Chuyện về Đền tưởng niệm Liệt sĩ Trường Sơn - Bến Tắt

Đền tưởng niệm Liệt sĩ Trường Sơn - Bến Tắt là nơi thờ anh linh hơn 13 nghìn anh hùng liệt sĩ hy sinh trên dãy Trường Sơn, hiện chưa tìm ra hài cốt. Nơi đây luôn được cán bộ Trung tâm Quản lý Di tích và Bảo tàng tỉnh Quảng Trị chăm sóc chu đáo để những bát hương luôn ấm áp với thời gian.

Đoàn du khách viếng Đền tưởng niệm Liệt sĩ Trường Sơn - Bến Tắt những ngày tháng 7/2024 - Ảnh: TÚ LINH

Đoàn du khách viếng Đền tưởng niệm Liệt sĩ Trường Sơn - Bến Tắt những ngày tháng 7/2024 - Ảnh: TÚ LINH

“...đất mẹ thay lăng tẩm chở che”

Tháng 7 - tháng tri ân các anh hùng liệt sĩ, từng đoàn người khắp nơi trong cả nước cùng nhau về khu tâm linh Trường Sơn gồm Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn và Đền tưởng niệm Liệt sĩ Trường Sơn - Bến Tắt tại khu vực Bến Tắt ở thượng nguồn phía Nam sông Bến Hải, thuộc xã Linh Trường, huyện Gio Linh, để dâng hoa, dâng hương.

Đây là nơi gắn kết khăng khít với lịch sử bộ đội Trường Sơn. Trong thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Binh đoàn 559 - bộ đội Trường Sơn chịu rất nhiều hy sinh, mất mát. Hơn 23 nghìn chiến sĩ của binh đoàn hy sinh, máu của họ đã nhuốm đỏ thêm màu cờ Tổ quốc, tô thắm thêm truyền thống đấu tranh anh dũng của dân tộc Việt Nam, trong đó có hơn 10 nghìn liệt sĩ đang yên nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn.

Mặc dù Đảng, Nhà nước có nhiều nỗ lực trong công tác quy tập, tìm kiếm nhưng đến nay vẫn còn hơn 13 nghìn liệt sĩ chưa tìm thấy hài cốt, nằm lại giữa núi rừng Trường Sơn hùng vĩ. Vì vậy, hương hồn của các liệt sĩ được thờ tại Đền tưởng niệm Liệt sĩ Trường Sơn - Bến Tắt, nằm cách Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn 50 m, về phía Tây, sát bên hàng nghìn đồng đội yêu thương. Mười hai năm trước, đền tưởng niệm này được “Quỹ Nghĩa tình Trường Sơn” của Báo Sài Gòn Giải Phóng vận động và Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam tài trợ xây dựng.

Đền tưởng niệm nằm trong khuôn viên có diện tích hơn 3.080 m2 , được xây dựng theo phong cách kiến trúc truyền thống 3 gian. Chính giữa là điện thờ, 2 bên có 2 câu đối của nhà văn Xuân Đức khái quát câu chuyện bi thương của liệt sĩ đã gửi lại hài cốt giữa núi rừng Trường Sơn: “Cốt nhục gửi Trường Sơn non cao thế mộ phần lưu giữ/Hồn thiêng về Quảng Trị đất mẹ thay lăng tẩm chở che”. Đền tưởng niệm này được xem thay mộ phần cho các liệt sĩ. Trong khuôn viên khu đền còn có nhà vọng, nhà bia tưởng niệm và lớp lớp cây xanh tỏa bóng mát.

Anh Đào Thanh Dũng và Nguyễn Anh Tuấn (bên phải) thuyết minh cho vợ chồng anh Phạm Trung Kiên (TP. Hồ Chí Minh) tại Nhà bia tưởng niệm - Ảnh: TÚ LINH

Anh Đào Thanh Dũng và Nguyễn Anh Tuấn (bên phải) thuyết minh cho vợ chồng anh Phạm Trung Kiên (TP. Hồ Chí Minh) tại Nhà bia tưởng niệm - Ảnh: TÚ LINH

Khi bước chân đến nhà bia tưởng niệm, thân nhân liệt sĩ và du khách được nghe tiếng kinh cầu nguyện ấm áp phát ra. Lời kinh nguyện cầu cho các liệt sĩ sớm siêu thoát, nhắc nhở sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ luôn là biểu tượng cao quý trong tâm thức của người dân đất Việt. Trên nhà bia tưởng niệm còn khắc ghi câu chuyện hơn 6.000 ngày đêm chiến đấu, xây dựng (1959-1975) của hơn 10 vạn chiến sĩ Binh đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn, cùng 2 vạn thanh niên xung phong đã tạo nên một sức mạnh Phù Đổng, một Trường Sơn huyền thoại. Nhưng câu chuyện khiến chúng ta day dứt khi đến nay vẫn còn hơn 13 nghìn hài cốt liệt sĩ chưa được tìm thấy, đang nằm lại giữa núi rừng Trường Sơn, máu xương của các anh chị đã hòa vào sông, núi.

Sau khi đền tưởng niệm đưa vào sử dụng 1 thời gian, hai cán bộ của Trung tâm Quản lý Di tích và Bảo tàng tỉnh Quảng Trị được phân công quản lý, chăm sóc nơi thờ các liệt sĩ. Đó là anh Đào Thanh Dũng và Nguyễn Anh Tuấn. Hai người ngày đêm hương khói, thờ tự anh linh các liệt sĩ. Đền tưởng niệm Liệt sĩ Trường Sơn - Bến Tắt thuộc di tích thành phần cầu treo Bến Tắt của hệ thống Di tích quốc gia đặc biệt đường Hồ Chí Minh nên việc quản lý đền do cán bộ của Trung tâm Quản lý Di tích và Bảo tàng, thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị thực hiện.

