CIA đã trợ cấp vũ khí cho phiến quân như thế nào?
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, CIA thường xuyên viện trợ tiền bạc và cung cấp tin tình báo cho các lực lượng vũ trang nổi loạn chống lại những chính phủ cấp tiến ở Cuba, Chile, Indonesia…
Vậy nhưng phải đợi đến thập niên 1980, cơ quan này mới bắt đầu cung cấp vũ khí với số lượng lớn cho các nhóm phiến quân. Nói không ngoa, CIA đã “bóp nghẹt” trường chính trị thế giới nhờ vào một mạng lưới vận chuyển - phân phối vũ khí xuyên lục địa.
Những ngày đầu
Cố Tổng thống Ronald Reagan là người có vai trò quan trọng trong việc “cởi trói” CIA. Trái với người tiền nhiệm Jimmy Carter, Reagan muốn giáng một đòn chí tử lên Liên Xô (cũ). “Cú đánh” đầu tiên mà ông nghĩ tới là lợi dụng cuộc chiến giữa Liên Xô (cũ) và Afghanistan. Theo suy tính chiến lược của Reagan, CIA sẽ bí mật hỗ trợ các bộ tộc Afghanistan chống lại quân đội Liên Xô, từ đó buộc Liên Xô (cũ) phải sa lầy như chính người Mỹ đã từng sa lầy ở Việt Nam.
Theo lệnh của Tổng thống Reagan, CIA bắt đầu xây dựng đường dây vận chuyển vũ khí bí mật tại Afghanistan. Điều này không khó vì đồng minh thân cận Pakistan của Mỹ chung đường biên giới với Afghanistan. Vấn đề nằm ở khâu phân phối. Ở Afghanistan có hàng trăm bộ tộc khác nhau sống trên những đỉnh núi, thung lũng hiểm trở. Người Mỹ không rành thổ ngữ địa phương; không quen địa bàn nên không thể nào làm tốt việc đưa vũ khí đến tận tay các bộ tộc được.
“Giải pháp” mà CIA tìm đến là Saudi Arabia. Có rất nhiều thanh niên Hồi Giáo ở Saudi Arabia nghe theo “tiếng gọi Thánh Chiến” mà tình nguyện đến Afghanistan tham gia chiến đấu. Mỹ sẽ móc nối những người này với ISI (cơ quan tình báo của Pakistan) và dùng họ làm đầu mối phân phối vũ khí ở Afghanistan. Trùm khủng bố Osama bin Laden ban đầu chỉ là một “mắt xích” trong mạng lưới này. Ông ta lập nên al-Qaeda cũng nhờ vào việc xây dựng được mối quan hệ với các bộ tộc Afghanistan trong khi cung cấp vũ khí cho họ. Vào thời điểm đó, giới truyền thông Mỹ đều biết CIA cung cấp vũ khí cho phiến quân Afghanistan. Họ không lấy điều này để chỉ trích chính quyền bởi vì Afghanistan lúc đó chiến đấu chống Liên Xô (cũ).
Trường hợp phiến quân Contra xảy ra sau đó tại Nicaragua lại khác. Sau khi phong trào cách mạng Sandinista giành được chính quyền, tàn quân chính phủ Nicaragua cũ trở thành phiến quân Contra. Chúng điên cuồng tìm mọi cách chống lại chính quyền mới, thậm chí còn thảm sát những làng mạc hàng trăm người để “nhổ tận gốc” cơ sở cách mạng địa phương.
CIA không thể nào lộ liễu tài trợ cho những kẻ phạm tội diệt chủng như quân Contra được. Điều này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Tổng thống Ronald Reagan đối với cử tri Mỹ. Cách tốt nhất để CIA không bị “sờ gáy” là không dùng tiền từ ngân khố chính phủ Mỹ. Họ bán 1.500 tên lửa cũ trong kho của Mỹ cho Iran để lấy tiền tài trợ phiến quân Contra. Bản thân việc này đã là phạm tội phản quốc do Mỹ đã áp đặt lệnh cấm vận vũ khí lên Tehran từ năm 1984.
Vào năm 1986, âm mưu bán vũ khí cho Iran bị tờ báo Lebanon Ash-Shiraa lật tẩy. “Bão gió” chính trị ngay lập tức nổi lên ở thủ đô Washington D.C. Một loạt các tướng lĩnh quân đội và quan chức CIA bị đưa ra trước Quốc hội Mỹ để điều trần. Tổng thống Reagan gần như “trốn biệt” không xuất hiện trước công chúng suốt ba tháng liên tiếp. Trong khoảng thời gian này ông và các cố vấn đau đầu tìm cách cứu vãn tình thế.
