Chuyện về những thầy cô đáng kính

Suốt 12 năm qua, thầy giáo cao 1,1m đã gieo mầm cho nhiều lớp học trò về giá trị của việc học tập để trở thành người có ích. Hay như cô giáo ở bản làng xa xôi của tỉnh Điện Biên với hành trình 'nuôi em' hàng tháng... Họ thực sự là những tấm gương sáng, lặng thầm, bền bỉ với sự nghiệp trồng người.

Trong chương trình Thay lời tri ân 2022 - "Cây đời trăm năm", thông qua những hình ảnh, câu chuyện dạy học xúc động, đáng khâm phục về những thầy cô hết lòng về học trò thân yêu, chương trình như một lời tri ân gửi tới các thế hệ nhà giáo dịp 20/11.

Điểm chung trong những câu chuyện được các thầy cô chia sẻ trong chương trình năm nay là mỗi thầy cô không chỉ dừng lại ở người truyền dạy kiến thức mà còn là người đồng hành, thấu hiểu trên mỗi hành trình của học trò.

Nghị lực phi thường của thầy giáo cao 1,1m

Do bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam, từ khi sinh ra, thầy Chu Quang Đức - Giáo viên Trường THPT Mê Linh, Hà Nội rất nhỏ bé. Thầy không đi lại được và phải ngồi xe lăn.

Nhận thấy sự ham học và ý chí quyết tâm của con, dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, song ông Chu Quang Chiến - bố thầy giáo Đức luôn động viên con. Ông đưa con đi học hằng ngày bằng chiếc xe đạp cũ suốt những năm tháng tiểu học.

Hành trình ấy lại tiếp tục, khi con trai ông học lên cấp trung học cơ sở, rồi đến trung học phổ thông. Nhờ sự yêu thương của gia đình và nghị lực vươn lên, thầy Đức đã tốt nghiệp khoa Toán Tin, Trường Đại học Sư phạm - Hà Nội 2 năm 2009.

Thầy Chu Quang Đức.

Thầy Chu Quang Đức.

Thành quả của thầy giáo Đức ngày hôm nay, ngoài nỗ lực của bản thân còn là sự hy sinh, tình yêu thương vô bờ bến của cha mẹ. "Đức đã đến trường bằng đôi chân của tôi. Có những ngày, Đức học trên tầng 6 của trường Đại học Sư phạm, chính tôi đã bế con lên rồi lại đón con về", ông Chu Quang Chiến - bố thầy giáo Đức chia sẻ.

Sau khi tốt nghiệp đại học, thầy Đức về công tác giảng dạy tại chính ngôi trường năm xưa từng theo học cấp ba - Trường THPT Mê Linh Hà Nội từ năm 2010 đến nay. Suốt 12 năm qua, thầy giáo cao 1,1m đã gieo mầm cho nhiều lớp học trò về giá trị của việc học tập để trở thành người có ích. Theo thầy, mỗi học sinh có khả năng tiếp thu kiến thức khác nhau, một hoàn cảnh sống khác nhau và tính cách riêng. Nhiều em không thích học hay quậy phá, thầy không những không ghét mà còn tìm cách tiếp cận, trò chuyện với từng em, để hiểu những khúc mắc và tìm cách tháo gỡ.

Thầy Đức chia sẻ: "Mong ước của tôi là sống trở thành người có ích cho xã hội, đất nước này. Tôi tự hào là người Việt Nam. Điều hạnh phúc nhất của tôi là hàng ngày được tiếp xúc và luôn truyền nguồn năng lượng cho học sinh, được học sinh truyền năng lượng cho mình. Được tương tác 2 chiều đấy tôi luôn trẻ, luôn khỏe và không bao giờ hối hận khi chọn con đường này".

Thầy Đức hiện là giáo viên Trường THPT Mê Linh, Hà Nội.

Thầy Đức hiện là giáo viên Trường THPT Mê Linh, Hà Nội.

Cô giáo vùng cao quyên góp sách vở, nuôi học trò nghèo

Đó là câu chuyện "nuôi em" của cô giáo Nguyễn Thị Hà, Trường THPT Phan Đình Giót, tỉnh Điện Biên. Nhiều năm liền được nhà trường phân công đi tuyển sinh ở các bản vùng sâu vùng xa như Điện Biên Đông, Tủa Chùa, Mường Nhé, Nậm Pồ; chứng kiến các hoàn cảnh khó khăn, những mảnh đời vô cùng éo le mà nếu không có sự hỗ trợ thì cuộc đời của các em ấy sẽ rẽ sang ngã rẽ khác, không có tương lai, cô Hà đã bắt đầu hành trình "nuôi em" hàng tháng.

Nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn nhờ hành trình của cô Hà đã nuôi ăn, nuôi học và đã trưởng thành. Chia sẻ về việc làm của mình trong chương trình, cô Hà bộc bạch: Sau mỗi hỗ trợ cho các hoàn cảnh khó khăn lòng mình lại thấy thanh thản, an vui và hạnh phúc. Và đây chính là những động lực thôi thúc cô trên hành trình "nuôi em" hàng tháng.

Cô Nguyễn Thị Hà xúc động khi gặp học trò trong chương trình Thay lời tri ân.

Cô Nguyễn Thị Hà xúc động khi gặp học trò trong chương trình Thay lời tri ân.

Em Giàng A Say, học sinh Trường THPT Phan Đình Giót chia sẻ: "Bố em mất hồi còn bé, mẹ em bỏ đi sau đó. Cô Hà biết hoàn cảnh và đón em về. Lúc mới về cô rất quan tâm, hỏi han. Cô là người đầu tiên tặng cho em áo ấm mùa đông, mua sách đi học chăm sóc em như con cái. Cô Hà là người hiền dịu, luôn yêu thương học sinh miền núi. Cô đã đỡ đầu cho nhiều học sinh khó khăn như em".

Hay câu chuyện của cô giáo Đỗ Thùy Quyên (36 tuổi, sinh ra và lớn lên tại tỉnh Yên Bái) đã có 17 năm gắn bó với nghề giáo trên vai trò là giáo viên mầm non. Trong đó cô dành nhiều thời gian với trẻ em Trường Mầm non xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, một trong những khu vực đặc biệt khó khăn của tỉnh Yên Bái.

Từ năm 2018, khi tham gia Cộng đồng Giáo viên sáng tạo Việt Nam của Microsoft, cô Quyên có cơ hội giao lưu, học hỏi từ đồng nghiệp trên mọi miền tổ quốc. Cô giáo đã ứng dụng công cụ Skype mở lớp học "xuyên biên giới". Thông qua Skype, cô Quyên kết nối lớp học của mình với lớp học của các thầy cô giáo khác tại Việt Nam và ở nước ngoài.

Nỗ lực không ngừng nghỉ của cô Quyên cùng với sự hỗ trợ nhiệt tình từ mọi người xung quanh đã giúp những đứa trẻ vùng cao trở nên tự tin và mở lòng hơn với cô giáo. Để giờ đây, từ một giáo viên người Kinh lên xã Suối Giàng công tác, cô Quyên đã trở thành "người mẹ thứ 2" của những đứa trẻ người Mông.

Đỗ Vi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chuyen-ve-nhung-thay-co-giao-dang-kinh-169221119120221992.htm