Chuyện 'vàng tặc' thời nào cũng 'nóng'
Tình trạng khai thác vàng tái diễn tại khu vực Bãi Kịt, xã Lũng Cao, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa đang là vấn đề nan giải đối với cơ quan chức năng trong quá trình điều tra, xử lý.
Tại vị trí có tọa độ điểm (X:510638, T: 2275113), lô 19, khoảnh 1, tiểu khu 250, rừng đặc dụng Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, thuộc địa bàn xã Lũng Cao, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa được cơ quan chức năng xác định là điểm có nhiều trữ lượng khoáng sản kim loại có giá trị và đây cũng là nơi đã từng diễn ra những cuộc thanh trừng của cai vàng vào thập niên 80 đang để lại nhiều dư luận mỗi khi nhắc đến chuyện làm vàng vùng Bãi Kịt.
Muốn vào hang vàng Bãi Kịt, lực lượng chức năng buộc phải đi xuyên nhiều khu rừng trong Khu bảo tổn thiên niên Pù Luông.
Nhất Phố Đoàn, nhì Sài Gòn…
Đó là câu ví của người dân khi nhắc đến Chợ Phố Đoàn thuộc địa bàn xã Lũng Niêm, huyện Bá Thước của tỉnh Thanh Hóa vào những thập niên 80 khi mới hình thành khu chợ tạm. Thời điểm đó, chợ Phố Đoàn trở nên nổi tiếng, độc lạ của xứ Thanh với cảnh tiểu thương, con buôn, chủ, tớ mua bán, trao đổi hàng hóa từ vàng cám lấy tiền, đồ dùng sinh hoạt. Khuôn viên Chợ Phố Đoàn có diện tích chừng với diện tích hơn 1.000 m2 đất xây ki ốt và tiểu thương ngồi buôn bán tràn dọc mép đường tỉnh lộ 521 B, thuộc địa bàn xã Lũng Niêm.
“Chỉ cần một gánh phở, ngày cũng đổi được vài lượng vàng cám. Vàng thời đó nhiều lắm, kẻ bán, người mua diễn ra tấp nập. Những vụ việc đâm chém nhau, tranh giành bản địa, xưng hùm, xưng bá với các tên tuổi gắn trên mình hai từ “tướng cướp” như Hiền “đầu bạc” xảy ra tại đây, được người dân truyền tai nhau là có thật”- một người dân kể lại.
Chợ Phố Đoàn, xã Lũng Niêm, huyện Bá Thước vào những năm 80 được xem là nơi buôn bán vàng nhiều nhất tại xứ Thanh
Theo đó, vàng được đào, đãi ra từ khu vực các hang vàng trong Bãi Kịt, thuộc địa bàn vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Vàng được cai vàng kiểm tra, thu giữ, đưa về Chợ Phố Đoàn trao đổi, bán hoặc cho. Người dân hay còn gọi là “phu vàng” làm việc nặng nhọc dưới hầm vàng, trong rừng sâu chỉ được nhận lương, thưởng mỗi dịp về quê vào những ngày cận kề tết.
Dân tứ xứ tìm đến Phố Đoàn thời ấy rất thịnh vượng, nhiều gia đình đã phất lên nhanh chóng từ các hoạt động thông thương trong trao đổi, buôn bán vàng cám. Rồi từ đây cũng nảy sinh nhiều hệ lụy như: cờ bạc, cướp của, giết người và tranh giành địa bàn qua vài vụ “lấy án” để khẳng định “số má”, khẳng định “tên tuổi”. Phố Đoàn thời ấy, nơi được xem là “chợ vàng” chỉ kéo dài một thời gian, rồi cũng dần mai một.