Hai tháng kể từ khi vụ việc bị bại lộ, một loạt tờ báo Mỹ đột nhiên thay đổi thái độ. Đang từ chỗ chỉ trích họ lại chuyển sang ủng hộ những đối tượng đang bị điều tra. Các nhà bình luận ca ngợi hành động của CIA đã “ngăn chặn được mối họa Cộng sản ở Nam Mỹ”. Cùng lúc đó, Đảng Cộng hòa cầm quyền chi hàng chục triệu USD để thuê những luật sư tài giỏi nhất bào chữa cho các tướng lĩnh, quan chức đang hầu tòa. Vụ án kéo dài nhiều năm liền đến khi cố tổng thống George H. W. Bush (nguyên phó tổng thống dưới thời ông Reagan) ký lệnh ân xá cho tất cả những người có liên quan.
Không phải chịu sự trừng phạt nào, CIA càng được thể lấn tới. Vô số lực lượng phiến quân đã được CIA trang bị vũ khí từ khi đó đến nay. Một số cái tên đáng kể đến là quân UNITA ở Angola; các lực lượng quân sự của người Kurd ở Iraq, và mặt trận Các lực lượng Dân chủ Syria. Bộ máy cung ứng khí tài quân sự của CIA hiện “phủ sóng” trên toàn khu vực Bắc Phi, Trung Đông và Trung Âu.
"Đường dây máu"
Hồi đầu, CIA thường lấy vũ khí trong các kho quân sự của Mỹ để trang bị cho phiến quân nước ngoài. Sau đó họ chủ yếu mua súng ống từ Đông Âu và Trung Á. Hai tổ chức độc lập BIRN (Mạng lưới Điều tra vùng Balkan) và OCCRP (Dự án Điều tra tội phạm có tổ chức và tham nhũng) đã cùng nhau thực hiện một cuộc điều tra hoạt động mua bán vũ khí của CIA. Theo kết quả điều tra, CIA đã chi hơn 2,2 tỷ USD để mua súng ống từ các nhà máy nước ngoài để viện trợ riêng cho phiến quân Syria.
BIRN và OCCRP khởi đầu cuộc điều tra bằng việc lần theo một hợp đồng trị giá 700 triệu USD để mua súng AK-47; hỏa mai RPG-7, súng cối và các loại vũ khí cá nhân khác từ Ukraine. Hai tổ chức ký kết hợp đồng này về phía Mỹ là SOCOM (Ban chỉ huy các lực lượng tác chiến đặc biệt) và Picattiny Arsenal (một nhà máy/nhà kho quân sự tại New Jersey). Số vũ khí này sẽ được chở từ Ukraine đến Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan và Kuwait. Ba quốc gia đồng minh của Mỹ rồi sẽ tìm cách phân phối vũ khí cho các nhóm nổi dậy ở Syria được Mỹ ủng hộ.
Tại sao CIA lại phải đi mua vũ khí nước ngoài trong khi Mỹ là quốc gia sản xuất khí tài quân sự hàng đầu thế giới? Thứ nhất, vũ khí sản xuất ở Trung Á và Đông Âu không phải chịu sự giám sát chặt chẽ của chính quyền Mỹ và các tổ chức phi chính phủ. Thứ hai, các đối tượng phiến quân thường quen thuộc với vũ khí Liên Xô (cũ) hơn.
Ban đầu CIA hầu như chỉ làm việc với các doanh nghiệp Romania và Bulgaria. Sau đó nhu cầu quá lớn nên họ còn mua vũ khí từ Cộng hòa Séc, Bosnia, Herzegovina, Serbia, Ukraine, Georgia, Ba Lan, Kazakhstan, Afghanistan và Croatia. Quy định cũ chỉ cho phép CIA mua vũ khí nằm trong kho ít hơn năm năm. Nhưng hạn mức này sau đó đã nâng lên mười năm. Loại mặt hàng mà CIA đang cần mua nhất là đạn dược. Có tin đồn chưa được kiểm chứng rằng Bộ Quốc phòng một số nước nói trên đã “mở cửa” kho đạn quốc phòng để cung cấp trực tiếp cho CIA.
Một mình CIA đang nâng đỡ cho ngành công nghiệp quốc phòng nhiều nước. Nhà máy quốc phòng VMZ Sopot (Bulgari) sau nhiều năm làm ăn thiếu hiệu quả đột nhiên tuyên bố sẽ thuê thêm 1.500 công nhân chỉ trong vòng một năm. Hoặc là trong một cuộc ghé thăm nhà máy sản xuất tên lửa Krusik (Serbia), Thủ tướng Aleksandar Vucic đã “khoe” với báo giới rằng, doanh nghiệp đã tăng sản lượng gấp đôi nhưng vẫn không đáp ứng đủ đơn hàng. Cả VMZ Sopot và Krusik đều là những đối tác hàng đầu của Picattiny Arsenal.
Mặt khác, các hợp đồng với CIA hoàn toàn có thể đẩy nhiều doanh nghiệp và chính phủ các nước Đông Âu vào vòng lao lý. Theo quy định của EU, bất kỳ doanh nghiệp buôn bán sản xuất vũ khí nào cũng phải đảm bảo rằng, vũ khí họ bán sẽ không được sử dụng để thực hiện các hành vi tội ác chiến tranh. Vậy nhưng CIA không bao giờ nói cho nhà sản xuất biết vũ khí sẽ vào tay ai.
