Chuyện về cô gái Việt Nam đầu tiên chinh phục Nóc nhà thế giới

Báo chí Việt Nam vừa đồng loạt đăng tải thông tin về chị Nguyễn Thị Thanh Nhã, người phụ nữ Việt Nam đầu tiên chinh phục Nóc nhà thế giới là đỉnh Everest nằm trên dãy Himalaya, cao 8.849m. Trên đường về Việt Nam, cô gái thế hệ 8X đã chia sẻ với phóng viên Báo Biên phòng cảm nhận về sự biến đổi khí hậu trên dãy núi hùng vĩ liên quan tới mực nước biển dâng.

Chị Nguyễn Thị Thanh Nhã trên đường chinh phục Everest và gửi thông điệp về băng tan, nước biển dâng. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chị Nguyễn Thị Thanh Nhã trên đường chinh phục Everest và gửi thông điệp về băng tan, nước biển dâng. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Sông băng, thác băng Khumbu

Ngày 14-5-2022, cô gái Nguyễn Thị Thanh Nhã, một luật sư trẻ đứng trước sông băng Khumbu và phía sau lưng cô là EBC (Trạm căn cứ Everest, độ cao 5.363m). Trước khi đến cung đường thử thách này, cô đã trải qua 8 ngày để vượt qua chặng đường đầu tiên và dừng lại ở EBC. Những người trước khi muốn leo lên Nóc nhà thế giới thì thường dừng lại ở bình nguyên nằm cạnh con sông để bắt đầu học thêm kỹ năng vượt sông băng, ngả thang để đi qua những vết nứt kinh sợ của núi băng trên núi. Nhã nói giọng thảng thốt và cho biết: “Trước đây băng tan chậm, còn bây giờ do nóng lên toàn cầu nên thác băng liên tục tan và con sông này tuôn nước ào ạt”.

Nếu sống ở miền đồng bằng và hàng ngày liên tục nghe đập vào tai thông tin về “hội chứng nhà kính, nóng lên toàn cầu” thì có thể con người vẫn thờ ơ, giống như câu chuyện này không liên quan tới mình. Nhưng nếu lên tới những địa danh nghẹt thở trên dãy núi đồ sộ Himalaya thì mỗi người mới cảm nhận hết được điều này. Himalaya là dãy núi hùng vĩ trải dài qua 7 quốc gia, với đỉnh Everest cao nhất thế giới. Himalaya là nơi tích tụ số lượng băng lớn thứ 3 trên thế giới, sau Bắc Cực và Nam Cực. Có 15.000 sông băng trên núi đã hợp lưu dưới đồng bằng, tạo ra 7 con sông lớn, như sông Hằng ở Ấn Độ và sông Dương Tử ở Trung Quốc.

Nguyễn Thị Thanh Nhã tốt nghiệp bằng thạc sĩ ngành Luật ở Trường Đại học Sorbonne và Đại học Panthenon Assas (Pháp), là người sáng lập Công ty luật Celigal, hiện đang công tác tại thành phố Hồ Chí Minh. Trước khi có mặt để chinh phục Nóc nhà thế giới Everest vào sát dịp Tuần lễ quốc gia phòng chống thiên tai, cô đã chinh phục nhiều đỉnh núi khắc nghiệt nhất thế giới như: đỉnh Vinson Massif (4.892m) ở Nam Cực.

Những hình ảnh và câu chuyện gây chú ý nhất của chị Nhã là vượt khe nứt của núi băng. Chị cho biết: “Việc đi qua sông băng khá nguy hiểm, những khe nứt to, mình phải dùng đến thang nhôm để băng qua. Còn những khe băng nhỏ thì có thể nhảy qua. Mình chưa bao giờ thoải mái với việc đi trên thang nhôm bằng những cái móng mèo sắt và phải giữ thăng bằng như nghệ sĩ xiếc, nhưng cũng cố gắng nỗ lực để đi qua”.

Núi băng nứt toác

Do biến đổi khí hậu và hiện tượng băng tan, nên chinh phục Everest ngày càng khốc liệt hơn. Chị Nhã viết: “Chướng ngại vật đầu tiên là thác băng Khumbu khét tiếng. Nó mang một vẻ đẹp vừa lạnh lùng, vừa quyến rũ... Khi con sông băng chảy qua các mô và trũng trong các tầng bên dưới của thung lũng, nó nứt ra thành vô số khe nứt thẳng đứng. Một số khe băng này có thể bước qua dễ dàng, một số khác rộng đến 24m, sâu cả trăm mét và dài gần 1km”.

