Chuyện về người 'nặng nợ' núi sông
Giữa cảng cá Quy Nhơn, tỉnh Bình Định, chàng thuyền trưởng người Đà Nẵng nổi bật bởi dáng vẻ lịch lãm, nụ cười tươi, ăn nói nhẹ nhàng và thường nhắc đến trách nhiệm của ngư dân khi đánh bắt trên biển. Anh cũng tâm sự về việc phải vào tận Bình Định để tuyển bạn chài đi trên con tàu ĐNa 91059 TS, quanh năm vươn khơi, bám biển Hoàng Sa, Trường Sa để cùng BĐBP gìn giữ chủ quyền.
Tàu mới, ôn chuyện cũ
Tại cảng cá Quy Nhơn, các ngư dân lại quây quần bên nhau kể lại ngày tháng xuôi ngược trên biển cả để nhắc tới chuyện thu nhập của bạn chài, đồng thời, động viên nhau bám biển, không khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) đã được cán bộ BĐBP tuyên truyền suốt thời gian qua. Ở thành phố Đà Nẵng, nơi từng là thủ phủ của nghề biển, thu hút ngư dân các tỉnh Quảng Ngãi, Quảng Nam ra đi bạn, thuê tàu đi làm thì giờ đây, nghề biển đã lùi dần vào quá khứ. Vậy nhưng chàng ngư dân đẹp trai, vẻ bề ngoài trông khá hào hoa là Đặng Đình Xô Việt vẫn không bỏ nghề biển, dù làm biển ở Đà Nẵng, sự nhọc nhằn bây giờ nhân đôi, nhân ba, vì tìm mỏi mắt không kiếm ra bạn chài.
Tại cảng cá Quy Nhơn, thuyền trưởng Việt (sinh năm 1978) trông khá nổi bật giữa nhóm các ngư dân trên con tàu vừa cập bờ. Gương mặt sáng sủa, giọng nói pha thổ ngữ địa phương của người Đà Nẵng “chừ, răng, mi…” đã khiến anh trở nên khác biệt. Thuyền trưởng Việt gặp lại phóng viên là người đã từng phỏng vấn, nên bắt mạch câu chuyện rất nhanh, kể lại câu chuyện về một năm xuôi ngược trên biển, bao nhiêu lần nắm bắt các trường hợp tàu cá vào khai thác, đánh bắt trái phép tại vùng biển Việt Nam để báo cáo vào đất liền.
Trong lần gặp đầu tiên vào năm 2019 tại cửa biển sông Hàn, thành phố Đà Nẵng cách đây 4 năm, tôi nhớ, thuyền trưởng Việt đứng trên chiếc tàu còn thơm mùi gỗ vì tàu mới đóng. Hơn 30 phút, anh say sưa nói về gỗ, giải thích rằng, tàu đóng theo Quyết định số 47/2014/QĐ-UBND ngày 12/12/2014 thì cơ chế khác với Nghị định 67, vì ngư dân được tự quyết hoàn toàn. Khi được xét duyệt, anh lăn lộn suốt ngày đêm đi lựa chọn, “tìm gỗ tốt như tìm trầm” để chiếc tàu hoạt động vững chãi ít nhất trên 30 năm.
Anh nói vui, được thành phố Đà Nẵng hỗ trợ thì mình xem như “mắc nợ sông núi”, nên nay mai vừa đi đánh bắt cá, vừa tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Canh giữ biển khơi
Thuyền trưởng Đặng Đình Xô Việt, quê ở phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng. Anh em ở Đồn Biên phòng Sơn Trà nhiều người đã quen mặt với thuyền trưởng Việt và cho biết, đây là thuyền trưởng thường xuyên cung cấp tình hình trên biển cho lực lượng chức năng. Trong các dịp cúng lăng, ra quân nghề biển đầu năm, những cụ già trong làng thường nhắc đến tên của con tàu và gửi niềm hy vọng chiếc tàu ĐNa 91059 TS ra khơi đánh bắt thành công để ngư dân kết hợp với nhiệm vụ tham gia bảo vệ chủ quyền.