Anthony Wilcken, phát ngôn viên của tổ chức Ân xá Quốc tế đã khẳng định: “Có rất nhiều nhóm quân nổi dậy Syria sau khi được CIA trang bị vũ khí đã gây ra thảm họa nhân đạo như trường hợp quân FSA thảm sát 125 dân làng Aqrab, tỉnh Hama vào ngày 10-12-2012… Tình hình chiến sự tại Syria càng ngày trở nên rắc rối với sự tham gia của hàng chục nhóm phiến quân lớn nhỏ. Mỹ và các nước đồng minh không thể nào đảm bảo được rằng vũ khí của họ sẽ đến được tay đúng người”.
Theo quy định, bên người mua phía Mỹ phải trình báo các loại giấy tờ đảm bảo rằng vũ khí họ mua sẽ không rơi vào tay các đối tượng khủng bố. Tuy vậy, vì nhiều lý do khác nhau mà CIA đang là nhà bảo trợ của nhiều nhóm phiến quân đã được chính Washington D.C. đưa vào danh sách khủng bố. Người bán không biết rằng vũ khí sẽ được chuyển đến Syria. Họ chỉ ghi rằng điểm đến của đơn hàng là Mỹ, trong khi vũ khí không bao giờ đặt chân lên nước Mỹ. CIA có thể lách luật một cách trắng trợn như vậy một phần vì không có cơ quan quốc tế nào quản lý hoạt động mua bán vũ khí thật sự hiệu quả, phần khác do không ai muốn động đến CIA cả.
Đủ cách kiếm tiền
Kể cả trong trường hợp CIA chỉ đồng ý trợ cấp vũ khí cho các tổ chức đáng tin cậy, khả năng số vũ khí này đến tay IS, al-Shabab,… vẫn có thể xảy ra. Rất nhiều sỹ quan, tướng lĩnh làm giàu bằng cách tuồn vũ khí từ Mỹ ra thị trường chợ đen. Cách đây hơn sáu năm, chính quyền Jordan tiến hành điều tra một nhà kho quân sự nơi chứa vũ khí sẽ chuyển qua Syria. Ước tính số vũ khí trong kho trị giá tổng cộng 50 triệu USD. Một loạt các sỹ quan hậu cần đã bị hầu tòa với tội danh ăn trộm vũ khí bán ra thị trường chợ đen. Số tiền thu được họ sử dụng để mua xe hơi, iPhone, trang sức, và các mặt hàng xa xỉ khác.
Một trong những khẩu súng được bán ra chợ đen rơi vào tay Anwar Abu Ubayd. Anwar là một sỹ quan cảnh sát đã bị cực đoan hóa thông qua mạng Internet. Vào ngày 9 tháng 11 năm 2015, Anwar xả súng vào Trung tâm Đào tạo cảnh sát quốc tế tại Jordan, giết chết hai người Jordan; một người Nam Phi và hai người Mỹ. Y sau đó bị cảnh sát Jordan bắn hạ.
Khi các nhà điều tra của BIRN và OCCRP đi ngược lên chuỗi cung ứng, họ phát hiện ra hiện tượng tham nhũng xảy ra rất nhiều. Các doanh nghiệp quốc phòng Đông Âu đã bí mật trả rất nhiều tiền cho một số quan chức Mỹ để được thắng thầu. Số tiền này được chuyển thông qua đường dây của các tổ chức rửa tiền mang tầm quốc tế.
Trong một trường hợp, hơn 12 triệu USD từ Đông Âu đã rơi vào tay Erik Prince, nguyên sáng lập viên và CEO tập đoàn lính đánh thuê Blackwater (nay là Academi). Vụ việc này hoàn toàn không được đưa ra trước luật pháp. Có tin đồn rằng bà Betsy deVos, chị gái của Erik Prince và nguyên Bộ trưởng Bộ giáo dục đã sử dụng ảnh hưởng của mình để ngăn cản việc điều tra.
Erik Prince còn đóng vai trò làm trung gian giúp CIA đưa vũ khí vào Syria. Ông ta ra lệnh cho máy bay trực thăng Cobra hộ tống đoàn vận chuyển chở số vũ khí trị giá 80 triệu USD từ Jordan sang Libya. Số vũ khí này dành cho tướng Khalifa Hifter. Ông này từng sống tại Mỹ và làm điệp viên của CIA trong chính quyền Tổng thống Muammar el-Qaddafi.
Sau sự kiện mùa xuân Arab, Khalifa trở thành chỉ huy quân đội cao cấp của chính phủ đoàn kết Libya. Cũng chính ông này đã khiến chính phủ đoàn kết tan vỡ và nội chiến Libya nổ ra vì tham vọng của mình. Kể từ khi tờ The Intercept (Mỹ) đưa tin về mối quan hệ giữa Erik Prince và Khalifa Hifter, chính trường Mỹ đau đầu với câu hỏi: Có nên để CIA tiếp tục chương trình cung cấp vũ khí cho những đối tượng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền hòa bình - ổn định tại các quốc gia khác nữa hay không?