Người đàn ông đột tử sau trận đấu tennis

Ngày 1/4, Bệnh viện E đã tiếp nhận một bệnh nhân nam 41 tuổi do xe cấp cứu 115 đưa đến trong tình trạng nguy kịch, ngừng tuần hoàn sau khi chơi tennis.

Theo thông tin từ gia đình, bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp nhưng không tuân thủ điều trị thường xuyên. Trước khi xảy ra sự cố, anh vẫn sinh hoạt bình thường, không có dấu hiệu bất thường về sức khỏe. Tuy nhiên, chỉ ít phút sau khi rời sân tennis, anh đột ngột ngã quỵ, mất ý thức.

Ngay lập tức, người xung quanh tiến hành sơ cứu và gọi cấp cứu 115. Khi đến bệnh viện, bệnh nhân đã trong tình trạng ngừng tim, ngừng thở. Các bác sĩ đã khẩn trương thực hiện các biện pháp hồi sức tích cực, nhưng đáng tiếc, bệnh nhân không qua khỏi.

Ngay sau khi nhập viện bệnh nhân nhanh chóng được sức tích cực (Ảnh trích xuất Camera của Bệnh viện)

Ngay sau khi nhập viện bệnh nhân nhanh chóng được sức tích cực (Ảnh trích xuất Camera của Bệnh viện)

BS Vũ Việt Sơn, Chuyên khoa Nội Gan Mật cho biết: Trường hợp nam bệnh nhân 41 tuổi đột tử sau khi chơi tennis là một hồi chuông cảnh tỉnh về sự nguy hiểm của việc tập luyện thể thao không đúng cách, đặc biệt ở những người có bệnh nền. Thể thao mang lại lợi ích sức khỏe, nhưng cần được thực hiện an toàn và phù hợp với tình trạng cơ thể.

BS Vũ Việt Sơn, Chuyên khoa Nội Gan Mật, Bệnh viện E

BS Vũ Việt Sơn, Chuyên khoa Nội Gan Mật, Bệnh viện E

Theo bác sĩ Vũ Việt Sơn, đột tử khi chơi thể thao không phải là hiện tượng hiếm gặp. Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân có thể đến từ nhiều yếu tố, bao gồm:

Bệnh tim mạch tiềm ẩn

Nhiều trường hợp đột tử khi vận động mạnh xuất phát từ bệnh tim mạch mà người bệnh không biết hoặc không theo dõi sát. Tăng huyết áp, bệnh mạch vành, rối loạn nhịp tim có thể khiến tim hoạt động quá tải khi gắng sức, dẫn đến suy tim cấp hoặc nhồi máu cơ tim.

Tăng huyết áp không kiểm soát

Người bị tăng huyết áp như bệnh nhân trên nếu không kiểm soát tốt, huyết áp có thể tăng vọt khi vận động mạnh, gây vỡ mạch máu não hoặc nhồi máu cơ tim. Khi điều trị không đều đặn, nguy cơ này càng gia tăng.

Rối loạn điện giải và mất nước

Khi chơi thể thao, cơ thể mất nước và các chất điện giải như kali, natri, magiê. Sự mất cân bằng này có thể dẫn đến co thắt mạch máu, rối loạn nhịp tim và ngừng tim đột ngột.

Tăng gánh nặng cho tim

Hoạt động thể chất cường độ cao làm tăng nhịp tim và huyết áp nhanh chóng, khiến tim phải làm việc quá sức. Nếu tim không đủ khỏe hoặc có bệnh lý tiềm ẩn, nguy cơ suy tim cấp rất cao.

Bác sĩ khuyến cáo người có bệnh nền, đặc biệt là bệnh tim mạch và tăng huyết áp, nên khám sức khỏe định kỳ để đánh giá khả năng gắng sức của tim. Bác sĩ sẽ tư vấn loại hình vận động phù hợp với tình trạng sức khỏe.

Chọn môn thể thao phù hợp

Người bị tăng huyết áp, bệnh tim nên tránh các môn thể thao đòi hỏi sức bền cao hoặc cường độ lớn như tennis, bóng đá, chạy nước rút.

Thay vào đó, các môn nhẹ nhàng như đi bộ, yoga, bơi lội, đạp xe với cường độ vừa phải sẽ an toàn hơn.

Khởi động kỹ trước khi tập

Khởi động giúp cơ thể thích nghi với vận động, tránh sốc tim mạch đột ngột. Người có bệnh lý nền nên dành ít nhất 10-15 phút để làm nóng cơ thể trước khi tập luyện.

Tập luyện với cường độ phù hợp

Không nên đột ngột tập luyện cường độ cao nếu trước đó ít vận động.

Người bị tăng huyết áp cần theo dõi huyết áp trước, trong và sau khi tập để đảm bảo an toàn.

Hạn chế vận động quá sức, nên tập theo nguyên tắc “tăng dần” thay vì dồn ép cơ thể.

Chú ý dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm

Nếu có các triệu chứng như đau ngực, khó thở, chóng mặt, tim đập nhanh bất thường, cần ngừng tập ngay và tìm kiếm sự trợ giúp y tế.

Sự việc đáng tiếc trên là hồi chuông cảnh báo cho những ai có bệnh lý nền nhưng không kiểm soát tốt tình trạng sức khỏe. Thể thao rất quan trọng, nhưng tập luyện đúng cách mới thực sự mang lại lợi ích và đảm bảo an toàn. Đừng để một trận đấu thể thao trở thành thảm kịch chỉ vì chủ quan!

Mời quý vị và các bạn đón xem video dưới đây:

Minh Diễm

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/nguoi-dan-ong-dot-tu-sau-tran-dau-tennis-169250402204631715.htm