Chuyện về người ở lại góp phần cho cực Tây của Tổ quốc 'nở hoa'

Sau khi góp phần làm nên chiến thắng lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, ông Nguyễn Công Nuôi quyết định lấy Điện Biên làm quê hương thứ hai, góp phần hồi sinh cực Tây của Tổ quốc sau chiến tranh.

Hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, người chiến sỹ năm xưa tình nguyện ở lại đóng góp công sức, trí tuệ của mình vào nhiệm vụ xây dựng mảnh đất Điện Biên phát triển.

Hồi ức về những ngày “nếm mật, nằm gai” đánh giặc

Những ngày này, khi cả đất nước đang chuẩn bị cho kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng tôi tìm gặp lại ông Nguyễn Công Nuôi - một trong những chiến sỹ Điện Biên năm xưa tại Mường Ảng (Điện Biên).

Trong số những chiến sỹ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ ngày ấy và tình nguyện ở lại Mường Ảng phát triển kinh tế giờ chỉ còn lại 15 người còn sống và đều đã gần 100 tuổi.

Khi kể lại hồi ức thời chiến oanh liệt và hăng say lao động sản xuất, đôi mắt của người lính già Nguyễn Công Nuôi (92 tuổi) không ngăn được những dòng lệ cảm xúc.

Nhấp ngụm trà nghi ngút khói, ông Nuôi bảo rằng nguyên quán của mình ở Yên Thành, Nghệ An), nhập ngũ từ 10/1/1952 khi vừa tròn 20 tuổi.

"Tôi là con một, nhưng khi xung phong đi đánh giặc, tôi không nghĩ gì cả, coi cái chết nhẹ tựa lông hồng, phải tranh đấu để giành lại non sông," ông Nuôi kể.

 Ông Nguyễn Công Nuôi kể lại hồi ức về cuộc chiến Điện Biên Phủ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Ông Nguyễn Công Nuôi kể lại hồi ức về cuộc chiến Điện Biên Phủ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Nhập ngũ, ông Nuôi được phân công đi Tây Bắc làm nhiệm vụ, trải qua nhiều đơn vị, tham gia chiến đấu ở nhiều trận đánh khác nhau. Qua 3 năm 3 tháng ở trung đoàn 44, ông được bổ sung lên đánh trận Thượng Lào giải phóng Sầm Nưa, giải phóng Lai hâu rồi chuẩn bị cho chiến dịch Đông Xuân năm 1954. Tới năm 22 tuổi, ông được tham gia trận đánh Điện Biên Phủ với vị trí pháo thủ số 1.

Trận chiến nhớ nhất của ông Nuôi là trận đánh đồi A1. Đây cũng là trận đánh mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ và là một trong những trận đánh quan trọng, gay go và quyết liệt nhất trong giai đoạn 2 và giai đoạn 3 của chiến dịch. Đại đội súng cối của ông đánh yểm trợ cho các đơn vị xung kích tấn công cứ điểm của địch ở đồi A1.

"Khi ấy chúng tôi còn trẻ, thấy bom đạn cũng sợ. Song tất cả đều đồng lòng, quyết chiến để giành lại từng mét đất của Tổ quốc, mọi sự sợ hãi trong tôi đều tan biến."

Lấy Tây Bắc làm quê hương

Sau năm 1954, Điện Biên bước vào "trận chiến mới" đó là xóa đói nghèo, kiến thiết lại quê hương.

Hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, nhiều chiến sỹ Điện Biên năm xưa như ông Nuôi tình nguyện ở lại đóng góp công sức của mình vào nhiệm vụ xây dựng, phát triển mảnh đất Tây Bắc xa xôi, hoang tàn.

Trong đôi mắt ông Nuôi, khung cảnh mảnh đất Điện Biên ngày ấy toàn đồi trơ trọi. Cả thành phố chỉ còn vài mái nhà lác đác. Sau khi giải phóng Điện Biên, người dân lần lượt quay lại để xây dựng lại quê hương.

Chỉ 4 tháng sau chiến dịch Điện Biên Phủ, ngày 27/9/1954, ông Nuôi được vinh dự kết nạp đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Nghe lời Đảng và Bác Hồ, Đại đoàn 316 - Trung đoàn 98 của ông Nuôi ở lại Điện Biên để làm 2 nhiệm vụ xây dựng kinh tế và củng cố quốc phòng tại địa phương.

Ông Nuôi vẫn nhớ lại những lời dặn của Bác Hồ lúc ấy đó là “lấy Tây Bắc làm quê hương" lấy “nông trường làm đại gia đình."

 (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

(Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

"Theo lời dặn của Đảng và Bác Hồ, tất cả 6 đồng chí Đảng viên chúng tôi đi trước, đưa gia đình vợ con lên xây dựng nông trường, vừa phát triển kinh tế, vừa làm nhiệm vụ quốc phòng. Tôi xung phong vào xây dựng Mường Ảng - một phân khu của nông trường Điện Biên."

