Chuyện về đường dây 500kV huyền thoại (Kỳ 2)
Khó khăn lớn nhất là làm sao có thể hoàn thành thi công với thời hạn 2 năm, trong điều kiện địa hình phức tạp, công nghệ, cơ giới hóa của chúng ta còn yếu kém? 'Điều kiện về thời gian' là nỗi trăn trở lớn của những người đứng đầu Đảng, Nhà nước, trực tiếp là những người chịu trách nhiệm chính thi công đường dây.
Kỳ II: Ký ức vượt thời gian
Để xây dựng đường dây truyền tải điện 500kV, một loạt giải pháp được đặt ra một cách chi tiết và cụ thể, trong đó việc lập tiến độ triển khai xây dựng, bố trí lực lượng từ khảo sát thiết kế, từ thi công, giám sát, thu xếp vốn, ký kết hợp đồng, mua sắm vật tư thiết bị được bố trí chặt chẽ, logic với yêu cầu hết sức khẩn trương.
Tuy nhiên, công trình có những hạng mục nếu chờ, tính toán cho xong toàn bộ rồi mới làm thì chậm tiến độ. Cho nên, phương án vừa thiết kế, vừa thi công được đặt ra. Gọi là vừa thiết kế, vừa thi công nhưng vẫn phải bảo đảm nguyên tắc hạng mục nào cần thì thi công trước, thiết kế thi công nhưng không được để ảnh hưởng đến các giai đoạn sau. Trọng trách ấy được giao cho Công ty Khảo sát thiết kế Điện 1 (nay là Công ty CP Tư vấn xây dựng Điện 1) chủ trì thiết kế phần sơ đồ điện cho công trình trên cơ sở phối hợp với Công ty Khảo sát thiết kế Điện 2 (nay là Công ty CP Tư vấn xây dựng Điện 2), Phân viện Thiết kế điện Nha Trang (nay là Công ty CP Tư vấn xây dựng Điện 4).
Quy trình thiết kế bao gồm 3 giai đoạn: Khảo sát lập báo cáo nghiên cứu khả thi; khảo sát kỹ thuật và lập thiết kế kỹ thuật; khảo sát từng vị trí và lập bản vẽ thi công.
Khối lượng khảo sát của công trình rất lớn với khoảng 2.000km khảo sát, đo vẽ địa hình lập mặt cắt dọc, 500km lập mặt cắt dọc pha, 200ha phục vụ đo bình đồ tỷ lệ 1/200 tại các góc lái; thí nghiệm khoảng 15.000 mẫu đất đá... trên tổng chiều dài 1.487km đường dây và 5 trạm biến áp.
Thiết kế công trình được phản biện bởi nhiều cơ quan trong nước như Viện Năng lượng, Đại học Bách Khoa Hà Nội và các nhà chuyên môn độc lập trong nước. Mô hình thiết kế cũng được nhiều tổ chức, chuyên gia nước ngoài hỗ trợ như Viện Thiết kế lưới Ucraina, Viện Thiết kế lưới Saint Peterburg (LB Nga), Công ty Nippon Koei (Nhật Bản), Công ty PPI (Australia)...
Đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1 đi vào vận hành đã giải quyết tình trạng thừa điện miền Bắc, thiếu điện ở miền Trung và miền Nam, thúc đẩy phát triển kinh tế ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam. Đường dây hữu hình 500kV kéo dài từ Bắc vào Nam chính là “sợi dây vô hình” nhưng hết sức bền chặt nối liền hai miền Nam - Bắc. Một đất nước thống nhất không chỉ biểu hiện bằng thống nhất ngôn ngữ, lãnh thổ... mà còn là sự thống nhất tiền tệ, thị trường và cùng với đó là một lưới điện thống nhất.
Cùng với việc thiết kế thi công chi tiết phần móng và chế tạo cột, Công ty Khảo sát thiết kế Điện 1 đã phối hợp với Công ty Khảo sát thiết kế Điện 2, Phân viện Thiết kế điện Nha Trang triển khai khảo sát kỹ thuật trên toàn tuyến và lập thiết kế kỹ thuật. Một vấn đề đặt ra trong khảo sát kỹ thuật trên toàn tuyến đó là chọn hướng tuyến như thế nào? Đi theo đồng bằng hay đi theo dọc theo hướng núi. Thực tế, nếu đi theo đồng bằng thì thi công sẽ dễ dàng hơn do địa hình bằng phẳng, kết cấu đất không khó trong đào móng, dựng cột. Tuy nhiên, nếu chọn đi theo hướng tuyến đồng bằng, công tác giải phóng mặt bằng mất nhiều thời gian đối với những cung đoạn đi qua nơi dân cư. Nguồn tài chính cho việc đền bù khá tốn kém.
