Chuyện về người 'mang mùa xuân' cho những phận đời bất hạnh

Người ta biết đến Lê Lam, với pháp danh Tịnh Long như một người chuyên tâm làm từ thiện, đem niềm vui, hạnh phúc đến cho nhiều mảnh đời bất hạnh. Ông đã được nhiều lãnh đạo Đảng, Nhà nước tặng giấy khen vì những đóng góp từ thiện của mình.

Mang mùa xuân cho phận đời bất hạnh

Cái cách làm từ thiện của Lê Lam Tịnh Long cũng đặc biệt như chính cuộc đời của ông. Ông giúp người từ thuở chính ông còn hai bàn tay trắng, khi vợ chồng lập nghiệp tại mảnh đất Bình Dương. Lê Lam Tịnh Long thú nhận, người vợ tảo tần làm nghề buôn bán vặt ở chợ Lái Thiêu nuôi gia đình, là bệ đỡ cho cuộc đời ông. Bà không đòi hỏi gì hơn ngoài việc ông tu tâm dưỡng tính, đi làm việc thiện đóng góp cho đời. Với ông, bà là hậu phương vững chắc để ông yên tâm đi làm việc nghĩa và cũng là người ông mang lòng biết ơn.

Làm từ thiện nếu không xuất phát từ trái tim, từ trong thiện tâm thì khó thành. Thời đầu, ông nghĩ cách thuê người làm những bộ phim phóng sự về các phận đời cần giúp đỡ, sau đó in ra đĩa rồi chuyển đến những đơn vị mạnh thường quân trong nước và hải ngoại để kêu gọi ủng hộ.

Về sau, ông tự học cách tự quay, tự dựng phim, rồi áp dụng công nghệ trên mạng xã hội như Youtube, Facebook, lập website để lan tỏa những bộ phim phóng sự nói về những phận đời bất hạnh. Mục đích làm sao những hoàn cảnh cần giúp đỡ lan tỏa được nhiều nhất đến những mạnh thường quân.

Lê Lam Tịnh Long được nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu tiếp đón, khen ngợi vì những đóng góp thiện nguyện

Lê Lam Tịnh Long được nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu tiếp đón, khen ngợi vì những đóng góp thiện nguyện

Hàng chục năm làm từ thiện, bước chân của ông và cộng sự đã đặt đến hầu hết các tỉnh thành trong cả nước. Ông nói, Phật ở trong tâm, tâm Phật chính là giúp người, bằng những công việc thiết thực. Ông đề ra triết lý: Gặp những phận đời thực sự cần giúp đỡ, đến những nơi người khác chưa đến. Và, nếu được, hãy giúp thay đổi cuộc đời họ.

Nhiều năm làm từ thiện, ông đã quay lai không biết bao nhiêu đoạn phim về những phận đời bất hạnh với tất cả những thông tin cụ thể về địa chỉ, số điện thoại để kêu gọi giúp đỡ. Vì thế mạnh thường quân có thể giúp đỡ trực tiếp cho những hoàn cảnh khó khăn mà không cần thông qua ông.

Có những phận đời, khi ông thực hiện phim, họ đang từ tận cùng bĩ cực nhưng sau này gặp lại, cuộc đời hoàn toàn thay đổi theo hướng tích cực. Họ chính là những người quay lại quyên góp gửi tới ông để ông tiếp tục đi giúp những phận đời khác. Việc làm thiện nguyện vì thế ngày càng phát triển.

Với những đóng góp thiết thực trong việc từ thiện khắp mọi miền đất nước, ông được tặng thưởng nhiều bằng khen từ các cơ quan Nhà nước. Ông cũng được đích thân nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu gặp gỡ khen ngợi về những việc làm thiết thực cho công tác xã hội.

Ngoài cách giúp vật chất, Lê Lam Tịnh Long thường được mời đi thực hiện những buổi nói chuyện ở các trại giáo dưỡng, trại cai nghiện, trại giam. Ông thường lấy cuộc đời lầm lỡ đã hoàn lương của bản thân ra làm minh chứng để góp phần thay đổi số phận của những người lầm lỡ. Với ông, đó cũng là một cách làm từ thiện, miễn là làm được gì đó giúp ích cho người, cho đời.

