Chuyện xóa nhà tạm ở vùng cao - Bài 5: Bộ đội vào vai thợ xây
Giữa núi rừng Tây Bắc mù sương, những ngôi nhà lợp mái tôn đỏ nổi bật giữa rừng xanh. Từng viên gạch, từng thanh gỗ nơi ấy đều in dấu bàn tay người lính. Không có tiếng pháo mừng, không có băng rôn khẩu hiệu, nhưng ân tình của bộ đội với dân thì ai cũng khắc cốt, ghi tâm…

Các cán bộ, chiến sĩ cùng nhau giúp bà con xây dựng nhà Trung ương và các tỉnh thành “chia lửa” với Điện Biên
Buông súng để gùi gạch, trộn hồ
Cửa khẩu quốc tế Tây Trang nằm ở bản Ka Hâu, xã Na Ư, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên. Sáng sớm, sương núi vẫn còn vắt ngang các triền núi, trắng xóa như khói. Đường đang ướt đẫm hơi sương, chiếc xe bán tải của Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Tây Trang phải dừng lại giữa dốc, nhường cho một đoàn người đi bộ đang hì hục gùi từng bao xi măng đi lên. Gùi nặng oằn vai nhưng gương mặt ai cũng rạng rỡ, bởi họ biết, hôm nay là ngày đổ móng cho căn nhà mới của một hộ nghèo trong bản.
Người đi đầu là Thiếu tá Nguyễn Tuấn Vũ, Chính trị viên phó của Đồn. Tay áo xắn cao, đôi ủng lấm bùn, vừa đi vừa thở hổn hển, Thiếu tá Vũ vẫn cười tươi, tếu táo: “Lính biên phòng quen làm báo cáo, huấn luyện, quen bám, nắm địa bàn nhưng khi gùi gạch, trộn hồ xây nhà cũng không hề kém thợ chuyên nghiệp đâu nhé”.
Bản biên giới nơi đây nghèo, đồng bào dân tộc Mông chiếm đa số. Nhiều gia đình quanh năm sống trong những căn nhà tạm bợ vách đất, mái dột, có nhà chỉ cần mưa to là sập. Những đứa trẻ chân đất, mặt mũi lấm lem, học hành dang dở. Hưởng ứng phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát năm 2025”, Đồn Tây Trang nhận hỗ trợ xây nhà cho 4 hộ dân đặc biệt khó khăn. Các anh không hỗ trợ bằng tiền mặt mà bằng ngày công lao động.
Ở công trường dựng nhà chúng tôi đến thăm không thấy bóng dáng thợ xây nào mà chỉ toàn những người lính biên phòng với quân hàm trên vai và xẻng, bay trát vữa trên tay. Người chẻ gạch, người trộn hồ, người đẩy xe chở cát. Ai cũng tất bật như đang vào cao điểm huấn luyện. Tổ công tác có đủ mọi quân hàm, từ binh nhất đến thiếu tá, đều lấm tấm bụi xi măng.
Nhiều chiến sĩ dù chưa từng cầm bay, cầm thước nhưng chỉ sau vài hôm cũng trở nên thạo việc. Thiếu tá Vũ kể: “Lúc đầu, có cậu trát vữa xong nhưng cả mảng tường lồi lõm phải làm lại, dân thấy cũng lo. Nhưng được vài hôm, quen tay rồi thì làm đâu chắc đấy. Lính mà, khó mấy cũng học, cũng làm được”.

Bộ đội Đồn Biên phòng Nà Hỳ góp công xây mái nhà ấm cho bà con bản Sín Chải - nơi trước kia chỉ là vách nứa, nền đất
Căn nhà mà bộ đội đang xây nằm nép dưới chân núi, nền đất mới san phẳng, tường gạch đã cao ngang ngực. Cứ vài người một nhóm, các anh chia nhau làm từng khâu. Nhóm đào móng, nhóm dựng khung, nhóm chuẩn bị vật liệu lợp mái nhà. Đồn còn phối hợp với cán bộ kỹ thuật của xã để bảo đảm công trình đúng theo tiêu chuẩn “ba cứng” gồm nền cứng, tường cứng và mái cứng. Cụ thể, nhà có nền kiên cố, tường xây bằng gạch chỉ, mái là tôn cách nhiệt.
Với những căn nhà nằm sâu trong bản, đường hẹp, xe lớn không vào được nên toàn bộ gạch, cát, xi măng phải gùi bộ từng bao. Có hôm trời mưa, đường trơn, xe đẩy lật giữa dốc, cả nhóm lại hò nhau xúc lại từng xẻng cát, vỗ về nhau bằng câu đùa: “Cát rửa rồi, giờ rửa thêm lần nữa cho sạch!”.
Nhìn từng bức tường cao dần lên, từng viên gạch được đặt ngay hàng thẳng lối, bà Vừ Thị Xông hơn 70 tuổi, một trong những hộ được giúp làm nhà mới xúc động nói: “Bộ đội không chỉ giữ đất mà còn dựng nhà. Mình già rồi, không giúp gì được, chỉ biết nấu ấm nước, luộc bắp cho các chú giải lao. Có được nhà mới, mình vui lắm!”.

