Chuyện về nữ chiến sĩ Công an Thủ đô trong công cuộc chuyển đổi số
Tháng Mười, tập thể cán bộ, chiến sĩ lực lượng Công nghệ thông tin Công an Hà Nội sôi nổi, tích cực thi đua lập thành tích chào mừng 52 năm Ngày truyền thống của lực lượng Công nghệ thông tin Công an nhân dân (02/10/1972 - 02/10/2024), Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10…
“Hà Nội mùa thu, cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ...”, những câu hát ngân nga, cùng cái mát dịu nhẹ, thoang thoảng vị hoa sữa, đã nhắc nhở tôi tháng Mười sắp đến. Tháng Mười là một tháng đặc biệt, tháng của mùa thu, mùa thu Hà Nội, nơi mà quay ngược thời gian 70 năm về trước, ngày 10/10/1954, Quân đội nhân dân Việt Nam đã tiến thẳng qua hai cửa ô (ô Cầy Giấy và ô Cầu Dền), giải phóng Thủ đô Hà Nội, một chiến thắng vẻ vang, ngàn năm văn hiến.
Cũng trong tháng Mười này, tập thể cán bộ, chiến sĩ lực lượng công nghệ thông tin chúng tôi đang sôi nổi, tích cực thi đua lập thành tích chào mừng 52 năm Ngày truyền thống của lực lượng Công nghệ thông tin Công an nhân dân (02/10/1972 - 02/10/2024), Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10, với quyết tâm đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số trong Công an thành phố Hà Nội, thực hiện hiệu quả Chương trình Chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Nhắc đến công cuộc chuyển đổi số, tôi lại nhớ đến hình ảnh của một nữ chiến sĩ cùng đơn vị, đồng chí Trung tá Phương Thị Ngọc, cán bộ đội Công nghệ thông tin, phòng Viễn thông, tin học và cơ yếu, Công an thành phố Hà Nội; một người đồng chí, một người “chị” dưới vẻ ngoài nhỏ nhắn, cùng với cặp kính cận trông rất hiền lành và bình dị, nhưng đằng sau cặp mắt kính đó, lại là một nữ chiến sĩ công an mà chúng tôi hay gọi đùa là một “chuyên gia” trên mặt trận chuyển đổi số.
Năm 2011, khi mới về đơn vị làm công tác công nghệ thông tin, tôi thực sự bất ngờ khi tiếp xúc và làm việc cùng đồng chí Ngọc; nhớ lại năm đó, đồng chí Ngọc là thành viên nữ duy nhất, cùng tập thể đội Tin học hoàn thành đề tài khoa học “Xây dựng Trang Thông tin điện tử giải quyết các thủ tục hành chính của Công an thành phố Hà Nội” (nay là Cổng thông tin điện tử Công an thành phố Hà Nội).
Thời điểm đó, đề tài này đã được Đảng ủy, Ban Giám đốc Công an Thành phố đánh giá rất cao về tính hiệu quả trong công tác cải cách thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô. Với thành công đó, cùng với những nỗ lực không ngừng nghỉ để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị được giao, tháng 3/2012, đồng chí Phương Thị Ngọc đã được vinh danh Gương mặt trẻ Công an Thủ đô xuất sắc tiêu biểu năm 2011; là tài năng trẻ tiêu biểu được tuyên dương và tham dự Gặp gỡ toàn quốc tài năng trẻ khoa học công nghệ Việt Nam 2012.
Đồng chí Phương Thị Ngọc được Công an thành phố Hà Nội tuyên dương là 10 gương mặt trẻ Công an Thủ đô xuất sắc tiêu biểu năm 2011.
