Chuyện về nơi thờ tự 511 Anh hùng Liệt sĩ nhà báo
Chùa Da (Hưng Lộc, TP Vinh) là ngôi chùa cổ tuổi đời hàng trăm năm, nơi đây không chỉ thờ Phật, Chùa Da hiện còn là ngôi chùa duy nhất ở Việt Nam có ban thờ, thờ tự 511 Anh hùng là Liệt sĩ nhà báo hi sinh trong các cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc.
Hành trình từ trái tim
Đó là một hành trình dài đằng đẵng gần 20 năm với sự lao tâm, trăn trở, tâm huyết của nhà báo Văn Hiền, Trưởng Đại diện tạp chí Người làm báo khu vực Bắc Trung Bộ, nguyên Phó tổng biên tập Báo Nghệ An. Từ những tư liệu quý giá thu thập được trong hành trình gần 20 năm dài đằng đẵng từ Bắc chí Nam, nhà báo Văn Hiền đã lập được danh sách 511 liệt sĩ nhà báo hi sinh trong các cuộc chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ. Đến năm 2019, Bảo tàng Báo chí Cách mạng Việt Nam đã thẩm định và đưa vào tôn vinh danh sách 511 nhà báo liệt sĩ tại bảo tàng.
Điều đặc biệt, qua tìm hiểu, xác minh từ thông tin các anh hùng liệt sĩ nhà báo đã hi sinh, nhà báo Văn Hiền thấy rằng nhiều liệt sĩ không còn người thân thờ tự. Do đó nhà báo Văn Hiền đã liên hệ với Chùa Da (Chùa Âu Lạc) tại xã Hưng Lộc, TP Vinh, lập ban thờ, thờ tự đối với 511 anh hùng liệt sĩ nhà báo.
Xuất thân là chiến sĩ, nhưng nhà báo Văn Hiền lại bén duyên với nghề viết trên chiến trường. Từ năm 1969 - 1972, ông là phóng viên chiến trường ở Quảng Trị và nước bạn Lào. Trải qua những cuộc chiến đấu bảo vệ tổ quốc, là phóng viên chiến trường, hơn ai hết nhà báo Văn Hiền thấu cảm, hiểu nỗi đau mất mát, hi sinh, sự anh dũng, anh hùng của các chiến sĩ trên mặt trận thông tin. Trước nỗi đau mất mát, sự trăn trở trong lòng, từ năm 1995 nhà báo Văn Hiền bắt đầu tìm hiểu, xác minh và viết về các nhà báo cách mạng, những chiến sĩ nhà báo hi sinh trong các cuộc chiến bảo vệ tổ quốc.
Nói về hành trình này, nhà báo Văn Hiền cho biết, năm 1995 là dấu mốc về sự khởi đầu và nhà báo Vũ Hiến (báo Quân chủng Hải quân Việt Nam) và nhà báo Bùi Nguyên Khiết (báo Hoàng Liên Sơn) là hai liệt sĩ nhà báo từng học với ông tại Trường Tuyên giáo Trung ương, là hai nhân vật khởi đầu cho hành trình dài về những tư liệu quý giá của các liệt sĩ nhà báo từ Bắc chí Nam mà ông dày công tìm hiểu, thu thập.
Trải qua gần 20 năm đằng đẵng, với hàng trăm chuyến đi, nhà báo Văn Hiền đã tập hợp được hàng trăm câu chuyện, tư liệu quý giá về hàng trăm liệt sĩ nhà báo đã hi sinh trên các chiến trường. Từ những tư liệu quý giá ấy, nhà báo Văn Hiền gần như phục dựng lại đầy đủ chân dung các liệt sĩ nhà báo, phóng viên chiến trường đã anh dũng chiến đấu, hi sinh trên các mặt trận, trận chiến khốc liệt. Những anh hùng, liệt sĩ ấy vừa cầm bút, vừa cầm súng, xông pha giết giặc trên các chiến trường, vừa đưa tin vừa đánh giặc, bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của tổ quốc, vì sự độc lập, tự do, no ấm của nhân dân. Những anh hùng đến lúc hi sinh chiếc máy ảnh và họng súng vẫn hướng về kẻ thù. Những hình ảnh, tư liệu ấy càng khiến hành trình của nhà báo Vũ Hiền thêm động lực, thêm ý nghĩa, sự thiêng liêng. Để rồi bằng ý chí sắt đá của một người lính, một phóng viên chiến trường, với sự tâm huyết, sự kỳ công, trải qua bao khổ cực, nhà báo Văn Hiền đã có một kho lịch sử quý giá về 511 liệt sĩ nhà báo cũng như hoàn thành tâm nguyện lập được nơi thờ tự cho 511 anh linh anh hùng liệt sĩ nhà báo tại Chùa Âu Lạc.
