Chuyển Vụ 12 Viện KSND Tối cao xử lý cách phân chia tài sản bất thường của thẩm phán tòa quận 3
Cơ quan Điều tra Viện KSND Tối cao vừa chuyển đơn vụ phân chia tài sản và nợ sau ly hôn bằng cách tính toán khó hiểu của một thẩm phán ở TAND quận 3 cho Vụ Kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp - Vụ 12 xem xét, xử lý.
Tòa án nhân dân quận quận 3 - TP.HCM
Vụ việc xảy ra sau khi vợ chồng ông Nguyễn Xuân Mẫn (ngụ quận 3, TP.HCM) - bà N.T.N kết thúc 15 năm đời sống hôn nhân và đưa nhau ra tòa để phân chia khối tài sản chung hơn 100 tỷ đồng và nhiều món nợ “khủng”.
Theo nội dung vụ việc, ngoài việc thành lập công ty gia đình kinh doanh nông sản với vốn điều lệ 20 tỷ đồng giao cho vợ làm giám đốc, trong quá trình chung sống, hai vợ chồng ông Mẫn đã tạo lập được nhiều bất động sản trị giá hơn 53 tỷ đồng, cùng sổ tiết kiệm trị giá 40 tỷ đồng.
Sau khi ly hôn, do không thỏa thuận được việc tự phân chia tài sản nên bà N. khởi kiện ra TAND quận 3 với yêu cầu phân chia toàn bộ số tài sản chung theo tỷ lệ 5/5. Cũng như phân chia trách nhiệm với khoản nợ 24 tỷ đồng của Công ty DK mà bà N. làm giám đốc trực tiếp điều hành, nộp TAND Quận 3 vào ngày 27/4/2018.
Sau khi vụ kiện được TAND quận 3 thụ lý, ông Mẫn phản tố, yêu cầu phân chia luôn số tiền 40 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm và lợi nhuận của Công ty DK trên cơ sở báo cáo tài chính đã nộp cho Cục thuế tỉnh Long An tính đến thời điểm chính thức có quyết định ly hôn (Tháng 1/2018). Còn đối với các khoản nợ "từ trên trời rơi xuống”, ông Mẫn từ chối trách nhiệm với lý do đây là những khoản nợ do bà N. tự kê ra cho Công ty DK mà không có một căn cứ nào có giá trị pháp lý.
Vốn chủ sở hữu Công ty DK vẫn còn 7,4 tỷ đồng nhưng thẩm phán TAND quận 3 không phân chia mà giao cho riêng bà Ng. toàn quyền sở hữu.
Tại phiên tòa ngày 5/3/2020, bà N. đã thay đổi yêu cầu khởi kiện. Cụ thể, đề nghị tính "công sức đóng góp" để phân chia tài sản chung theo tỷ lệ: bà N. 6 phần - ông Mẫn 4 phần. Còn khoản nợ của Công ty DK, bà N. Cũng liên tục điều chỉnh, từ 24 tỷ ban đầu theo yêu cầu khởi kiện tăng lên thành 165,84 tỷ, rồi lại xuống 38,6 tỷ đồng. Đến khi ra trước tòa, số nợ còn 33,6 tỷ và “chốt” yêu cầu buộc ông Mẫn chịu trách nhiệm trả 16,8 tỷ.
Theo đó, sau khi xác định tài sản chung gồm 9 bất động sản trị giá hơn 53 tỷ đồng. Ngày 11/3/2020, TAND quận 3 tuyên phân chia cho bà N. 60% tổng giá trị tài sản, tương đương hơn 31,871 tỷ đồng. Còn ông Mẫn được nhận 40%, tương đương 21,216 tỷ đồng. Bà N. được quyền sử dụng, sở hữu toàn bộ 9 bất động sản và trọn quyền sở hữu Công ty DK sau khi thanh toán cho ông Mẫn 21,216 tỷ đồng.
Riêng khoảng nợ 33,6 tỷ đồng liên quan Công ty DK mà bà N. đưa ra để yêu cầu chia đôi, TAND quận 3 đã bác yêu cầu này vì không có cơ sở để xem xét.
Tuy nhiên, TAND quận 3 cũng không xem xét yêu cầu của ông Mẫn về việc chia đôi số tiền 40 tỷ đồng trong sổ tiết kiệm. Dù số tiền 40 tỷ đồng là tài sản chung và chưa từng dùng làm vốn góp vào Công ty DK…
Cho rằng Hội đồng xét xử do thẩm phán Trần Thị Mỹ Ngọc làm chủ tọa, tuyên bản án gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Theo đó, ngoài việc kháng cáo lên tòa phúc thẩm, ông Mẫn cũng đã gửi đơn tố cáo thẩm phán chủ tọa phiên tòa lên Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao. Và hiện Vụ Kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp - Vụ 12 đang xử lý theo quy định pháp luật.
