Chuyện về hai bài quốc ca của nước Nga
Theo Sắc lệnh của Tổng thống Nga V.Putin ký ngày 30.12.2000, bài Quốc ca mới của Liên bang Nga đã ra đời và lần đầu tiên vang lên hùng tráng sau bài phát biểu đầu năm mới của vị nguyên thủ quốc gia vào giây phút giao thừa của Thiên niên kỷ.
Bài ca trong lửa đạn
Cho tới trước ngày 1.1.1944, Quốc ca Liên Xô là bài “Quốc tế ca” (L’Internationale) do nhạc sĩ cách mạng người Pháp gốc Bỉ P.Degeyter (1848-1932) viết năm 1888 phổ lời bài thơ của nhà thơ - nhà cách mạng tham gia Công xã Paris E.Pottier (1816-1887) sáng tác tháng 6.1871.
Năm 1902, nhà thơ A.Kôxê đã dịch lời bài hát này ra tiếng Nga, rồi bổ sung, trau chuốt cho hợp với văn phong Nga. Từ năm 1918 đến hết năm 1943, L’Internationale là Quốc ca của Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết.
Vào giữa năm 1943, cuộc Chiến tranh ái quốc vĩ đại của nhân dân Liên Xô chống phát xít Đức xâm lược đã bước sang giai đoạn mới, có tính quyết định. Ban lãnh đạo Đảng và Nhà nước Xô viết thấy cần có bài quốc ca mới mang đậm khí thế hào hùng của toàn thể các dân tộc trong liên bang để động viên quân và dân mau chóng đánh bại quân thù, giải phóng đất nước mình và nhân loại khỏi ách thống trị của quân phát xít. Một cuộc thi sáng tác Quốc ca đã được Chính phủ Liên Xô phát động. Hơn 160 nhạc sĩ và 40 nhà thơ đã hào hứng tham gia; đã có 178 bài sáng tác được đệ trình lên ban lãnh đạo.
Bộ Chính trị và lãnh tụ Xtalin đặc biệt chú ý và đã xem xét, thảo luận rất kỹ. Kết quả, Ban lãnh đạo nhất trí quyết định chọn nhạc của Alêxanđrốp và lời là bài thơ của hai nhà thơ X.V.Mikhancốp và G.G.Ele-Reghixtan. Lời thơ rất hào hùng, biểu thị được ý chí quyết tâm của toàn dân Liên Xô xây dựng một quốc gia hùng cường và phồn vinh; giai điệu rất hùng tráng, đậm đà bản sắc dân tộc đang đi lên xây cuộc đời mới.
Từ đêm 31.12.1943 đến rạng sáng 1.1.1944, Quốc ca mới của Liên bang Xô viết đã được phát đi từ Đài phát thanh Moskva. Bài hát được truyền tới tận các trường học, nhà máy, công trường, tới tận các mặt trận đang mịt mù lửa đạn, tới các đội quân du kích, vào tận các hậu cứ của quân thù trên lãnh thổ Liên Xô. Bắt đầu từ ngày 15.3.1944, bài Quốc ca mới chính thức được dùng trên toàn lãnh thổ Xôviết, quốc gia đang dốc sức chống phát xít Đức xâm lược.
Và bài ca của lòng dân
Sau ngày Liên Xô tan rã (1991), Tổng thống đầu tiên của nước Nga lúc đó là B.Enxin đã ký lệnh xóa bỏ cả Quốc kỳ, Quốc huy và Quốc ca Liên Xô và lấy một đoạn nhạc không lời là “Bài ca yêu nước” của nhạc sĩ, ông tổ nhạc cổ điển Nga nổi tiếng M.Glinca (1804-1857) làm Quốc ca nước Nga mới. Thực ra đó chưa phải là Quốc ca vì không có lời. Rất nhiều cựu chiến binh, các bậc có công trong công cuộc dựng nước và giữ nước thời Xô viết, và ngay cả giới nhạc sĩ, trí thức đều không đồng ý.
Thể theo ý nguyện của nhân dân Nga, Tổng thống thứ hai của nước Nga, V.Putin đã ký quyết định bài Quốc ca mới của quốc gia. Bài Quốc ca mới này có phần nhạc là nhạc của Quốc ca Liên Xô cũ, còn phần lời thì cũng do chính Mikhancốp, một trong hai tác giả của lời Quốc ca cũ viết lại cho phù hợp với giai đoạn lịch sử hiện tại. Vậy là, vị nguyên thủ quốc gia Liên bang Nga đã nhận ra và khẳng định một lần nữa những giá trị tinh thần vĩ đại của dân tộc. Giây phút thiêng liêng đầu tiên của thiên niên kỷ mới, Quốc ca mới của Liên bang Nga đã vang lên khi bài phát biểu đầu năm của Tổng thống V.Putin vừa kết thúc.
Ngay sau khi nghe công bố Sắc lệnh của Tổng thống và bài Quốc ca vang lên trong giây phút giao thừa, rất nhiều người trên mọi miền đất nước rộng lớn này đã tới tấp gửi điện, thư lên Quốc hội và Tổng thống Liên bang nhiệt liệt ủng hộ, biểu thị sự hài lòng và niềm phấn chấn của mình.
Một cựu chiến binh già, người đã từng chiến đấu quyết liệt chống quân phát xít Đức những ngày đầu cuộc Chiến tranh vệ quốc ở tỉnh Xmôlen - tiền đồn của Phòng tuyến thủ đô Moskva, đã viết thư lên Tổng thống bày tỏ lòng mình. Trong thư có đoạn:
“... Tôi nay đã tuổi 90, tưởng rằng cho tới khi sang “thế giới bên kia” sẽ không bao giờ còn được nghe bài Quốc ca hùng tráng của Liên bang Xô viết vĩ đại ngày ấy nữa. Thế mà, ơn trời, bài hát chính thức của đất nước hùng cường của chúng ta lại vang lên... Trong tôi lại hiện lên những kỷ niệm khó quên của những năm tháng oanh liệt. Tôi tin là nước Nga chúng ta tiếp tục truyền thống anh dũng hy sinh chịu đựng của mình để vững bước đi tới phồn vinh, hùng cường... Từ đáy lòng tôi chân thành cảm ơn Tổng thống...”.
Cần biết rằng, trong lịch sử âm nhạc Nga, tác giả Alêxanđrốp (tác giả phần nhạc Quốc ca Liên bang Xô viết trước đây và Quốc ca Liên bang Nga sau này) có hai bài hát vĩ đại “Cuộc chiến tranh thần thánh” và “Quốc ca Liên bang Xô viết”. Đó là đỉnh cao nghệ thuật của văn hóa ca hát Xô viết gắn với vận mệnh dân tộc cao cả đặc biệt. Những bài đó không chỉ là niềm vinh dự của nền âm nhạc Nga mà động viên mọi người lập chiến công vì vinh quang của Tổ quốc.
Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/chuyen-ve-hai-bai-quoc-ca-cua-nuoc-nga-218578.html