Quá khứ lầm lỗi

Gặp Lê Lam Tịnh Long vào chiều cuối năm sau chuyến đi từ thiện các tỉnh vùng xa Đồng Bằng Sông Cửu long của ông, cũng là lúic ông cùng cộng sự tất bật kế hoạch cho chuyến từ thiện giáp Tết Nguyên Đán. Lê Lam lúc nào cũng vậy, bụi bặm và tất tả, lúc nào cũng muốn làm thêm được nhiều việc giúp đỡ người khác hơn nữa. Trong câu chuyện với ông, chất giang hồ vẫn còn đó trong từng câu nhấn nhá, nhưng được thể hiện ở một khía cạnh khác nhân văn hơn. Bởi giờ đây, cái tâm trong ông là tâm của người làm việc nghĩa, của sự hướng thiện, hoàn lương.

Ông tâm sự, khi nhìn Tịnh Long của hiện tại, không thể không nhắc về Lê Lam của quá khứ. Với ông, quá khứ là tấm gương phản chiếu để soi lại mình, để mỗi ngày qua đi những việc thiện của hiện tại sẽ góp phần xóa đi những vết đen trong tấm gương quá khứ, để nó ngày một sáng đẹp hơn.

Sinh ra ở vùng biển nghèo cát trắng thuộc xã Hải Khê, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị trong một gia đình nghèo khó, Lê Lam không được học hành, sớm bộc lộ tố chất của một đứa trẻ bất trị, bị ruồng bỏ, xua đuổi. Ra xã hội lăn lộn mưu sinh, Lê Lam nổi tiếng với những thành tích bất hảo như cướp giật, lừa đảo, đánh người nhiều lần vào tù ra rội.

Với những việc làm thiết thực, ông được mời gặp gỡ, nói chuyện về công tác làm từ thiện

Với những việc làm thiết thực, ông được mời gặp gỡ, nói chuyện về công tác làm từ thiện

Vào đầu năm 1990, Lê Lam tổ chức vượt biên bằng thuyền đánh cá từ miền Trung Việt Nam đi Hồng Kông và được đưa vào trại tị nạn của Liên hợp Quốc tại Nhật Bản. Tại đây, máu giang hồ không bỏ, Lê Lam lập băng nhóm tổ chức cướp giật và bị trục suất về nước. Cuộc đời Lê Lam có lẽ vẫn chìm mãi trong tội lỗi, từ đày, nghiện ngập nếu không có một ngày...

Cơ duyên đưa Lê Lam đến với Phật. Người đàn ông một thời sống trong bùn đen ngộ ra sai lầm, quyết định dừng bước giang hồ, cai nghiện và quy y cửa Phật ở Chùa Hoằng Pháp, một ngôi chùa nổi tiếng ở TP HCM. Ông lấy pháp danh Tịnh Long, ngụ ý, con rồng đã dừng bước. Để chuộc lại những lỗi lầm trong quá khứ, Tịnh Long quyết định chọn con đường đi làm từ thiện, cứu người, giúp đời. Cái tên Lê Lam Tịnh Long từ đó gắn với những câu chuyện “mang mùa xuân” cho những phận đời bất hạnh.

Lê Lam Tịnh Long luôn nhiệt huyết với các hoạt động từ thiện

Lê Lam Tịnh Long luôn nhiệt huyết với các hoạt động từ thiện

Ông vạch cho xem những hình xăm rồng phượng vằn vện khắp thân mình, những dấu dao chém hằn trên da thịt không thể lành lặn, đó là những ký ức buồn một thời sống trong giang hồ. Ông thú nhận, đôi khi nghĩ lại bản thân không khỏi rùng mình. Ông bảo, nếu cuộc đời là một cuốn phim có thể xem lại thì chính bản thân ông cũng không dám nhìn vào nhiều đoạn phim của chính mình.

Năm nay bước sang tuổi 60, nhưng ông vẫn vẫn nhiệt huyết với những phận đời cần giúp đỡ. Ông vẫn say mê với những chuyến đi thiện nguyện bất tận đến với người nghèo, trên khắp mọi miền đất nước. Giúp đỡ những hoàn cảnh nghèo khổ, biến đổi cuộc đời họ ngày một tốt đẹp hơn với ông giờ đây như đã là sứ mệnh.

Hoàng Anh

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/doi-song/chuyen-ve-nguoi-mang-mua-xuan-cho-nhung-phan-doi-bat-hanh-34187.html