài khu công nghiệp luôn tiềm ẩn nguy cơ mất VSATTP. Bởi, với số lượng NLĐ trong mỗi nhà máy tương đối lớn, từ vài trăm đến vài ngàn người nên nếu xảy ra ngộ độc thực phẩm không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng NLĐ, gây gián đoạn sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến an ninh trật tự, kinh tế - xã hội trên địa bàn. Để đảm bảo VSATTP và tránh xảy ra ngộ độc tập thể, rất cần sự chủ động từ phía các đơn vị sử dụng lao động trong việc thực hiện đúng các quy trình, quy định liên quan đến ATTP và sự quản lý, giám sát, kiểm tra (định kỳ và đột xuất) từ các ban, ngành chức năng, nhằm phòng ngừa nguy cơ mất ATTP, góp phần đảm bảo sức khỏe, quyền lợi NLĐ.

Thực hiện “Tháng hành động vì ATTP năm 2025”, từ ngày 22/4 đến ngày 15/5, Đoàn kiểm tra liên ngành VSATTP thành phố Huế tiến hành kiểm tra 50 cơ sở, số còn lại sẽ kiểm tra theo chuyên ngành nhằm nâng cao chất lượng thực phẩm trên địa bàn, đặc biệt tại các bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống và các điểm kinh doanh thức ăn đường phố, góp phần bảo vệ sức khỏe Nhân dân, xây dựng môi trường sống an toàn, văn minh và phát triển bền vững.

Bài, ảnh: Thanh Hương

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/doi-song/chuyen-tu-cac-bep-an-tap-the-153683.html