Chuyện về một nữ chính trị viên phó kiên trung

Bà Bùi Thị Món kể lại những năm tháng không thể nào quên. Ảnh: THU HẰNG

Đó là bà Bùi Thị Món ở phường 5, TP Tuy Hòa. Bà là nữ quân nhân đầu tiên của tỉnh Phú Yên giữ chức vụ này trong Quân giải phóng miền Nam thời kỳ chống Mỹ. Hầu hết thời gian tham gia kháng chiến, bà có mặt ở các cơ sở trong lòng địch để xây dựng đội du kích mật, các phong trào đoàn thể, tuyên truyền tư tưởng chính trị, binh vận…

Ngôi nhà của bà Món nằm sâu trong con hẻm nhỏ ở đường Nguyễn Huệ (phường 5, TP Tuy Hòa). Phải dò hỏi qua nhiều người, tôi mới tìm đến nơi để gặp bà. Khác hẳn với vẻ ngoài hơi nghiêm nghị, sau khi tiếp xúc, bà Món nở nụ cười đôn hậu, hiền từ với đôi mắt sáng đầy thần thái. Khi nghe hỏi về chức danh của mình, bà cười vui vẻ: “Trải qua chiến tranh, chúng tôi đều từ những cô gái non nớt được cách mạng và Đảng giáo dục nên dần dần cứng rắn, trưởng thành. Cho tới bây giờ, tôi cũng chưa khi nào nghĩ mình từng có chức vụ này hoặc giữ danh phận kia, mà tất cả đều toàn tâm toàn ý phục vụ cho kháng chiến, cho sự nghiệp giải phóng dân tộc thống nhất đất nước đi đến thắng lợi hoàn toàn”.

Tuổi nhỏ, chí lớn

Với những thành tích trong những năm tham gia kháng chiến, bà Bùi Thị Món được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng ba và nhiều huy chương, bằng khen, giấy khen.

Sinh ra và lớn lên ở thôn Cẩm Thạch (xã Hòa Định Tây, huyện Phú Hòa), năm 1964, khi mới vừa tròn 14 tuổi, cô thiếu nữ Bùi Thị Món đã tham gia hoạt động với nhiệm vụ liên lạc và cung cấp tình hình của địch cho cơ sở cách mạng ở địa phương.

Nói về thời kỳ này, bà Món cho biết những năm 1964-1968 là giai đoạn vô cùng khó khăn, ác liệt của cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược. Khi ấy, địch tăng cường và thường xuyên đi càn quét, đàn áp và dồn dân vào ấp chiến lược đã lập. Lúc bấy giờ, khu vực Hòa Định Tây thuộc vùng giải phóng, nên quân dân ta quyết tâm bám trụ không cho địch xâm nhập. Hàng ngày, bà Món len lỏi khắp nơi để nắm tình hình của địch và chuyển thư từ đến thôn, xã rồi qua hình thức đi chăn bò, hái củi ven bìa rừng để cung cấp tin tức cho cơ sở cách mạng.

Năm 1965, bà Món tham gia Đội du kích mật của xã Hòa Định Tây có khoảng 13 người do đồng chí Phạm Đình Xây làm Bí thư và đồng chí Mai - Phó Bí thư, Chính trị viên Xã đội Hòa Định Tây phụ trách. Đã hơn 50 năm trôi qua, nhưng bà Món vẫn còn nhớ như in trận đánh địch tại cầu Máng năm nào: “Năm 1965, địch cho lính từ Hòa Định Đông càn lên Hòa Định Tây. Đội du kích chúng tôi nhận lệnh cấp trên phân bố đội hình phục kích tại khu vực cầu Máng. Khi địch đưa quân đến đoạn này, quân ta nổ súng đồng loạt vào đội hình địch khiến chúng hoảng loạn và hoang mang, không dám lấn tới nữa”.

Từ cô thiếu nữ ngây thơ, vô tư ngày nào, do sớm chứng kiến cảnh chiến tranh tàn khốc, từng trải qua những mất mát thương đau nên Bùi Thị Món hun đúc lòng căm thù giặc và tình yêu quê hương mãnh liệt, hình thành phẩm chất đạo đức trong sáng, biết hy sinh, cống hiến cho sự nghiệp cao cả. Tháng 6/1966, Bùi Thị Món được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Bà Bùi Thị Món, tháng 6/1975, tại thôn Phong Niên, xã Hòa Thắng. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Bà Bùi Thị Món, tháng 6/1975, tại thôn Phong Niên, xã Hòa Thắng. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Những năm tháng hào hùng không thể nào quên

Sau khi trở thành đảng viên, bà Món được cấp trên điều động về công tác tại Huyện đội Tuy Hòa 2. Với tố chất lanh lẹ, gan dạ, dũng cảm, kiên cường của tuổi trẻ, năm 1968, bà xung phong về nhận nhiệm vụ tại Ban An ninh huyện Tuy Hòa 2 do đồng chí Lê Văn Liễm phụ trách. Trong thời gian này, bà cùng các đồng đội tổ chức nhiều trận đánh, phát hiện và xử lý nhiều tên ác ôn, chỉ điểm. Đồng thời, bà tiếp tục gây dựng phong trào, cơ sở trong lòng địch.

