Chuyện viết đơn xin thoát nghèo

'… Suốt 3 năm liền gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo nhưng bản thân tôi nhận thấy cứ trông chờ vào những chính sách ưu tiên người nghèo mãi không thể được. Tôi phải tự vượt khó, vươn lên…'. Đó chính là một phần nội dung trong lá đơn xin thoát nghèo của chị Ma Thị Mạnh ở thôn Nà Tơơng, xã Minh Quang (Chiêm Hóa). Việc làm ý nghĩa của những người như chị đã khơi dậy tinh thần thi đua yêu nước, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn, tạo sức 'lan tỏa' về ý chí vượt khó.

Vợ chồng anh Phạm Công Minh và chị Nguyễn Trần Thị Kiều, thôn 68, xã Yên Lâm (Hàm Yên)mở cửa hàng kinh doanh, cho thu nhập ổn định và thoát nghèo năm 2019.

Những lá đơn tự nguyện

Chúng tôi tìm đến gia đình anh Phạm Công Minh, km 68 xã Yên Lâm (Hàm Yên). Gia đình anh là một trong 3 hộ tự nguyện xin thoát nghèo ở xã trong năm 2019. Vợ chồng anh Minh chị Kiều kết hôn và ra ở riêng, cuộc sống khó khăn do thiếu đất canh tác. Anh chị phải bươn chải làm thuê nhiều nghề từ chăm sóc cam, thu hoạch cam thuê, lái xe thuê… Nhiều năm liền gia đình anh là hộ nghèo của thôn. Để quyết tâm thoát nghèo, cùng với chăm chỉ làm ăn, anh đã tự nguyện viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo. Anh Minh chia sẻ, mình phải tự lực cánh sinh chứ để Nhà nước giúp mình mãi sao được. Việc tự nguyện xin thoát nghèo cũng là động lực để cả hai vợ chồng anh phấn đấu vươn lên. Anh Minh, chị Kiều là người luôn cần mẫn trong lao động, hai vợ chồng xoay xở đủ nghề. Bên cạnh buôn bán cam, anh chị mở một quán tạp hóa bán bánh kẹo, giày dép. Anh chị đã vay vốn của ngân hàng và anh em họ hàng để mua xe ô tô chạy taxi, phục vụ bà con. Nhờ đó mà gia đình anh chị đã xây được nhà, mỗi tháng thu nhập gần chục triệu đồng.

Những tháng cuối năm 2019, câu chuyện viết đơn xin thoát nghèo của cụ bà Phạm Thị Trà, 85 tuổi ở Tứ Quận (Yên Sơn) đã khiến nhiều người nể phục. Cụ đã nêu cao tinh thần “tuổi cao, gương sáng” để con cháu học tập. Ngày còn trẻ, cụ một mình nuôi 5 đứa con để chồng đi chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Cụ đã chịu nhiều vất vả khó khăn, chứng kiến đất nước trải qua những đau thương, mất mát. Vì thế, cụ bà quyết tâm xin ra khỏi danh sách hộ nghèo để nhường cho những hoàn cảnh khó khăn hơn. Hàng ngày, cụ vẫn chăm chỉ với công việc trồng rau, nuôi gà, mà không cần phải nhờ đến sự trợ giúp của con cháu.

Cụ Trà bày tỏ: “Có Nhà nước trợ cấp tiền người cao tuổi, có đất vườn trồng rau, nuôi gà thì nghèo thế nào được. Năm người con mà nói không nơi nương tựa là không đúng. Tôi có rất nhiều chỗ nương tựa, nhưng tôi chưa phải nương tựa. Tôi xin phép ủy ban cho tôi trả lại sổ hộ nghèo và xin thoát nghèo”.

Truyền ý chí vươn lên

Những năm qua, phong trào tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo cũng đã lan tỏa ở nhiều địa phương trong tỉnh, nhiều hộ dù khó khăn nhưng ý chí luôn thôi thúc phải quyết tâm thoát nghèo. Trong năm qua, huyện Chiêm Hóa là địa phương dẫn đầu phong trào viết đơn xin thoát nghèo. Trong năm 2019, huyện có 19 trường hợp, tiêu biểu ở các xã: Minh Quang, Ngọc Hội, Phú Bình… Anh Nguyễn Minh Phú, Phó trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện cho biết, bên cạnh việc tạo điều kiện cho hộ nghèo vay vốn phát triển kinh tế, MTTQ và các đoàn thể từ huyện đến xã đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động hộ nghèo nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Qua đó, khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường, tự trọng của hộ nghèo để phấn đấu thoát nghèo bền vững.

Tiêu biểu trường hợp bà Ma Thị Mạnh ở thôn Nà Tơơng, xã Minh Quang (Chiêm Hóa). Bà ở một mình nuôi con, điều kiện kinh tế khó khăn do bà ốm đau liên miên. Ai cũng muốn để bà ở diện nghèo để giúp đỡ lâu dài nhưng bà nhất quyết không nhận, mấy lần bà làm đơn tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Bà Mạnh nói, mình đã được mọi người giúp đỡ nhiều rồi không thể nhận thêm nữa, phải nỗ lực vươn lên, mình nghèo về vật chất chứ nhất định không nghèo về ý chí.

Theo thống kê của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có hàng trăm hộ tự nguyện xin ra khỏi danh sách hộ nghèo. Điều đặc biệt là số hộ tự nguyện xin thoát nghèo lại tập trung nhiều ở các xã vùng cao, vùng sâu, vùng xa, đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tiêu biểu như các xã: Minh Quang, Phúc Sơn và Kim Bình (Chiêm Hóa) có hơn 60 hộ; xã Hùng Đức và Yên Lâm (Hàm Yên) có 20 hộ...

Trong các hội nghị đánh giá công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh theo giai đoạn, các đại biểu đều cho rằng việc thay đổi nhận thức của hộ nghèo đối với công tác giảm nghèo, nhất là những trường hợp tự nguyện xin thoát nghèo trên địa bàn tỉnh là rất đáng biểu dương. Đó là những tấm gương sáng để những hộ nghèo nào còn có tư tưởng ỷ lại, chưa có sự nỗ lực vươn lên nhìn vào để phấn đấu và “soi” lại mình. Bởi việc giảm nghèo muốn đạt hiệu quả cao và bền vững thì không ai khác, chính các hộ nghèo cần phải thay đổi cách nghĩ, cách làm, cố gắng vươn lên. Từ đó sẽ góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu chung của tỉnh, mỗi năm phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo 3%, phấn đấu đến hết năm 2020 giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 12%.

Bác Hồ đã từng nói “Giặc đói, giặc dốt là bạn giặc ngoại xâm”; “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Vì vậy, đuổi giặc đói, cái nghèo luôn phải bắt đầu từ nhận thức, ý chí của người nghèo và từ tinh thần “thi đua” của những người không cam chịu đói nghèo.

Giang Lam

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/cuoc-song/chuyen-viet-don-xin-thoat-ngheo-127365.html