Chuyện xúc động phía sau hình ảnh nam sinh đạp xe đi nhặt ve chai với mẹ giữa đêm đông
Chồng mất sớm, bà Châu chỉ còn Phúc là điểm tựa cho mình. Hằng ngày, bà Châu chẻ lạt bán cho các mối buôn hoa, tối đến lại lầm lũi đi nhặt ve chai bán lấy tiền. Thương mẹ vất vả, tối đến Phúc cũng cùng mẹ đi nhặt ve chai kiếm thêm thu nhập.
Nỗi lo “sợ mẹ khổ”
Trời về khuya, phố huyện Quốc Oai, Hà Nội lặng lẽ dưới ánh đèn đường vàng vọt, tiết trời lạnh buốt, một nam sinh dáng người gầy gò xách trên tay chiếc bao tải cũ vẫn đang cần mẫn nhặt từng vỏ chai, mảnh giấy vụn. Nam sinh ấy là Đoàn Đình Phúc, học sinh lớp 12A10, Trường THPT Phan Huy Chú.
Hình ảnh Phúc đi nhặt ve chai trong đêm được người dân ghi lại và chia sẻ trên mạng xã hội Facebook đã gây xúc động khi mọi người biết rằng nam sinh đi nhặt ve chai giúp mẹ. Hình ảnh Phúc nhặt ve chai phụ mẹ đã thu hút hàng chục nghìn lượt thích (like) và chia sẻ (share). “Thật cảm động! Hy vọng mọi người chung tay giúp đỡ để Phúc có tương lai sáng hơn”, một bình luận viết.

Phúc đi nhặt ve chai mỗi tối. Ảnh: Hảo Hảo.
Nhìn Phúc cặm cụi bên đống rác ven đường, ít ai biết rằng nam sinh này đang ấp ủ giấc mơ thi đỗ vào Đại học Bách Khoa, chuyên ngành ô tô. Ban ngày, Phúc là cậu học trò chăm chỉ, ban đêm lại cần mẫn đi khắp phố huyện tìm mẹ để đỡ đần nhặt ve chai. Chiếc xe đạp cà tàng, chở đầy bao tải lớn, chậm rãi lăn bánh trên con đường vắng.
“Mỗi tối, sau khi học xong, em vội vã đạp xe dọc con đường từ nhà ra huyện Quốc Oai để tìm mẹ.
Em cứ đi hết các ngõ phố, gặp mẹ ở đâu thì đón ở đó, rồi cùng mẹ chở ve chai về nhà kẻo nặng. Nếu còn sớm, em lại tranh thủ cùng mẹ nhặt thêm một chút rồi mới về”, Phúc chia sẻ.

Nam sinh lớp 12 nhặt ve chai cùng mẹ để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Ảnh: Quỳnh An.
Trong lớp, Phúc là học sinh khá, cậu yêu thích các môn Toán, Lý, Hóa và dự định thi khối A. Dù cuộc sống vất vả, Phúc vẫn luôn ấp ủ ước mơ một ngày được bước chân vào giảng đường đại học. Nhưng khi nghĩ đến học phí và cuộc sống tự lập nơi thành phố, Phúc lại lo lắng: “Em chỉ sợ mẹ khổ”.
Tự hào vì mẹ đã dành tất cả yêu thương cho mình
Ngôi nhà của mẹ con Phúc nằm lọt thỏm giữa tổ dân phố Đình Tổ, thị trấn Quốc Oai. Đó là một ngôi nhà cấp 4 rộng chừng 35m2, bên ngoài là những bao tải phế liệu được sắp xếp gọn gàng, bên trong đơn sơ với những món đồ cũ kỹ. Tài sản quý giá nhất của hai mẹ con có lẽ là chiếc tivi đã cũ theo năm tháng.

Ngôi nhà cấp 4 nơi mẹ con Phúc sinh sống ở thị trấn Quốc Oai. Ảnh: Quỳnh An.
Chồng mất sớm, bà Châu chỉ còn Phúc là điểm tựa cho mình. Năm nay đã 57 tuổi lại mắc bệnh tim nhiều năm nhưng bà Châu không dám đi khám hay chữa trị vì không có tiền. Mỗi ngày, bà Châu ngồi chẻ lạt đem bán cho các mối buộc hoa kiếm vài chục nghìn đồng, tối đến lại lầm lũi đi nhặt ve chai bán để có thêm "đồng ra, đồng vào" lo cho cuộc sống hai mẹ con.

