Chuyện về 'Tứ Kiệt anh hùng'
Tứ Kiệt hay 'Bốn ông' là cách gọi tôn kính của nhân dân huyện Cai Lậy (nay là TX. Cai Lậy và huyện Cai Lậy) dành cho 4 vị anh hùng đã từng lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp trong những năm 1868 - 1870. Lăng Tứ Kiệt hiện tọa lạc đường 30-4, phường 1, TX. Cai Lậy.
“TỨ KIỆT” LÀ AI?
“Tứ Kiệt Anh hùng” là:
Ông Nguyễn Thanh Long (Năm Long), còn gọi là Đề Long, sinh năm Canh Thìn 1820 tại nơi mà ngày nay gọi xóm Cầu Ván, ấp Cẩm Hòa, xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy. Khi ông rời nhà đi kháng chiến, thì người chị cả của ông là bà Hai An bị tên Việt gian Trần Bá Lộc bắt giam, đòn roi đến chết; em kế là Sáu Quang cũng bị chúng tra khảo dã man rồi đày ra Côn Đảo.
Ông Trần Công Thận, tự Phượng, chưa rõ năm sinh, nguyên quán xóm Võng, làng Mỹ Trang, nay thuộc ấp Mỹ Phú, xã Long Khánh, huyện Cai Lậy. Ông có 9 người con. Khi ông hy sinh thì người con thứ tư là Trần Quang Thanh, đương chức Quản Đạo. Giặc Pháp cho rằng ông là người cầm đầu, nên gọi là Ngươn Soái.
Ông Trương Văn Rộng, chưa rõ năm sinh, quê quán xã Tân Lý Đông, huyện Châu Thành và ông Ngô Tấn Đước, chưa rõ năm sinh, quê quán xóm Vuông, huyện Cai Lậy.
THEO THIÊN HỘ VÕ DUY DƯƠNG CHỐNG GIẶC PHÁP
Lăng Tứ Kiệt được Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích cấp Quốc gia theo Quyết định 61 ngày 13-9-1999. Ngày 30-1-2000, chính quyền địa phương làm lễ nhận Bằng Di tích và ra mắt Ban Quản lý di tích Lăng Tứ Kiệt. Hằng năm, đến ngày 25 tháng Chạp âm lịch, nhân dân địa phương trang trọng tổ chức lễ tưởng niệm ngày Tứ Kiệt hy sinh tại lăng.
Theo lời truyền của dân gian, khi còn ở nhà, cả Bốn ông đều nổi tiếng võ nghệ cao cường, thân hình cao lớn, gương mặt cương nghị, da màu đồng đen, sức khỏe phi thường. Có lần gặp nguy khốn, Bốn ông “phi thân” lên nóc nhà chạy vùn vụt, khiến giặc chẳng làm gì được. Bốn ông đều xuất thân từ nông dân.
Từ năm 1854, triều đình cho thành lập các đồn điền ở Đồng Tháp Mười khai khẩn đất hoang, Bốn ông đã gia nhập đội quân đồn điền, góp phần công sức trong việc khai hoang mở đất ở địa phương. Năm 1861, giặc Pháp hạ thành Mỹ Tho và chiếm toàn bộ tỉnh Định Tường. Với lòng yêu nước nồng nàn và căm thù giặc sâu sắc, Bốn ông liền tham gia cuộc khởi nghĩa do Thiên Hộ Võ Duy Dương khởi xướng và lãnh đạo. Can trường và đảm lược, Bốn ông đã cùng với nghĩa quân chiến đấu chống giặc Pháp hết sức anh dũng, lập nên nhiều chiến công oai hùng.
Năm 1866, giặc Pháp huy động phần lớn lực lượng của chúng ở Nam kỳ tấn công mạnh mẽ vào căn cứ Đồng Tháp Mười. Nghĩa quân, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Thiên Hộ Dương đã đánh trả mãnh liệt, gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề. Tuy nhiên, do quân đông, lực mạnh, vũ khí tối tân nên quân giặc đã làm chủ tình thế. Nghĩa quân buộc phải rút sâu vào Đồng Tháp Mười và phân tán đi các nơi khác để bảo toàn lực lượng. Còn thủ lĩnh Thiên Hộ Dương thì dùng thuyền đi ra Bình Thuận để cầu viện sự giúp đỡ của triều đình và liên lạc với nghĩa sĩ miền Trung nhằm gầy dựng lại lực lượng, tiếp tục cuộc kháng chiến chống Pháp tại miền Nam. Nhưng thật không may, khi đến cửa biển Cần Giờ, Thiên Hộ Dương bị bọn hải tặc sát hại.
CHIÊU TẬP NGHĨA QUÂN
Năm 1868, khởi nghĩa của Thiên Hộ Dương thất bại, Bốn ông đứng ra chiêu tập nghĩa quân, chọn vùng Cái Bè, Cai Lậy làm địa bàn hoạt động. Nhân dân huyện Cai Lậy vốn có tinh thần đấu tranh bất khuất đã nô nức tham gia cuộc kháng chiến. Chẳng mấy chốc lực lượng nghĩa quân dưới trướng của Bốn ông đông đến hàng trăm người, tuy trang bị vũ khí rất thô sơ, chủ yếu là giáo mác, gậy gộc, nhưng nhờ lòng quả cảm, áp dụng các chiến thuật dân gian “xuất quỷ nhập thần”, đã gây cho địch nhiều tổn thất, đặc biệt là ở Đồng Tháp Mười, Cai Lậy, Mỹ Quý, Thuộc Nhiêu, Mỹ Tho...
