Chuyện về một 'góc Hà Nội' ở Vũng Tàu

Hình ảnh hai ông bà là vợ chồng năm nay đã xấp xỉ 80 tuổi cặm cụi cùng nhau chụp những chùm hoa sữa nở trắng giữa trời xanh trên con đường nhỏ vàng nắng ở thành phố Vũng Tàu đã gây ấn tượng mạnh cho tôi. Và rồi tôi đã đến và được nghe họ kể câu chuyện 'đâu cũng là quê hương' của mình.

Đường hoa sữa ở thành phố Vũng Tàu. Ảnh: ML

Đường hoa sữa ở thành phố Vũng Tàu. Ảnh: ML

Hà Nội trong tâm tưởng

“Sau những cơn mưa lớn, hoa sữa đã rụng hết rồi cháu ạ!” Đó là nội dung tin nhắn tôi nhận được trong sáng Ngày Quốc tế Người cao tuổi (1-10) từ bà Chi, 76 tuổi, người phụ nữ trong câu chuyện tôi đã nói. Còn chồng bà là ông Hải, mới bước sang tuổi 80. Tôi đã có dịp gặp ông bà những ngày trước đó khi hai ông bà đang cặm cụi chụp ảnh những cây hoa sữa..., và rồi được mời về nhà họ chơi và nghe những câu chuyện thú vị.

“Con đường hoa sữa trong Khu đô thị Chí Linh ở thành phố Vũng Tàu có đến gần 100 cây lớn, nhỏ mọc hai bên đoạn đường dài gần 200m. Vào mùa hoa, sức sống như bung nở khiến màu xanh của lá cây như bị che lấp bởi màu vàng sáng của những chùm hoa sữa căng mẩy. Hoa sữa nhiều nhưng không bị nồng như ở Hà Nội. Có lẽ ở Vũng Tàu, không gian thoáng đãng và nhiều nắng gió hơn, nên mùi hoa sữa cũng dịu nhẹ hơn. Con đường đó là “góc Hà Nội” của riêng hai bác”, bà Chi nói và nhìn ông Hải cười.

Hoa sữa nở trắng trời xanh. Ảnh: ML

Hoa sữa nở trắng trời xanh. Ảnh: ML

Bà Chi sinh năm 1948 tại Thái Bình. Năm 18 tuổi, bà nhập ngũ, lên Hà Nội và được đào tạo trở thành thu tín viên của một đơn vị trinh sát kỹ thuật thuộc Bộ Quốc phòng, đóng quân tại Hà Nội. Đất nước thống nhất, bà gắn bó với Thủ đô cho đến khi nghỉ hưu và quyết định chuyển vào Vũng Tàu từ năm 2016. Còn ông Hải - chồng bà, sinh năm 1945, lớn lên tại Bắc Giang. Năm 1961, cậu thiếu niên 16 tuổi lần đầu tiên được đến Hà Nội trong chuyến tham quan do nhà trường tổ chức và có những ấn tượng mạnh mẽ khiến cậu ghi nhớ đến tận bây giờ.

Ông Hải kể: “Chúng tôi xuống ga Hàng Cỏ (ga Hà Nội bây giờ) lúc sáng sớm rồi đi bộ tham quan khu trưng bày thành tựu kinh tế xã hội ở khu đất đối diện Bệnh viện Quân đội 108 (giờ là trụ sở Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng); tham quan Bảo tàng Cách mạng, Bảo tàng Lịch sử. Buổi chiều, chúng tôi được đến thăm và giao lưu với các bạn học sinh trong một ngôi trường to đẹp trên đường Lý Thường Kiệt (nay là Trường THPT Việt Đức), rồi đi thăm Bờ Hồ. Lúc đó tôi không nghĩ sẽ được gắn bó với Hà Nội...”.

Một cây hoa sữa tại “góc Hà Nội ở Vũng Tàu”. Ảnh: ML

Một cây hoa sữa tại “góc Hà Nội ở Vũng Tàu”. Ảnh: ML

Năm 1962, ông Hải thi đỗ vào Khoa Toán, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Trường Đại học Khoa học tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội). Tốt nghiệp đại học, ông nhập ngũ và công tác tại đơn vị trinh sát kỹ thuật, đóng quân tại Hà Nội. Tại đây, ông gặp bà Chi và hai người cảm mến nhau. Nhưng phải đến sau Hiệp định Paris được ký kết đầu năm 1973, hai ông bà mới có thể cưới nhau bởi những quy định bảo mật của quân đội. Hơn 60 năm gắn bó với Thủ đô, cũng như bà Chi, ông coi Hà Nội như quê hương thứ hai của mình.