Hàng trăm người xếp hàng nhiều giờ chờ tới lượt để leo lên đỉnh Everest vì lý do quá tải. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Hàng trăm người xếp hàng nhiều giờ chờ tới lượt để leo lên đỉnh Everest vì lý do quá tải. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Suốt 8 ngày từ sông băng Khumbu lên đỉnh Everest và quay trở xuống, cụm từ “vết nứt, khe băng” thường được chị Nhã nhắc tới và miêu tả, cộng với hình ảnh sống động. Từ năm 2019, khi tình hình băng trên Himalaya tan chảy nhanh, rất nhiều thi thể của các nhà thám hiểm đã bỏ mạng, chôn vùi dưới băng đã lộ ra, trong đó có điểm nằm ở khu vực sông băng Khumbu. Những hình ảnh về vết nứt của những tảng băng khổng lồ trên dãy Himalaya được chị Nhã chia sẻ khiến nhiều người rùng mình. Chiếc thang nhôm được nối với nhau, đặt ngả giữa 2 bờ để người thám hiểm đếm từng bước chân đi qua bờ bên kia.

Trong nhật ký, chị Nhã chia sẻ về việc đã phải vượt thác băng ngay sát sông băng Khumbu vào lúc 1 giờ sáng ngày 12-5. Vì sao đoàn người phải đi giữa hiểm nguy trong đêm như vậy? Bởi vì, nếu khi trời sáng, nhiệt độ tăng cao thì có thể đoàn người sẽ bị vùi lấp bởi những núi băng bất thần từ trên đầu trút xuống. Cách đây 5 năm, những nhà thám hiểm chia sẻ, con dốc này là những phiến băng xếp chồng lên nhau, nhưng hiện nay, băng tại khu vực này rất xốp. Nỗi lo sợ lớn nhất của các nhà thám hiểm là những vết nứt ngầm, sâu cả trăm mét nằm ẩn bên dưới và phía trên là một lớp băng mỏng. Nếu nhà thám hiểm nào vô tình đặt bàn chân lên điểm nguy hiểm này thì không có ngày trở về.

Mỗi ngày, chị Nhã và đoàn thám hiểm vượt lên một trạm và phải dừng lại trong giá rét bão bùng. Đến ngày 15-5, chị tiến thật nhanh trên sống núi hẹp có tên là Southeast Ridge dẫn tới đỉnh Everest. Chị tâm sự: “Mình tới Everest lúc 3 giờ sáng, nhưng được Liaison Officer của chính quyền Nepal ghi nhận lúc 3 giờ 30 phút sáng ngày 16-5, là người đầu tiên tới đỉnh Everest trong ngày 16-5”.

Trên đường trở về, khi đang hạ độ cao trong cảm giác rã rời, chị đã vô tình rơi xuống một khe băng. Đó là giây phút hết sức hãi hùng. Chị chia sẻ: “Trong một lần băng qua khe băng nhỏ bằng cách nhảy sang bờ bên kia, mình đã bị tuột lại nửa bàn chân và rơi xuống khe băng sâu hút, nằm treo mình giữa trời trên một sợi dây trong một khe băng chờ được cứu. Tiếng thét của mình lúc ấy có lẽ âm lượng vang xa khủng khiếp”.

Đối với các nhà thám hiểm lên đỉnh Everest, họ mang theo phương châm “không phải đi để chết, mà để thấy sự sống”. Himalaya không chỉ thuộc về Nepal và các quốc gia xung quanh, mà gắn với số phận nhân loại. Các nhà khoa học cảnh báo, do nhiệt độ toàn cầu tăng, dẫn đến hơn 400 hồ trên núi bắt đầu tràn nước do băng tan. Những túi nước khổng lồ cuối cùng trên trái đất nếu đổ xuống sẽ đe dọa trực tiếp vùng hạ lưu Nepal và Tây Tạng, sau đó làm dâng nước biển.

Sáng ngày 12-5, tại một bình nguyên nằm sát sông băng Khumbu diễn ra lễ Puja để cầu chúc đoàn thám hiểm gặp may mắn. Chị Nguyễn Thị Thanh Nhã đã căng lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam tung bay giữa nhiều lá cờ của các quốc gia khác và những nhà thám hiểm chia sẻ với nhau thông điệp về bảo vệ môi trường.

Lê Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/chuyen-ve-co-gai-viet-nam-dau-tien-chinh-phuc-noc-nha-the-gioi-post451258.html