Chuyện xóa nghèo ở Si Ma Cai
Si Ma Cai là vùng cao núi đá khắc nghiệt và khó khăn nhất của tỉnh Lào Cai, với 'đặc sản' nổi bật là núi cao, khe sâu, đá nhiều hơn đất và khô hạn, thiếu nước. Thực hiện Nghị quyết 22 của Tỉnh ủy, với phương châm 'biến khó khăn thành lợi thế', huyện tập trung vào hai mũi đột phá là chăn nuôi đại gia súc và trồng cây ăn quả ôn đới để xóa nghèo nhanh và bền vững.
Huyện vùng cao Si Ma Cai có 13 xã, với hơn 6.500 hộ dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, Nùng, Phu Lá, diện tích tự nhiên rộng nhưng nhiều núi cao, vực sâu, đá nhiều hơn đất, lại khô hạn, thiếu nước tưới, cho nên canh tác nông nghiệp rất khó khăn. Từ lâu, đồng bào các dân tộc Mông, Nùng, Phu Lá… ở đây đã có kinh nghiệm nuôi trâu, bò, ngựa, dê nhưng nhỏ lẻ, phân tán, chủ yếu để tự sản tự tiêu, tự cung tự cấp cho nên hiệu quả kinh tế thấp.
Để thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, xóa nghèo nhanh và bền vững, Tỉnh ủy Lào Cai xây dựng Nghị quyết 22 tập trung nguồn lực và tăng cường cán bộ, cùng với cơ chế, chính sách “đặc biệt” cho huyện vùng cao khó khăn nhất của tỉnh. Theo đó, huyện Si Ma Cai chọn hai con gia súc chủ lực là trâu và bò để phát triển chăn nuôi thành vùng hàng hóa, số lượng lớn, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và cung cấp thực phẩm sạch cho khu du lịch Sa Pa, TP Lào Cai và các tỉnh miền xuôi. Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Si Ma Cai Viên Đình Hiệp cho biết, huyện quy hoạch các xã Bản Mế, Sín Chéng, Cán Cấu, Nàn Sán, Mản Thẩn… có điều kiện tự nhiên phù hợp về khí hậu, tập quán chăn nuôi, nguồn cỏ tự nhiên và đất đai rộng, theo phương thức lấy hộ gia đình làm trung tâm, để phát triển chăn nuôi đại gia súc.
Chúng tôi đến xã Bản Mế nằm ở thượng nguồn sông Chảy, chủ yếu là đồng bào dân tộc Nùng và Mông sinh sống, chủ yếu trồng lúa và ngô, năng suất thấp vì phụ thuộc thời tiết vùng cao thất thường. Từ năm 2015, xã vận động bà con nông dân chuyển đổi sang chăn nuôi trâu, bò, ngựa. Hội Nông dân xã lựa chọn những gia đình có điều kiện và kinh nghiệm chăn nuôi đi đầu, tiếp nhận bò giống hỗ trợ theo đề án, mỗi hộ là hai bò mẹ sinh sản, sau khi sinh bê con thì được giữ lại và chuyển bò mẹ cho gia đình khác nuôi tiếp, cứ thế quay vòng để nhân rộng ra toàn xã. Chị Vàng Thị Sa, dân tộc Nùng, ở thôn Bản Mế 2 phấn khởi khoe kết quả: Sau ba năm nhận một cặp bò mẹ sinh sản để nuôi, từ hộ nghèo, hiện nay chị đã có trong tay ba con bò (một con mẹ và hai con bò thịt), nếu bán theo giá thị trường hiện tại cũng được khoảng 50 triệu đồng. Cặp bò mẹ được huyện hỗ trợ sau khi sinh bê con đã được chuyển giao cho gia đình khác để chăm sóc và sinh sản tiếp. Theo phương thức này, đến nay xã Bản Mế đã có hơn 75% số hộ chuyển đổi trồng ngô, lúa sang chăn nuôi đại gia súc, với tổng số 1.060 con trâu và 621 con bò. Trâu được mang ra chợ Cán Cấu bán cho thương lái xuất khẩu sang Trung Quốc hoặc chuyển về Hà Nội, Quảng Ninh; bò được tiêu thụ ổn định, giá tốt, bởi chất lượng thịt sạch đáp ứng nhu cầu của khu du lịch Sa Pa, TP Lào Cai và các tỉnh miền xuôi, được vận chuyển thuận lợi theo đường cao tốc Lào Cai - Nội Bài. Theo Chủ tịch UBND xã Bản Mế Ngô Văn Sơn, tính ra hiệu quả chăn nuôi đại gia súc cao gấp nhiều lần trồng ngô, lúa, thu nhập ổn định ít phụ thuộc thời tiết, nhờ vậy công tác xóa nghèo ở Bản Mế được triển khai nhanh và bền vững.
Tương tự như ở Bản Mế, các xã Mản Thẩn, Cán Cấu, Nàn Sán, Lử Thẩn… của huyện vùng cao Si Ma Cai tập trung khai thác lợi thế đất đai, đồng cỏ và kinh nghiệm bản địa để phát triển chăn nuôi đại gia súc. Tính đến nay, huyện Si Ma Cai đã hỗ trợ 2.321 con bò và trâu sinh sản cho 1.136 hộ nghèo và cận nghèo, tổng đàn gia súc đạt 21.000 con (trong đó có 14.500 con trâu, 6.500 con bò), tạo nguồn thu khoảng gần 500 tỷ đồng cho khu vực nông thôn. Bà con nông dân cũng đã trồng được 843 ha cỏ VA-06 để chủ động nguồn thức ăn, áp dụng kỹ thuật nuôi nhốt tiên tiến, thực hiện tiêm phòng bảo đảm an toàn dịch bệnh cho đàn đại gia súc ở địa phương.
