Chuyện về những vũ công

Những diễn viên múa của Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng đã cống hiến cả thanh xuân của mình cho niềm đam mê với những vũ điệu đẹp. Lựa chọn nghề múa trên con đường sự nghiệp, mỗi người đều chấp nhận đối diện với những khó khăn để góp phần làm đẹp cho xã hội.

Sau ánh đèn sân khấu

“Chúng tôi đến với nghề múa là cái duyên, nhưng để sống và theo đuổi được với nghề này đó là đam mê. Nếu không có tình yêu và đam mê đủ lớn thì sẽ rất khó gắn bó lâu dài với nghề này”, Nguyễn Anh Tuấn - diễn viên múa của Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng mở đầu câu chuyện với chúng tôi. Bước vào nghề từ năm 2009, Anh Tuấn cũng như rất nhiều diễn viên múa khác của Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng đã dành hết tuổi trẻ tươi đẹp cho niềm yêu thích bộ môn nghệ thuật này. Sinh ra và lớn lên tại huyện Nghĩa Đàn (tỉnh Nghệ An), Anh Tuấn đến với bộ môn múa từ sự tình cờ khi có người quen giới thiệu vào học ở Trường Cao đẳng Múa Việt Nam (nay là Học viện Múa Việt Nam) vì thấy gương mặt sáng sân khấu. Suốt những năm học tập ở trường, không ít lần anh cảm thấy hoài nghi, áp lực về tương lai của bản thân với công việc này. Chỉ đến khi bước chân vào Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng, chàng trai sinh năm 1989 mới dần vỡ lẽ nghề múa là như thế nào và cần phải làm gì để gắn bó với nghề. “Cá nhân tôi có một món nợ ân tình với Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng. Vậy nên, dù sau này sự nghiệp có những bước phát triển và nhận được những lời mời từ các đoàn nghệ thuật khác, nhưng tôi vẫn chọn ở lại để có thể làm được một điều gì đó góp phần xây dựng đoàn ngày càng phát triển”, anh chia sẻ.

Tiết mục do các diễn viên múa Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng biểu diễn.

Tiết mục do các diễn viên múa Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng biểu diễn.

Từng có nhiều năm theo dõi, làm việc với các diễn viên múa của Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng, chúng tôi cũng biết thêm nhiều câu chuyện nghề của mỗi người. Đứng trước khán giả, họ rực rỡ, lung linh, uyển chuyển, duyên dáng và thăng hoa trong những vũ điệu. Nhưng sau ánh đèn sân khấu, mỗi người lại trở về với cuộc sống của chính mình, đối diện với những bài toán mưu sinh thường nhật. Bùi Tiến Nam - chàng trai quê Yên Bái vốn sinh ra trong một gia đình yêu nghệ thuật, đã gắn bó với đoàn được 14 năm. Sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Múa Việt Nam năm 2009, Tiến Nam đã nam tiến vào TP. Đà Lạt để tìm kiếm cơ hội cho mình ở một công ty tổ chức sự kiện. Nhưng chỉ sau một năm, anh đã xuống phố biển Nha Trang và tìm được công việc phù hợp với sở thích, chuyên môn của mình. “Tôi chọn nghề múa vì muốn làm vui lòng người thân trong gia đình. Nhưng tôi sống được với nghề là do bản thân đã thực sự nghiêm túc cống hiến hết mình cho bộ môn nghệ thuật này. Nghề múa đòi hỏi phải có thể lực, trí tuệ để có thể thực hiện được các động tác vũ đạo; nhớ, hiểu và cảm nhận được những ý tưởng, nhịp điệu trong từng tác phẩm, tiết mục cụ thể”, anh cho biết.

Vất vả, khổ luyện của nghề múa là điều ai cũng biết, nhưng không phải ai cũng hiểu và thông cảm với họ. Khi một chương trình ca múa nhạc được dàn dựng, người diễn viên múa gần như phải tham gia tập luyện trực tiếp từ những ngày đầu tiên cho đến khi chương trình đó được biểu diễn xong. Tùy thuộc quy mô của từng chương trình mà khoảng thời gian tập luyện, biểu diễn kéo dài hay ngắn. “Điều diễn viên múa sợ nhất chính là chấn thương cơ thể. Bản thân tôi cũng đã từng bị đứt dây chằng đầu gối”, diễn viên múa Hà Văn Hảo chia sẻ. Còn nữ diễn viên múa Nguyễn Lê Xuân Nhi với hơn 10 năm gắn bó với đoàn cũng không ít lần gặp những tai nạn nghề nghiệp trong khi tập luyện, biểu diễn. Những chấn thương đã khiến Xuân Nhi có lúc cảm thấy sợ độ cao, không dám thực hiện các động tác khó. Nhưng tình yêu nghề đã giúp cô vượt qua được những nỗi ám ảnh của bản thân để trở thành một trong những diễn viên múa xuất sắc của Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng.

