Chuyện về anh nông dân công nghệ số
Đặng Dương Minh Hoàng là gương mặt trẻ nổi bật trong lĩnh vực lao động sản xuất nằm trong danh sách 20 đề cử Giải thưởng 'Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2023' do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Quỹ Hỗ trợ Tài năng trẻ Việt Nam tổ chức. Phóng viên Chuyên đề Công an TPHCM đã có buổi trò chuyện với gương mặt trẻ - chàng nông dân sinh ra, lớn lên tại Bình Phước và từng làm việc tại Pháp, nhưng mang tâm huyết về phục vụ quê hương, đất nước. Anh cũng là Phó Chủ nhiệm CLB Nông dân tỷ phú của tỉnh Bình Phước...
Nuôi dưỡng ước mơ để thành hiện thực
ơ Đặng Dương Minh Hoàng luôn toát lên sức trẻ, khỏe và hòa đồng, nụ cười luôn nở trên môi làm người đối diện cảm thấy rất gần gũi. Năm nay, Hoàng tròn 36 tuổi, rất trẻ nhưng so về bề dày thành tích đã đạt cũng như những gì trải qua, cho thấy sự nhiệt huyết luôn chảy trong huyết quản của chàng trai này.
Chúng tôi may mắn gặp được Hoàng sau khi anh về TPHCM để chuẩn bị ra Hà Nội tham gia đoàn đại biểu dự Hội nghị Hội đồng điều hành (ECM) lần thứ 35, tổ chức tại Nhật Bản từ ngày 29/02 đến ngày 06/03/2024. Tâm sự với chàng nông dân kỹ thuật số, Hoàng cho biết quê gốc ở Nam Định, sinh ra và lớn lên tại Bình Phước. Từ nhỏ, ba của Hoàng đã làm rẫy, trồng cây điều. Cứ đến mùa thu hoạch, ba anh phải thuê người dân nhặt hạt điều, với sức nhỏ như Hoàng thì mỗi ngày còng lưng cũng chỉ nhặt được rất ít so với người lớn khi đó. Tuy nhiên, chính từ những tiếp cận thời hàn vi ấy, đã in vào tâm trí chàng trai này câu hỏi, tại sao người nông dân của mình cứ mãi "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" mà thu nhập lại chẳng bao nhiêu? Là học sinh Trường chuyên Quang Trung (tỉnh Bình Phươc), giỏi vật lý, từng đoạt giải quốc gia môn vật lý khối cấp 3, Hoàng vào học tại Đại học Bách khoa TPHCM, theo học chương trình kỹ sư chất lượng cao Việt - Pháp.
Đến năm thứ hai đại học, Hoàng vinh dự nhận được học bổng và sang Pháp du học. Tốt nghiệp tại Pháp, Hoàng được nhận vào làm việc tại Tập đoàn Điện lực của nước Pháp. Với sự nhanh nhẹn, thông minh vượt trội đã làm Hoàng nổi tiếng trong giới kinh doanh ở Pháp, anh tiếp tục chọn chuyển sang làm việc cho ngành dầu khí của Pháp. Với 8 năm làm việc, tích lũy biết bao kinh nghiệm, tìm tòi học hỏi khắp nơi trên thế giới về nông nghiệp tiên tiến, hiện đại, áp dụng khoa học công nghệ vượt bậc trong nông nghiệp... Trong anh luôn thôi thúc một điều đó là mang tất cả kiến thức mình có về phục vụ quê hương đất nước để thỏa mong ước từ ngày còn nhỏ. Hoàng bắt đầu thực hiện ngay trên nông trại của ba mẹ mình, đó là nông trại Thiên Nông, tỉnh Bình Phước.
Nhớ lại giai đoạn quyết định từ Pháp trở về quê hương, phục vụ phát triển đất nước, cũng là ý nguyện của ba mẹ anh và bao người cùng các cấp chính quyền, đoàn thể tại địa phương thì hình ảnh người thầy giáo Trần Quốc Duy (giáo viên, sau này là Tỉnh ủy viên, Bí thư Tỉnh Đoàn và hiện là Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch tỉnh Bình Phước) in đậm trong anh. Khi còn là học sinh của thầy Duy, Hoàng được thầy vun bón nhiều ước mơ cháy bỏng. Đến khi sang Pháp, Hoàng vẫn giữ liên lạc khăng khít với thầy. Có giai đoạn, thầy Duy qua Úc tu nghiệp, từ hai đất nước xa nhau nhưng những lời thầy giáo Duy và cậu học trò Hoàng trao đổi qua lại mỗi ngày đã cho Hoàng thêm nguồn động lực, trở về quê hương áp dụng công nghệ số, kỹ thuật hiện đại tiên tiến nhất vào nông nghiệp.
Nông dân là nhà khoa học, sản phẩm tiêu chuẩn quốc tế
năm 2018, từ Pháp trở về Bình Phước, Nông trại Thiên Nông (với diện tích 50 héc-ta) được Hoàng bắt tay ngay vào việc, đó là áp dụng công nghệ số. Nông trại có ba loại cây trồng chủ lực là bơ, hồ tiêu, cao su (cây cao su đóng vai trò như là một vùng đệm hữu cơ với lõi là cây bơ và hồ tiêu). Trong đó, sản phẩm bơ với thương hiệu Bơ Ông Hoàng (logo đã đăng ký sở hữu trí tuệ) đã xuất hiện trên kệ của các siêu thị nổi tiếng và đã xuất khẩu sang một số nước trong khu vực Châu Á như: Thái Lan, Malaysia, Singapore, Campuchia... Sản phẩm hồ tiêu được sản xuất theo hướng hữu cơ và ký kết hợp đồng bao tiêu với Nedspice - Tập đoàn gia vị hàng đầu của Hà Lan. Hoàng chia sẻ, lực lượng lao động trong trang trại chủ yếu là đồng bào dân tộc STiêng và Khmer có hoàn cảnh khó khăn, vươn lên cùng nông trại. Để cho ra các sản phẩm của Thiên Nông đều có những chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, sản phẩm nông nghiệp nông thôn tiêu biểu, OCOP 4 sao và nhiều chứng nhận quốc gia và quốc tế khác.
