Chuyện về người giữ 'linh hồn' của người JRai

Tận tâm, hào sảng và đầy nhiệt huyết với văn hóa cồng chiêng, nghệ nhân Rơ Châm H'Mút (xã Iaka, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) được xem như viên gạch nối, lưu giữ những giá trị truyền thống của văn hóa cồng chiêng từ thế hệ trước và thế hệ sau này trong cộng đồng người dân tộc thiểu số Jrai ở đại ngàn Tây Nguyên...

Nghệ nhân Rơ Châm H’Mút (người mang trống) biểu diễn trong lễ hội văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên

Nghệ nhân Rơ Châm H’Mút (người mang trống) biểu diễn trong lễ hội văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên

Người giữ hồn thiêng Tây Nguyên

Nghệ nhân Rơ Châm H’Mút sinh ra và lớn lên tại làng MRong Yố (xã Iaka). Quá trình trưởng thành, tiếng cồng chiêng đã đi sâu vào tiềm thức của ông nói riêng và người đồng bào Tây Nguyên nói chung.

Ông tâm sự:“Khi đầu mình chưa cao bằng chiếc gùi mình đã theo mẹ đi biểu diễn cồng chiêng. Tiếng cồng chiêng đã ngấm vào máu thịt của mình rồi. Trong cả những giấc mơ mình cũng mơ thấy tiếng cồng chiêng trong các lễ hội: Khi là tiếng cồng chiêng vui vẻ trong lễ hội mừng lúa mới, là tiếng cồng chiêng vang xa của những lễ bỏ mả, rồi tiếng cồng chiêng hòa nhịp cùng điệu múa xoang của những thiếu nữ Jrai.

Nghệ nhân Rơ Châm H’Mút mở nhiều lớp dạy cồng chiêng để văn hóa truyền thống của người JRai không bị mai một

Nghệ nhân Rơ Châm H’Mút mở nhiều lớp dạy cồng chiêng để văn hóa truyền thống của người JRai không bị mai một

Là một nghệ nhân nổi tiếng nhưng cảnh nhà Rơ Châm H’Mút khá giản dị, thanh bần. Nghề dạy cồng chiêng và chỉnh chiêng của ông không đủ nuôi sống gia đình. Chia sẻ với chúng tôi về cuộc đời gắn với tiếng chiêng, ông H’Mút kể, cha của ông cũng là một nghệ nhân cồng chiêng có tiếng trong làng. Từ khi lên 5 tuổi ông đã theo cha đi biểu diễn công chiêng vào các dịp lễ mừng lúa mới, hay cưới, đám ma, bỏ mả… Tối về người cha thường đem chiêng ra lau chùi, ông H’Mút ngồi bên được người cha kể về những tiểu sử, ý nghĩa của mỗi loại chiêng. Lớn hơn thì cậu được cha hướng dẫn cho cách chơi các loại chiêng, trống, đàn Tơ-rưng…và các loại nhạc cụ dân tộc khác. Rồi những buổi theo mẹ đi biểu diễn cồng chiêng…

Tất cả những âm thanh đó ngưng ngấm vào máu: “Hồi đó tôi mê cồng chiêng lắm, mỗi lúc rảnh rỗi tôi thường tìm lấy cành cây, gõ vào những đồ vật bằng kim loại khiến cho chúng phát ra âm vừa nhảy điệu xoang như mấy anh chị lớn trong vùng. Những lần đứng trong căn bếp nhỏ, đôi tay cũng vô tình biến chiếc muỗng, chiếc xoong thành cồng, thành chiêng… dường như bất cứ chỗ nào cũng chính là sân khấu cho tiếng cồng tiếng chiêng vang lên…”. Hơn 11 tuổi ông đã xin cho vào đội chiêng của làng, chưa được 15 tuổi hầu như mọi bài chiêng, bài hát của người Jrai ông đã thuộc làu làu. Thân hình bé con nhưng ông luôn được tuyển chọn mang cái chiêng Pat, chiêng Pom (bộ chiêng quý, hiếm của người Jrai) để đi biểu diễn khi làng có hội.

Đau đáu với nỗi lo sợ mai một tiếng cồng chiêng

“Nhưng theo thời gian, giới trẻ càng ngày càng tiếp xúc với các thể loại nhạc hiện đại, xa dời tiếng chiêng. Những ngày lễ trong làng để huy động được đội chiêng khó khăn. Tôi phải đi tìm những người già trong làng để đi đánh cho đủ đội chiêng…” ông H’Mút tâm sự.

Mong muốn thế hệ trẻ biết giữ gìn, phát huy văn hóa truyền thống là tâm nguyện của ông H’Mút

Mong muốn thế hệ trẻ biết giữ gìn, phát huy văn hóa truyền thống là tâm nguyện của ông H’Mút

Khi mới 20 tuổi, hàng ngày ông cùng với người cha của mình đến từng nhà dạy đánh cồng chiêng và múa xoang cho trẻ em và đặc biệt là thanh niên trong làng để làng ai cũng biết đánh chiêng, múa xoang hết. Ông tâm sự: “Đánh cồng chiêng là phải đánh sao cho theo đúng điệu nhạc để tránh lạc lõng với các thành viên khác trong đội. Học cồng chiêng không khó nhưng cái khó là mình phải có tình yêu với nó, người ta đánh là phải gửi tâm hồn mình vào trong từng nhịp chiêng khi ấy tiếng chiêng mới hay được…”.

Để văn hóa cồng chiêng của người Jrai có thể phát triển và không bị mai một, già H’Mút đã tham gia biểu diễn cồng chiêng ở nhiều sự kiện lớn: Lễ hội văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên và các chương trình nghệ thuật ở các thành phố lớn như TP HCM, Hà Nội… Ngoài ra ông còn tham gia các đoàn nghệ thuật đi lưu diễn ở các nước láng giềng như Cam-pu-chia, Lào…

Không chỉ đi biểu diễn, ông còn tham gia giảng dạy cho các học sinh Trường THCS Iaka và THCS Ia Mơnông (huyện Chư Păh) và các trường nội trú của các huyện trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Thậm chí, bất cứ nơi nào cần dù xa mấy ông cũng đi. Ông H’Mút nói: “Được nhìn các học sinh, sinh viên đeo trên mình bộ chiêng và hòa nhịp vào điệu xoang là niềm hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời của tôi”

Nghệ nhân H’Mút cho biết thêm, thời xưa, chỉ có con trai mới được tham gia vào đánh và đụng vào cồng đánh chiêng. Nhưng càng ngày càng mai một dần nên ngày nay đã khuyến khích phụ nữ cũng được tham gia vào đánh cồng chiêng. Điển hình như phụ nữ làng MRong Yố 2, đã có đội chiêng 10 người và trong đó có 5 nữ. Trong làng hiện đã thành lập được 4 đội: Đội lớn tuổi, đội thanh niên, đội thiếu niên và đội nữ để truyền dạy nối tiếp cho những thế hệ sau.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Ksor Sum - Chủ tịch xã Ia Ka cho biết: “ Theo thời gian văn hóa cồng chiêng cũng đang mai một dần. Các nghệ nhân đánh cồng chiêng “lão luyện” cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhờ có những người như nghệ nhân Rơ Châm H’Mút nên các thanh niên đã nhận thức được tầm quan trọng của cồng chiêng, đó không đơn giản chỉ là loại nhạc cụ, mà đó còn là văn hóa truyền thông của cha ông…”

Uyên Thu

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tin-tuc-tinh-thanh/chuyen-ve-nguoi-giu-linh-hon-cua-nguoi-jrai-465836.html