Đồng thời với việc lập và giải trình thiết kế kỹ thuật, Công ty Khảo sát thiết kế Điện 1 đã lập sáu hồ sơ mời thầu mua sắm vật tư thiết bị. Việc lựa chọn công nghệ và thiết bị ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng truyền tải điện và lần đầu tiên trên quy mô lớn, công nghiệp điện lực Việt Nam tiếp xúc với nhiều thành tựu mới nhất của công nghệ truyền tải điện siêu cao áp trên thế giới. Với nguyên tắc “chất lượng là hàng đầu”, vật tư thiết bị được chọn mua từ những nước có công nghệ cao như: Pháp, Nhật Bản, Thụy Điển, Đức, Anh, Italia, Phần Lan, Hàn Quốc, Nga.
Sau thời gian chuẩn bị, ngày 5-4-1992, tại vị trí móng số 54, 852, 2702 và ngày 21-1-1993 tại Trạm biến áp Phú Lâm, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã phát lệnh khởi công xây dựng công trình.
Với phương châm “vừa thiết kế, vừa thi công”, một cuộc chạy đua với thời gian diễn ra quyết liệt. Công trình được khởi công khi chưa được thiết kế chi tiết, đầy đủ. Đội ngũ cán bộ công nhân viên thực hiện dự án vừa phải nghiên cứu, tìm hiểu thiết kế, vừa thi công. Với tinh thần quyết tâm công trình phải hoàn thành trong 2 năm, trên khắp tuyến đường dây từ Hòa Bình dọc theo miền Trung vào miền Nam, đâu đâu cũng là công trường. Cán bộ khảo sát, giám sát, thi công được phân thành hàng trăm tổ, rải đều trên toàn tuyến để kịp thời phát hiện và hiệu chỉnh những điểm chưa hợp lý trong thiết kế.
Để đẩy nhanh tiến độ xây lắp, Bộ Năng lượng đã chỉ đạo chia việc thi công đường dây thành 4 cung đoạn. Cung đoạn từ Hòa Bình đến Hà Tĩnh giao cho Công ty Xây lắp Điện 1 thi công; từ Hà Tĩnh đến Kon Tum giao cho Công ty Xây lắp Điện 3 thi công; từ Kon Tum đến Đắk Lắk giao cho Công ty Xây lắp Điện 4 và từ Đắk Lắk đến Phú Lâm do Công ty Xây lắp Điện 2 đảm nhận. Trên từng cung đoạn lại được chia thành nhiều đoạn nhỏ. Đây là một giải pháp khoa học để rút ngắn thời gian xây lắp đường dây - nhiệm vụ nặng nề nhất. Giải pháp này thường được áp dụng trong thi công các công trình lớn, tuy nhiên đối với nước ta, trong điều kiện khó khăn về kinh tế - tài chính thì phương án này không có lợi về kinh tế do chi phí để thực hiện đồng thời nhiều các cung đoạn là khá cao. Hơn nữa, việc huy động một lực lượng lớn nhân công, máy móc, phương tiện cơ giới cùng một thời gian để rải trên toàn bộ công trình không hề dễ dàng.
Trong các khâu thi công là đúc móng, dựng cột, kéo dây thì khâu đúc móng là khó khăn nhất. Để có thể đào móng, dựng cột trên núi, việc đầu tiên là phải chặt cây để làm đường vận chuyển vật tư, thiết bị lên núi. Với điều kiện cơ giới hóa còn hạn chế, việc chặt cây hoàn toàn phải làm bằng rìu, cưa tay... Rừng già chủ yếu là cây cổ thụ đường kính tới 1,5m, hạ được cây để mở đường là chuyện không đơn giản. Khi đó Ban Chỉ huy công trình phải huy động lực lượng dân quân, lao động địa phương, quân đội từ Quân khu 4, Quân khu 5, Binh đoàn 15 tham gia chặt cây, làm đường, sau đó làm các đường đồng mức để cho các phương tiện máy móc vận chuyển vật liệu lên các vị trí thi công.
