Chuyện về nhà giáo hai lần thoát cửa tử nhờ tình đồng hương Hà Bắc
Cuộc đời nhà giáo Đỗ Thành Ý với những tháng ngày lịch sử ở chiến trường miền Nam khốc liệt cũng như nghề dạy học lớn lao...

Nhà giáo Đỗ Thành Ý (trái) vui mừng hội ngộ ông Đồng Duy Điệp, ân nhân cứu mạng trong chiến trường.
Tại tỉnh Bắc Ninh (cũ), nhắc đến nhà giáo Đỗ Thành Ý, nhiều người nhớ ngay vị hiệu trưởng trứ danh ngành Giáo dục với 20 năm đứng đầu ngôi trường uy tín bậc nhất tỉnh – Trường THPT Hàn Thuyên, từ 1981 đến 2000; người sáng lập và là Hiệu trưởng trường THPT tư thục thành công nhất Bắc Ninh – Trường THPT Nguyễn Du, từ năm 2000 đến năm 2022.
Cuộc đời nhà giáo Đỗ Thành Ý không chỉ được kể về những tháng ngày lịch sử chiến trường miền Nam khốc liệt cũng như nghề dạy học mà từ lâu, tên tuổi ông được nhiều đồng nghiệp nhắc đến với niềm ngưỡng mộ lớn lao.
Tháng 8/2025 tới đây, nhà giáo Đỗ Thành Ý với vai trưởng Ban liên lạc các nhà giáo đi B tỉnh Bắc Ninh (cũ), cùng một số đồng nghiệp được Sở GD&ĐT mời ra Hà Nội dự buổi lễ tri ân nhân 80 năm Quốc khánh (1945 - 2025) do Bộ GD&ĐT tổ chức. Ông kể, vào chiến trường miền Nam, khi cái chết cận kề càng thấy tình đồng hương thương mến biết bao nhiêu. Rồi như một cuốn phim quay chậm, nhà giáo – chiến sĩ Đỗ Thành Ý đã kể cho tôi nghe kỷ niệm 2 lần thoát cửa tử nhờ tình đồng hương Hà Bắc.
Lăn xuống khe suối thoát trái bom phát nổ
Tháng 11 năm 1972, trên hành trình vượt đại ngàn Trường Sơn, đến địa phận tỉnh Kon Tum (cũ), tiểu đoàn của ông được lệnh hạ trại tại khu rừng già. Tiểu đoàn trưởng lệnh cấp dưới khi đun nấu, tuyệt đối không để khói bay cao, dễ bị địch phát hiện.
Nhưng bản chất lính mới tò te là “điếc không sợ súng” nên chỉ ít phút nấu nướng vô kỷ luật, khói đã bốc lên thành cột. Đúng như cảnh báo, trên trời bắt đầu xuất hiện những tiếng vo vo. Không những không biết sợ, những người lính mới còn có cậu tỏ ra “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý”, chỉ trỏ lên trời mà rằng: “Các cậu ơi, OV10 kìa (OV10 là một loại máy bay do thám của Mỹ)”.
Tiểu đoàn trưởng hoảng hốt, vừa chạy vừa gầm lên: “Đồ ngốc, muốn xem bom à, có chạy mau không chết cả lũ bây giờ?”. Đám lính mới còn đang ngơ ngác thì trên bầu trời một đàn B52 bất chợt ùa đến như ong vỡ tổ. Bom đạn từng chùm từ trên trời rơi xuống, đám lính mới mặt xanh như đít nhái chạy thục mạng.
Chiến sĩ Đỗ Thành Ý còn đang ngơ ngác chưa biết chạy đi đường nào thì sống vì tứ phía bom đạn bủa vây, bỗng một đồng hương Hà Bắc tên Đào Duy Tấn, quê Vân Hà (thị xã Việt Yên trước đây) hộc tốc lao đến, vừa lôi áo đồng hương vừa quát: “Ý, Ý, chạy, chạy mau! Vừa chạy, Tấn vừa lấy hết sức đẩy Ý lao xuống khe một con suối cạn phía trước, rồi nhoài người lăn theo”. Thót tim, vì chỉ tích tắc sau đó, một trái bom phát nổ đúng chỗ Đỗ Thành Ý vừa đứng. Sau gần một tiếng oanh tạc, khi cả khu rừng già bị san bằng, cây cối trơ gốc, địch mới chịu rút lui. Tiểu đoàn trưởng kiểm quân, 3 chiến sĩ hy sinh và 17 bị thương.
Suýt bị… "chôn sống"
Nhà giáo Đỗ Thành Ý nhớ lại, tháng 1/1974, sau một thời gian dài sinh hoạt thiếu thốn trong rừng, ông mắc sốt rét ác tính, được đồng đội điều trị tích cực tại bệnh xá cách đơn vị 2 giờ đi bộ, nhưng mãi không giảm, liên tục sốt 40 độ và hôn mê sâu tới 4,5 ngày liền. Cán bộ quân y thay nhau thăm khám nhưng đều lắc đầu. Sang ngày thứ 6, thấy toàn thân bệnh nhân lạnh ngắt, bất động, sau khi cẩn thận đo nhịp tim và kiểm tra huyết áp xong, các y bác sĩ đành ngậm ngùi lấy cáng đưa ông đến khu vực dành cho những chiến sĩ đã hy sinh, kiểu như nhà xác trong bệnh viện, để tránh lây nhiễm cho những thương binh mới…
Xong xuôi, bệnh xá trưởng cho giao liên chạy sang đơn vị của ông báo tin và yêu cầu đơn vị cử người sang làm thủ tục, đồng thời lo chôn cất. Nhận tin dữ, một đồng hương Hà Bắc là Đồng Duy Điệp đã hốt hoảng vác khẩu AK phòng thân, chạy thục mạng đến bệnh xá nơi Đỗ Thành Ý đang “yên nghỉ”. Đồng Duy Điệp quê Nghĩa Hòa (huyện Lạng Giang trước đây) là thầy giáo cấp 2, đang dạy học ở Lục Ngạn thì xung phong vào chiến trường miền Nam năm 1969.