Phát triển thành những biên đạo trẻ

Trong chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 100 năm xây dựng và phát triển TP. Nha Trang (1924 - 2024) và 15 năm Nha Trang được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh (2009 - 2024) sẽ diễn ra vào tối 2-4, chúng tôi thấy sự xuất hiện của 2 diễn viên múa Nguyễn Anh Tuấn và Nguyễn Lê Xuân Nhi trong ê-kíp biên đạo múa. Với những ai theo dõi hành trình của 2 diễn viên sẽ không bất ngờ trước sự trưởng thành đáng ghi nhận này. Ông Ái Quốc - Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng cho biết, hiện tại, đoàn đã xây dựng được một đội ngũ biên đạo múa trẻ trung, tài năng và tâm huyết. Những gương mặt như: Nguyễn Anh Tuấn, Bùi Tiến Nam, Hà Văn Hảo, Nguyễn Lê Xuân Nhi không chỉ là những diễn viên múa giỏi nghề mà khi chuyển qua làm biên đạo cũng dần khẳng định được năng lực của mình. Các em tuy không được đào tạo bài bản về biên đạo múa, nhưng qua quá trình làm nghề lâu năm, mỗi người đã tự tích lũy cho mình vốn kinh nghiệm, kỹ năng nghề nghiệp cần thiết. Từ việc dàn dựng những chương trình có quy mô nhỏ cho các trường học, cơ quan, đơn vị, địa phương để tham gia liên hoan, hội diễn nghệ thuật không chuyên các cấp, mỗi em đã tự trau dồi, rèn luyện thêm trình độ của bản thân. Đáng chú ý, những biên đạo múa trẻ này dám nghĩ, dám hiện thực hóa những ý tưởng mới trong tác phẩm của mình. Chính vì thế, khi xem các tiết mục do các em dàn dựng đều có những nét riêng và rất hợp với thị hiếu của khán giả.

Diễn viên, biên đạo múa Nguyễn Anh Tuấn.

Diễn viên, biên đạo múa Nguyễn Anh Tuấn.

Diễn viên, biên đạo múa Nguyễn Lê Xuân Nhi.

Diễn viên, biên đạo múa Nguyễn Lê Xuân Nhi.

Năng lực biên đạo của mỗi người phần nào được khẳng định thông qua những thành tích đạt được. Chẳng hạn, biên đạo trẻ Nguyễn Lê Xuân Nhi từng dàn dựng những tiết mục đạt giải cao cho Đội văn nghệ quần chúng TP. Cam Ranh, Sư đoàn Phòng không 377… Với biên đạo múa Hà Văn Hảo, nhiều năm liền tại các hội diễn nghệ thuật quần chúng của tỉnh, liên hoan chiến sĩ hát và hát về chiến sĩ đều giành giải biên đạo múa xuất sắc. Anh cũng có những tiết mục dàn dựng đạt giải cao tại các hội diễn toàn quốc. Từ năm 2017 đến nay, lãnh đạo đoàn đã tạo điều kiện để anh tham gia dàn dựng một số tiết mục và để lại ấn tượng tốt với khán giả. Biên đạo múa Nguyễn Anh Tuấn trong những năm gần đây đã trở thành một biên đạo cứng của Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng. Trong rất nhiều chương trình, tên anh đã được đứng cùng với những biên đạo thế hệ đi trước như: Đức Hà, Ái Quốc, Nhật Hoàng… “Khi bắt tay biên đạo một tiết mục múa bất kỳ, chúng tôi đều có sự tìm hiểu kỹ lưỡng truyền thống, văn hóa, sở trường… của mỗi cơ quan, đơn vị, địa phương để từ đó xây dựng nội dung câu chuyện sao cho phù hợp nhất. Ngoài ra, người biên đạo múa còn phải biết được khả năng của từng người tham gia múa để có sự tính toán chuẩn xác. Hiện nay, múa dân gian đương đại là loại hình khá phổ biến bởi nó gần gũi, giúp khán giả dễ cảm nhận nội dung tiết mục. Chúng tôi mong muốn thông qua đây góp phần lan tỏa nét đẹp văn hóa của dân tộc”, anh Nguyễn Anh Tuấn cho biết.

Diễn viên, biên đạo múa Hà Văn Hảo.

Diễn viên, biên đạo múa Hà Văn Hảo.

Diễn viên, biên đạo múa Bùi Tiến Nam.

Diễn viên, biên đạo múa Bùi Tiến Nam.

Độ tuổi đẹp nhất của một diễn viên múa là từ 18 đến 25 tuổi, khi vừa đủ độ chín của nghề, sắc vóc, sức khỏe vừa đẹp. Vậy nhưng, ở Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng, đội múa với 9 thành viên đều trên 25 tuổi. Họ vừa phải hoàn thành nhiệm vụ của một diễn viên múa, đồng thời phải tự tìm hướng phát triển bản thân để có thể gắn bó lâu dài với nghề.

GIANG ĐÌNH

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202403/chuyen-ve-nhung-vu-cong-3b116e2/