Chuyện về nghĩa địa tàu ngầm Nga và nguy cơ một thảm họa Chernobyl dưới biển
Để tránh một thảm họa Chernobyl dưới nước, người Nga đang bắt đầu một cuộc chạy đua đáng sợ để ngăn chặn sự phân rã của những con tàu cũ và số lò phản ứng hạt nhân của chúng ở 'nghĩa địa tàu ngầm nguyên tử' trên biển Kara ở Bắc Cực.
Biển Kara là một phần của Bắc Băng Dương, nằm ở phía bắc vùng Siberia. Nó bị ngăn cách với biển Barents ở phía tây bằng quần đảo Novaya Zemlya, thông với biển này qua một số eo biển như eo biển Kara, eo biển Matochkin.
Liên Xô và sau này là Nga trong nửa sau của thế kỷ 20 chế tạo nhiều tàu ngầm chạy bằng năng lượng nguyên tử hơn tất cả các quốc gia khác cộng lại. Vào thời kỳ đỉnh cao giữa những năm 1990, Nga có 245 tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, 180 trong số đó được trang bị lò phản ứng kép và 91 mang theo hàng chục tên lửa đạn đạo tầm xa có đầu đạn hạt nhân.
Tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên của Liên Xô là K-3 (NATO gọi là lớp November). Nguyên mẫu K-3 lần đầu tiên ra khơi vào ngày 4 tháng 7 năm 1958. Các tàu K-3 là những tàu ngầm tấn công hàng đầu được thiết kế để định vị tàu nổi và tàu ngầm đối phương bằng cách sử dụng hệ thống sonar MG-200 mạnh mẽ. Khi đã ở trong tầm bắn, các tàu K-3 sẽ tấn công bằng ngư lôi 533mm SET-65 hoặc 53-65K, mỗi ngư lôi mang theo 300 kg thuốc nổ.
Tám tàu ngầm lớp Hotel trang bị tên lửa đạn đạo đã gia nhập hạm đội Liên Xô từ năm 1959 đến năm 1962. Trong khi các tàu ngầm lớp K-3 là “thợ săn”, các tàu ngầm lớp Hotel hoạt động cực kỳ lặng lẽ, sử dụng một cặp lò phản ứng được làm mát bằng nước điều áp để hành trình tới gần mục tiêu tiềm năng.
Khi các căn cứ quân sự hoặc trung tâm dân sự của đối phương nằm trong tầm bắn, một tàu con lớp Hotel có thể phóng loạt tên lửa hạt nhân R-13 hoặc R-21 có lượng nổ 800 kiloton. Theo các nhà khoa học nguyên tử, một cuộc tấn công có cường độ lớn này vào trung tâm Manhattan ở New York, Mỹ có thể sẽ giết chết hơn hai triệu người.
Các tàu ngầm hạt nhân lớp Echo của Liên Xô bắt đầu ra khơi từ năm 1960. Những tàu ngầm này được trang bị hai lò phản ứng làm mát bằng nước, mang tên lửa hành trình thông thường và đầu đạn hạt nhân, cùng với ngư lôi. Liên Xô đã chế tạo 5 chiếc Echo I - được trang bị 6 tên lửa hành trình phản lực tăng áp P-5 để tấn công các mục tiêu trên đất liền - sau đó hạ thủy 29 chiếc Echo II, được trang bị tên lửa chống hạm nhằm vô hiệu hóa tàu sân bay Mỹ.
Phần lớn các lớp tàu ngầm hạt nhân của Liên Xô hoạt động từ Hạm đội phương Bắc có trụ sở chính tại thành phố cảng Murmansk phía tây bắc nước này. Các căn cứ của Hạm đội Phương Bắc cách bãi thải hạt nhân ở Biển Kara khoảng 900 km về phía tây. Trung tâm thứ hai là Hạm đội Thái Bình Dương, có trụ sở tại Vladivostok trên bờ biển phía đông của Nga. Các tàu ngầm thời Liên Xô khác sẽ khởi hành từ các căn cứ ở Baltic và Biển Đen.
Trong nhiều thập kỷ, các lớp tàu ngầm này đã đi khắp thế giới, chờ đợi thời điểm Chiến tranh Lạnh trở nên nóng bỏng. Khoảnh khắc đó không bao giờ đến. Vào giữa những năm 1980, các con tàu đã hết niên hạn sử dụng. Bắt đầu từ năm 1987, chiếc Echo I lâu đời nhất ngừng hoạt động và các tàu ngầm tấn công K-3 tiếp nối vào năm 1988. Nhưng việc loại bỏ các tàu ngầm này gây ra nhiều vấn đề hơn so với các tàu thông thường. Các lò phản ứng và các vật liệu phóng xạ liên quan phải được dỡ bỏ và không phải lúc nào việc này cũng được thực hiện đúng cách.