Trao đổi với Báo NB&CL về cách tính toán phân chia tài sản trong vụ án được cho là bất thường của thẩm phán TAND quận 3, ông Mẫn cho rằng: "Chỉ tính khoản nợ 33,6 tỷ đồng, khoản lỗ 12,51 tỷ đồng theo kiểm toán (từ 1/1/2014 đến 30/9/2019) và 40 tỷ đồng tiết kiệm thì sau gần 5 năm quản lý, điều hành, bà N. đã làm “bốc hơi” hơn 86 tỷ đồng! Thế nhưng thẩm phán vẫn ghi nhận "công sức đóng góp" để chia cho bà N. 60% số tài sản còn lại là không thể chấp nhận.
Một bất thường nữa, trong đơn khởi kiện, bà N. yêu cầu chia đôi giá trị Công ty DK và kèm theo đó là các khoản nợ vay bên ngoài phát sinh sau ly hôn. Thế nhưng sau khi trừ khoản thua lỗ hơn 12,5 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu còn lại hơn 7,4 tỷ đồng nhưng TAND quận 3 lại không chia đôi mà giao riêng cho bà N. được trọn quyền sở hữu Công ty DK.
Ông Nguyễn Xuân Mẫn cho biết, trong khi báo cáo tài chính nộp cho Cục thuế tỉnh Long An năm 2017 thì Công ty DK kinh doanh không những không lỗ mà còn có lợi nhuận sau thuế hơn 7,3 tỷ đồng. Nhưng báo cáo tài chính năm 2017 mà Công ty DK nộp cho Tòa đã biến từ lời 7,3 tỷ đồng thành lỗ hơn 5,2 tỉ đồng, như vậy trong năm 2017 tài sản Công ty DK đã “bốc hơi” 12,5 tỷ đồng so với báo cáo tài chính nộp cho Cục thuế tỉnh Long An. Đó là chưa kể số tài sản thế chấp đảm bảo cho vay thuộc Công ty DK được thế chấp tại các ngân hàng HD bank, UOB, MB trị giá lên tới hơn 55,7 tỷ đồng và 100.000 USD cũng không được đưa vào báo cáo gửi cho tòa.
Ngoài ra, không những đương sự “quên” đưa sổ tiết kiệm trị giá 40 tỷ đồng vào yêu cầu khởi kiện để phân chia, Hội đồng xét xử cũng mặc nhiên xem số tiền tiết kiệm này đã “mất hết”. Trong khi đó, theo các báo cáo tài chính Công ty DK gửi Cục thuế tỉnh Long An (2014 - 2017), cũng như theo kiểm toán (từ 1/1/2018 - 30/9/2019) đều không thể hiện số tiền tiết kiệm 40 tỷ đồng đã được hạch toán vào Tổng nguồn vốn Công ty DK theo quy định.
Theo báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh gửi Cục thuế Long An, lợi nhuận năm 2017 là 7,3 tỷ đồng, nhưng báo cáo tại tòa lại biến thành lỗ 5,2 tỷ đồng
Cụ thể, xuyên suốt từ khi thành lập năm 2014 đến 30/9/2019, vốn điều lệ của Công ty DK là 20 tỷ đồng theo đăng ký tại Sở KH&ĐT tỉnh Long An. Ngoài ra, không có báo cáo tài chính nào cho thấy số tiền 40 tỷ đồng tiết kiệm đã được sử dụng làm vốn góp vào Công ty DK. Thực tế là vậy nhưng TAND quận 3 vẫn cho rằng 40 tỷ đồng tiền tiết kiệm đã được đưa vào Công ty DK để kinh doanh, sinh hoạt gia đình và đã… mất hết(!?). Oái oăm hơn, TAND quận 3 lại yêu cầu ông Mẫn chứng minh số tiền 40 tỷ đồng được bà Ng. tất toán lấy đi hiện nay ở đâu? Có còn hay không?.
Theo thông tin mới nhất, ngày 17/11/2020 tới, TAND TP.HCM sẽ đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm. Hy vọng vụ án xẽ được xem xét lại một cách toàn diện, thấu tình đạt lý, đảm bảo công bằng cho các bên. Tuy nhiên điều khiến ông Mẫn không khỏi lo lắng hiện nay là việc thay đổi toàn bộ số bút lục trong hồ sơ vụ án của TAND quận 3. Động thái này có thể sẽ gây nhập nhèm, ít nhiều khó khăn cho tòa phúc thẩm - TAND TP.HCM, cũng như quá trình xử lý của Vụ Kiểm sát và giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp - Viện KSND Tối cao.
Báo NB&CL tiếp tục thông tin về vụ việc.