Ngư dân Trần Văn Anh kể lại, trong chuyến biển vào giữa năm 2022, tại tọa độ cách đất liền hơn 100 hải lý, thuyền trưởng Việt chăm chú nhìn về phía mũi con tàu rồi tăng ga cho con tàu bám theo mục tiêu là chấm đen ở phía trước. “Chắc là tàu nước ngoài, nhưng không biết có dừng lại đánh cá ở vùng biển của Việt Nam không?”. Các ngư dân đặt câu hỏi cho tới khi con tàu này tiến tới gần và mọi người chụp ảnh, quay phim con tàu vỏ thép đang thả lưới. Thuyền trưởng Việt quay những clip trên biển để gửi vào đất liền cho các cơ quan chức năng và BĐBP.
Cuộc mưu sinh của ngư dân Đà Nẵng hiện nay gặp nhiều khó khăn vì thiếu vắng bạn chài. Vào thời điểm giá dầu tăng cao, chiếc tàu này phải thả neo tại Bình Định để bán cá, sau đó, thuyền trưởng Việt gửi tàu lại và đón xe về thành phố Đà Nẵng vài ngày lại trở vào để gọi ngư dân đi khơi. Những ngư dân nhiều năm làm biển ở thành phố Đà Nẵng cho rằng, gửi lại tàu cá ở tận Bình Định rồi về quê, rồi lại trở ra, là cách duy nhất để kiếm được bạn chài. Thuyền trưởng Việt cho biết, đời cha ông mình đi biển, tới đời mình có khó khăn gì cũng phải bám biển để gìn giữ chủ quyền.
Ra khơi với ảnh Bác Hồ
Anh Đỗ Văn Tri, ngư dân đi bạn trên tàu là người quê ở thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định cho biết, những ngày đi trên tàu có không khí vui tươi, nhất là trên tàu lại treo ảnh Bác Hồ. Thuyền trưởng Đặng Đình Xô Việt dẫn tôi vào ca bin tàu ĐNa 91059 TS, nơi treo tấm ảnh Bác Hồ rất trang trọng, bên cạnh tờ giấy khen của Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố Đà Nẵng. Đang vào thời điểm đánh bắt khó khăn, sản lượng cá đánh được ít, vì vậy, tính cách của anh trở nên thâm trầm hơn. Anh cho biết, chuyến nào ra khơi cũng phải tính toán làm sao cho có dư tiền chia cho bạn chài. Ra biển đánh bắt, mỗi khi bạn chài buông lời nản lòng thì anh lại động viên ngư dân: “Nghề biển có lúc này, lúc kia, nhưng ráng bám biển để gìn giữ chủ quyền”.
Cứ vào dịp tháng 3-4, thời tiết trên biển trong giai đoạn giao mùa, khắp các vùng biển đảo Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn, Cù Lao Xanh luôn rực sáng ánh đèn. Tàu cá của bà con ngư dân các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi, thành phố Đà Nẵng tập trung về gần các hòn đảo này để đánh lưới. Đó là lúc con tàu của thuyền trưởng Việt lại rong ruổi khắp các hòn đảo, cứ nghe vùng nào có cá thì ngư dân đến bủa lưới vây, âm thanh hò dô vang lên trên chiếc tàu bảo vệ chủ quyền.
Thuyền trưởng Đặng Đình Xô Việt là người đóng tàu và được hưởng chính sách hỗ trợ theo Quyết định số 47/2014/QĐ-UBND của UBND thành phố Đà Nẵng. Văn bản này quy định, những tàu đóng mới có tổng công suất máy chính từ 400CV đến dưới 600CV được hỗ trợ 500 triệu đồng/tàu, tàu từ 600CV đến dưới 800CV hỗ trợ 600 triệu đồng/tàu, tàu từ 800CV trở lên hỗ trợ 800 triệu đồng/tàu…, cùng nhiều ưu đãi khác.
Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/chuyen-ve-nguoi-nang-no-nui-song-post460310.html