Vào tháng 10 năm 1995, 12 tàu ngầm Liên Xô đã ngừng hoạt động chờ được xử lý ở Murmansk, mỗi tàu đều có pin nhiên liệu, lò phản ứng và chất thải hạt nhân vẫn còn trên tàu. Khi quân đội Nga thiếu tiền không thanh toán hóa đơn điện của căn cứ trong nhiều tháng, công ty điện lực địa phương đã ngắt nguồn điện, khiến số tàu ngầm có nguy cơ bị phân rã. Các sỹ quan quân sự đã phải thuyết phục nhà máy khôi phục lại nguồn điện bằng cách dùng súng đe dọa.
Quá trình loại bỏ bắt đầu bằng việc chiết xuất nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng của tàu từ lõi lò phản ứng. Nguy hiểm xuất hiện ngay lập tức: Vào năm 1985, một vụ nổ trong quá trình khử bụi của một tàu ngầm lớp Victor đã giết chết 10 công nhân và làm phát tán chất phóng xạ vào không khí và biển. Các đội được đào tạo đặc biệt phải tách các thanh nhiên liệu của lò phản ứng ra khỏi lõi của lò phản ứng, sau đó niêm phong các thanh nhiên liệu trong thùng thép để vận chuyển và lưu trữ (ít nhất, họ niêm phong các thanh khi có đủ khả năng vận chuyển và lưu trữ - Liên Xô chỉ có 5 toa tàu có khả năng vận chuyển an toàn hàng hóa phóng xạ). Sau đó, các công nhân tại xưởng đóng tàu sẽ tháo các thiết bị có thể thu hồi được khỏi tàu ngầm và tháo rời các hệ thống vũ khí hạt nhân và vũ khí thông thường của tàu. Thủy thủ đoàn phải thu hồi và cô lập đầu đạn hạt nhân khỏi vũ khí trước khi vào khoang phóng để loại bỏ hệ thống nhiên liệu và động cơ của tên lửa.
Một trong những lần thải bỏ và nguy hiểm nhất là đối với K-27, tàu ngầm thử nghiệm lớp K-3 với hai lò phản ứng. Khi ở trên biển vào năm 1968, một lò phản ứng trên chiếc K-27 đã bị rò rỉ và một phần hư hỏng. Phơi nhiễm phóng xạ đã giết chết 9 thủy thủ và 83 người khác bị ốm. K-27 phải lết trở lại cảng, nhưng sau nhiều năm phân tích, người ta nhận thấy không thể cứu được con tàu. Năm 1981, tàu kéo đã kéo K-27 vào bải thải Kara và đánh đắm con tàu, đưa mọi thứ — nhiên liệu, lò phản ứng và các chất thải khác — xuống đáy biển. Các chuyên gia cho rằng muốn đánh chìm vật liệu hạt nhân một cách an toàn thì tàu phải chìm xuống ít nhất 3.000 mét. K-27 nằm ở độ sâu 50 mét.
Vào năm 2012, Na Uy và Nga thực hiện một cuộc kiểm tra xác tàu K-27, cho thấy thân tàu xuống cấp rất ít, nhưng các chuyên gia hải quân cho rằng con tàu này chỉ có thể nguyên vẹn cho đến năm 2032.
Một tàu ngầm khác có lẽ gây ra nguy cơ rò rỉ phóng xạ lớn hơn. K-159, lớp K-3, bị tai nạn năm 1965 nhưng phục vụ cho đến năm 1989. Sau khi an toàn trong 14 năm, một cơn bão năm 2003 đã xé tàu K-159 khỏi ụ phao nổi trong khi được di chuyển và con tàu chìm xuống đáy biển Barents, giết chết 9 thủy thủ. Xác tàu nằm ở độ sâu khoảng 250 mét, rất có thể với các lò phản ứng được nạp nhiên liệu và không được đậy kín.
Giờ đây, để tránh một thảm họa Chernobyl dưới nước, người Nga đang bắt đầu một cuộc chạy đua đáng sợ để ngăn chặn sự phân rã của những con tàu cũ và số lò phản ứng hạt nhân của chúng.