Chuyện xã bán đất khống ở Thanh Hóa: 'Chúng tôi bán ào ào'
'Khi người dân mua đất, cán bộ sẽ chỉ các vị trí trên bản đồ. Người mua ưng vị trí ở thôn nào thì chấm vào đó. Mấy chục ha đất chúng tôi bán ào ào, ai có tiền thì mua', ông Lê Văn Thắng kể lại.
Bán đất trên bản đồ, không giao trên thực địa
Năm 1994, ông Lê Văn Thắng (hay còn gọi là ông Lê Thế Thắng) là cán bộ địa chính xã Quảng Hùng. Ông cũng là người ký vào biên bản đo và giao đất ở cho những người mua đất. Đến nay, dù đã nghỉ hưu 20 năm, nhưng ông Thắng vẫn còn nhớ rõ các thông tin việc mua bán đất.
Ông Thắng cho biết, việc bán đất ven biển là chủ trương của lãnh đạo xã Quảng Hùng. Theo đó, khi UBND xã thông báo về bán đất, đã có rất nhiều người đến mua đất. Người dân địa phương cũng có, người trong tỉnh, thậm chí cả ở các tỉnh, thành khác cũng về Quảng Hùng mua đất.
Theo ông Thắng, người dân có nhu cầu đến mua bao nhiêu mét vuông UBND xã đều đồng ý. Thông thường, giá bán từ 4 triệu đến 6 triệu đồng/lô 200m2 tùy vị trí. Ai mua bao nhiêu lô thì nhân lên để nộp tiền. "Tôi không nhớ cụ thể số người đã mua đất. Nhưng mấy chục ha đất chúng tôi bán ào ào, ai có tiền thì mua", ông Thắng nói.
Ông Thắng cũng khẳng định, thời điểm UBND xã bán đất là có quỹ đất ven biển thật. Tuy nhiên, tỉnh, huyện không cho UBND xã giao và bán đất. Do đó, UBND xã chỉ bán trên sơ đồ, chứ không giao đất trên thực địa. Tại địa phương, đất ven biển thuộc thôn 1, thôn 2, thôn 3 của xã và được thể hiện trên 4 bản đồ. Vì thế, khi người dân mua đất, cán bộ sẽ chỉ các vị trí, người mua ưng vị trí ở thôn nào thì chấm vào đó. Trong biên bản giao đất, sẽ đề là thôn 1, thôn 2, thôn 3, tờ bàn đồ số mấy. Do đó, cũng có thể 1 lô đất trùng 3-6 người. Sau khi ông nghỉ hưu, đã bàn danh sách khách hàng mua đất cho người kế nhiệm. "Chủ trương bán đất là của UBND xã. Vì thế, Chủ tịch UBND xã mới cấp phiếu thu tiền và có biên bản giao đất cho người mua", ông Thắng nói.
Ông Khoa, nguyên Trưởng Công an xã Quảng Hùng, hiện là Bí thư thôn 1 (xã Quảng Hùng), cho biết, thời điểm đó, việc mua bán đất ở xã Quảng Hùng rất sôi động. Hầu hết, người dân địa phương mua đất xong bán sang tay cho người khác kiếm lời. Gia đình ông cũng mua được lô đất, rồi bán sang tay, lãi hơn chục triệu đồng.
Chia sẻ với chúng tôi về việc mua bán đất năm 1994, ông N.V.T. (thôn 3, xã Quảng Hùng, TP. Sầm Sơn) cho biết, lúc đó việc mua bán đất ở xã Quảng Hùng rất sôi động. Đi đến đâu cũng chỉ nghe đến mua bán bán đất. Tuy nhiên, 4-6 triệu đồng khi ấy rất lớn, trong xã không phải hộ nào cũng có. Vì thế, vài nhà góp tiền chung nhau mua một lô đất (200m2) sau đó bán lại cho người khác. Gia đình ông cũng chung với 2 gia đình khác, gom được 4 triệu đồng và mua một lô đất. Sau đó, ông bán cho một người thân ở Hà Nội với giá 16 triệu đồng, lãi 12 triệu đồng, một số tiền rất lớn thời điểm đó.
Lãnh đạo địa phương nói gì?
Ông Đặng Ngọc Vũ, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Hùng, thừa nhận, việc bán đất tại Quảng Hùng đã xảy ra mấy chục năm trước. Tuy nhiên, hiện vẫn là vấn đề "nhức nhối" của địa phương bởi hậu quả vẫn chưa được giải quyết.
Theo ông Vũ, trước đây UBND huyện Quảng Xương có ý tưởng quy hoạch khu du lịch nam Sầm Sơn. Vị trí quy hoạch nằm trên địa bàn ven biển xã Quảng Hùng. Nắm được thông tin đó, bà con nhiều nơi các tỉnh, thành, địa phương vào mua đất. Người ít tiền thì mua một lô 200m2, người nào có điều kiện thì mua vài ngàn mét vuông. "Thời điểm đó, mặt bằng tổng thể Quy hoạch du lịch nam Sầm Sơn thì UBND huyện Quảng Xương đã duyệt nhưng đất tái định cư thì không duyệt. Do đó, người mua đất sẽ được cấp phiếu thu tiền và biên bản giao đất do Chủ tịch UBND xã Quảng Hùng ký", ông Vũ nói.
Ông Vũ cũng thừa nhận việc UBND xã bán đất cho người dân là trái thẩm quyền. Tuy nhiên, trong việc này không có vụ lợi cá nhân, bởi toàn bộ số tiền thu được từ bán đất, UBND xã Quảng Hùng đã đầu tư để làm các công trình hạ tầng của địa phương.
"Khi giao đất cho các hộ trên mặt bằng quy hoạch khu du lịch chứ không giao đất trên hiện trạng bản đồ hành chính nên không xác định được vị trí của hộ nào mua đất trên bản đồ địa chính mà chỉ ghi là đất ven biển hoặc khu vực thôn 2, thôn 1 mà thôi", ông Vũ nói.
Nhiều người dân mua đất cho rằng, diện tích đất họ mua trùng với đất đã giao cho dự án của Công ty cổ phần đầu tư Văn Phú triển khai dự án bất động sản. Đặc biệt, báo cáo của UBND xã Quảng Hùng cho thấy, trong số 490 trường hợp đã mua đất ven biển của UBND xã nằm ở phía đông đường 4C thuộc thôn 1, thôn 2, thôn 3 xã Quảng Hùng, với tổng diện tích khoảng 19,5 ha. Trong đó, đất ven biển phía đông đường 4C thuộc thôn 2, thôn 3 đã được UBND tỉnh Thanh Hóa thu hồi đất khoảng 26 ha và giao cho công ty cổ phần đầu tư Văn Phú Invers là 13,8ha. Về vấn đề này, ông Vũ cho biết, thời điểm thu hồi đất giao cho Công ty Văn Phú, UBND xã cũng đã thông báo cho người dân. Tuy nhiên, việc bồi thường và tái định cư chỉ áp dụng với các thửa đất có sổ đỏ. Sau đó, đã có những hộ dân có đất nằm trong dự án đã đến thống kê và nhận bồi thường. Còn đất của người dân mua của UBND xã không rõ vị trí, không có trên thực địa nên không được bồi thường, hỗ trợ. (còn nữa)