Chuyện về căn nhà ven sông ở Hà Nội hai lần đón Bác Hồ
Cách mạng tháng 8 thành công, Bác Hồ từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội. Trước khi đến 48 Hàng Ngang viết bản Tuyên ngôn độc lập, Bác đã dừng chân tại một ngôi nhà ở ngoại thành Thủ đô.
Đều đặn mỗi sáng gần 30 năm qua, vợ chồng ông Công Ngọc Dũng, 60 tuổi, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội cùng nhau thay hoa mới, thắp hương trên bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, rồi quét dọn, tỉ mỉ lau từng ô cửa, góc bàn trong căn nhà lưu niệm gần 100 năm tuổi.
Ông Dũng vừa là người trông coi, vừa là hướng dẫn viên kể cho du khách nghe những câu chuyện lịch sử từng diễn ra tại đây - nơi hai lần đón tiếp Bác Hồ trong hai năm 1945 - 1946, bằng tình cảm chân thành và kính trọng nhất.
Căn nhà nhỏ ven sông Hồng đón Bác trước ngày độc lập
Men theo đê sông Hồng, qua con ngõ 319 An Dương Vương chừng 20m, là đến cổng nhà số 6 của cụ Nguyễn Thị An được xây dựng từ năm 1929.
Bước qua chiếc cổng thấp, khoảng sân gạch đỏ hiện ra. Bên cạnh là bể nước còn nguyên vẹn xây bằng gạch. Căn nhà với 5 gian bằng gạch, lợp ngói. Hành lang dài thông các gian nhà và những ô cửa mái vòm.
Phía trước nhà có 4 chữ hán "Minh nguyệt thanh phong", tức "Trăng thanh gió mát". Hai bên có hai dòng chữ nhỏ "Bảo Đại tứ niên - Tôn tạo Đông thành", tức "Nhà xây năm thứ tư thời vua Bảo Đại, khánh thành vào mùa Đông" (năm 1929).
Từ năm 1941, cụ Nguyễn Thị An và con trai Công Ngọc Kha (bố ông Công Ngọc Dũng) giác ngộ đi theo cách mạng, trở thành mắt xích quan trọng làm nhiệm vụ đưa tài liệu, truyền tin bí mật cho những yếu nhân cách mạng thời kỳ tiền khởi nghĩa.
Thôn Phú Gia (xã Phú Thượng, huyện Từ Liêm), nay là phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, vốn là cơ sở cách mạng của Đảng từ những thời kỳ tiền khởi nghĩa, nằm trong vùng "An toàn khu" của Trung ương Đảng suốt giai đoạn 1941-1945.
Dân làng đã nuôi cơm và bảo vệ nhiều cán bộ cao cấp của Đảng như đồng chí Trường Chinh, Hoàng Văn Thụ, Lê Đức Thọ, Hoàng Tùng…
Khi đó, căn nhà của vợ chồng cụ An, vốn ở vị trí kín đáo, lại nằm trong vùng an toàn của thôn, được chọn là "địa chỉ đỏ" hoạt động bí mật, cung cấp lương thực, thực phẩm cho cán bộ cách mạng.
Cũng bởi vậy, ông Hoàng Tùng chọn đây làm điểm dừng chân đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi từ chiến khu Việt Bắc về Hà Nội.
Theo lời ông Công Ngọc Dũng, 8h tối 23/8/1945, ông Công Ngọc Kha (bố ông) cùng một số đồng chí trong UBND lâm thời xã đang dự cuộc họp, thì nhận được tin báo nhà có khách, phải về ngay.
Về đến cổng nhà, một bảo vệ ngăn ông Kha lại và hỏi: "Các đồng chí là ai?". Bà An và ông Hoàng Tùng phải ra xác nhận đây là người nhà mới được vào.
Ông Kha vào nhà, thấy đằng trước và đằng sau có nhiều người đứng bảo vệ nghiêm mật. Với tính háo hức, sôi nổi của tuổi trẻ, ông Kha reo lên: "Các đồng chí kể chuyện chiến khu cho bọn em nghe đi ạ".
Khi đó, ông Hoàng Tùng chỉ nói "có các đồng chí ở chiến khu mới về, nghỉ ở nhà vài ba ngày nữa", dặn "mọi ngày gia đình ăn uống thế nào, nay bố trí nấu thêm cơm cho các đồng chí ở chiến khu về".
