Chuyện về người 'giữ lửa' bếp ăn 0 đồng Bạch Mai - nơi bán suất cơm trả phí bằng nụ cười

Cứ đều đặn mỗi ngày từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần, bếp ăn 0 đồng Bạch Mai (ngõ 15 Phương Mai quận Đống Đa) luôn 'đỏ lửa' để phục vụ miễn phí khoảng 500 suất ăn cho bà con.

16h chiều, con ngõ nhỏ bên cạnh bệnh viện Bạch Mai tấp nập người rồng rắn xếp hàng. Hỏi ra mới biết bà con tập trung để nhận những suất cơm miễn phí từ Nhà ăn 0 đồng Bạch Mai.

Ngồi chờ xếp hàng từ 2 rưỡi chiều, ông Tản (75 tuổi, quê Hà Nam) tâm sự đã "cắm chốt" ở bệnh viện Bạch Mai được 8 tháng nay để chữa bệnh. Bà con ở đây lâu không ai không biết đến Bếp ăn 0 đồng ở ngõ 15 Bạch Mai này.

"Bếp ăn thường phát vào lúc 4h chiều, nhưng từ 2 rưỡi - 3 giờ chiều mọi người đã đến xếp hàng đông lắm rồi. Có hôm họ phát cơm, có hôm phát cháo. Nhưng do đau bệnh nên ông thường hay ăn cháo cho dễ tiêu. Nay nghe nói họ phát bánh cuốn nên ông ra ngồi đây xếp hàng, nhận đồ ăn miễn phí, rồi cả ngồi nói chuyện với mọi người cho khuây khỏa", ông Đản, nói.

Ngồi chờ xếp hàng từ 2 rưỡi chiều, ông Đản vui vẻ cho biết mình là "khách quen" của Nhà ăn 0 đồng.

Ngồi chờ xếp hàng từ 2 rưỡi chiều, ông Đản vui vẻ cho biết mình là "khách quen" của Nhà ăn 0 đồng.

Cũng đội nắng ngồi chờ, cô Lan (60 tuổi) nhà ở cách bếp ăn không xa tranh thủ ra nhận một suất ăn. Cô trải lòng: "Tuổi già sức yếu bệnh tật suốt, cô sống có một mình thôi lại thuộc hộ nghèo. Thỉnh thoảng chiều đến cô nhận cơm đỡ một phần chi phí, để còn dành tiền thuốc men lúc ốm đau".

Theo cô Lan, cơm ở nhà ăn rất ngon, đầy đủ dinh dưỡng, cô ăn một phần là no. Mỗi lần chỉ lấy vừa đủ, để những người để những người đến sau ai cũng có cơm đem về.

Giữa cái nắng trưa hè, ở một góc trong con ngõ 15 Bạch Mai cứ râm ran đủ thứ chuyện của những người đến xếp hàng nhận cơm. Có chú kể, bếp ăn phát miễn phí vào các ngày trong tuần từ thứ 2 đến thứ 6, đa phần là người nhà bệnh nhân đứng xếp hàng chờ. Bếp ăn làm xuất phát từ cái tâm nên ai đến đây cũng có một niềm hoan hỉ, cố gắng giữ trật tự, xếp hàng ngay ngắn để chờ đến lượt.

Người 'giữ lửa' bếp ăn 0 đồng ở Bạch Mai

Được biết, Nhà ăn 0 đồng Bạch Mai vận hành được hơn 1 năm với mong muốn lớn nhất là phần nào san sẻ với bà con những khó khăn trong cuộc sống. Hơn 1 năm, có thể với nhiều người không phải là thời gian quá dài, nhưng với bếp ăn 0 đồng và những người xây dựng nên nó lại là một hành trình lớn và đặc biệt ý nghĩa.

Chia sẻ vớiSAOstar.vn, anh Bùi Tú (40 tuổi, quê Kim Động, Hưng Yên) người thường trực ở nhà ăn và cũng là bếp trưởng cho hay, đều như "vắt chanh" từ thứ 2 đến thứ 6, nhà ăn sẽ phát từ 450 - 500 suất cơm phục vụ bà con. Người tới đây nhận cơm khoảng 95% là bà con bệnh nhân và người nhà bệnh nhân trong bệnh Bạch Mai. Kinh phí của Nhà ăn được kêu gọi từ các mạnh thường quân trong và ngoài ngoài nước chung tay giúp đỡ.

Anh Tú - người thường trực ở nhà ăn và cũng là bếp trưởng tại bếp ăn 0 đồng Bạch Mai

Anh Tú - người thường trực ở nhà ăn và cũng là bếp trưởng tại bếp ăn 0 đồng Bạch Mai

Anh Tú kể: "Trước đây lúc mới thành lập bếp ăn gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu là về nhân lực. Ban đầu chỉ có 3 anh em thôi nhưng số lượng thực phẩm, rau củ quả chế biến mỗi ngày có khi lên đến hàng tạ. Mọi người chỉ có thể bảo ban động viên nhau cố gắng làm".

Để sẵn sàng 500 suất ăn trao đến tay bà con mỗi ngày, nhóm của anh Tú đi chợ từ sáng sớm, có những hôm mưa gió rét buốt vẫn dậy từ 4 giờ sáng để chợ búa mua thức ăn về. Đến khoảng 12h trưa bếp ăn 0 đồng ở Bạch Mai nổi lửa, gấp rút chuẩn bị, chế biến bữa chiều cho người dân.