Lực lượng chức năng đi theo các lối mòn của người dân bản địa để vào Bãi Kịt
Tội phạm lộng hành
Thấy được những nguồn lợi béo bở từ các hang vàng Bãi Kịt, nhiều đối tượng đã ấp mưu, ủ kế “xây dựng hình ảnh" bản thân, “lấy số” trong giới quân cai vàng bản địa thông qua những vụ cưỡng ép tài sản, tranh cướp tiền bạc, súng đạn, đã làm cho tình hình an ninh trật tự tại khu vực hang vàng ở Bãi Kịt trở nên “nóng” dần vào thập niên 80. Cũng từ đây, tên tuổi của nhiều tên cướp liều lĩnh đã hình thành tại khu vực các hang vàng Bãi Kịt, kéo theo đó là nỗi lo lắng, sự sợ hãi của người dân. Một trong số đó phải nói đến là Hiền “đầu bạc”.
Ngược dòng hồi ký cho thấy, Hiền “đầu bạc” từng là một gã sinh viên hiền lành với tên thật là Nguyễn Mạnh Hiền, SN 1965, ở Cẩm Sơn, Cẩm Thủy, Thanh Hóa. Hiền “đầu bạc” có bước “quay xe” nghiệp ngã, với các cú “áp phanh” để đời sau những vụ tranh giành súng đạn, trấn cướp phu vàng tại hang vàng Bãi Kịt khi liên tiếp đe dọa, cướp tài sản của dân trên triền núi ba làng Son - Bá - Mười, gọi tắt là Son Bá Mười, xã Lũng Cao, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa.
Lực lượng chức năng nghỉ giải lao trên đường vào Bãi Kịt
Ở những năm 80, Hiền “đầu bạc” đã nổi lên từ những vụ cướp tài sản đình đám của những người dân đào đãi vàng trong Bãi Kịt. Với những án tích kinh hoàng, Hiền “đầu bạc” đã tự khoác cho mình tấm áo biệt danh “tướng cướp Hiền đầu bạc”.
Hồ sơ vụ việc của cơ quan chức năng cho biết, với vẻ bề ngoài của Hiền toát lên vẻ thư sinh, nhưng bên trong là bản tính hung hãn. Do đó, Hiền “đầu bạc” luôn sẵn sàng chĩa súng vào đầu ai nếu không nghe lời y, không chịu làm theo ý hắn. Rồi “lưới trời” đã trùm xuống đầu tướng cướp Hiền "đầu bạc" với mức án 8 năm tù giam về tội danh “cướp tài sản”.
Chấp hành án chưa lâu, Hiền “đầu bạc” đã trốn trại, tìm cách chui lủi về các lán trại của người dân khu vực rừng sâu tại bản Son - Bá - Mười, thuộc xã Lũng Cao làm nơi trú ẩn hòng gây gây tội ác. Sự có mặt, thoắt ẩn thoát hiện trong những ngày trốn trại trở về của Hiền “đầu bạc” vào những năm 80 tại khu vực hang vàng Bãi Kịt gây nhiều khó khăn đối với các cơ quan chức năng trong việc truy bắt y.
Khu lán trại tạm bợ của những đối tượng khai thác vàng trái phép trong Khu BTTT Pù Luông
Những cái chết oan uổng
Nhắc lại chuyện Hiền “đầu bạc” cùng đồng bọn bị bắt giữ và TAND tỉnh Thanh Hóa đã tuyên án tử hình với y năm 1991 và cái chết của Hiền “đầu bạc” đã khép lại chuỗi ngày dài với rất nhiều khó khăn, vất vả của lực lượng chức năng trong cuộc vận động đầu thú, lẫn truy bắt. Cũng từ đây, nạn khai thác vàng trái phép tại khu vực hang vàng Bãi Kịt lắng xuống.
Từ những giá trị về vật chất đã thổi vào lòng tham của nhiều đối tượng với mong muốn đổi đời từ “vàng tặc”. Các cai vàng lại tìm cách gom người tứ xứ, rồi lén lút vượt rừng trong khu vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, âm thầm vận chuyển máy móc, vật dụng đưa vào Bãi Kịt để đào, đãi vàng, phục tìm sa khoáng.