Bên trong ngôi nhà hai mẹ con Phúc không có gì đáng giá. Ảnh: Quỳnh An.
“Một ngày chịu khó làm cũng được 50.000 đồng, vừa chẻ lạt vừa nhặt ve chai, đủ để mua thức ăn và sinh hoạt phí”, bà Châu giọng trầm buồn khi kể về cuộc sống của hai mẹ con.

Phúc và người mẹ tảo tần nuôi em khôn lớn. Ảnh: Quỳnh An.
“Lúc sinh Phúc, tôi nghèo đến mức chẳng có nổi một hộp sữa cho con. Thằng bé lớn lên nhờ những đồng tiền lẻ tôi chắt chiu từng ngày”, bà Châu đôi mắt đỏ hoe khi nhớ lại những ngày tháng khó khăn.
Khi được hỏi về cảm xúc mỗi lần thấy con trai nhặt rác cùng mình, bà Châu đã không kìm được xúc động, nước mắt tuôn trào. “Thương con lắm, nhìn nó đi lóc cóc giữa trời mưa lạnh mà rớt nước mắt”, bà Châu nghẹn lời rồi vội lau nước mắt, cố gắng nở nụ cười để không làm con buồn.
Phúc ngồi lặng lẽ bên mẹ, đôi mắt chăm chú dõi theo bàn tay mẹ gầy guộc, như muốn san sẻ phần nào những vất vả ấy.

Phúc sắp xếp ve chai giúp mẹ cho gọn gàng. Ảnh: Quỳnh An.
Bà Châu, với dáng người nhỏ bé, chậm chạp, cần mẫn phân loại từng vỏ lon, mảnh giấy vụn. Đôi bàn tay run run vì lạnh, nhưng vẫn thoăn thoắt làm việc. Còn Phúc, với đôi mắt sáng ngời, nhanh nhẹn phụ mẹ dọn dẹp nhà. Em vừa dọn nhà, vừa trò chuyện, động viên mẹ, tình cảm ấm áp của hai mẹ con xua tan lạnh giá những ngày cuối đông.
“Em rất thương mẹ", Phúc nói và cho biết rất tự hào vì mẹ đã dành tất cả yêu thương và vất vả chăm lo cho mình. Phúc ước mơ một ngày có thể trở thành kỹ sư, để có thể tự tay sửa chữa những chiếc xe, có thể kiếm thật nhiều tiền để chăm lo cho mẹ.

Bà Châu phân loại chai lọ và bìa giấy để riêng. Ảnh: Quỳnh An.
Bà Nguyễn Thị Bích Huệ, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ thị trấn Quốc Oai, cho biết gia đình Phúc thuộc diện hộ cận nghèo, bố mất năm 2018, mẹ lại thường xuyên ốm đau bệnh tật. Vừa qua mẹ Phúc phải mổ cắt bỏ u tuyến polyp, lại bị bệnh tim nên cũng thường xuyên thuốc thang. Địa phương và các ban ngành đoàn thể cũng rất quan tâm hỗ trợ, song chỉ được phần nào, cuộc sống vẫn rất khó khăn.
Chính quyền địa phương đã đề nghị xây nhà mới cho mẹ con Phúc trong năm 2025, mong em có cuộc sống ổn định và yên tâm học tập.

Mỗi ngày bà Phúc ngồi chẻ lạt bán được khoảng 35.000 đồng. Ảnh: Quỳnh An.
“Hoàn cảnh khó khăn nhưng Phúc rất ngoan và hiếu thảo. Nhìn hình ảnh em đạp xe đi nhặt ve chai, tôi không khỏi xúc động”, bà Huệ chia sẻ.
Câu chuyện của Phúc chạm đến trái tim nhiều người. Những lời động viên, sự giúp đỡ, động viên của hàng xóm, thầy cô giáo, mạnh thường quân đã tiếp thêm sức mạnh cho hai mẹ con trên hành trình vượt qua khó khăn.