Những niềm vui trên đất mới

“Khi tuổi già đến, bệnh xoang của tôi như nặng hơn mỗi khi Hà Nội trái gió trở trời, còn bà ấy cũng gặp nhiều khó khăn với một số vấn đề về hô hấp khi trời lạnh. Vì vậy, khi có dịp ghé thăm thành phố biển này trong một chuyến du lịch xuyên Việt năm 2016, chúng tôi đã bàn với con cháu và quyết định chuyển vào đây để sinh sống. Chúng tôi khỏe hơn, con cái vui hơn và vì thế, khoảng cách địa lý cũng không còn là trở ngại lớn như trước đây cả gia đình cùng lo lắng nữa”, ông Hải chia sẻ.

Hai ông bà toại nguyện với nơi ở mới. Ảnh: ML

Hai ông bà toại nguyện với nơi ở mới. Ảnh: ML

Về phần mình, bà Chi cũng rất hài lòng về nơi ở mới này. Mọi thứ với bà dường như không quá xa lạ để hòa nhập. Vũng Tàu không chỉ là điểm du lịch biển nổi tiếng mà còn là một thành phố nhỏ xinh, yên bình, đáng sống. Khác với sự đắt đỏ mỗi dịp lễ, Tết ở các điểm du lịch, chi phí sinh hoạt thường ngày ở các khu dân cư của Vũng Tàu chỉ bằng 1/3 so với Hà Nội hay thành phố Hồ Chí Minh. Tại nhiều khu dân cư, có tới gần 70% là người Bắc chuyển vào sinh sống khi Vũng Tàu trở thành “thủ đô dầu khí” của Việt Nam từ những năm 1980, nên nếp sinh hoạt, thói quen sống... không khác biệt quá lớn cho người mới đến bắt nhịp. “Mọi thứ đều dễ chịu...”, bà Chi nói.

Vài sáng trong tuần, hai ông bà đưa nhau ra bãi biển Thủy Tiên gần nhà đón nắng sớm. Trong lúc ông Hải cùng nhóm bạn hưu trí vùi mình trong lớp cát ẩm sát bờ sóng thì bà Chi thong thả đạp xe phía cao hơn, nơi lớp cát đã được sóng biển lèn chặt. Vào Vũng Tàu, bà Chi có thêm đam mê chụp ảnh bằng điện thoại trong mỗi chuyến đi. Cho đến giờ, bà đã có được “bộ sưu tập” đồ sộ về cảnh sắc quanh năm của thành phố biển này.

Bà Chi bên chiếc xe đạp vốn là bạn đồng hành mỗi sáng tại bãi biển Vũng Tàu. Ảnh: ML

Bà Chi bên chiếc xe đạp vốn là bạn đồng hành mỗi sáng tại bãi biển Vũng Tàu. Ảnh: ML

“Chính quyền cũng rất quan tâm đến những người cao tuổi như chúng tôi. Tết Dương lịch, mỗi ông bà được tỉnh gửi biếu báo Tết, lịch năm mới và phong bì 1 triệu đồng; Tết Âm lịch có quà biếu và phong bì 1,5 triệu đồng cùng thiệp chúc mừng. Những cụ khuất núi được tỉnh bố trí an táng tại Nghĩa trang Long Hương. Người đi sau sẽ có suất đất cạnh vợ hoặc chồng đã đi trước... Chúng tôi rất yên tâm để gắn bó với đất này”, bà Chi kết thúc câu chuyện.

Tôi chào ông bà ra về, không hiểu sao lại rẽ sang con đường hoa sữa ở một góc Khu đô thị Chí Linh trẻ trung và hiện đại. Với tôi, Vũng Tàu đã quá quen, nhưng có lẽ tôi muốn khám phá thêm “mùi Hà Nội” giữa đất trời phố biển này để như ông Hải, bà Chi nói, sẽ thêm hiểu, thêm yêu Việt Nam mình và sẽ thấy đâu cũng là quê hương”.

Chí Linh

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/chuyen-ve-mot-goc-ha-noi-o-vung-tau-679936.html