Chuyện vui mới ở Mỏ Ba

Cùng các nhóm thiện nguyện, nhà hảo tâm ngược núi lên thăm, tặng quà người dân xóm Mỏ Ba, xã Tân Long (Đồng Hỷ), chúng tôi biết được nhiều chuyện vui mới ở xóm từng được coi là 'siêu nghèo, siêu đẻ'.

Cùng các nhóm thiện nguyện, nhà hảo tâm ngược núi lên thăm, tặng quà người dân xóm Mỏ Ba, xã Tân Long (Đồng Hỷ), chúng tôi biết được nhiều chuyện vui mới ở xóm từng được coi là “siêu nghèo, siêu đẻ”. Cái nắng oi nồng của mùa Hè ở đây, một trong những nơi cao nhất tỉnh, như dịu đi bởi màu xanh của lúa, cây ăn quả, nương chè, những tán rừng keo, bạch đàn...

Khác với chuyện sinh đẻ nhiều như gần chục năm trước, hiện nay các gia đình ở Mỏ Ba chủ yếu sinh 2 con. Trong ảnh: Phụ huynh dẫn con em đi nhận quà của các đoàn thiện nguyện tại Nhà văn hóa, điểm trường Mỏ Ba.

Khác với chuyện sinh đẻ nhiều như gần chục năm trước, hiện nay các gia đình ở Mỏ Ba chủ yếu sinh 2 con. Trong ảnh: Phụ huynh dẫn con em đi nhận quà của các đoàn thiện nguyện tại Nhà văn hóa, điểm trường Mỏ Ba.

Năm 2014, tôi cùng một cán bộ dân số xã Tân Long lên Mỏ Ba, khi đó đường vào xóm ghập ghềnh, gian nan. Đời sống của người dân khó khăn, kinh tế phụ thuộc vào việc trồng ngô, đi rừng kiếm củi, săn bắt, chăn nuôi tự cung tự cấp.

Cả xóm lúc đó có 137 hộ thì trên 70% là hộ nghèo. Đặc biệt, việc sinh nhiều con diễn ra phổ biến, trung bình mỗi nhà có từ 5-6 con.

Lần trở lại này chúng tôi thấy toàn bộ đường trục chính đã được đổ bê tông, xe ô tô con chạy bon bon vào tận trung tâm xóm và các ngõ ngách. Nhà văn hóa xóm cũng mới được người dân góp tiền sửa lại khang trang, rộng rãi. Điện thoại thông minh, mạng Internet đã có ở nhiều gia đình, giúp người dân mở mang kiến thức.

Biết có đoàn thiện nguyện đến thăm, tặng quà và tổ chức tiệc sinh nhật cho các cháu nên người dân, trẻ em của xóm tập trung về Nhà văn hóa đồng thời là điểm trường Mỏ Ba rất đông.

Các em vui vẻ chạy tung tăng giữa sân, xúng xính trong bộ áo, váy mới. Cô Trần Thị Tố Lịch, giáo viên lớp mầm non ở điểm trường, cho biết: Điểm trường hiện có 164 em đang theo học ở 2 cấp mầm non, tiểu học, trong đó 65 trẻ mầm non. Được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng điểm trường nên điều kiện học tập, sinh hoạt của các em tốt hơn nhiều.

Điểm trường có 3 dãy nhà lớp học khang trang, đầy đủ thiết bị dạy học cũng như phục vụ ăn bán trú, sân trường được đổ bê tông sạch đẹp cho các con vui chơi. Phụ huynh, nhất là người dân tộc Mông, cũng đã quan tâm đến việc học của con em mình, 100% trẻ em trong độ tuổi đều được đến lớp. Giáo viên không còn phải đến nhà vận động các cháu ra lớp như nhiều năm trước.

Trò chuyện với các phụ huynh có mặt tại đây, chúng tôi cảm nhận rõ nét sự thay đổi trong tư tưởng người dân về việc sinh con. Chị Lý Thị Điển bảo: Sinh nhiều con vất vả lắm, mình không có tiền nuôi đâu. Nhà mình có hai vợ chồng, sinh hai con thôi. Chồng mình làm công nhân ở Xí nghiệp kẽm chì Làng Hích, mình ở nhà chăm con, làm thêm nương rẫy, vườn chè nên cũng có đồng ra đồng vào, đủ nuôi các con ăn học.

