Chuyện về Mạc Ngọc Liễn

Theo sách 'Đại Việt sử ký toàn thư', Mạc Ngọc Liễn có tên là Nguyễn Ngọc Liễn, là con của Thái sư Tây quốc công Nguyễn Kính - một trong những công thần khai quốc của nhà Mạc. Do cha con Nguyễn Kính có công lớn với nhà Mạc nên anh em Ngọc Liễn tất thảy 3 người đều được ban họ vua. Mạc Ngọc Liễn đồng thời còn là phò mã nhà Mạc, tức chồng của công chúa Mạc Thị Ngọc Lâm.

>> Vua Minh Tông dạy con
>> Quân pháp bất vị thân
>> Góc khuất của hoàng đế
>> “Thiên tử hòa giải”
>> Lời trăng trối

Mạc Ngọc Liễn lớn lên thời kỳ Đại Việt chia cắt Nam - Bắc triều: phía Bắc là nhà Mạc, phía Nam từ Thanh Hóa là nhà Lê trung hưng. Năm 1546, Mạc Hiến Tông mất, con là Phúc Nguyên còn nhỏ lên thay, tức là Mạc Tuyên Tông. Lúc này, Khiêm vương Mạc Kính Điển là người được Hiến Tông chọn làm phụ chính. Khi ấy, trong triều xảy ra biến loạn: Tứ Dương hầu Phạm Tử Nghi muốn lập người em của Mạc Thái Tông là Hoằng vương Mạc Chính Trung (con thứ hai của Mạc Thái Tổ) đã trưởng thành lên ngôi nhưng Mạc Kính Điển không thuận, quyết phò Phúc Nguyên lên ngôi. Vì vậy, Tử Nghi bèn cùng Chính Trung khởi binh nổi loạn. Nguyễn Ngọc Liễn cùng cha đứng về phía Mạc Kính Điển, dốc sức phò tá vua nhỏ Tuyên Tông, trường kỳ đánh bại Tử Nghi năm 1551. Trước đó, năm 1549, do công phò tá Mạc Phúc Nguyên, cha con Nguyễn Ngọc Liễn trở thành công thần hàng đầu ngoài hoàng tộc nhà Mạc, được cải sang họ vua. Đồng thời, Mạc Kính Điển được phong làm Thái úy Tây quốc công, Mạc Ngọc Liễn được phong làm Ngạn quận công.

Minh họa: S.H

Năm 1550, trong khi chưa dẹp xong Mạc Chính Trung thì trong triều lại xảy ra biến loạn khác. Thái tể Lê Bá Ly bất mãn với nhà Mạc, cùng thông gia là Nguyễn Thiến đã mang gia quyến gồm các tướng Nguyễn Quyện, Lê Khắc Thận chạy vào Thanh Hóa hàng để theo nhà Lê. Năm 1552, cậu của Ngọc Liễn là Nguyễn Khải Khang cũng mang quân sang hàng Lê. Trong khi đó, vợ Nguyễn Kính, mẹ Ngọc Liễn, lại là con gái của Nguyễn Thiến và là chị của Nguyễn Khải Khang. Vì vậy, nhà Mạc bị tổn thất nặng về nhân sự, nhân tâm dao động nên đã bị quân Lê - Trịnh thừa cơ hợp binh với chúa Bầu ở Tuyên Quang là Vũ Văn Mật tiến đánh. Ngọc Liễn cùng cha và anh là Hữu Mệnh vẫn tận lực giúp Mạc Kính Điển phò tá Mạc Tuyên Tông, đốc suất quân sĩ chống cự. Quân Lê - Trịnh không đánh nổi phải rút lui. Tháng 8-1557, Lê Bá Ly và Nguyễn Thiến chết. Anh em Nguyễn Quyện và Nguyễn Miễn bỏ trốn về hàng nhà Mạc, nhưng Khải Khang và Lê Khắc Thận không về.