Mường Ảng khi ấy chỉ là một khu vực hoang sơ, cây cối rậm rạp. Ông Nuôi cùng đồng đội và người dân phải phá mìn, phát hoang, mở rộng nông trường, phát triển kinh tế.

Thời kỳ đầu muôn vàn gian khổ, những người lính rời tay súng phải chắc tay cuốc, khai hoang sản xuất chỉ bằng đôi tay trần. Ông Nuôi cùng mọi người đã mở rộng Mường Ảng trở thành một cánh đồng phì nhiêu như bây giờ.

"Kinh tế bao cấp, cơm không đủ ăn, ăn độn ngô sắn, thực phẩm hạn chế, quần áo không đủ để mặc, trường học không có chúng tôi phải đưa con ra ngoài Tuần Giáo để học," ông Nuôi bồi hồi nhớ lại.

"Thời điểm ấy nhớ quê lắm, nhưng tôi nghĩ ở đâu cũng là giang sơn, Tổ quốc của mình. Tôi lại quyết tâm ở lại cùng anh em đồng đội và người dân nơi đây xây dựng Mường Ảng, hồi sinh mảnh đất Điện Biên bị tàn phá bởi bom đạn chiến tranh. Đây cũng là một trách nhiệm của Đảng viên, do dân và vì dân. Khi vào Đảng, tôi đã thề sẽ phấn đấu hy sinh cho chủ nghĩa cộng sản."

 Chỉ 4 tháng sau chiến dịch Điện Biên Phủ, ngày 27/9/1954, ông Nuôi được vinh dự kết nạp đứng trong hàng ngũ của Đảng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Chỉ 4 tháng sau chiến dịch Điện Biên Phủ, ngày 27/9/1954, ông Nuôi được vinh dự kết nạp đứng trong hàng ngũ của Đảng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Sau chiến tranh, nông trường bắt đầu đẩy mạnh trồng cây càphê, mắc-ca. Ông Nuôi cho biết từ những năm 60 ông là một trong những người đầu tiên gieo những hạt giống cây càphê trên mảnh đất Mường Ảng.

Hơn 60 năm sau, thung lũng Mường Ảng đã trở nên nổi tiếng là “vựa” càphê lớn nhất vùng Tây Bắc. Ở độ cao từ 700 - 1.700m so với mực nước biển, Mường Ảng có khí hậu, thổ nhưỡng màu mỡ rất phù hợp để cây càphê Arabica phát triển. Chất lượng càphê Arabica huyện Mường Ảng đã được các chuyên gia đánh giá cao có hương vị đặc trưng riêng không vùng nào có được.

Ông Nuôi được phân công làm Phó giám đốc nông trường Mường Ảng đến năm 1993. Ông tiếp tục làm Bí thư Đảng ủy thị trấn Mường Ảng đến năm 2004 thì nghỉ.

Những kỷ niệm thời "hoa lửa" 70 năm trước là những bài học lịch sử sống động để các ông Nuôi mỗi ngày giáo dục con cháu về lòng yêu nước, tinh thần quật cường của dân tộc.

"Mỗi ngày sống trong cuộc sống hòa bình, tôi vẫn không ngừng dạy bảo con cháu chăm ngoan, lao động và học tập tốt để trở thành người có ích. Tôi vẫn luôn gìn giữ và phát huy phẩm chất tốt đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ” sống gương mẫu, vẫn đóng góp cho xã hội và luôn tỏa sáng cho thế hệ trẻ noi theo."

Là người chứng kiến sự đổi thay của Điện Biên nói chung và Mường Ảng nói riêng, ông Nuôi không khỏi cảm thấy phấn khởi vì những đóng góp của ông đã trở thành những viên gạch đầu tiên giúp mảnh đất hoang sơ ngày nào trở nên phát triển như bây giờ.

Huyện Mường Ảng đến nay mới thành lập được17 năm. Đây là một huyện nghèo ở tỉnh Điện Biên, đời sống của người dân nhiều khó khăn, song với quyết tâm cao độ, sự tâm huyết, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo cấp ủy, chính quyền các thời kỳ, sự đồng lòng của người dân, huyện Mường Ảng hôm nay đã đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân từng bước được cải thiện.

Là một chiến sỹ Điện Biên trải qua các thời kỳ từ đấu tranh đến xây dựng phát triển kinh tế, ông Nuôi vô cùng phấn khởi, hạnh phúc, tin tưởng vào đường lối của Đảng.

"Tôi rất tự hào về anh em cán bộ bây giờ, rất tâm huyết phục vụ Nhân dân. Là người dân Mường Ảng, tôi mong rằng mảnh đất phên dậu của Tổ quốc Điện Biên ngày càng phát triển, để xứng đáng với lời dặn dò của Bác Hồ kính yêu," ông Nuôi bày tỏ./.

 Huyện Mường Ảng đổi thay. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Huyện Mường Ảng đổi thay. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/chuyen-ve-nguoi-o-lai-gop-phan-cho-cuc-tay-cua-to-quoc-no-hoa-post942156.vnp