Trong Chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968, theo sự phân công chỉ huy của đơn vị, bà Món tham gia cùng với các mũi tấn công diệt ác trong lòng địch tại Đông Phước, Ngọc Lãng. Khi lực lượng cánh mũi Hòa Định Tây hành quân vừa xuống Đông Phước thì bị lộ nên phải rút quân về bám trụ ở xã Hòa Thắng một ngày một đêm, sau đó mới về lại căn cứ an toàn. “Trong trận này, quân ta hy sinh không ít và quân địch thiệt hại cũng nhiều. Lúc đó tình hình rất khó khăn bởi quân ta mất yếu tố bất ngờ. Chúng tôi đứng trước lằn ranh mong manh của sự sống và cái chết nhưng không ai bỏ hàng ngũ. Lúc tham gia chống càn cùng các đồng đội, chỉ có mình tôi là con gái, đến khi địch bắn trả, tôi vừa xắn quần vừa mang súng rút lui. Các đồng đội nam thấy thương quá nên dìu tôi cùng đi”, bà Món nhớ lại.

Cuối năm 1968, bà Món nhận nhiệm vụ Xã đội phó Hòa Định Đông rồi được cử đi học lớp Huyện đội phó ở Quân khu 5. Sau 6 tháng, bà tốt nghiệp rồi trở về làm Trợ lý dân quân Tỉnh đội Phú Yên.

Cuối năm 1969 đầu năm 1970, bà Món được cấp trên điều về công tác tại Huyện đội Tuy Hòa 2 và giữ chức Chính trị viên phó. Trong thời gian này, bà Món được phân công phụ trách phong trào phụ nữ ở Huyện đội và phối hợp với các đơn vị để xây dựng đội du kích xã, đội du kích mật, tổ chức tuyên truyền tư tưởng chính trị, binh vận trong lòng địch và vùng giải phóng. “Mỗi lần đi xuống cơ sở làm nhiệm vụ phải mất nửa tháng trời, vì phải vừa xây dựng phong trào vừa nắm tình hình của địch. Ban ngày, tôi nằm hầm bí mật, ban đêm tập hợp anh em, đồng chí để tuyên truyền đường lối, tư tưởng cách mạng, vận động quần chúng nhân dân nổi dậy đấu tranh diệt ác, phá kìm”, bà Món kể.

Có lần bà Món cùng đồng đội về xã Hòa Định Đông để tổ chức xây dựng binh vận thì bị pháo của địch bắn và một đồng chí hy sinh. Bà và một đồng chí nữa bị thương được đưa vào bệnh xá điều trị một thời gian rồi lại tiếp tục bám địa bàn làm công tác tuyên truyền, vận động, xây dựng phong trào. Nhờ vậy, nhiều anh chị em ở cơ sở đều được huấn luyện cả về chính trị, quân sự, tích cực tham gia tuyên truyền vận động quần chúng, xây dựng thực lực, không nao núng trước khó khăn, gian khổ và luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Trải qua những năm tháng chống Mỹ và bè lũ tay sai đầy hy sinh gian khổ nhưng bà Món luôn kiên định lập trường, quyết tâm bám trụ quê nhà hoạt động cho đến ngày giải phóng đất nước, 30/4/1975.

Sau ngày đất nước hát khúc ca khải hoàn, bà Món được cử đi học bổ túc văn hóa và được phong quân hàm trung úy. Đến năm 1982, bà Món chuyển ngành về làm Trưởng Ban quản lý chợ TX Tuy Hòa, sau đó làm Trưởng Phòng Thương nghiệp đến năm 2000 thì nghỉ hưu.

Hiện nay, bà Bùi Thị Món sống cùng người con gái lớn và các cháu ngoại trong căn nhà ấm áp, luôn tràn ngập tình yêu thương. “Tôi thấy những đóng góp của mình thật nhỏ bé trước sự hy sinh, mất mát to lớn của đồng chí, đồng đội. Chiến tranh đi qua đã lâu nhưng vẫn còn nhiều, nhiều lắm những cán bộ, chiến sĩ đã ngã xuống mà chúng ta không thể đưa được hài cốt của họ trở về. Họ vẫn còn nằm đâu đó trên những cánh rừng, dưới lòng sông, bờ suối trong những trận đánh khốc liệt các năm 1965, 1968, 1972… Thời bình, những người may mắn còn sống sót như tôi, tuy cuộc sống riêng của mỗi người có khác nhau nhưng tình cảm với đồng chí, đồng đội không bao giờ thay đổi. Những lúc gặp được nhau, chúng tôi vẫn ôm nhau gọi mày xưng tao như hồi còn trẻ, đó là những năm tháng hào hùng, là bài ca không thể nào quên…”, bà Món chia sẻ.

KHÔI NGUYÊN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/94/232900/chuyen-ve-mot-nu-chinh-tri-vien-pho-kien-trung.html