Trong một lần chia sẻ, đồng chí Ngọc kể lại: “…Năm 2006, khi mới về đơn vị, mình đã rất bất ngờ với đặc thù công việc kỹ thuật tương đối khô khan, vừa “hao chất xám, mòn chất trẻ”, nhưng tập thể anh em tại đây, lại luôn giữ được môi trường vui vẻ, hòa đồng, hăng say nghiên cứu vì cái đam mê chung của “dân công nghệ”. Vì thế, dù là nữ cán bộ trẻ tuổi hiếm hoi của đơn vị, nhưng chị đã nhanh chóng hòa đồng cùng anh em, đồng đội, dành phần lớn thời gian bên chiếc máy tính, để “làm nhiều, va chạm nhiều, vỡ ra nhiều cái mới”, tìm ra những cái tốt, cái hay, để tham mưu áp dụng vào thực tiễn công tác, nâng cao hiệu quả công tác công an trong toàn Công an Thành phố…”
Kết quả đến nay, số lượng sản phẩm về ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số của nữ “chuyên gia” này đã “nhiều” đến mức khó có thể liệt kê hết trong một trang giấy, chỉ tính riêng những năm gần đây, đồng chí Trung tá Phương Thị Ngọc đã trực tiếp tham mưu và phối hợp tham gia hoàn thành nhiều sản phẩm ứng dụng công nghệ thông tin nổi trội, đổi mới sáng tạo trong CATP như triển khai Cổng thông tin điện tử Công an thành phố Hà Nội; tích hợp ứng dụng “Cập nhật tra cứu kết quả cấp Căn cước công dân gắn chip” trên Cổng thông tin điện tử, nâng cao hiệu quả công tác cải cách hành chính, tuyên truyền phổ biến, giáo dục kiến thức pháp luật đến người dân và doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô.
Tiếp đó, là hệ thống Bản đồ số về An ninh, trật tự ứng dụng tại Trung tâm thông tin chỉ huy CATP Hà Nội hỗ trợ hiệu quả công tác phân tích, dự báo, đánh giá tình hình, xử lý thông tin phục vụ công tác chỉ huy, chỉ đạo của lãnh đạo các cấp.
Ngoài ra, đồng chí Ngọc còn tham gia hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao trong triển khai Đề án số 06 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030; xây dựng, đảm bảo Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Căn cước công dân gắn chip “đúng, đủ, sạch sống”; được Bộ Công an tặng thưởng Bằng khen và Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư”.
Đoàn công tác Phòng Viễn thông, Tin học và Cơ yếu tặng quà cho tập thể giáo viên, học sinh tại Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Điện Biên
Năm 2023, Hệ thống quản lý, xử lý văn bản đi, đến trong CATP do đồng chí Ngọc tham gia triển khai đã giúp công an các đơn vị từng bước chuyển đổi hình thức giải quyết công việc từ thủ công sang điện tử hóa, góp phần cải cách hành chính phục vụ yêu cầu phát triển Chính phủ điện tử, chuyển đổi số của CATP Hà Nội.
Không chỉ dừng lại ở những sản phẩm ứng dụng công nghệ thông tin cụ thể, đồng chí Phương Thị Ngọc đã chủ trì tham mưu lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong CATP xây dựng, ban hành và triển khai nhiều chương trình, kế hoạch mang tính quy hoạch, định hướng dài hạn về ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin, chuyển đổi số, qua đó, đã góp phần đưa công tác ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trở thành một trong những khâu “trọng tâm, đột phá” thúc đẩy các mặt công tác Công an, nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, đem lại những kết quả thiết thực phục vụ cơ quan, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn Thủ đô; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Công an, thúc đẩy hoạt động của các đơn vị nghiệp vụ, giúp công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành ngày càng hiệu quả, khoa học, từng bước hoàn thành mục tiêu xây dựng lực lượng Công an Thủ đô thật sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm trong tình hình mới.
Tháng Mười, tháng của yêu thương, tháng của những người phụ nữ, khi mà tập thể chị em chúng tôi đang tích cực thi đua tổ chức các hoạt động hướng đến kỷ niệm 94 năm ngày thành lập Hội liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, đồng chí Trung tá Phương Thị Ngọc lại tiếp tục thể hiện bản lĩnh của mình trên một vai trò khác, một Hội trưởng phụ nữ “năng động, sáng tạo” của đơn vị.
Nhớ lại tháng 11/2015, khi đơn vị đang phát động đợt thi đua chào mừng 70 năm Ngày truyền thống của lực lượng thông tin liên lạc, Đảng ủy, Ban Chỉ huy đơn vị đã giao cho Chi đoàn thanh niên và Chi hội phụ nữ tham mưu tổ chức chuỗi các hoạt động kỷ niệm; thời điểm đó, tôi mới tham gia Ban chấp hành Đoàn thanh niên, còn rất lúng túng, thiếu kinh nghiệm trong khâu tham mưu, tổ chức các hoạt động; thì đồng chí Ngọc - lúc đó là Phó Chủ tịch Chi hội phụ nữ, đã hướng dẫn, hỗ trợ tôi và các anh em trong Đoàn thanh niên tham mưu Ban Chỉ huy Phòng phối hợp cùng các phòng chức năng thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố và Cục Thông tin liên lạc - Bộ Công an tổ chức thành công Hội thi tìm hiểu 70 năm truyền thống lực lượng Thông tin liên lạc Công an nhân dân (25/11/1945 – 25/11/2015).