Trong quá trình thi công có nhiều vị trí đúc móng trên đỉnh đèo Hải Vân, đồi núi Đại Lộc, Khâm Đức, đèo Lò Xo... máy móc không thể lên được, phải huy động nhân dân các địa phương, bà con các dân tộc gùi từng bao xi măng, từng bao cát, thùng nước lên đỉnh núi cheo leo để phục vụ việc đúc móng. Mỗi người chỉ gùi được 15kg cho mỗi chuyến. Thế nhưng góp gió thành bão, từng móng cột đã được dựng lên trên suốt chiều dài đất nước.
Công đoạn dựng cột cũng không kém phần căng thẳng. Nhiều nước trên thế giới khi đó đã sử dụng cột đúc sẵn, sau đó dùng máy bay để lắp ghép, kỹ sư, công nhân chỉ bắt đai ốc và bulông. Ở Việt Nam không sử dụng được công nghệ này mà phải sử dụng kỹ thuật lắp “trụ leo”. Đây là phương pháp dùng trong những khu vực địa hình đồi núi hiểm trở. Nghĩa là dùng dây tời bằng thép chắc chắn để lắp ráp từng đoạn cột. Để có thể hoàn thành tiến độ dựng cột, Ban Chỉ huy các cung đoạn đã khoán cho các tổ, theo yêu cầu 2 ngày phải dựng xong một cột, có như vậy mới bảo đảm được tiến độ. Do có nhiều thợ và nhiều lao động nên chúng ta dựng được đồng thời nhiều cột. Phương pháp dựng cột độc đáo này cùng với hình ảnh công nhân kỹ thuật leo lắp ráp cột đã khiến đoàn khảo sát của nước ngoài phải “ngả mũ thán phục”. Với phương pháp lắp trụ leo và khoán cột theo ngày, đến tháng 3/1993, việc dựng cột trên toàn tuyến đã hoàn thành.
Trong tâm trí của ông Đậu Đức Khởi - Phó giám đốc Công ty Xây lắp Điện 1, sông Vu Gia chẳng khác nào con thủy quái luôn nổi giận. Có những lần, mưa to, lũ tràn về, nước suối dâng cao, để bảo đảm tiến độ thi công, không thể chờ mưa tạnh, lũ dừng, anh em phải đóng cọc tiêu hai bên để vác cát, xi măng, đốt lửa dưới chân cột để làm. Có lẽ ai đã tham gia xây dựng đường dây trên cung đoạn từ đèo Lò Xo sẽ thấu hiểu và không bao giờ quên những cơn mưa rừng. Mưa xối xả từ Đắk Glêi, mưa trèo ngược Lò Xo, tuôn về Khâm Đức. Nước chảy xiết như tên lao, sông Vu Gia cuồn cuộn ào ào, ngầm Xơi chìm trong nước xiết... Lán vừa dựng bị xé tan trong nuối tiếc, người ở đường dây, chân đạp đất đầu đội mưa…
Sau 782 ngày đêm lao động không mệt mỏi, lực lượng thi công đã dựng xong 1.487km đường dây phần lớn đều xuyên qua rừng núi hiểm trở; vừa phải tự mở đường để vận chuyển vật liệu, vừa phải huy động tận dụng tổng lực xi măng, sắt thép để đổ gần 250.000m3 bê tông và lắp đặt 26.000 tấn thiết bị. Tổng nhân lực huy động trên toàn công trường gần 8.000 người, cùng các lực lượng quân đội hỗ trợ bao gồm Binh đoàn 12, Binh đoàn 15, Quân khu 4, Quân khu 5, Quân đoàn 1, Quân đoàn 3... với gần 4.000 cán bộ, chiến sĩ. Thêm vào đó là các đơn vị xây lắp của các tỉnh, thành phố huy động gần 7.000 công nhân kỹ thuật...