Anh Hoàng Văn Ngân, cộng tác viên dân số xóm, cho biết thêm: Qua các kênh thông tin, người dân, nhất là các vợ chồng trẻ, đã nhận thức được hậu quả của việc sinh nhiều con và tâm lý sinh con trai nối dõi tông đường. Giờ đây, mỗi gia đình chỉ sinh từ 2-3 con, ít có gia đình sinh 4-5 con. Đặc biệt, khoảng 2 năm nay, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên ở Mỏ Ba đã giảm đến 90%. Đây là một trong những yếu tố căn bản giúp người dân thoát khỏi vòng luẩn quẩn đói nghèo.

Xóm Mỏ Ba hiện có 182 hộ, trên 1.000 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Mông chiếm chủ yếu. Từ cuối năm 2018 đến nay, xóm được đầu tư làm đường, trường nên bớt phần xa xôi, biệt lập với các xóm khác.

Nhiều năm nay, xóm còn có các đoàn tình nguyện, đoàn công tác đến trao tặng quà ý nghĩa như xe đạp, sách vở, quần áo ấm, chăn đệm, đèn năng lượng mặt trời và các nhu yếu phẩm.

Ngoài ra, các đoàn còn chia sẻ nhiều thông tin, kiến thức cho người dân về kế hoạch hóa gia đình, bình đẳng giới, cách khai thác sử dụng hiệu quả mạng Internet và điện thoại thông minh, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo...

Ông Phạm Tuấn Tú, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng xóm Mỏ Ba, chia sẻ kinh nghiệm cho người dân về trồng cây dổi xen canh cây chè.

Ông Phạm Tuấn Tú, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng xóm Mỏ Ba, chia sẻ kinh nghiệm cho người dân về trồng cây dổi xen canh cây chè.

Đến nay, dù vẫn là xóm đặc biệt khó khăn song trong nếp nghĩ, cách làm của người dân đã có nhiều đổi mới. Ông Phạm Tuấn Tú, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng xóm Mỏ Ba, thông tin: Ngoài trồng ngô, lúa, giờ bà con đã chú trọng trồng chè, bạch đàn, keo. 3 năm nay, một vài hộ đăng ký trồng thí điểm gần 4ha cây dổi, quế theo dự án của xã. Nhiều hộ cũng mạnh dạn trồng các loại cây ăn quả như bưởi, ổi song do nằm xa trung tâm, sản xuất chưa thành vùng nên không phát huy được hiệu quả. Bà con đã tập trung làm chuồng trại, trồng cỏ voi để chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi gia súc. Hiện xóm có gần 400 con trâu, bò, dê.

Nhiều hộ vươn lên làm “đầu tàu” kinh tế của xóm, tiêu biểu như nhà ông Phạm Tuấn Tú có trên 10ha keo, chè và dổi; hộ ông Ngô Văn Sùng, Dương Văn Báo cũng có trên 10ha keo, mỗi năm thu về hàng trăm triệu đồng, hộ anh Dương Văn Tư với mô hình trồng chè, cây dược liệu, chăn nuôi thu nhập từ 200-300 triệu đồng/năm, trở thành hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của huyện...

Các đôi vợ chồng trẻ, gia đình ít đất sản xuất bảo nhau đi làm công ty ngoài xã hoặc làm tại Xí nghiệp Kẽm chì Làng Hích gần đó, thu nhập ổn định, có điều kiện chăm lo cho con ăn học, phát triển kinh tế gia đình.

Khảo sát mới đây, xóm còn 76/182 hộ nghèo, 17 hộ cận nghèo. Đa số các hộ có ti vi, xe máy, một số hộ mua cả ô tô phục vụ đi lại và vận chuyển hàng hóa...

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202308/chuyen-vui-moi-o-mo-ba-5700291/