Mỗi ngày, công việc của hai cán bộ này bắt đầu vào lúc 5 giờ sáng. Gần 2 tiếng dọn dẹp, vệ sinh, cả khu đền sạch sẽ, gọn gàng. Sau đó hai anh lên hương, đèn, hoa quả, thỉnh chuông cúng buổi sáng cho các liệt sĩ. Khi vừa hoàn thành công việc buổi sáng cũng là thời điểm du khách đến dâng hương. Những người quản lý đón tiếp, giới thiệu, thuyết minh về khu đền cũng như lịch sử bộ đội Trường Sơn để du khách hiểu thêm về sự hy sinh cao cả của các anh hùng liệt sĩ cũng như có nhiều liệt sĩ Trường Sơn hiện chưa tìm ra hài cốt.

Mỗi ngày thắp “13 nghìn nén hương”

Vào một chiều giữa tháng 7/2024, vợ chồng du khách Phạm Trung Kiên và Nguyễn Thị Hà đến từ TP. Hồ Chí Minh đã đến thăm đền tưởng niệm này. Họ rất xúc động khi nghe cán bộ giữ đền thuyết minh. Chị Hà chia sẻ: “Đứng trước đền thờ, nghe câu chuyện về liệt sĩ Trường Sơn, tôi chỉ biết khóc. Đây là lần đầu tiên tôi được biết còn rất nhiều hài cốt liệt sĩ vẫn nằm lại giữa núi rừng. Tôi mong rằng tất cả chúng ta khi dến dâng hương ở Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn sẽ không quên đến dâng hương tại đền tưởng niệm này. Những người nằm lại nơi núi rừng không tiếc tuổi xuân, hy sinh cho Tổ quốc được độc lập, hòa bình như hôm nay, chúng ta phải biết ơn họ”.

Đền tưởng niệm Liệt sĩ Trường Sơn - Bến Tắt - Ảnh: TÚ LINH

Đền tưởng niệm Liệt sĩ Trường Sơn - Bến Tắt - Ảnh: TÚ LINH

Anh Đào Thanh Dũng chia sẻ, không phải du khách nào cũng biết đến Đền tưởng niệm Liệt sĩ Trường Sơn - Bến Tắt. Thi thoảng mới có du khách lẻ, hoặc đoàn du khách tìm hiểu về lịch sử Binh đoàn 559, bộ đội Trường Sơn mới ghé đến thắp hương. Cũng chính vì rất ít khách và các đoàn đến viếng nên hằng ngày, chuyện hương khói được 2 cán bộ này rất chú trọng. Hai anh nghĩ rằng mình đang cầm trên tay “hơn 13 nghìn nén nhang” để thắp cho hơn 13 nghìn liệt sĩ. Đây vừa là đạo lý của dân tộc, vừa là trách nhiệm lớn lao của các cán bộ Trung tâm Quản lý Di tích và Bảo tàng tỉnh. Hơn mười năm nay, ngày nào anh Dũng cùng đồng nghiệp cũng lặp đi lặp lại việc dâng hương ít nhất 3 lần trong ngày để 3 bát hương ở khu đền tưởng niệm luôn ấm áp khói nhang. Anh Tuấn chia sẻ: “Những nén nhang như có hồn, thắp cho các liệt sĩ xong, chúng tôi cảm thấy thanh thản trong lòng”.

Hằng ngày, hai anh phân công công việc quản lý đền rất phù hợp. Ban ngày hai người cùng nhau trực, ban đêm một trong hai người được về nhà. Từ đền về đến gia đình riêng của các anh gần 100 km cả đi lẫn về. Xa xôi thế nên nhiều ngày hai người đều ở lại đền thờ. Những ngày thời tiết khô nắng còn đỡ hiu quạnh, những tháng trời mưa lũ, nước sông Bến Hải ở thượng nguồn dâng cao cuồn cuộn, nhiều hôm tràn vào sân đền, khiến không gian rất vắng lặng. Gian lao, vất vả, nhưng vì lương tâm và trách nhiệm nên các anh không bao giờ thoái thác công việc, luôn lo lắng chu tất mọi thứ.

Gửi các con nhỏ ở quê nhà nhờ vợ và ông bà nội, ngoại chăm sóc, anh Dũng cùng đồng nghiệp ngày đêm chăm sóc nơi thờ chung của các liệt sĩ. Nhiều hôm ở nhà vợ bận việc, các anh phải hỗ trợ con học bài qua điện thoại. Bài giải cùng con qua điện thoại có thể không đầy đủ như các thầy cô giáo, nhưng con của các anh luôn thấu hiếu và chia sẻ với ba. Ai cũng biết ba mình đang làm công việc hết sức ý nghĩa.

Lâu nay, những người trông coi đền tưởng niệm này luôn day dứt, trăn trở vì rất ít người biết sự có mặt của ngôi đền để đến dâng hương, mà chỉ tập trung ở Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. Tuy nhiên, mới đây Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị có ý kiến đồng ý bàn giao Đền tưởng niệm Liệt sĩ Trường Sơn - Bến Tắt từ sự quản lý của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch sang Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, để đưa đền tưởng niệm vào chương trình hành lễ của các đoàn và du khách khi đến dâng hương tri ân các anh hùng liệt sĩ Trường Sơn.

Biết được tin này, anh Dũng, anh Tuấn và nhiều người khác mong muốn chủ trương này sớm được hiện thực hóa để việc tri ân các anh hùng liệt sĩ được trọn vẹn hơn.

Tú Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/chuyen-ve-den-tuong-niem-liet-si-truong-son-ben-tat-187188.htm