Chuyện về cha con người bạn Argentina của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Tháng 2-2011, tôi khi đó đang làm Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, tham dự đoàn đại biểu của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đi công tác tại Argentina. Trong chuyến đi này, với sự giúp đỡ nhiệt tình của Đại sứ Nguyễn Văn Đào và các cán bộ đang công tác tại Đại sứ quán Việt Nam ở Argentina, tôi đã có cuộc gặp gỡ ông Miguel Carlos Contreras, một trong bốn người con của Miguel Contreras - một người bạn Argentina của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 1924.
1.Trong cuộc gặp gỡ, Miguel Carlos Contreras đã kể cho tôi nghe về gia đình và người cha của ông, về thời gian mà cha ông đã cùng sống và hoạt động với Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Moscow:
Cha của Miguel Carlos Contreras là Miguel Contreras, sinh năm 1898 và mất năm 1987 tại thành phố Cordoba của Argentina. Ông tham gia phong trào công nhân từ khi còn rất trẻ. Năm 1917, ông đã từng tham gia thành lập Liên đoàn công nhân Cordoba, tổ chức công đoàn đầu tiên của thành phố Cordoba và của cả Argentina. Ông tham gia rất nhiều các cuộc đấu tranh của công nhân: Đấu tranh đòi cải cách giáo dục đại học, lập các trường đại học mở cho quần chúng… Ông cùng nhiều đồng chí của mình sáng lập ra Đảng Cộng sản Argentina. Chính quyền độc tài quân sự Argentina đã bắt ông rất nhiều lần. Năm 1929, Miguel Contreras được bầu làm Bí thư thứ nhất của Liên đoàn các Công đoàn Mỹ Latinh, một tổ chức được sáng lập tại Uruguay, với mục tiêu đoàn kết tất cả các phong trào công nhân của Mỹ Latinh. Tại thời điểm đó Miguel Contreras đã gặp và cưới vợ là người Uruguay, gốc Ba Lan. Vợ ông cũng tham gia phong trào đấu tranh của công nhân. Vợ ông và bốn người con đều từng bị ngồi tù bởi đã tham gia các hoạt động chính trị. Trong đó, người con cả - Miguel Carlos Contreras bị bắt nhiều lần nhất, hơn 20 lần, lần cuối cùng bị ngồi tù gần 5 năm (1976-1981). Việc tù đày chỉ chấm dứt vào năm 1983, khi chế độ độc tài quân sự ở Argentina sụp đổ.
Liên tục tham gia vào cuộc đấu tranh nhằm thực hiện những quyền lợi của người lao động, cuối năm 1923, Miguel Contreras được Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Argentina cử sang Liên Xô tham dự Đại hội V Quốc tế Cộng sản (1924). Khi ông đến Matxcơva, V.I.Lê-nin đã từ trần ít ngày trước đó. Cùng các đoàn đại biểu nước ngoài khác, Miguel Contreras đã đi viếng V.I.Lê-nin tại Quảng trường Đỏ. Miguel Carlos Contreras nói: “Cha tôi kể lại rằng lễ viếng có hai hàng riêng biệt: Một hàng dành cho người Liên Xô dài tới 8 km; hàng kia là dành cho các đại biểu nước ngoài, đại biểu Quốc tế Cộng sản. Hồ Chí Minh - khi đó mang tên Nguyễn Ái Quốc, mang nét đặc thù của người Á Đông, còn cha tôi mang nét của thổ dân Nam Mỹ. Cha tôi và Hồ Chí Minh tình cờ đứng cùng nhau, nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp. Tất cả đều kính cẩn và yên lặng viếng V.I.Lê-nin dưới trời rét khắc nghiệt của mùa đông nước Nga. Thời tiết rét buốt đã ảnh hưởng đến thân thể Hồ Chí Minh, làm cho các ngón tay bị tê cóng. Vì cha tôi đã mặc khá ấm, nên ông cởi găng tay của mình đưa cho Hồ Chí Minh dùng để tránh cho các ngón tay khỏi hư hỏng. Sau lễ viếng, cha tôi và Hồ Chí Minh cùng về khách sạn. Khi xem lại địa chỉ thì thật tình cờ cha tôi và Hồ Chí Minh được xếp ở cùng một phòng. Hai người đã trò chuyện rất nhiều, nhất là về tình hình chính trị của Argentina. Điều làm Hồ Chí Minh rất ấn tượng là cuộc đấu tranh đòi cải cách giáo dục ở Argentina. Hồ Chí Minh nhận định đây là điều đáng khâm phục vì Argentina là một nước nhỏ đã làm được cải cách giáo dục, còn nước Pháp có truyền thống cách mạng thì những người cộng sản Pháp lại chưa làm được điều đó…”.
2. Trong câu chuyện với tôi, Miguel Carlos Contreras có nhắc tới tờ báo Tiếng nói nội địa (La Voz Del Interior) của Argentina, ngày 19-9-1969, đã đăng bài báo phỏng vấn cha ông (Miguel Contreras) sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời. Bài báo, với nhan đề “Mạc - Tư - Khoa 1924: Một người Cordoba và Hồ Chí Minh”, ghi lại lời kể của Miguel Contreras (khi đó đã 71 tuổi) về chuyện năm 1924 ông đã làm quen với Hồ Chí Minh như thế nào. Họ đã sống cùng nhau ba tháng, ở cùng một căn phòng của một khách sạn khiêm tốn tại Moscow. Miguel Contreras hồi tưởng lại những vấn đề mà hai người đã trò chuyện, đã thảo luận rất nhiệt tình. Trong bài báo này, Miguel Contreras còn kể về những lần gặp lại Hồ Chí Minh vào năm 1938 và 1960, cũng tại Moscow. Những nội dung của bài báo cũng là nội dung câu chuyện mà Miguel Carlos Contreras kể về cha mình với tôi ở trên.
Tại buổi gặp, Miguel Carlos Contreras trao tặng tôi bản sao tờ báo Tiếng nói nội địa (La Voz Del Interior) của Argentina, ngày 19-9-1969 và bản sao bức tranh do một họa sĩ Argentina vẽ tặng Miguel Contreras năm 1973, khi ông ở vào tuổi 75. Bức vẽ thể hiện hình ảnh hai nhà hoạt động cách mạng Việt Nam - Argentina: Hồ Chí Minh - Miguel Contreras đang trao găng tay cho nhau giữa tiết trời giá lạnh ở Moscow năm 1924.
Kết thúc cuộc trò chuyện, Miguel Carlos Contreras nói: “Trong những năm tháng Việt Nam đấu tranh, gia đình tôi luôn ủng hộ Việt Nam chiến đấu chống đế quốc Mỹ xâm lược. Chúng tôi vui mừng khi đế quốc Mỹ thất bại trước Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam. Đây là câu chuyện kỷ niệm của chúng tôi. Tôi xin cảm ơn Đại sứ quán và đoàn cho tôi gặp gỡ đại diện của Bảo tàng Hồ Chí Minh. Tôi mang tới lời chúc của bốn anh em chúng tôi tới các bạn Việt Nam. Chúng tôi luôn đồng hành cùng cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam”.