Tháng 9-1558, nhà Mạc sai thổ dân ở Mỹ Lương trá hàng Khải Khang để dụ, rồi lừa bắt Khải Khang mang về. Mạc Tuyên Tông sai dùng hình xé xác Khải Khang. Năm 1549, khi Khải Khang còn ở bên nhà Mạc cũng từng được ban họ Mạc và tước Thái úy Đoan quốc công. Tháng 8-1572, Lê Khắc Thận cũng chạy về phía nhà Mạc. Tháng 5-1594, Kính Cung cử ông làm Thái phó, mang quân về chiếm cứ Yên Tử (Quảng Ninh) rồi đánh phá Vĩnh Lại. Trịnh Tùng sai Nguyễn Hoàng mang quân tới đánh. Quân Mạc thua trận, chạy sang đất Trung Quốc. Kính Cung chạy vào Long Châu, còn Ngọc Liễn chạy về Vạn Ninh.

Tháng 7-1594, Mạc Ngọc Liễn ốm nặng, khi sắp mất, ông để thư lại dặn vua Mạc Kính Cung như sau: “Nay khí vận nhà Mạc đã hết, họ Lê lại trung hưng, đó là số trời. Dân ta là người vô tội mà khiến để phải mắc nạn binh đao, ai nỡ lòng nào! Chúng ta nên lánh ra ở nước khác, nuôi dưỡng uy lực, chịu khuất đợi thời, chờ khi nào mệnh trời trở lại mới làm được, chứ không thể lấy lực chọi với lực. Khi hai con hổ tranh nhau, tất phải có một con bị thương, không có ích gì cho công việc. Nếu thấy quân họ đến đây thì chúng ta nên tránh đi, chớ có đánh nhau với họ, cốt phòng thủ cẩn thận là chính; lại chớ nên mời người Minh vào trong nước ta mà để dân ta phải lầm than đau khổ, đó cũng là tội lớn không gì nặng bằng”.

Ông mất ngày 2-7-1594, và sau khi ông qua đời, con ông là phò mã Đông Sơn hầu chạy sang Long Châu, theo Mạc Kính Cung tiếp tục chống chính quyền Lê - Trịnh. Mạc Kính Cung và các vua Mạc sau tiếp tục làm theo lời dặn của ông, tranh thủ sự ủng hộ của nhà Minh để cát cứ ở đất Cao Bằng nhưng tuyệt nhiên không mượn quân Minh sang đánh nhà hậu Lê.

Lời bàn:

Theo sử cũ còn lưu truyền đến ngày nay thì nhà Mạc tuy trị vì hơn 60 năm ở Thăng Long và tồn tại với 5 đời vua nhưng sau khi mất mấy trăm năm vẫn không rửa nổi mối oan bị xem là triều đại không chính thống. Ở đây xin khoan nói đến chuyện đúng hay sai, mà xét rằng chỉ riêng việc cầu quân ngoại viện thì nhà Lê - người chiến thắng họ Mạc - đã làm vài lần. Còn nhà Nguyễn về sau cũng 2 lần mà vẫn còn được xem là chính thống? Trong khi đó, nhà Mạc tuy rơi vào cùng quẫn nhưng vẫn nhất quyết không hạ mình làm các việc mà người đời vẫn gọi là “cõng rắn cắn gà nhà” hay “rước voi về giày mả tổ”.

Và với Mạc Ngọc Liễn trong giai thoại này, tuy ông không phải là nhân vật quá nổi bật trong lịch sử Việt Nam nhưng giai thoại về ông để lại cho chúng ta rất nhiều suy ngẫm. Bởi thói thường thì khi con người ta lâm vào cảnh sa cơ lỡ vận là lúc hay làm điều hèn hạ và khuất tất không từ mọi thủ đoạn. Nhưng tất cả vua nhà Mạc và Mạc Ngọc Liễn trong lúc mạt vận cho dù vẫn luôn chống nhà Lê nhưng không bao giờ cầu ngoại bang về giúp mình giành ngôi báu. Lời của Mạc Ngọc Liễn để lại không nhiều, nhưng tấm lòng vì dân, vì nước của ông lại sáng rọi khắp sử sách nước nhà.

N.D

>> Danh vọng lừng lẫy
>> Ông vua tàn bạo
>> Chuyện về Lê Uy Mục
>> Lấy đức dẹp loạn
>> Bài thơ dứt tình

Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/chuyen-ve-mac-ngoc-lien-14315