Ông Kha được giao nhiệm vụ vừa trực tiếp gần gũi phục vụ và bảo vệ "đồng chí thượng cấp", vừa lo bố trí bảo vệ ở vòng ngoài.
Sau khi bố trí lực lượng đầu làng và cuối làng, ông Kha về nhà, quan sát kỹ hơn những người ngồi trong nhà, đặc biệt chú ý ông cụ đã có tuổi, mặc bộ quần áo chàm, tóc hoa râm, chòm râu thưa, chân đi đôi giày vải người dân tộc.
Mọi hoạt động và lời nói của họ đều nhẹ nhàng và trật tự. Không khí yên tĩnh, trang nghiêm. Cụ ông nhanh nhẹn, miệt mài làm việc đến khuya mới nghỉ. Sáng hôm sau, cụ ra vườn tập thể dục rồi tiếp tục làm việc.
Đến khoảng 3, 4 giờ chiều 25/8, cụ ông gọi ông Kha, nói muốn gặp cả gia đình để nói chuyện. Cụ Công Văn Trường, thân sinh bà Nguyễn Thị An, khi đó 90 tuổi cũng được mời xuống.
Các thành viên ngồi đông đủ trong nhà, cụ ông đứng dậy thân mật nói: "Tôi về đây, được gia đình hết lòng giúp đỡ. Bây giờ, tôi phải đi công tác. Tôi cảm ơn sự giúp đỡ của gia đình. Tôi chúc gia đình mạnh khỏe và có dịp nào đó, tôi sẽ về thăm lại".
Đoàn công tác rời đi. Mấy hôm sau, đúng sáng 2/9/1945, gia đình bà An cùng dòng người khắp nơi đổ về quảng trường Ba Đình lịch sử. Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập, họ ngờ ngợ, vỡ lẽ đồng chí thượng cấp ở trong nhà mấy hôm trước, chính là Bác Hồ.
Ngày rời nhà bà An, Bác Hồ đến căn nhà 48 Hàng Ngang, viết bản Tuyên ngôn độc lập.
Ngày Bác Hồ trở lại
Giữ lời hẹn, ngày 24/11/1946, sau khi trở về từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Bác Hồ về thăm nhà bà Nguyễn Thị An lần thứ hai.
Không được báo trước, ông Công Ngọc Kha đang lợp lại mái nhà ngang, bỗng nghe tiếng ô tô ở ngoài đê, tiếp theo là tiếng nói cười ríu rít, mọi người reo to: "Bác Hồ về, Bác Hồ về!".
Ông Kha từ trên nóc nhà leo xuống, vội chạy ra cổng đón Người. Bác mặc bộ quần áo kaki màu trắng, hỏi ngay: "Chú Hai (chỉ ông Kha), ông cụ nhà ta đâu (cụ Công Văn Trường)?".
Thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh đến, cụ Trường chắp hai tay, toan làm lễ. Nhưng Bác vội bước ra, tươi cười đỡ lấy cụ, nói: "Cụ đừng làm vậy. Bây giờ chúng mình đều là anh em, không còn như chế độ thực dân, phong kiến trước đây nữa".
Bác hỏi cụ Trường về sức khỏe, về đời sống, rồi giọng Bác trầm xuống: "Pháp chuẩn bị đánh ta một lần nữa, cụ có sợ không?"
Cụ Trường đáp:"Giặc Pháp có nhiều xe tăng, máy bay, tàu bò, súng lớn, binh lính đông, liệu chúng ta có đánh được không?".
Nghe xong, Bác Hồ nói một cách quả quyết: "Nhưng chúng ta có lòng dân. Nhân dân ta cả nước đoàn kết một lòng, quyết tâm cao, nhất định sẽ đánh thắng chúng".
Đến chiều, Bác gặp gỡ và làm việc với một số cán bộ địa phương. Người rất vui và hỏi nhiều chuyện. Điều mà Bác quan tâm nhất và hỏi nhiều nhất, là tổ chức đời sống, vệ sinh phòng bệnh và tình hình sản xuất.
Hôm ấy, Bác căn dặn nhiều điều. Trước khi ra về, đồng chí Nguyễn Văn Thanh (tức Y) thay mặt địa phương chúc sức khỏe và hứa thực hiện những lời Bác dặn.