Suốt thời gian đồng hành trong phong trào, đoàn hội cùng đồng chí Ngọc, từ khi tôi còn hoạt động Đoàn thanh niên, đến nay, trưởng thành đoàn, tham gia Ban chấp hành Hội phụ nữ, tôi đã chứng kiến cả một giai đoạn, một quá trình mà Chi hội phụ nữ đơn vị, với đồng chí Phương Thị Ngọc làm nòng cốt, đã luôn phát huy vai trò, trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu tham mưu Đảng ủy, Ban Chỉ huy đơn vị tổ chức được rất nhiều các hoạt động đoàn, hội thiết thực, hiệu quả, ý nghĩa, thu hút được đông đảo hội viên và cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị tích cực hưởng ứng, tham gia; được Hội phụ nữ Công an Thành phố đánh giá cao, thường xuyên được xếp loại là Chi Hội phụ nữ hoàn thành “xuất sắc” nhiệm vụ.
Suốt thời gian 12 năm trên cương vị Phó Chủ tịch, sau đó là Chủ tịch Chi hội phụ nữ, các hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng, hoạt động hiến máu tình nguyện, hoạt động chính sách đối với thân nhân cán bộ, chiến sỹ là thương, bệnh binh, hoạt động phòng, chống dịch Covid-19, hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật học đường, hoạt động chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, hoạt động tình nguyện vì môi trường, hoạt động Tết Thiếu nhi, Tết Trung thu cho con em cán bộ, chiến sỹ của đơn vị…; không hoạt động nào, thiếu đi dấu ấn của “chị” trong các khâu lập kế hoạch, xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình.
Gần đây nhất, nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954-07/5/2024), đồng chí Ngọc cùng Chi hội phụ nữ đã tham mưu tổ chức các hoạt động sinh hoạt chính trị, giáo dục truyền thống cách mạng tại thành phố Điện Biên Phủ; tổ chức chương trình “Chia sẻ yêu thương”, phát động quyên góp, ủng hộ trẻ em khuyết tật tại Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập tỉnh Điện Biên với hàng trăm suất quà, giáo cụ học tập, nhu yếu phẩm và vật dụng thiết yếu; chương trình này kết thúc, đã để lại cho tập thể giáo viên, học sinh của Trung tâm nhiều tình cảm tốt đẹp về sự sẻ chia yêu thương, đã tiếp thêm ngọn lửa ấm áp, thắp lên niềm tin, hy vọng cho các cháu học sinh khuyết tật có thêm động lực, niềm tin để sớm hòa nhập cộng đồng.
Mỗi cá nhân cán bộ, chiến sĩ, ai cũng có một năng lực, sở trường riêng biệt, người tận tụy, người chủ động, sáng tạo, mưu trí, người xây dựng đơn vị trong sạch, vững mạnh, người xây dựng mối quan hệ gắn bó mật thiết với Nhân dân; vì vậy, việc chủ động phát hiện, kịp thời bồi dưỡng, tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng những gương điển hình tiên tiến này nhằm tạo khí thế, thúc đẩy phong trào thi đua, xây dựng “xã hội học tập” ngay tại cấp cơ sở là việc hết sức cần thiết. Mỗi điển hình tiên tiến là một tấm gương sáng, một bài học hay, tôi hi vọng, bài viết về đồng chí Trung tá Phương Thị Ngọc - nữ chiến sĩ Công an Thủ đô trong công cuộc chuyển đổi số, là gương điển hình tiên tiến về sự chủ động, sáng tạo, mưu trí, sẽ được lan tỏa rộng và truyền cảm hứng tới tất cả cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị nói riêng và lực lượng công nghệ thông tin trong CATP nói chung, để cùng quyết tâm, cố gắng phấn đấu đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số trong Công an thành phố Hà Nội, thực hiện hiệu quả Chương trình Chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.