Hiện nhân lực chủ yếu của nhà có anh Tú và 2 người nữa cùng quản lý. Ngoài ra, nhóm cũng nhận được sự hỗ trợ giúp sức từ các cô chú và các bạn học sinh, sinh viên. Mỗi người một tay xúm vào, quá trình chuẩn bị cũng rút ngắn phần nào. Ai nấy đều vui vẻ thực hiện, mỗi người một việc để gửi đến những phần ăn chất lượng bằng cả tấm lòng. Theo anh Tú, mỗi ngày bếp ăn đều thay đổi thực đơn để đảm bảo đủ dinh dưỡng cho bà con.

Vất vả là thế song khi được hỏi về bản thân mình thì anh Tú chỉ cười hiền rồi kể chuyện: "Anh người miền Bắc như sống trong Sài Gòn, nhưng từ hồi Covid-19 anh ra ngoài này hỗ trợ chống dịch. Anh chạy xe cứu thương đưa bà con về các tỉnh Tây Bắc. Qua đó anh chứng kiến và hiểu rõ được những mảnh đời, những khó khăn của bà con. Trong lòng anh chỉ canh cánh làm sao giúp được họ nhiều nhất có thể. Đó cũng là lý do sau covid-19 anh cùng mọi người tham gia mở nhà ăn 0 đồng này, hy vọng những suất ăn nhỏ mỗi ngày giúp bà con giảm đi một phần gánh nặng kinh tế".

Anh Tú kể, ban đầu gia đình cũng không đồng ý để anh đi "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng" như này, nhưng theo thời gian, mọi người cũng hiểu được công việc anh làm là giúp đỡ người khác, giúp ích cho đời nên dần dần chấp nhận.

"3 năm nay anh không đi làm kinh tế. Tất cả sự nghiệp của anh trong Sài Gòn đều gác lại, tạm thời để bố mẹ và 2 em quản lý, còn anh ra Hà Nội đi tình nguyện, hỗ trợ cho những bà con khó khăn.

Mình cho đi mình cũng không nghĩ sẽ nhận lại được gì nhưng hiện tại mình chỉ muốn dành sự chân thành, nhiệt huyết, làm hết sức bằng cái tâm. Tất cả anh em hay cô bác đến đây giúp đỡ đều cũng chỉ xuất phát từ cái tâm thôi, không hề vụ lợi mục đích gì cả", anh Tú trải lòng.

Dành phần lớn thời gian vào công tác thiện nguyện, anh Tú cùng mọi người trong nhóm tranh thủ bán hàng online vào buổi tối để lấy chi phí trang trải cho cá nhân.

Suất cơm trả phí bằng những nụ cười

Cho đi tất cả nhưng chẳng nghĩ nhiều về bản thân, khi được hỏi anh có lo lắng tương lai về sau của mình như kinh tế, gia đình, con cái... anh Tú liền quả quyết: "Anh nghĩ mỗi người có một số phận riêng. Vài năm trước anh đi làm mỗi tháng kiếm 15 - 20 triệu, tiêu xài cũng không biết thế nào là đủ. Nhưng khi làm công việc thiện nguyện này, bà con tới đây với một nụ cười, niềm hoan hỉ là anh cảm thấy vui rồi. Với riêng anh, mỗi suất cơm nhỏ đổi lại được nụ cười của bà con, giúp họ giảm bớt gánh nặng cuộc sống, anh đều cảm thấy mãn nguyên và nhẹ lòng".

Đứng phát suất ăn cho bà con, cô Hoa (60 tuổi, ngụ Hà Nội) cho biết theo đoàn tình nguyện cũng được 1 năm. Mỗi ngày cô đi 3 chặng xe đến ngõ Bạch Mai để giúp đỡ mọi người chuẩn bị thức ăn, nấu nướng.

"Nói không gặp vất vả thì không đúng, nhưng mỗi ngày được giúp đỡ người khác cô thấy mình khỏe ra, yêu đời và tươi vui hơn. Mình làm xuất phát từ cái tâm, không góp của thì mình góp công, mong sao những bệnh nhân có cơm ăn đầy đủ", cô Hoa tâm sự.

Là một trong những "khách quen" của Nhà ăn 0 đồng, chú Hồng (55 tuổi) cho biết nhờ những phần cơm miễn phí mỗi ngày mà chú tiết kiệm được một khoản chi phí để tiếp tục điều trị bệnh. "Thấy mọi người đi xuống lấy cơm đông vui nên tôi cũng đi cùng. Hôm được phát cơm, hôm phát cháo, nay có món bánh cuốn. Đồ ăn ở đây ngon lành, sạch sẽ, lại bớt được chi phí chi tiêu nên tôi cũng cảm thấy vui vẻ khi đến đây nhận cơm".

Rất nhiều người đến nhận cơm từ Nhà ăn 0 đồng đều vui vẻ và hạnh phúc khi những suất đồ ăn miễn phí này giúp họ vơi bớt khó khăn trong lúc ốm đau. Có thể với nhiều người, vài ba chục ngàn không là bao cho một bữa ăn, nhưng với những bệnh nhân, thân nhân người bệnh tại BV Bạch Mai, những suất cơm ấy đã tiếp thêm cho họ động lực để cố gắng, chiến đấu với bệnh tật.

Mỗi ngày Bếp ăn 0 đồng Bạch Mai đón họ bằng những suất cơm, bằng niềm hoan hỉ, bà con ra về với nụ cười nở trên môi.

Quỳnh Trang

Hạ Băng

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/sac-mau-cuoc-song/chuyen-ve-nguoi-giu-lua-bep-an-0-dong-bach-mai-202405170123445236.html