NHỮNG CHIẾN CÔNG VÀ TINH THẦN BẤT KHUẤT CỦA “TỨ KIỆT”
Chiến công hiển hách nhất của nghĩa quân Tứ Kiệt là trận tấn công thành Mỹ Tho và trận tấn công đồn Cai Lậy. Để chuẩn bị tấn công thành Mỹ Tho (thuộc địa phận xã Điều Hòa xưa), nghĩa quân Tứ Kiệt cải trang thành những người đi làm mướn, len lỏi vào nội thành dò xét quy luật sinh hoạt và các vị trí quan trọng của địch. Lúc 3 giờ ngày 1-5-1868, lợi dụng đêm tối, quân Pháp đang ngủ say, nghĩa binh leo tường vào giết tên trưởng kho, rồi đốt cháy kho lương thực của Pháp, tạo tiếng vang lớn, khiến quân Pháp rất lo sợ.
Quân Tứ Kiệt ngày một đông, địa bàn làm chủ ngày một rộng. Tướng giặc là Chier ra Quyết định trao giải thưởng cho ai bắt nộp 11 lãnh tụ người Việt đang lãnh đạo nghĩa quân đánh Pháp, trong đó trao 1.000 quan cho ai bắt được “Ngươn Soái Thận”, nhưng âm mưu này đã hoàn toàn thất bại, do được nhân dân huyện Cai Lậy đã đùm bọc, che chở an toàn cho Tứ Kiệt.
Đêm 24 rạng 25-12-1870, nhân lúc phần lớn lính Pháp kéo về Mỹ Tho mừng lễ Noel, chỉ để lại 25 tên lính mã tà, nghĩa quân Tứ Kiệt bất ngờ tấn công đồn Cai Lậy, bắt và giết tên Việt gian Bếp Hữu, đốt rụi trại lính, rồi rút về căn cứ an toàn. Bị tổn thất nặng nề, thực dân Pháp huy động hơn 1.200 quân, gom từ các vùng lân cận: Tân An, Mỹ Tho, Gò Công và Vĩnh Long, quyết đàn áp dân chúng và triệt hạ các căn cứ của nghĩa quân.
Vốn rất tàn bạo, gian xảo và có nhiều kinh nghiệm trong việc đàn áp các cuộc khởi nghĩa, lại có đầy đủ quyền hành và binh lực trong tay, tên Trần Bá Lộc tổ chức nhiều cuộc càn quét quy mô lớn để tìm bắt Bốn ông và tiêu diệt nghĩa quân. Lực lượng nghĩa quân đã chống trả quyết liệt, nhưng do sự chênh lệch quá lớn về lực lượng, nghĩa quân buộc phải tan rã và cả Bốn ông đều sa vào tay giặc.
Biết Bốn ông đều là những bậc nghĩa khí, có ảnh hưởng sâu đậm trong nhân dân, tên Trần Bá Lộc ra sức mua chuộc, dụ dỗ, hứa hẹn sẽ tha mạng và phong chức tước cho các ông nếu các ông chịu quy thuận. Thế nhưng, với tinh thần trung kiên, Bốn ông đã lớn tiếng lên án tội ác của tên Lộc và bọn giặc Pháp, kiên quyết không đầu hàng kẻ xâm lăng.
Dụ dỗ Bốn ông suốt 45 ngày không thành, ngày 14-2-1871 (nhằm ngày 25 tháng Chạp năm Canh Ngọ) giặc Pháp đem Bốn ông xử chém tại pháp trường, cạnh bờ sông Ba Rài (nay là chợ Cá). Chúng bắt hàng ngàn người dân đến xem. Để uy hiếp tinh thần người dân, chúng chặt đầu Bốn ông bêu suốt 7 ngày tại 3 điểm đông người qua lại, sau đó chúng vùi đầu Bốn ông xuống mé ruộng, nay gần lăng Tứ Kiệt. Còn thân của Bốn ông được thân nhân đem về gắn thêm đầu bằng đất sét và chôn tại quê nhà.
Cảm phục cuộc đời và tấm gương chiến đấu oanh liệt, bất khuất của Bốn ông, nhân dân huyện Cai Lậy đã bí mật mang chôn thủ cấp của Bốn ông và đắp mộ, hương khói trang nghiêm; đồng thời, góp tiền xây dựng miếu thờ Bốn ông. Năm 1967, nhân dân huyện Cai Lậy tiến hành trùng tu ngôi miếu và mộ của Bốn ông. Năm 1999, tỉnh cho xây mới toàn bộ Lăng Tứ Kiệt, mái ngói, các long trụ đắp nổi bằng xi măng, phía sau là nhà mộ, phía trước có cổng mái ngói khá lớn, có đôi câu đối từng có trước đây:
“Tứ vị anh hùng vị quốc hy sinh vĩnh niệm
Kiệt nhân nghĩa cử tinh thần bất khuất lưu tồn”.
Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/van-hoa-nghe-thuat/202010/chuyen-ve-tu-kiet-anh-hung-911030/