Bác cười và nói: "Các chú muốn Bác khỏe chứ gì? Hà Nội ta có nội thành và ngoại thành. Ngoại thành là vành đai của nội thành. Bác rất chú ý đến Phú Gia (tức Phú Thượng). Nay mai giặc Pháp sẽ đánh ta. Trước mắt, các chú phải ra sức xây dựng lực lượng về mọi mặt để chuẩn bị đánh Pháp. Các chú làm được điều đó là Bác khỏe. Các chú có làm được không?".
Mọi người đồng thanh hô vang: "Thưa Bác, có ạ!".
Nối dài truyền thống qua bao thế hệ
Sau hai lần vinh dự đón Bác, nhiều thế hệ trong gia đình ông Công Ngọc Dũng thay nhau gìn giữ ngôi nhà đến giờ. Trong gian giữa căn nhà, theo văn hóa Bắc Bộ, là nơi quan trọng nhất, họ đặt ảnh Bác trang nghiêm, tôn kính cùng dòng chữ "Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại". Hai bên là cờ Đảng, cờ Tổ quốc, bên dưới là tủ chè, bài trí một số di vật như bát hương, lọ hoa, lục bình…Dưới cùng là sập gỗ Bác từng nằm nghỉ.
Gian bên hữu là chiếc phản gỗ, gian bên tả là bộ trường kỷ bộ có hoa văn của phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.
Hai gian ngoài cùng, diện tích khoảng 10m2 mỗi gian. Trong đó, một phòng truyền thống treo các bức ảnh theo các chủ đề liên quan cuộc kháng chiến, cùng chiếc vali mây, máy đánh chữ Bác mang từ Chiến khu Việt Bắc về Hà Nội.
Phòng còn lại trưng bày chủ đề các đồng chí lãnh đạo Đảng Nhà nước viếng thăm gia đình, cùng tủ trưng bày một số tài liệu, sách báo, tư liệu trong suốt quá trình hoạt động cách mạng của Bác Hồ và các chiến sĩ cách mạng.
Ngoài hiên là chiếc gương soi và chậu rửa mặt của Bác, trong đó chiếc chậu đồng được Người sử dụng cả 2 lần ở gia đình cụ Nguyễn Thị An vào năm 1945 và 1946.
Từ năm 1979, căn nhà đón tiếp nhiều lãnh đạo, cán bộ cách mạng về thăm như đồng chí Trường Chinh, đồng chí Đỗ Mười, đồng chí Võ Chí Công, đồng chí Phạm Thế Duyệt,…
Năm 1996, gia đình ông Dũng hiến tặng căn nhà để địa phương làm nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cũng từ đó, vợ chồng ông Dũng trở thành những hướng dẫn viên, tiếp đón các đoàn khách tham quan, tận tụy kể về tình yêu thầm lặng đối với căn nhà, thông qua cách họ trân trọng, lưu giữ từng hiện vật, từng ký ức về Bác Hồ.
Hai người con trai của ông Dũng là Công Ngọc Phương và Công Ngọc Nam cũng được kỳ vọng tiếp nối và gìn giữ truyền thống gia đình.
Hàng năm, cứ vào ngày 23/8, bao lớp thế hệ cách mạng cùng tề tựu, hội ngộ tại căn nhà lịch sử, để kể chuyện về Bác Hồ và cách mạng.
Năm 2019, ngôi nhà được công nhận Di tích lịch sử cấp thành phố - Địa điểm lưu niệm sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc tại gia đình cụ Nguyễn Thị An.
Năm 2021, nhà lưu niệm này được xếp hạng Di tích Quốc gia. Sau hai năm dịch Covid-19, ngày 23/8/2022, thôn Phú Thượng tổ chức long trọng lễ đón rước bằng xếp hạng Di tích Quốc gia.
"Các thế hệ chúng tôi sẽ thay phiên nhau gìn giữ, bảo tồn căn nhà. Ông bà kể cho cháu nghe, bố mẹ kể cho con nghe, về những câu chuyện và dấu ấn hai lần được đón tiếp Bác Hồ vĩ đại", ông Dũng nói.
Ảnh, Nội dung: Viên Minh
02/09/2022