Chuyện đổi đời cũng lóe lên với một vài cai vàng từ các bát vàng cám, nhưng rồi sự nghiệt ngã cũng đôi lần ập xuống đầu các "phu vàng" đang vắt sức nơi rừng thiêng, nước độc ở các miệng cửa hang vàng. Đó là những mạng người trong hầm vàng, muốn đưa lên mặt đất cũng phải đào tới ba tấc đất, quấn đến 18 vòng dây mới mong ra tìm thấy được thi thể người bị nạn đưa ra khỏi cửa hầm.
Là người trực tiếp tham gia cứu nạn các phu vàng bị vùi lấp trong hầm, ông Lê Quang H. không dấu nỗi bầu tâm sự cho biết về những khó khăn của lực lượng chức năng khi đến hang vàng Bãi Kịt.
Máy móc phục vụ cho việc đào, đãi vàng mà các đối tượng bỏ lại hiện trường
Theo lời ông H., để vào được hang vàng Bãi Kịt, người dân phải đi bộ chừng 4 đến 5 giờ dọc theo các điểm nhớ của người dân bản địa trên mỗi cây rừng đã được đánh dấu trước đó trong rừng của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông.
“Đã xác định đi vào hang vàng Bãi Kịt là phải có sức khỏe, vừa đi vừa phải để ý “chim lợn” canh chừng. Có nhiều lần đang đi giữa rừng thì trời mưa, sấm chớp lóe liên hồi trên đỉnh đầu, kèm theo là những tiếng nổ vang trời phát sáng cả góc rừng. Lùi cũng dở, ở lại cũng chăng can, nên chỉ biết cầu trời, khấn phật để lê chân bước tiếp cùng đoàn anh em cố đi hết quãng đường rừng dài chừng 7- 8 km để tới hang vàng Bãi Kịt nhanh nhất”- ông H. chia sẻ.
Cũng theo ông H., nhớ lại vụ việc vào đầu tháng 6/2016, sau khi nghe tin cơ sở báo về có nhiều người dân khai thác vàng trái phép tại hang vàng Bãi Kịt bị ngạt khí, rồi nước lũ dồn về, có chuyện sập hầm đến chết...
“Hôm đó đoàn người đang vào cứu hộ thì gặp mưa như trút, nên phải leo lên chỗ núi đá cao để trú ẩn, sáng ngày hôm sau đi tiếp thì mới tới hiện trường nơi có 3 người phu vàng bị chết ngạt dưới hầm. Cái miệng hầm chui vào chỉ vừa cái mâm, nên công tác cứu hộ 3 phu vàng được gấp thiết triển khai. Sau nhiều ngày với các giải pháp tối ưu, thi thể các phu vàng đã được lực lượng chức năng đưa lên khỏi cửa hang, bàn giao cho gia đình gánh võng, băng rừng về quê mai táng”- ông H kể lại.
Vất vả lắm, lực lượng chức năng huyện Bá Thước mới tiếp cận được khu vực Bãi Kịt, nơi có nhiều điểm khai thác vàng trái phép.
Nóng chuyện truy quét vàng
Khu vực Bãi Kịt được xem là nơi có trữ lượng khoáng sản kim loại màu (được gọi là vàng cám) thuộc diện lớn ở xứ Thanh. Bãi Kịt thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt của rừng đặc dụng Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, là khu vực giáp ranh giữa xã Lũng Cao, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa với xã Thành Sơn, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình.
Với địa hình rừng núi hiểm trở, phải băng rừng, vượt núi, trèo qua các mỏm đá tai mèo sắc nhọn trong rừng đặc dụng chừng 7-8 km với thời gian chừng 4-5 giờ đi bộ mới vào đến Bãi Kịt - nơi được mệnh danh là “thủ phủ” của “vàng tặc” ẩn mình.
“Để bắt quả tang được những tên cai vàng tại đây quả thực là một vất vả đối với lực lượng chức năng mỗi khi lên kế hoạch truy bắt. Các cai vàng thường dùng một vài người dân bản địa, thông thạo địa hình rừng núi, gùi cơm mật phục hoặc dùng ám hiệu báo tin mỗi khi có sự xuất hiện của người lạ trong vòng bán kính khoảng chừng 1-2 km là sẽ được báo tin cho các cai vàng sơ tán”- một cán bộ huyện Bá Thước kể lại.
