Chuyện về những hồng nhan đa truân

Trong lịch sử Việt Nam thời phong kiến, không thiếu những người phụ nữ sinh ra trong thân phận cao sang, quyền quý, nhưng vì sóng gió cuộc đời mà lại có những kết cục đáng buồn. Dù chỉ được ghi lại vài dòng ít ỏi trong bộ sử ký đồ sộ ở Việt Nam, nhưng họ vẫn để lại cho hậu thế nhiều suy ngẫm…

Thân phận người phụ nữ Việt Nam thời phong kiến nhỏ bé, đầy bất công.

Thân phận người phụ nữ Việt Nam thời phong kiến nhỏ bé, đầy bất công.

Thân em như tấm lụa đào

Hơn một nghìn năm của thời kỳ phong kiến ở Việt Nam, người phụ nữ có thân phận nhỏ bé, bất công trong chế độ phụ quyền. Dù được sinh ra ở gia đình nông dân, hay quan lại, vương hầu, quý tộc họ cũng chỉ là những người không có quyền tự do, một “món hàng” đến tuổi đem đi bán, gả. Ở trong cung thất, dù là công chúa, quận chúa, thậm chí là đế vương, các nàng cũng là “công cụ” phục vụ cho lợi ích chính trị của các vương triều.

Đó là câu chuyện của những người phụ nữ như vị Vua Lý Chiêu Hoàng thời nhà Lý, Công chúa An Tư, Huyền Trân thời nhà Trần, Công chúa Ngọc Hân thời Quang Trung - Nguyễn Huệ. Lý Chiêu Hoàng sinh năm 1218, từ một cuộc hôn nhân không tình yêu giữa mẹ là bà Trần Thị Dung và Vua Lý Huệ Tông. Năm Giáp Thân, Kiến Gia năm thứ 14 (tức năm 1224), Lý Huệ Tông lập nàng làm Hoàng Thái Tử, tôn hiệu Chiêu Hoàng. Chỉ một năm sau đó, dưới sự sắp xếp của gia tộc họ Trần, đứng đầu là Trần Thủ Độ, nàng đã phải lấy chồng là Trần Cảnh, sau chính là Vua Trần Thái Tông.

Cuộc đời sóng gió của nàng bắt đầu từ đây, khi Lý Chiêu Hoàng liên tục trở thành “quân cờ” chính trị của nhà Trần. Sau khi thành hôn với Trần Thái Tông, sử sách đặt ra nghi vấn nàng sinh được một người con là Thái tử Trần Trịnh, nhưng vừa sinh ra đã qua đời. Trong sách Toàn thư, Thái tử Trịnh không được ghi năm sinh mà chỉ ghi “hôm ấy mất”, Ngô Sĩ Liên cho rằng “vừa sinh ra đã mất”, nhưng sử sách không nói rõ có phải là con của Lý Chiêu Hoàng hay không. Năm 1237, sau 10 năm chung sống với Vua Trần Thái Tông, cả hai người vẫn không thể có con. Vì vậy, Lý Chiêu Hoàng và Trần Thái Tông bị ép phải bỏ nhau, mặc cho sự phản đối quyết liệt của vị vua trẻ, Lý Chiêu Hoàng vẫn bị giáng xuống thành công chúa. Chị gái ruột của nàng đang mang thai ba tháng với chồng, bị bắt phải trở thành người vợ kế tiếp của Vua Thái Tông.

Không chỉ có Lý Chiêu Hoàng chịu số phận là quân cờ chính trị, đến những công chúa được sinh ra trong thời kỳ thịnh trị như An Tư Công chúa thời Trần Thánh Tông (1258 - 1278) và Huyền Trân Công chúa thời Trần Anh Tông (1293 -1314) cũng phải chịu bi kịch số phận của người phụ nữ thời kỳ phong kiến. Cả hai nàng công chúa đều có những mối liên hôn ảnh hưởng mạnh mẽ đến chính trị đương thời của nhà Trần. An Tư Công chúa trưởng thành trong thời kỳ quân Nguyên Mông lớn mạnh và quyết tâm xâm lược An Nam (năm 1285). Trước tổn thất của quân An Nam và thế địch quá mạnh, Trần Thánh Tông đã phải dâng lên Thoát Hoan cô em gái út là An Tư Công chúa. Nhờ có mối liên hôn này, nhà Trần đã có cơ hội củng cố lực lượng và phản công, nhanh chóng giành thắng lợi, quân Nguyên Mông đại bại. Trấn Nam vương Thoát Hoan, con trai của Hốt Tất Liệt đã phải “chui vào cái ống đồng để lên xe bắt quân kéo chạy” và phương Bắc.

Chỉ sau đó khoảng 20 năm, Công chúa Huyền Trân - em gái của Vua Trần Anh Tông cũng chịu số phận hòa thân nơi xứ người. Trong một lần tuần du, Thượng Hoàng Trần Nhân Tông đã hứa với Vua Chiêm Thành là Chế Mân sẽ gả cô con gái xinh đẹp của mình để đổi lấy hai châu Ô. Công chúa Huyền Trân vì vậy phải lấy người chồng xa lạ. Huyền Trân về Chiêm Thành, được phong làm Hoàng hậu Paramecvari, một năm sau đó, khi Hoàng hậu người Đại Việt vừa sinh xong hoàng tử, thì tháng 5 năm 1307, Quốc vương Chế Mân qua đời, Chiêm Thành có tục lệ, khi người chồng mất, phụ nữ phải tuẫn táng theo. Biết được việc này, anh trai nàng là Trần Anh Tông đã cho người đến cứu Huyền Trân về.

