Cienco4 tạc tên mình vào những đường hầm đồ sộ
Trúng thầu hầu như toàn bộ các hầm nội đô Hà Nội và nhiều thành phố lớn, đào hầm cao tốc, thậm chí làm cả hầm cho metro, Cienco4 đang khẳng định là nhà thầu hàng đầu của những công trình hầm giao thông…
Góp mặt ở hầu hết các dự án hầm chui đô thị
Ngày 23/9 vừa qua, Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP Hà Nội vừa thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu của dự án đầu tư xây dựng hầm chui tại nút giao giữa Vành đai 2,5 với đường Giải Phóng (gọi tắt là hầm chui Giải Phóng-Kim Đồng). Đơn vị được “gọi tên” là Liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn Cienco4 - Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng công trình 3 với giá trị trúng thầu hơn 560 tỷ đồng.
Cùng với việc trúng thầu dự án trên, Cienco4 đã hoàn thành hầm chui Lê Văn Lương, đưa vào khai thác sau gần 2 năm thi công. Tại dự án này, Cienco4 là đơn vị nằm trong liên danh được lựa chọn thi công gói thầu số 8 - gói thầu lớn nhất của dự án: Thi công hầm kín, hầm hở, tổ chức giao thông và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ với các hạng mục của hầm. Tổng giá trị gói thầu gần 293 tỷ đồng; trong đó, Cienco4 chịu trách nhiệm thi công toàn bộ phần hầm của dự án.
Quay ngược về trước, giai đoạn 2014 – 2015, Cienco4 từng thi công gần như đồng thời hai hầm chui quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp trong nội thành Thủ đô là hầm chui Thanh Xuân (tại nút giao giữa đường Khuất Duy Tiến và Nguyễn Trãi), hầm chui Trung Hòa (tại nút giao giữa đường Khuất Duy Tiến và đại lộ Thăng Long – đường Trần Duy Hưng). Hầm chui Thanh Xuân được khởi công vào tháng 6/2014, hầm chui Trung Hòa khởi công vào tháng 1/2015 và cả hai công trình cùng khánh thành vào ngày 8/1/2016. Trong đó, hầm chui Thanh Xuân là công trình phức tạp về kỹ thuật (là hạng mục thuộc nút giao 4 tầng), thi công với áp lực rất lớn về giao thông.
Không chỉ tại Hà Nội, Cienco4 cũng góp mặt tại dự án Cụm nút giao thông phía Tây cầu Trần Thị Lý tại quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng. Dự án này đã hoàn thành vào tháng 3/2022, góp phần giải quyết tình trạng quá tải, ùn tắc giao thông vào giờ cao điểm tại nút giao đường 2/9 - Nguyễn Văn Trỗi - Trần Thị Lý; tạo nên một trục giao thông hoàn chỉnh kết nối với sân bay quốc tế Đà Nẵng và đường biển phía đông. Đây là công trình có kỹ thuật phức tạp và thẩm mỹ cao với kết cấu 3 tầng; trong đó, trần tầng hầm được bố trí các ô giếng trời lấy ánh sáng và tạo cảnh quan độc đáo cho công trình. Tại dự án này, Cienco4 đứng đầu liên doanh 4 nhà thầu thi công gói thầu chính, lớn nhất của dự án (trị giá trên 535 tỷ đồng).
Cienco4 cũng đóng góp vào các công trình hầm chui đô thị tại TP HCM với Dự án Xây dựng hầm chui nút giao thông Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ (giai đoạn 1). Dự án gồm 2 hầm chui với tổng mức đầu tư hơn 830 tỷ đồng; trong đó, Cienco4 đứng đầu liên doanh xây dựng hầm chui HC1. Thời gian qua, dự án bị trì hoãn do dịch COVID-19 diễn ra phức tạp tại TP HCM, nay đang được đẩy nhanh tiến độ, dự kiến sẽ hoàn thành toàn bộ vào cuối năm sau.
Đào hầm cao tốc, làm hầm metro
Các cao tốc với yêu cầu về độ thẳng của hướng tuyến được triển khai là lúc các hầm xuyên núi được thi công nhiều hơn. Và Cienco4, tên tuổi lừng lẫy về cầu, đường cũng nhanh chóng nhập cuộc đào hầm trên cao tốc. Năm 2016, tại cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Cienco4 bắt tay cùng Tổng Công ty Sông Đà, Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long (TLG) và Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng Tuấn Lộc (Tuấn Lộc) làm hầm dài hơn 500m2 qua núi Eo thuộc huyện Duy Xuyên, Quảng Nam. Đây là lần đầu tiên Cienco4 đào hầm xuyên núi nhưng với đội ngũ kỹ sư được gửi đi đào tạo nước ngoài cùng giàn máy móc được đầu tư mới tinh, Cienco4 đã đưa dự án về đích đúng hẹn. Và bây giờ, Cienco4 đang đĩnh đạc thi công hầm Thần Vũ xuyên qua núi Thần Vũ với chiều dài 1.280m (nối xã Diễn Phú, huyện Diễn Châu và xã Nghi Đồng, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An). Đây là hầm dài nhất của đoạn cao tốc Diễn Châu – Bãi Vọt, thuộc cao tốc Bắc Nam.
Ngoài hầm đường bộ đô thị, hầm xuyên núi, Cienco4 cũng là đơn vị hiếm hoi của ngành xây dựng công trình giao thông nhà nước trước đây sau khi cổ phần hóa xông pha vào làm hầm đường sắt đô thị. Từ năm 2016, Cienco4 bắt tay Sumitomo Mitsui của Nhật Bản thi công đoạn ngầm từ nhà ga Bến Thành đến ga Nhà hát Thành phố Hồ Chí Minh thuộc tuyến Metro Bến Thành – Suối Tiên. Đây là gói thầu gồm các ga lớn và đường hầm chạy tàu dài 515 m. Khi hoàn thành, đây sẽ là một dấu mốc quan trọng nữa của Cienco4 trên con đường chinh phục những đường hầm đồ sộ.
Cienco4 đang hướng đến ngày 60 năm thành lập (27/12/1962 – 27/12/2022). Trong suốt chiều dài lịch sử đó, Cienco4 luôn là đơn vị đi đầu ngành giao thông Việt Nam đầu tư nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ mới. Ngoài công nghệ thi công cầu, đường bộ và sân bay đã thành truyền thống, Cienco4 cũng gây dựng được thương hiệu lớn về thi công hầm. Cienco4 đầu tư công nghệ thi công hầm qua núi bằng phương pháp khoan nổ vi sai; công nghệ thi công bảo vệ mái dốc bằng phương pháp phun bê tông ướt và bê tông khô; công nghệ thi công hầm đường bộ bằng phương pháp đổ bê tông trực tiếp; công nghệ xử lý đất yếu bằng hóa chất Zet Grouting; thi công khung chống và đào đất trong khung vây với chiều sâu đào lớn nhất lên tới 32m; công nghệ như khoan hầm metro bằng công nghệ TBM; công nghệ thi công dầm phân đoạn SBS... Trong tương lai, công nghệ thi công hầm, đặc biệt là hầm qua núi được Cienco4 tiếp tục xác định là mũi nhọn đầu tư.