Phía trong các hầm vàng rất dễ sập mỗi khi trời mưa
Gần đây nhất, vào trung tuần tháng 9/2021, sau khi nhận được tin báo của người dân về sự trở lại hoạt động trái phép khai thác vàng tại Bãi Kịt, lực lượng chức năng đã lên kế hoạch kiểm tra, truy quét với quyết tâm bắt giữ các đối tượng cầm đầu để xử lý.
Tuy nhiên khi lực lượng chức năng có mặt tại hiện trường Bãi Kịt (có tọa độ X: 509832, Y:2274869), lô 36, khoảnh 1, tiểu khu 250, rừng đặc dụng khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông chỉ phát hiện 03 bể nhân tạo được các đối tượng vận chuyển đất thông qua hệ thống đường ống nhựa từ khu vực hầm lò thuộc địa phận xóm Nà Lụt, xã Thành Sơn, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình xuống để ủ cùng với hóa chất để lấy vàng.
Đo đạc tại hiện trường cho thấy, hầm lò có kích thước rộng 4,0 m, sâu chừng 30 m, trong hầm lò các đối tượng đào xuyên ngang vào lòng đất với 3 tầng hầm nhỏ, có kích thước rộng 1,0 m x cao 2,0 m x sâu 6,0 m mỗi hầm và bên cạnh đó là các lạn trại bỏ không, đầu máy mô tơ cùng các dụng cụ khác mà các đối tượng khai thác vàng đã bỏ chạy khi phát hiện sự có mặt của lực lượng chức năng.
Cửa vào hang đào vàng nằm sâu trong lòng núi
Theo lãnh đạo UBND huyện Bá Thước, để ngăn ngừa, đấu tranh, xử lý được các đối tượng khai thác vàng trái phép tại khu vực Bãi Kịt là cả một vấn đề hết sức khó khăn. Ngoài việc vận động, tuyên truyền nâng cao ý thức người dân, chính quyền cũng đề nghị Công an, Kiểm lâm vào cuộc, nắm bắt tình hình. Nhưng lực lượng chức năng lên đường vào kiểm tra, xử lý là đối tượng tháo chạy vào rừng sâu hoặc sang địa bàn giáp ranh tỉnh Hòa Bình trốn tránh.
Để xử lý tình trạng khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép tại khu vực Bãi Kịt, mới đây, UBND huyện Bá Thước đã có công văn gửi Chủ tịch UBND huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình đề nghị phối hợp tăng cường kiểm tra, xử lý. Kể cả biện giải pháp đánh sập hầm cũng sẽ được tính đến.
“Sau nhiều lần kiểm tra, truy quét, xử lý, nhưng hiện vẫn cón một số đối tượng lén lút, tổ chức đưa người và các loại phương tiện vào khu vực giáp ranh để khai thác khoáng sản trái phép với quy mô hoạt động ngày càng lớn. Để sớm xử lý dứt điểm tình trạng khai thác khoáng sản (vàng cám) tại khu vực giáp ranh, giữ vừng an ninh rừng, huyện Bá Thước đã gửi công văn tới huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình phối hợp xử lý”- một lãnh đạo huyện Bá Thước cho biết.
Theo tìm hiểu của PV Báo Nhà báo & Công luận cho thấy, trong thời gian kiểm tra, truy quét gần đây, lực lượng chức năng đã phát hiện, tạm giữ, lập biên bản được gần 20 đối tượng tại các khu vực hang vàng Bãi Kịt. Tuy nhiên quá trình xác minh, điều tra, đa phần các đối tượng trên đều khai báo với cơ quan chức năng về việc được người lạ mặt thuê vào rừng cào đất, trông lán, nuôi ong.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chuyen-vang-tac-thoi-nao-cung-nong-post161258.html