Đồn Biên phòng Na Cô Sa tặng quà tân gia cho gia đình bà Vàng Thị Dợ
Dân có nhà an toàn, biên cương mới vững
Ở huyện vùng cao Nậm Pồ, của tỉnh Điện Biên, nơi địa hình hiểm trở và đời sống còn nhiều khó khăn, những ngày qua cũng rộn ràng tiếng cưa, tiếng búa trong niềm vui của người dân vùng biên. Tại xã Nà Hỳ, Đồn Biên phòng Nà Hỳ đã tổ chức 60 lượt cán bộ, đoàn viên thanh niên, mỗi người tham gia 15 ngày công hỗ trợ người dân xây dựng nhà ở theo tiêu chí mới. Các căn nhà đều được xác minh kỹ lưỡng, đảm bảo theo quy định tại Quyết định 55/QĐ-BXD về nền móng, khung tường và mái nhà.
Đồng chí Nguyễn Văn Chính- Chính trị viên Đồn Biên phòng Nà Hỳ cho biết, toàn bộ các hộ dân được hỗ trợ đều được xác minh kỹ lưỡng, khảo sát nền đất, bảo đảm căn nhà xây lên sẽ thực sự bền vững. “Không phải cứ có tiền là làm được. Dân thiếu nhân lực, thiếu thợ, thì bộ đội là người thay thế. Anh em đều làm bằng trách nhiệm và tình cảm”.
Đầu tháng 4/2025 vừa qua, ông Lê Thành Đô - Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên đã ký quyết định bổ sung kinh phí thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh, với tổng mức hỗ trợ lên tới 254,34 tỷ đồng. Nguồn kinh phí bao gồm: 16,922 tỷ đồng từ tiết kiệm chi thường xuyên năm 2024 của tỉnh; 226,018 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước điều tiết Trung ương; 10 tỷ đồng do tỉnh Bắc Ninh hỗ trợ; 1,4 tỷ đồng từ nguồn đóng góp dư năm 2024 chuyển sang. Với mức hỗ trợ 60 triệu đồng/hộ xây mới và 30 triệu đồng/hộ sửa chữa, dự kiến sẽ có 3.870 căn nhà được xây mới, 738 căn được cải tạo.
Một trong những hộ dân được hỗ trợ lần này là gia đình ông Chảo Vần Pố - người Dao sống ở bản Sín Chải (xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ). Cả nhà ông từng sống trong căn lán vách nứa, mái tôn thủng, mùa đông gió lùa buốt đến xương. Nhận được tin sẽ được hỗ trợ dựng nhà, ông Pố mừng đến mất ngủ cả đêm. Gia đình ông có tích góp được chút tiền, nhưng không đủ thuê thợ. Nay bộ đội góp công, ông chỉ cần mua vật liệu là đủ dựng được mái nhà mơ ước.
Cũng trong địa bàn huyện vùng cao Nậm Pồ, tại bản Na Cô Sa 4 cũng đang rộn ràng không khí khánh thành nhà mới. Gia đình bà Vàng Thị Dợ, người phụ nữ Mông góa chồng, một mình nuôi ba đứa con nhỏ nay đã có mái nhà vững chãi để tránh mưa nắng. Căn nhà xây hơn hai tháng, đủ chỗ cho lũ trẻ có góc học bài, đủ để bà yên tâm trồng thêm cây, nuôi thêm lợn.
Ngày dọn về nhà mới, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Na Cô Sa cùng Hội Phụ nữ xã còn đến tặng quà, mang theo bánh kẹo cho lũ trẻ và một lá cờ đỏ sao vàng treo trước hiên nhà. Bà Dợ rưng rưng, giấu nước mắt sau nụ cười nói: “Tôi cả đời không dám mơ có nhà xây. Giờ có rồi, nhờ bộ đội cả đấy!”.
Ở nơi biên giới xa xôi này, mỗi mái nhà dựng lên kèm theo một thông điệp thiêng liêng “Dân có nơi ở an toàn, biên cương mới vững”. Không có khẩu hiệu nào được treo lên, chỉ có những ngày công lặng thầm của bộ đội. Những đôi tay quen súng, quen điều lệnh, nay học cầm bay, học xây gạch như một sự chuyển mình đầy trách nhiệm.
Những căn nhà dựng lên từ gạch ngói không chỉ là mái che mưa nắng, mà còn là điểm tựa niềm tin, nơi những đứa trẻ vùng cao học bài, nơi người già an nghỉ, nơi bếp lửa sưởi ấm một tương lai mới. Và ở nơi địa đầu Tổ quốc này, hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” luôn bừng sáng, không chỉ trên đường tuần tra biên giới, mà trong từng mái nhà ấm áp, giữa đời thường mộc mạc của dân bản.