CII kéo dài thời gian nộp tiền mua trong đợt phát hành 2.840,2 tỷ đồng trái phiếu
Trước ngày chốt quyền mua trái phiếu chuyển đổi, CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM (mã CII – sàn HoSE) thông qua kế hoạch kéo dài thời gian đăng ký và nộp tiền mua trái phiếu.
Ngày 10/10, Công ty Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM thông báo điều chỉnh thời gian chuyển nhượng quyền mua trái phiếu chuyển đổi từ ngày 26/10/2023 đến ngày 9/11/2023 sang thời gian mới từ ngày 26/10/2023 đến ngày 14/11/2023. Ngoài ra, điều chỉnh thời gian đăng ký mua và nộp tiền mua trái chuyển chuyển đổi từ ngày 26/10/2023 đến ngày 15/11/2023 sang thời gian mới từ ngày 26/10/2023 đến ngày 20/11/2023.
Như vậy, thời gian đăng ký đặt mua và nộp tiền mua trái phiếu được kéo dài thêm 5 ngày.
Công ty cho biết thêm, ngày phát hành chính thức trái phiếu chuyển đổi dự kiến ngày 15/12/2023.
Trong đó, lý do kéo dài thời gian đăng ký và nộp tiền được Công ty Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM đưa ra trên cơ sở kiến nghị của cổ đông về việc gia hạn thời gian chuyển nhượng quyền mua, đăng ký đặt mua, nộp tiền mua trái phiếu chuyển đổi phát hành cho cổ đông hiện hữu.
Trước đó, Công ty cho biết ngày 16/10, Công ty Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM sẽ chốt danh sách cổ tức thực hiện quyền mua trái phiếu, tỷ lệ 10:1, cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu được quyền mua thêm 1 trái phiếu, mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu.
Trong đó, đây là trái phiếu chuyển đổi thành cổ phiếu, không có tài sản đảm bảo, không kèm chứng quyền, kỳ hạn 10 năm, lãi suất cố định 10%/năm trong 4 kỳ đầu tiên và sẽ thả nổi với mức lãi suất bằng 2,5%/năm cộng với lãi suất bình quân tiền gửi kỳ hạn 12 tháng tại Ngân hàng Công Thương Việt Nam và Ngân hàng Ngoại Thương Việt Nam, tổng số tiền huy động dự kiến 2.840,2 tỷ đồng.
Số tiền huy động, Công ty dùng 1.640,2 tỷ đồng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của CTCP Đầu tư và Xây dựng Xa lộ Hà Nội phát hành; và còn lại 1.200 tỷ đồng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp do Công ty TNHH MTV BOT tỉnh Ninh Thuận phát hành.
Được biết, CTCP Đầu tư và Xây dựng Xa lộ Hà Nội và Công ty TNHH MTV BOT tỉnh Ninh Thuận đều là công ty con của CII. CII sở hữu lần lượt 51% và 100% vốn điều lệ tại 2 đơn vị này.
Tổng giám đốc và vợ dự kiến bán toàn bộ hơn 10 triệu cổ phiếu để lấy tiền mua trái phiếu
Một diễn biến đáng lưu ý khác, ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc kiêm thành viên HĐQT Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM đăng ký thoái toàn bộ 6.047.747 cổ phiếu CII để giảm sở hữu từ 2,13%, về còn 0% vốn điều lệ, giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 10/10 đến ngày 8/11.
Thêm nữa, bà Phạm Thị Thúy Hằng, vợ ông Lê Quốc Bình cũng đăng ký bán toàn bộ 4 triệu cổ phiếu để giảm sở hữu từ 1,41%, về còn 0% vốn điều lệ, giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 10/10 đến ngày 8/11.
Lý do được ông Lê Quốc Bình và vợ đưa ra để chuyển sang đầu tư trái phiếu chuyển đổi mã CII42301 do Công ty phát hành.
Như vậy, với giá đóng cửa ngày 10/10 là 18.500 đồng/cổ phiếu, ước tính nếu thoái toàn bộ cổ phiếu CII thành công, ông Lê quốc Bình và vợ có thể thu về số tiền lên tới khoảng 185,9 tỷ đồng.
Đang làm việc với tổ chức tài chính quốc tế để bảo lãnh phát hành gần 2.400 tỷ đồng trái phiếu
Trước đó, Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM công bố kế hoạch tái cơ cấu nguồn vốn. Trong đó, CII cho biết, Công ty đã hợp tác thành công với các tổ chức tài chính tên tuổi trong và nước ngoài như Vietcombank, VPBank, Vietinbank, GuarantCo… để bổ sung các khoản tín dụng mới với thời hạn dài hơn, tương đương với thời gian vận hành thu phí của các dự án BOT; đồng thời điều phối một cách hợp lý dòng tiền ròng thu hồi từ các dự án.
Gần đây nhất là thương vụ với Vietcombank, khi ngân hàng này cấp tín dụng với tổng hạn mức lên đến 9.340 tỷ đồng cho các dự án cơ sở hạ tầng giao thông của CII.
Trong thời gian tới, CII lên kế hoạch sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tái cơ cấu nguồn vốn với tổng giá trị lên đến gần 7.000 tỷ đồng. Trong đó, CII đang làm việc với một số tổ chức tài chính quốc tế được Fitch xếp hạng tín dụng AA- để bảo lãnh thanh toán cho các trái phiếu mà CII dự kiến phát hành với tổng giá trị khoảng gần 2.400 tỷ đồng và thời hạn trên 10 năm. Theo đó, các trái phiếu của CII nghiễm nhiên sẽ có xếp hạng tín dụng tương đương với tổ chức quốc tế bảo lãnh.
Thêm nữa, CII dự kiến sẽ phát hành trái phiếu chuyển đổi cho cổ đông hiện hữu với thời hạn 10 năm và tổng giá trị lên đến 4.500 tỷ đồng. Trước mắt, CII đang làm việc với Ủy ban Chứng khoán về hồ sơ phát hành trái phiếu chuyển đổi đợt 1 với giá trị phát hành khoảng 2.840 tỷ đồng.
Ngoài ra, sau khi Đại hội đồng cổ đông bất thường lần 1 không thể tổ chức, Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM lên kế hoạch tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường lần 2 vào ngày 17/10 tại TP. HCM.
Về nội dung trình cổ đông trong Đại hội bất thường sắp tới, Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM trình cổ đông điều chỉnh ngành nghề kinh doanh từ kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê sang kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê (chi tiết kinh doanh bất động sản (không bao gồm đầu tư xây dựng hạ tầng nghĩa trang, nghĩa địa để chuyển nhượng quyền sử dụng đất với hạ tầng)).
Ngoài ra, CII cũng trình cổ đông việc nhanh chóng nghiên cứu và đề xuất các dự án BOT theo Nghị quyết 98 sẽ giúp công ty có được lợi thế của nhà đầu tư đi trước, có thêm thời gian đánh giá tính khả thi, cũng như lựa chọn dự án phù hợp với quy mô hoạt động.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 10/10, cổ phiếu CII tăng 150 đồng lên 18.500 đồng/cổ phiếu.