Thị trường TPCN toàn cầu có thể đạt 820 tỷ USD vào năm 2035
Thông tin được đưa ra tại Hội nghị Khoa học Quốc gia với chủ đề 'Thực phẩm chức năng và Tư vấn đầu tư phát triển Thực phẩm chức năng Việt Nam 2025', diễn ra vào sáng 17/5 tại TP. Hồ Chí Minh.
Thông tin được đưa ra tại Hội nghị Khoa học Quốc gia với chủ đề “Thực phẩm chức năng và Tư vấn đầu tư phát triển Thực phẩm chức năng Việt Nam 2025”, diễn ra vào sáng 17/5 tại TP. Hồ Chí Minh.

Các đại biểu tham dự hội nghị
Sự kiện do Viện Nghiên cứu Chăm sóc Sức khỏe Chủ động (Viện NCCSSK Chủ động) phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước và Hội Thiết bị Y tế TP.HCM tổ chức, nằm trong khuôn khổ chuỗi hoạt động hợp tác chiến lược Việt – Mỹ, nhân dịp kỷ niệm 30 năm bình thường hóa quan hệ ngoại giao và gần 2 năm nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh ngành Thực phẩm chức năng (TPCN) tại Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là tình trạng sản xuất và tiêu thụ hàng giả, hàng nhái... Gần đây, cơ quan chức năng đã liên tục triệt phá nhiều đường dây buôn bán TPCN giả với số lượng lên tới hàng trăm tấn, gây hoang mang trong dư luận, ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin của người tiêu dùng và uy tín của toàn ngành. Trước thực trạng đó, hội nghị lần này được kỳ vọng sẽ trở thành điểm tựa vững chắc cho doanh nghiệp trong ngành. Sự kiện không chỉ cung cấp thông tin pháp lý và chính sách kiểm định mới nhất, mà còn đưa ra các giải pháp nhằm minh bạch hóa chuỗi sản xuất, phân phối. Đồng thời, đây cũng là dịp để thu hút nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực TPCN đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam.

GS.TS.BS Hồ Bá Do - Viện trưởng Viện NCCSSK Chủ động phát biểu khai mạc
Phát biểu khai mạc, GS.TS.BS Hồ Bá Do - Viện trưởng Viện NCCSSK Chủ động, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quốc gia về TPCN. Ông cũng đề xuất tăng cường hợp tác chuyên môn với Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) nhằm củng cố năng lực kiểm nghiệm, chứng nhận sản phẩm tại Việt Nam, hướng đến chuẩn hóa và hội nhập quốc tế.

PGS.TS Trần Đáng - Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam
PGS.TS Trần Đáng - Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cũng đã trình bày các quy chuẩn mới trong công tác quản lý chất lượng TPCN. Ông kêu gọi đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng kiểm nghiệm và tăng cường thanh tra, xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng giả để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và giữ gìn sự minh bạch của thị trường.
Tại phiên phiên báo cáo, PGS.TS Trần Đáng cũng đưa ra lập luận đáng chú ý: “Theo Luật Khám chữa bệnh Việt Nam, có hai nhóm biện pháp điều trị là dùng thuốc và không dùng thuốc, bao gồm cả châm cứu, bấm huyệt, thiền định và đặc biệt là ăn uống, thực phẩm. Như vậy, tại sao thực phẩm chức năng, vốn là một phần hỗ trợ trong ăn uống lại không được công nhận vai trò chữa bệnh?”
Ông dẫn chứng thêm, trong môn Dược lý học của sinh viên y khoa năm thứ ba, đơn thuốc được giảng dạy không chỉ là danh mục thuốc, mà còn bao gồm cả hướng dẫn chế độ ăn uống, vận động. “Bác sĩ phải là người tiên phong, gương mẫu trong việc tư vấn sử dụng thực phẩm chức năng dựa trên nền tảng khoa học. Chỉ có vậy mới giúp hạn chế tình trạng quảng cáo sai sự thật, thổi phồng công dụng từ những người thiếu chuyên môn,” ông nhấn mạnh.

GS.TSKH.BS Nurlan M. Nurumov - Viện Lão khoa Quốc tế Kazakhstan
Ở lĩnh vực công nghệ, GS.TSKH.BS Nurlan M. Nurumov - Viện Lão khoa Quốc tế Kazakhstan đã giới thiệu công trình nghiên cứu và ứng dụng Coenzyme Q10 – một hoạt chất có tiềm năng trong hỗ trợ điều trị mệt mỏi mãn tính và ung thư. Đáng chú ý, ông còn trình bày công nghệ cải tiến giúp CoQ10 tan trong nước, qua đó tăng đáng kể khả năng hấp thu sinh học của sản phẩm.

GS. Augustine Hà Tôn Vinh – Chủ tịch HĐQT kiêm CEO Tập đoàn Stella Management - Hoa Kỳ
Ở góc độ kinh tế, GS. Augustine Hà Tôn Vinh – Chủ tịch HĐQT kiêm CEO Tập đoàn Stella Management (Hoa Kỳ) – đã chia sẻ những dự báo tích cực về thị trường TPCN toàn cầu, dự kiến có thể đạt quy mô 820 tỷ USD vào năm 2035. Ông cũng phân tích các cơ chế ưu đãi đầu tư tại Việt Nam như miễn giảm thuế, hỗ trợ chi phí thuê đất theo Nghị định 09/2018, xem đây là đòn bẩy quan trọng để thu hút dòng vốn FDI vào ngành TPCN trong nước.

ThS. Hứa Phú Doãn – Chủ tịch Hội Thiết bị Y tế TP.HCM
Khép lại phiên làm việc, ThS. Hứa Phú Doãn – Chủ tịch Hội Thiết bị Y tế TP.HCM, đã giới thiệu chương trình đào tạo chuyên sâu kéo dài 120 tiết học, tập trung vào công nghệ sản xuất, thiết bị kiểm nghiệm và quản lý kinh doanh thực phẩm chức năng. Chương trình nhằm trang bị kiến thức thực tiễn và kỹ năng xây dựng kế hoạch thương mại hóa hiệu quả cho các học viên trong ngành.

Hội nghị Khoa học Quốc gia về Thực phẩm chức năng 2025 được đánh giá là một trong những sự kiện trọng điểm, kết nối chặt chẽ giữa cơ quan quản lý, giới khoa học và cộng đồng doanh nghiệp. Đây là bước tiến quan trọng góp phần nâng cao năng lực ngành TPCN Việt Nam, hướng đến phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng với thị trường quốc tế.

Khách mời tham dự Hội nghị chụp hình cùng Ban tổ chức
Tại không gian trưng bày, nhiều doanh nghiệp đã giới thiệu sản phẩm khá bắt mắt thu hút nhiều khách tham dự đến trải nghiệm.