Vừa nhìn thấy đồng hương nằm bất động, Đồng Duy Điệp òa khóc. Nhưng linh tính mách bảo, Điệp sờ trán thì thấy vẫn còn âm ấm, vội hộc tốc chạy đến bệnh xá gào lên: “Người ta còn sống sao đã định mang đi chôn?”. Bệnh xá trưởng và cán bộ quân y lại tức tốc vác cáng khiêng bệnh nhân trở về, tiếp tục điều trị.
Nhờ được điều trị tích cực, bệnh nhân đã hồi dần, hồi dần. Khi tỉnh dậy, mở mắt, Đỗ Thành Ý bắt gặp bàn tay ấm nóng của đồng hương Đồng Duy Điệp. Điệp reo lên sung sướng: “Sống rồi, sống rồi! Cậu phải sống. Mẹ cậu, vợ cùng con trai Đỗ Quyết Thắng đang mong tin cậu đấy…”
Những ngày đồng đội đau yếu, Đồng Duy Điệp luôn bên cạnh, tự tay nấu món chè đậu xanh bằng đường thốt nốt, thứ đặc sản miền Đông Nam Bộ mà Đỗ Thành Ý rất thích. Bằng nghị lực ghê gớm, sau 1 tuần bồi dưỡng, Đỗ Thành Ý đã đủ sức cùng Đồng Duy Điệp cuốc bộ 2 tiếng đường rừng trở về đơn vị.
Cõng con trai đồng hương từ Nam ra Bắc
Sáng sớm 30/4/1975, từ Trung ương Cục miền Nam, Đỗ Thành Ý nhận lệnh cùng đồng đội ngồi trên chiếc xe giải phóng ở biên giới Việt - Miên (tỉnh Tây Ninh) tiến về Sài Gòn lúc 12 giờ trưa, sau đó tham gia Ủy ban quân quản thành phố Sài Gòn – Gia Định. Vì là cử nhân Vật lý, Đỗ Thành Ý và một số đồng đội được phân công tiếp quản tòa đại sứ Đại Hàn (Hàn Quốc), Bộ Kỹ nghệ thương mại, Bộ Văn hóa, Giáo dục và Thanh niên… Đầu tháng 5, được bổ sung tiếp quản khu kỹ nghệ Biên Hòa.

Cựu Hiệu trưởng Đỗ Thành Ý thăm lại Trường THPT Hàn Thuyên, nơi ông có 20 năm làm Hiệu trưởng, từ 1981 đến năm 2000.
Từ đầu tháng 7/1975, thầy giáo Đỗ Thành Ý được phân công làm việc tại văn phòng Bộ Giáo dục phía Nam, xuống nhiều trường hướng dẫn chuẩn bị khai giảng năm học đầu tiên sau giải phóng. Tháng 12 năm ấy, được về phép, ông nhớ mãi cảnh “tăng bo” từ Nam ra Bắc mất hơn chục ngày đường, cả đi xe và đi bộ, trên lưng cõng 1 cháu bé ba tuổi là con trai Đồng Duy Điệp. Cháu bé ấy tên là Đồng Duy Trường, nay chững chạc vị thế chuyên viên cao cấp ở Bộ Y tế. Cuối năm 1976, thầy Ý chuyển ngành, về lại trường THPT Hàn Thuyên (tỉnh Bắc Ninh cũ); năm 1977 lên hiệu phó và từ năm 1981 làm hiệu trưởng một mạch cho đến khi nghỉ hưu năm 2000.
Một cuộc hội ngộ bất ngờ khi mới đây, Sở GD&ĐT chọn 5 nhà giáo tỉnh Bắc Ninh mới đi B trước năm 1975 tham dự lễ tri ân của Bộ tại Hà Nội vào tháng 8 tới. Trong danh sách 5 nhà giáo - chiến sĩ, có vị hiệu trưởng trứ danh Đỗ Thành Ý, trưởng Ban liên lạc các nhà giáo đi B tỉnh Bắc Ninh (cũ) và ân nhân của ông, nhà giáo - chiến sĩ Đồng Duy Điệp. Ở tuổi gần đất xa trời, các ông được gặp nhau mừng mừng tủi tủi, những câu chuyện năm xưa lại nối dài chẳng dứt.
Trân trọng trước tình cảm 2 nhà giáo – chiến sĩ, các con ông Đồng Duy Điệp đã để bố ngủ tại nhà ông Đỗ Thành Ý mấy ngày cho hai ông hàn huyên, cùng sống lại những kỷ niệm oanh liệt thời trai trẻ, như là thứ động lực tiếp sức để tới đây, các ông thêm hào hứng và đủ sức khỏe ra Hà Nội dự buổi lễ tri ân. Biết đâu, sau mấy đêm hàn huyên tâm sự, các ông lại có nhiều chuyện để kể, để nói, để giáo dục truyền thống cho lớp hậu sinh về một thời hoa lửa…