Chuyện về những nhà sư là liệt sĩ

Trải qua các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc, đã có hàng vạn người con thân yêu của Hưng Yên hiến dâng xương máu vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Trong số đó có những liệt sỹ khoác áo cà sa. Những tấm gương bất khuất cao cả ấy mãi mãi được lịch sử và nhân dân ghi tạc và tôn vinh…

Chiến tranh đã lùi xa, kể lại những hy sinh mất mát của thế hệ cha ông không phải khơi lại nỗi đau, gợi lên hận thù mà là để thế hệ trẻ thêm quý trọng nền hòa bình, độc lập đang có, mãi mãi tri ân người đã ngã xuống cho cuộc sống hôm nay. Hơn nửa thế kỷ đã qua kể từ ngày nhà sư, đảng viên, liệt sỹ Thích Thanh Mùi (có tên thật là Đào Thanh Mùi) hy sinh vì Tổ quốc, người dân vùng ngoại bối sông Hồng vẫn nhắc nhớ với lòng tôn kính, tự hào.

Hiện nay, tòa tháp là nơi yên nghỉ của nhà sư, liệt sĩ Thích Thanh Mùi nằm tĩnh mịch dưới bóng mát của hai cây nhãn cổ thụ trong khuôn viên chùa Phù Sa, xã Đại Tập (Khoái Châu). Mùa nhãn chín nữa đã về! Tán cây xanh thanh bình như nơi đây chưa từng có khói lửa, bom đạn giặc trút xuống. Từng chùm quả mọng trĩu cành, chim chóc ríu rít với vờn quanh đôi cây nhãn cổ được cho là đã trồng từ lúc khởi công xây dựng chùa - có tuổi gần hai thế kỷ... Vãn cảnh chùa, chúng tôi được nghe kể về tinh thần bất khuất, luôn đề cao chân lý "việc đạo không rời việc đời" sẵn lòng “Cởi áo cà sa khoác chiến bào” của vị sư già.

Qua lời kể và hồ sơ liệt sỹ, sư cụ Thích Thanh Mùi xuất gia mà không xuất thế. Đau lòng trước cảnh mất nước, người dân đói khổ lầm than, sư Mùi đã giác ngộ và tích cực tham gia hoạt động cách mạng. Cuối năm 1949, sư Mùi được Hội Phật giáo Cứu quốc tỉnh cử về chùa Phù Sa, xã Đại Tập (Khoái Châu) vừa để hoạt động cách mạng vừa lãnh đạo Hội Phật giáo cứu quốc huyện.

Nhà sư đã được cán bộ và nhân dân Đại Tập nuôi giấu, bảo vệ bí mật tại cơ sở chùa Phù Sa. Nhưng rồi dần dần giặc Pháp cũng “đánh hơi” được hoạt động của sư cụ. Chi bộ lúc bấy giờ đang chuẩn bị để sư cụ ra hoạt động công khai thì đến tháng 10.1950 giặc Pháp càn, bao vây chùa, tra khảo chú tiểu và đã bắt được sư cụ Mùi tại hầm bí mật trong chùa.

Kẻ thù dùng nhiều hình thức tra tấn dã man tàn độc suốt cả một ngày nhưng sư cụ bình thản một mực không khai báo, vẫn tụng kinh niệm Phật. Không khai thác được gì, giặc đã điên cuồng bắn chết sư cụ ngay gần chùa, trước đông đảo nhân dân. Chứng kiến sự can đảm, anh dũng ấy, nhân dân trong vùng càng thêm tôn kính tấm gương lẫm liệt hy sinh của sư cụ Thích Thanh Mùi và căm thù quân xâm lược. Thi hài cụ được cán bộ, nhân dân chôn cất ở nghĩa trang gần chùa, sau này đưa di cốt về chùa yên vị.

Sau năm 1954, qua xác nhận hồ sơ của sư cụ Thích Thanh Mùi do những cán bộ cùng hoạt động với nhà sư hiện còn sống và nghỉ hưu tại xóm gần chùa, sư cụ Thích Thanh Mùi được Nhà nước truy tặng là liệt sỹ, Bằng Tổ quốc ghi công rước về thờ tại chùa…

Nằm ẩn mình bên những tán cây cổ thụ giống như bất cứ ngôi chùa Việt nào ở đồng bằng Bắc Bộ, nhưng chùa Thốp, xã Đông Kết (Khoái Châu) còn phối thờ bức tượng đặc biệt, tạc một nhà tu hành và cũng là một liệt sỹ đầy khí phách.

Theo hồ sơ liệt sỹ và tài liệu của Giáo hội Phật giáo tỉnh Hưng Yên, sư thầy Đỗ Thị Tín sinh năm 1907 ở xã Đông Kết, một vùng quê nghèo. Đau buồn trước sự bất công của xã hội đương thời, cô Tín gửi tuổi xuân cửa từ bi, ngày ngày ăn chay, niệm Phật mong cứu khổ cho dân lành. Giặc giã và nạn đói năm Ất Dậu 1945 đã cướp đi gần 300 sinh mạng thuộc tổng Đông Kết. Riêng gia đình sư Tín chỉ còn sống sót vài chị em gái.

Sau đó, sư Tín được giác ngộ cách mạng, trở thành đảng viên và tích cực tham gia hoạt động trong giai đoạn cam go của cách mạng. Khi giặc Pháp đánh chiếm nam Hưng Yên người ta thấy có thời điểm sư Tín trụ trì chùa Phượng Lâu, xã Ngọc Thanh (Kim Động), lúc lại chuyển về trụ trì chùa Đại Quan, xã Đại Hưng (Khoái Châu)…

Nếu không có những tên phản bội chỉ điểm, bọn giặc không thể nào ngờ được vị ni sư gầy gò, mảnh mai ấy lại là một đảng viên kiên trung. Ngày 1 tháng Chạp năm Kỷ Sửu (1949), sau khi làm việc xong với một cơ sở bí mật tại xã Đông Kết trở ra đến cổng đình làng, sư Tín bị một tên chỉ điểm ở Đông Kết dẫn lính đồn Lạc Thủy về vây bắt. Mặc dù không bắt được tang vật trên người sư Tín nhưng bọn giặc vẫn đánh đập tàn ác đối với nhà sư ngay giữa đường, bất chấp sự phẫn nộ của nhân dân.

Chúng đưa sư Tín về đồn Lạc Thủy, dùng mọi cực hình tra tấn dã man 6 ngày đêm liền, nhưng không khai thác được gì ngoài hồ sơ chỉ điểm “Sư Tín là một đảng viên kỳ cựu người làng Đông Kết”. Biết không khuất phục được, ngày 6 tháng chạp năm đó bọn giặc hèn hạ thủ tiêu nhà sư Đỗ Thị Tín tại sông Hồng đoạn thuộc địa phận giáp ranh hai xã: Đông Ninh - Đại Tập (Khoái Châu). Năm ấy sư Tín 42 tuổi.

Uống nước nhớ nguồn, nhân Ngày thương binh, liệt sỹ 27.7.1993, được Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện và Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Khoái Châu cho phép, Hội tình thân Đông Kết đã tạc tượng nhà sư - liệt sỹ Đỗ Thị Tín, cung kính rước cả huân chương về thờ tại chùa Thốp...

Hy sinh vì nước, vì dân, các nhà sư giữ tròn khí tiết “vì nước quên thân hiến máu đào”, góp phần tô thắm thêm truyền thống anh hùng của quê hương xứ Nhãn…

M.H

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/xa-hoi/202107/chuyen-ve-nhung-nha-su-la-liet-si-f8a419d/