Ông Trần Viết Ngãi - nguyên Giám đốc Công ty Xây lắp Điện 3 - nhớ lại: “Ngày ấy dân xây lắp chúng tôi cứ nghĩ đơn giản nhận làm cung đoạn khó khăn thì mới có nhiều tiền, vậy nên cứ mạnh dạn nhận thôi. Nhận rồi mới thấy “kinh hoàng” vì nhiều đoạn “mửa mật”. Nhưng chúng tôi cứ nhớ đến lời của Thủ tướng Võ Văn Kiệt để thêm quyết tâm: Cung đoạn ông Ngãi xong thì toàn tuyến coi như xong. Để có thể vượt qua những khó khăn ấy, chúng tôi vận dụng những kinh nghiệm đã từng thi công đường dây 220kV Vinh - Đồng Hới. Tôi đã đề xuất giao toàn quyền cho thủ lĩnh các công ty, tổng giám đốc quyền thuê người, tuyển mộ thêm lực lượng bên ngoài để đẩy nhanh tiến độ tất cả các khâu: đào đất, chặt cây, làm đường, đào móng... Thực hiện phương thức khoán công việc theo thời gian, hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng thì có tiền. Chỉ yêu cầu các ông chỉ huy không được để xảy ra trộm cắp... Khó khăn thì không thể nào kể hết. Đối với cung đoạn qua đèo Hải Vân, đèo Lò Xo chúng tôi phải cho đào hầm, rồi cho công nhân xuống đào móng, dựng cột góc, dùng máy tời đưa thức ăn, vật tư xuống... Nhiều công nhân không chịu được bị ngất, còn có rất nhiều người hy sinh vì bị sập hầm hàm ếch... Khó khăn đến mức khủng khiếp...”.
Trong 2 năm, cả ngày lẫn đêm, ngày nghỉ, ngày lễ, mưa rét, bão lụt, tất cả lực lượng kỹ sư, công nhân kỹ thuật đều tập trung công sức đẩy nhanh tiến độ thi công đường dây để bảo đảm đúng yêu cầu đặt ra. Trong 2 năm đó, tất cả lực lượng thi công đều sống trong các lán trại tạm bợ hoặc ở nhờ nhà dân, không kể muỗi đốt, rắn cắn, sốt rét và kể cả hy sinh tính mạng. Lực lượng hậu cần vận chuyển lương thực, thực phẩm cho hàng vạn người lao động trên các vùng đồi núi vô cùng khó khăn, gian khổ. Tuy nhiên, những động viên kịp thời bằng vật chất và tinh thần của Chính phủ, các bộ, ngành, sự quyết tâm của cán bộ, công nhân trên đại công trường, cuối cùng công trình đường dây 500kV mạch 1 Bắc - Nam đã hoàn thành đúng kế hoạch.
Đằng sau những vất vả, khó khăn của đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân trực tiếp thi công còn có sự đồng hành, ủng hộ của nhân dân ở các địa phương có đường dây đi qua. Nhiều gia đình tự nguyện hiến đất, di chuyển nhà ở phục vụ công tác giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, lãnh đạo chính quyền các tỉnh, thành phố trên toàn tuyến cũng rất quan tâm đến tiến độ thi công đường dây, chỉ đạo sát sao mọi công việc phát sinh liên quan. Ví như đoạn gần Phú Lâm - thành phố Hồ Chí Minh, lực lượng thi công gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng, đích thân Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh Trương Tấn Sang trực tiếp chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị cơ sở khẩn trương phối hợp, giải quyết dứt điểm các vấn đề tồn đọng, mặt bằng thi công, nhờ đó được giải phóng một cách nhanh chóng.
Một câu chuyện hết sức cảm động khác: Khi thi công đường dây vượt sông Gianh, Bộ Năng lượng đưa ra phương án kéo dây, nhưng nguyên tắc là dây dẫn không được tiếp nước. Lực lượng thi công đã đưa ra phương án kết nối mấy trăm cái phà để kéo dây qua sông. Nhưng lấy phà ở đâu? Được sự ủng hộ của bà con nhân dân xứ đạo Vân Phú, hơn 200 chiếc thuyền đã được huy động để kéo dây cáp vượt sông Gianh. Đó chính là sức mạnh tổng hợp của lòng dân: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
Và như một sự ngẫu nhiên, vượt qua bao khó khăn thử thách, vào đúng dịp cả dân tộc Việt Nam kỷ niệm 40 năm Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (1954-1994), đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 1 được hoàn thành, mở ra bước ngoặt quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
(Xem tiếp kỳ sau)
Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/chuyen-ve-duong-day-500kv-huyen-thoai-ky-2-504659.html