Đối với các xã nằm ở độ cao từ 1.200 - 1.600 m so với mực nước biển, có khí hậu mát lạnh, độ ẩm khá cao, huyện Si Ma Cai quy hoạch, vận động và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số trồng cây ăn quả ôn đới, như: lê xanh, mận hậu, mận tím Tả Van. Đây là những giống cây ăn quả bản địa, sinh trưởng mạnh, năng suất cao, chất lượng vượt trội so với các nơi khác. Đầu ra cho nông sản cũng thuận lợi, do lựa chọn trồng các giống mận chín rải vụ, cho thu hoạch trải đều trong năm, không bị dồn ứ, cung vượt cầu cục bộ.
Chủ tịch UBND xã Lùng Sui Hảng Seo Toán, chắc nịch như một cây nghiến, sải những bước dài đưa chúng tôi theo con đường bê-tông cứng hóa theo chương trình nông thôn mới, rộng 3,5 mét từ trung tâm xã chạy vắt ngang sườn núi cao đến thôn Seng Sui, hai bên đường thấp thoáng nhà dân, xanh bạt ngàn lê Tai Nung đang chớm trổ hoa và mận hậu, mận tím Tả Van đang kỳ khép tán xanh mướt. Gia đình anh Hảng Seo Sình mỗi năm thu gần trăm triệu đồng từ ba héc-ta trồng cây ăn quả ôn đới, với gần 1.000 cây mận tím Tả Van và cây lê xanh đang vào thời kỳ cho quả tốt nhất. “Mận tím Tả Van giòn, ngọt và thơm mùi đặc trưng, thương lái vào tận vườn mua giá từ 70 - 90 nghìn đồng/kg, vụ thu hoạch tháng 5 vừa rồi, nhà mình “cháy hàng” không có đủ để bán cho thương lái đặt hàng”- anh Sình vui vẻ khoe.
Kỹ sư nông nghiệp Vũ Văn Khanh cho biết, mận tím Tả Van và lê xanh trồng trên đất Lùng Sui giòn, ngọt, sạch không nơi nào sánh bằng, do khí hậu và thổ nhưỡng đặc biệt phù hợp. Thôn Seng Sui nằm cách trung tâm xã hơn bảy cây số, có hơn 120 hộ người Mông, trước đây chỉ trồng ngô là chính, nhờ chuyển đổi cây trồng, đến nay đã có hơn 100 ha cây ăn quả ôn đới, đời sống người dân khá lên, có thu nhập cao hơn và việc làm ổn định, hiện tượng bỏ nhà đi làm thuê bên Trung Quốc giảm hẳn. Xã Lùng Sui được coi là “vựa cây ăn quả ôn đới” của “huyện đá” Si Ma Cai, với 145 ha cây mận và lê xanh, cho sản lượng khoảng 80 tấn/năm. Điều rất hay ở Si Ma Cai là quy hoạch vùng trồng cây ăn quả rõ nét, theo phương châm liên kết các xã liền kề thành vùng tập trung để giảm suất đầu tư giao thông và thuận tiện áp dụng các biện pháp canh tác tiên tiến, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong tưới nước, bón phân và phòng ngừa sâu bệnh hại. Nhờ vậy, Si Ma Cai đã xây dựng được vùng cây ăn quả ôn đới tập trung, rộng hàng trăm héc-ta, như: Lùng Sui - Lử Thẩn, Quan Thần Sán - Cán Hồ - Mản Thẩn. Cách làm hay nữa là chính quyền huyện, xã thực hiện hỗ trợ người dân chuyển đổi trồng cây ăn quả theo phương thức “hỗ trợ sau đầu tư”, tức là người dân tự lựa chọn đất của mình, mua giống theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, chăm sóc cây từ 2 - 3 năm, bảo đảm diện tích và số cây trồng sinh trưởng tốt, lúc đó cán bộ chuyên môn của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và chính quyền xã mới nghiệm thu và giải ngân thanh toán tiền hỗ trợ theo đề án. Nhờ cách làm này, tỷ lệ cây sống cao và diện tích đông đặc thực chất, tránh sai mục đích, lãng phí và thất thoát nguồn hỗ trợ của Nhà nước cho người dân.
Đến nay, huyện Si Ma Cai đã trồng được 832 ha cây ăn quả ôn đới, hằng năm bán ra thị trường hơn 650 tấn lê xanh, mận tím đặc sản, thu về cho nông dân gần 40 tỷ đồng, góp phần tích cực xóa nghèo hiệu quả ở địa phương. Bí thư Huyện ủy Si Ma Cai Vũ Văn Cài cho biết, do “lựa đúng con, chọn đúng cây” cùng với quyết tâm, đồng lòng từ lãnh đạo các cấp đến người dân; thực hiện các giải pháp cụ thể, thiết thực, phù hợp thực tế cho nên đã tạo động lực mới trong phát triển kinh tế, xóa nghèo bền vững ở nông thôn của huyện với tỷ lệ đạt hơn 11%/năm. Hàng nghìn hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao núi đá, biên giới nay đã thoát nghèo, đang vươn lên làm giàu tại chỗ.
Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/41469702-chuyen-xoa-ngheo-o-si-ma-cai.html