Chuyện xin thoát nghèo ở Sơn Nga

PTĐT - Xã Sơn Nga, huyện Cẩm Khê vừa có 12 hộ tự nguyện viết đơn xin thoát  nghèo; nghĩa cử đẹp đẽ này, được người dân trong và ngoài tỉnh biết đến, trở thành niềm cảm hứng cho nhiều hộ dân khác quyết tâm vượt khó vươn lên trong cuộc sống.

Căn nhà mới khang trang, kiên cố của gia đình anh Hoàng Văn Đạo tại khu 2, xã Sơn Nga.

Căn nhà mới khang trang, kiên cố của gia đình anh Hoàng Văn Đạo tại khu 2, xã Sơn Nga.

Về xã Sơn Nga một ngày mùa đông, chúng tôi tới thăm gia đình anh Hoàng Quang Đạo ở khu 2 Chùa Bộ. Gia đình anh là một trong 12 hộ tự nguyện viết đơn đề nghị xét duyệt thoát nghèo, thoát cận nghèo của xã Sơn Nga.

Vợ chồng anh Hoàng Quang Đạo và chị Nguyễn Thị Hiền thuộc diện cận nghèo từ năm 2012 đến nay. Những năm về trước, kinh tế gia đình chỉ phụ thuộc hoàn toàn vào hơn mẫu ruộng cha mẹ để lại. Anh chị lại có mẹ già và hai con nhỏ nên cuộc sống rất khó khăn, thu nhập không đủ trang trải. Vài trăm trở lại đây, anh chị vay mượn khoảng 40 triệu đồng để mua một chiếc máy xay xát gạo làm dịch vụ, nhờ đó kinh tế dần được cải thiện. Tích cóp nhiều năm, gia đình xây được nhà mới khang trang và kiên cố; nhận thấy gia đình mình đã có thu nhập ổn định hơn, anh Đạo bàn với vợ tự nguyện viết đơn gửi UBND xã Sơn Nga xin thoát hộ nghèo.

Từ ngày đầu tư mua máy xát gạo thuê, kinh tế gia đình anh Đạo có bước phát triển hơn.

Từ ngày đầu tư mua máy xát gạo thuê, kinh tế gia đình anh Đạo có bước phát triển hơn.

Anh Đạo chia sẻ: “Gia đình vẫn khó khăn đấy, nhưng hai vợ chồng mình còn trẻ, sức dài vai rộng, còn có máy xát, có ruộng vườn nên không thể nhận mình nghèo. Những hỗ trợ của Nhà nước xin được dành cho những gia đình còn khó khăn, mình sẽ chăm chỉ làm ăn để tích cóp dần dần. Mình vui vì gia đình đã có thể tự lực trang trải mà không cần nhờ đến sự trợ giúp của Đảng và Nhà nước. Biết đâu sau này mình còn giúp được những người khó khăn hơn”.

Cũng tự nguyện viết đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo, gia đình anh Hoàng Hải Đường và chị Lê Thị Hồng Phương ở khu 4, vốn không có nghề nghiệp ổn định. Anh Đường thì làm công việc tự do còn chị chủ yếu làm nón tại nhà. Nhiều năm trước anh chị vay mượn hơn 80 triệu để làm căn nhà cấp bốn kiên cố. Mỗi năm tích cóp trả dần, đến nay anh chị đã xây được căn nhà riêng cho gia đình mình. Hiện tại, thu nhập gia đình từ nghề nón và từ công phụ xây tuy chỉ đủ chi trả những khoản thiết yếu trong gia đình, nhưng anh chị vẫn viết đơn thoát nghèo, bởi mong muốn phần hỗ trợ gửi lại cho hộ nghèo khác. Trò chuyện với anh chị Hải- Phương, mới thấy rằng tinh thần tự nguyện của anh chị rất trách nhiệm và giàu lòng nhân ái, dù gia đình chưa phải là khá giả gì!

Thu nhập chủ yếu của gia đình anh Đường chị Phương đến từ nghề may nón lá.

Thu nhập chủ yếu của gia đình anh Đường chị Phương đến từ nghề may nón lá.

Theo ông Hoàng Tiến Thư - Bí thư Đảng ủy xã Sơn Nga, đây là lần đầu tiên xã có đông trường hợp tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo như vậy. Các hộ xin thoát nghèo chưa hẳn đã thực sự hết khó khăn, thiếu thốn, mà vì nhận thức được trách nhiệm nỗ lực vươn lên; ý thức trong việc sẻ chia hỗ trợ với những hoàn cảnh còn khó khăn hơn mình. Nhờ có những hộ gia đình tiên phong thoát nghèo làm gương, nhiều gia đình khác cũng noi theo, tạo thành phong trào lan rộng. Đảng ủy, HĐND, UBND xã Sơn Nga đã biểu dương các hộ tự nguyện thoát nghèo đồng thời sẽ tiếp tục giúp đỡ các gia đình mới thoát nghèo tiếp tục ổn định cuộc sống, yên tâm phát triển kinh tế.

Chuyện 12 hộ dân xin thoát nghèo ở Sơn Nga đã thật sự truyền cảm hứng giúp nhiều người nhìn lại bản thân, nhất là khi đâu đó vẫn còn những trường hợp “xin” vào danh sách hộ nghèo để được hưởng hỗ trợ.

Trà My

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/phong-su-ghi-chep/202001/chuyen-xin-thoat-ngheo-o-son-nga-168597