Những cái kết còn bỏ ngỏ

Trong số bốn nàng công chúa gián tiếp ảnh hưởng mạnh mẽ đến chính trị của các triều đại, chỉ có duy nhất Ngọc Hân Công chúa được sử sách ghi rõ về cuộc đời và kết thúc tang thương của nàng. Sinh ra trong gia đình vương tộc đã hết thời, nàng kết hôn với Vua Quang Trung vì quyền lực và chính trị vào năm 17 tuổi, trong khi Vua đã 33 tuổi. Cả cuộc đời, nàng được Nhà Vua yêu thương, sủng ái. Nhưng khi Vua Quang Trung mất, Công chúa Ngọc Hân mất hết quyền lực và cùng con sống ở ngoài cung. Nàng mất năm 29 tuổi, sau đó, các con của nàng cũng qua đời khi còn là những đứa trẻ.

Khác với Ngọc Hân Công chúa, Lý Chiêu Hoàng mặc dù là vị hoàng hậu, công chúa, nữ hoàng, nhưng lại có một kết cục vẫn đang được tiếp tục được lý giải. Hai mươi năm sau ngày bị phế truất, sử sách không còn đề cập đến cái tên Lý Chiêu Hoàng, chỉ đến sau năm 1258, khi nàng tái giá lấy Lê Phụ Trần, một viên tướng có công cứu giúp Thái Tông. Hai người sống với nhau hơn 20 năm và sinh được một trai là Thượng vị hầu Lê Tông và một gái, Ứng Thụy Công chúa Ngọc Khuê.

Học giả Lê Thái Dũng trong cuốn “Lý Chiêu Hoàng - Một đời sóng gió” có ghi lại một tương truyền rằng trước khi qua đời, Lý Chiêu Hoàng đã về thăm quê Cổ Pháp (Bắc Ninh) và mất tại đó. Khi mất, tóc nàng vẫn đen nhánh, môi đỏ như son, má vẫn tươi như hoa đào. Trong cuốn sách đã đặt ra giả thiết đặt ra, liệu người phụ nữ lấy Lê Phụ Trần có phải là Lý Chiêu Hoàng hay không? Nhưng tất cả vẫn đang là một câu hỏi còn để ngỏ. Ngay cả nơi an táng của Lý Chiêu Hoàng cũng không rõ, dân gian chỉ truyền miệng nơi nàng qua đời được cho là ở Bắc Ninh, tại đây vẫn còn dòng ca dao trách cứ Trần Thái Tông “Trách người quân tử bạc tình/Chơi hoa rồi lại bẻ cành bán rao”.

Còn đối với Công chúa An Tư và Công chúa Huyền Trân thời nhà Trần, kết cục của cả hai người phụ nữ này vẫn là một dấu hỏi lớn trong lịch sử. Sử sách không đề cập đến việc khi quân An Nam giành thắng lợi, Công chúa An Tư đã đi về đâu. Có thể nàng đã mất trong biến loạn, cũng có thể quay về nhà Trần hoặc đi theo Thoát Hoan. Chỉ biết, sau chiến thắng, hoàng tộc Trần làm lễ tế lăng miếu, khen thưởng công thần, nhưng không ai nói đến An Tư Công chúa. Trong cuốn An Nam chí lược của Lê Tắc, một thuộc hạ của Trần Kiện theo chủ chạy sang nhà Nguyên, sống lưu vong ở Trung Quốc có ghi: “Trước, Thái tử (chỉ Thoát Hoan) lấy người con gái nhà Trần sinh được hai con”. Người con gái họ Trần này có thể là Công chúa An Tư, tuy nhiên chưa có chứng cứ rõ ràng khẳng định điều này.

Còn về phía Huyền Trân Công chúa, nàng không chỉ được các nhà nghiên cứu lịch sử Việt Nam quan tâm, mà theo Tiến sĩ Po Dharma - một nhà nghiên cứu lịch sử và văn minh Chăm Pa, việc giải cứu Công chúa Huyền Trân chỉ là cái cớ của Vua Trần Anh Tông, vì việc hỏa táng phải diễn ra trong bảy ngày do khí hậu nhiệt đới không thể bảo quản thi thể, nên tin tức đến An Nam thì đã muộn. Và việc hỏa thiêu theo chồng cũng đang còn câu hỏi liệu nó có thực ở Chăm Pa hay không? Còn theo câu chuyện truyền miệng của dân gian, Công chúa Huyền Trân đã có một mối tình đẹp với người cứu mình là Trần Khắc Chung khi lênh đênh trên thuyền về An Nam. Tuy nhiên, dã sử và thần tích tại đền thờ của bà, sau khi bà trở về Thăng Long thì theo di mệnh của Thái Thượng hoàng, công chúa xuất gia ở núi Trâu Sơn (nay thuộc Bắc Ninh).

Thực tế, lịch sử ghi lại câu chuyện của những công chúa, nữ hoàng kể trên vì họ có vai trò quan trọng trong thời kỳ lịch sử lúc bấy giờ. Đến khi hết “nhiệm vụ” về chính trị, các nàng bị lãng quên ra khỏi những trang viết chính sử. Câu chuyện của Lý Chiêu Hoàng, An Tư Công chúa, Huyền Trân Công chúa và cả Ngọc Hân Công chúa chỉ còn là những lời truyền miệng trong dân gian, thần tích. Nhưng thế hệ sau vẫn luôn thương tiếc, nhớ về những người phụ nữ đa truân ấy.

Lưu bút của bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam lưu tại điện thờ Huyền Trân Công chúa ở Huế: “Có những vấn đề của phụ nữ phải được giải quyết từ quốc gia, có những vấn đề của quốc gia phải giải quyết từ người phụ nữ”.

Diệp An (tổng hợp)

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/chuyen-ve-nhung-hong-nhan-da-truan-post483666.html