Những chiến sĩ anh dũng trên mặt trận thông tin
Mỗi liệt sĩ là mỗi câu chuyện hết sức xúc động, nhà báo Văn Hiền đã gần như xác minh và vẽ lại đầy đủ, trọn vẹn chân dung về các anh hùng liệt sĩ nhà báo can trường, anh dũng trong những trận chiến khốc liệt với kẻ thu.
Đó là câu chuyện về liệt sĩ nhà báo Vũ Hiến quê Hải Phòng, hi sinh năm 1979 tại chiến trường Campuchia. Ngày 3/1/1979, Hải quân Vùng 5 nổ súng tấn công quân Pôn Pốt toàn mặt trận Tây Nam, sau khi giải phóng được cảng Kép, cảng Công Công, các cánh quân ào ạt bao vây ngã ba Va Lung - cửa ngõ dẫn vào Thủ đô Phnom Penh. Tại đây, địch tổ chức các điểm phòng ngự, chống trả quyết liệt, thời khắc đó nhag báo Vũ Hiến tham gia chiến đấu, đưa tin trên tháp pháo xe tăng của Trung đoàn 812, Sư đoàn 8. Trong trận chiến khốc liệt ấy nhà báo Vũ Hiến đã anh dũng hi sinh khi chiếc máy ảnh và họng súng vẫn hướng về kẻ thù. Đến nay gia đình, đồng đội vẫn chưa tìm thấy hài cốt liệt sĩ nhà báo Vũ Hiến.
Là chân dung Phạm Thị Ngọc Huệ, phóng viên báo Trường Sơn đã hi sinh trên đường đi công tác tại Lào. Sau bao nhiêu năm tìm kiếm, chỉ tìm được lọ penicilin đựng mảnh giấy đã ngả màu ghi tên Phạm Thị Ngọc Huệ, báo Trường Sơn.. Nhà báo Dương Thị Xuân Quý, vượt Trường Sơn vào khu 5 gian nan, ác liệt, di vật còn lại duy nhất của chị là chiếc cặp tóc tìm thấy nơi chị nằm lại ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Nhà báo Lê Đoan hy sinh ở Mỹ Tho sau trận bom rải thảm, sau ngày giải phóng, người thân và đồng đội không tìm thấy hài cốt chị, dưới lớp đất mùn đen chỉ tìm thấy mảnh áo len màu tím Huế mà chị mang theo vào Nam từ năm 1966 khi rời Hà Nội…
Và hàng trăm chiến sĩ, liệt sĩ nhà báo là những người con kiên trung, gan dạ của dân tộc trong các cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước đã được nhà báo Văn Hiền vẽ lại chân thực, trọn vẹn về sự quả cảm, anh dũng, kiên cường bất khuất trên cả chiến tuyến thôn tin lẫn tiêu diệt kẻ thù. Các anh, các chị đã băng qua những trận địa khốc liệt, kịp thời đưa tin thắng trận, chiến đấu ngoan cường của quân và dan ta, kịp thời cổ vũ sức mạnh chiến đấu, làm lung lay tinh thần, ý chí giạc ngoại xâm, góp phần vào những chiến thắng vẻ vang, bảo vệ từng tấc đất của tổ quốc. Viết nên những bản hùng ca bất tử về những chiến sĩ trên mặt trận thông tin, tư tưởng, văn hóa, góp phần tô điểm thêm sự sáng chói của lịch sử báo chí nước nhà, nền báo chí cách mạng Việt Nam trong 98 năm qua, dưới những bài học giá trị, những tư tưởng, cốt cách, đạo đức là kim chỉ nam, xuyên suốt mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho nêng báo chí, người làm công tác báo chí.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/chuyen-ve-noi-tho-tu-511-anh-hung-liet-si-nha-bao.html