Nông trại đã tạo ra việc làm cho nhiều người dân ở địa phương, đồng thời tạo ra nguồn sinh kế bền vững cho họ thông qua hình thức góp vốn trong chăn nuôi với mục tiêu đôi bên cùng có lợi và phát triển trang trại với quy trình sản xuất khép kín. Môi trường trong lành, không làm tổn hại đến sức khỏe người lao động, giá trị bền vững mang lại cho người lao động, sức khỏe người tiêu dùng và môi trường tự nhiên là những giá trị không thể đo đếm bằng tiền. Ứng dụng công nghệ là một điểm sáng tạo, tạo nên sự thành công của Hoàng. Hiện nay, Thiên Nông đang áp dụng các công nghệ kỹ thuật cao vào sản xuất nông nghiệp, như: tưới tiêu tự động sử dụng internet vạn vật (IoT), điện năng lượng mặt trời áp mái, hệ thống camera CCTV giám sát toàn vườn, máy bay không người lái xịt thuốc phòng và trị bệnh cho cao su, nhật ký điện tử AutoAgri truy xuất nguồn gốc thông qua tem nhãn/mã QR/website thể hiện đầy đủ thông tin về sản phẩm. Bên cạnh đó còn có mô hình số hóa từng cây, mỗi cây là một trang web, một nhật ký điện tử, sử dụng digital marketing thông qua các fanpage trên mạng xã hội, nguồn phân hữu cơ tự sản xuất (đạm cá với nguồn cá sơn từ lòng hồ thủy điện Thác Mơ, phân bò, dê). Sản phẩm đầu ra được phân phối trên các kênh siêu thị truyền thống và các sàn thương mại điện tử với truy xuất nguồn gốc rõ ràng.
Từ năm 2023, Thiên Nông đã và đang triển khai mô hình game hóa - nhận nuôi từng cây bơ, mục tiêu xây dựng được hệ thống quản lý cây trồng thông minh dựa trên nền tảng IoT và ứng dụng trên thiết bị di động (mobile application) để phát triển mô hình nhận nuôi cây bơ và các loại cây ăn trái khác, góp phần hoàn thiện mô hình kinh tế hợp tác xã (HTX) thông minh mới và tăng giá trị sản xuất nông nghiệp tại tỉnh Bình Phước. Việc phát triển ứng dụng trên thiết bị di động kết hợp với nền tảng IoT nhằm tự động hóa quá trình canh tác, định danh và nhận nuôi cây bơ sẽ là một trong những bước tạo đà để đưa nông nghiệp trải nghiệm đến số đông người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế vùng.
Hoàng chia sẻ: "Ngày 11/06/2023, HTX Dịch vụ nông nghiệp số Bình Phước mà tôi là người đại diện - đã vinh dự nhận được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi Thi đua ái quốc, đồng thời HTX cũng đã có buổi chia sẻ về kinh tế tuần hoàn và nông nghiệp công nghệ cao đến toàn thể lãnh đạo Đảng, Nhà Nước và các đại biểu đại diện cho 63 tỉnh, thành tại lễ kỷ niệm. Qua đó, HTX đã lan tỏa hình mẫu về người nông dân 4.0, cùng nhau hướng đến xây dựng một nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh".
Với vai trò Chủ nhiệm Mạng lưới Lương Định Của toàn quốc, bản thân Hoàng đã phối hợp với Mạng lưới Lương Định Của toàn quốc tích cực tham gia truyền cảm hứng và hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp trên toàn quốc thông qua các hoạt động, như: đào tạo nội bộ cho các thành viên mạng lưới; giao lưu truyền cảm hứng đến các bạn trẻ trong talkshow "Chắp cánh khởi nghiệp xanh" tại Đại học Kinh tế TPHCM; Ngày hội văn hóa Pháp ngữ tại Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TPHCM; chia sẻ về nông nghiệp số tại Đại học RMIT; tổ chức tọa đàm "Chuyển đổi số cho nông nghiệp Việt Nam - Cơ hội và thách thức" tại Đại học Ngân hàng TPHCM; tham gia làm Giám khảo cho cuộc thi "Sinh viên HUB với ý tưởng khởi nghiệp lần VI", tham gia chia sẻ về nông nghiệp công nghệ cao tại Diễn đàn mô phỏng nghị viện trẻ - Đại học Kinh tế Tài Chính TPHCM và triển lãm giáo dục đại học Pháp năm 2023; Tổ chức Start-up tour 2023 - Diễn đàn khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững với Đại học Công thương TPHCM, tham gia các triển lãm, hội chợ trong và ngoài nước...
Vừa qua, trong nhiều chương trình thiện nguyện, Hoàng cho biết: "Bảo trợ và phát động phong trào doanh nghiệp trẻ đồng hành cùng nông dân trẻ trong việc thực hiện chuyển đổi số để nâng tầm nông sản Việt. Thực sự với nông nghiệp, chuyển đổi số là chuyến tàu không thể lỡ. Muốn tiết giảm chi phí, giảm bớt các khâu trung gian, minh bạch lý lịch sản phẩm, minh bạch quá trình sản xuất, người thu mua, người tiêu dùng có thể giám sát từ xa... thì chuyển đổi số là con đường tất yếu".
Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/guong-sang/chuyen-ve-anh-nong-dan-cong-nghe-so_159429.html